Sunday, December 22, 2024
Trang chủĐàm luậnNhững ‘lá bài’ của Triều Tiên trong các cuộc đàm phán hạt...

Những ‘lá bài’ của Triều Tiên trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ

Cô Soo Kim, cựu chuyên gia phân tích của CIA, nhận định rằng Triều Tiên nắm giữ hầu hết “các lá bài” trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ, theo tờ Nikkei hôm 18/12.

Hiện là một nhà phân tích chính sách tại Tập đoàn RAND, cô Soo Kim lưu ý về phát biểu của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trước Hội đồng Nhân dân Tối cao vào tháng 4/2019, trong đó ông Kim cảnh báo Washington rằng ông sẽ “kiên nhẫn và chờ đến cuối năm nay để xem liệu Mỹ có đưa ra quyết định dũng cảm hay không”.

Theo cô Soo, quyết định dũng cảm này, mà Bình Nhưỡng gọi là “một tính toán mới”, không phải là một thách đố khó khăn. Thay vào đó, thách thức chết người nằm trong “mong muốn kép” của ông Kim, đó là ông Kim muốn duy trì các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của mình phần lớn còn nguyên vẹn, trong khi nhận được sử giảm nhẹ trừng phạt. Hậu quả của một thỏa thuận không cân xứng như vậy sẽ không chỉ mang lại thiệt hại cho lợi ích của Mỹ và Hàn Quốc, nó cũng có thể dẫn đến một sự thay đổi lớn trong cán cân sức mạnh và các liên minh lâu đời ở Đông Bắc Á.

Hoàn toàn biết rằng đề xuất của mình sẽ đặt ra một vấn đề nan giải cho những người ra quyết định ở Washington, ông Kim đã tăng cường áp lực ở một mức độ khác, nói thêm rằng chắc chắn Mỹ sẽ “khó khăn” để có được cơ hội tương đương với gói đề xuất mà ông Kim đã đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh tháng 2/2019 với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hà Nội.

Để tăng thêm sự hồi hộp, đại sứ của Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc gần đây đã đe dọa rằng vấn đề phi hạt nhân hóa sẽ không được thảo luận trong các cuộc đàm phán trong tương lai với Mỹ

 Trong khi nhấn mạnh vào thời hạn đàm phán vào cuối năm nay, ông Kim đã mở rộng và tăng cường các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên; dần dần làm suy yếu việc chuẩn bị phòng thủ của Seoul trước các mối đe dọa quân sự truyền thống và hạt nhân của Bình Nhưỡng, và mở rộng sự chia rẽ trong liên minh Mỹ – Hàn.

Cô Soo lưu ý Triều Tiên đã tiến hành hơn 12 cuộc thử nghiệm vũ khí trong năm nay. Gần đây nhất ông Kim Jong Un tuyên bố Triều Tiên đã tiến hành một “cuộc thử nghiệm rất quan trọng” tại trạm phóng vệ tinh Sohae, và rằng nó sẽ thay đổi “tư thế chiến lược” của Bình Nhưỡng. Chỉ một ngày trước đó, hình ảnh vệ tinh cho thấy Bình Nhưỡng có thể chuẩn bị khôi phục lại việc thử tên lửa tại địa điểm này. Vào ngày lễ Tạ ơn trong tháng 11/2019, Triều Tiên đã bắn 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn, về phía Biển Hoa Đông.

Cô Soo cho rằng Bình Nhưỡng đã báo hiệu sẽ có nhiều bất ngờ sắp tới để buộc Washington phải ra quyết định trong các cuộc đàm phán. Trong trường hợp Mỹ đang cân nhắc kỹ lưỡng về việc trì hoãn đàm phán, Triều Tiên đã có ám chỉ xấu rằng họ có thể gửi “món quà Giáng sinh” tới Mỹ.

Theo cô Soo, ngay cả việc giải quyết vấn đề hạt nhân cũng sẽ không loại bỏ hoàn toàn vấn đề Triều Tiên. Trong khi Seoul đầy ý thức trách nhiệm tiến hành chấm dứt Thỏa thuận Quân sự Toàn diện Liên Triều – nhằm ngăn chặn sự đối đầu quân sự giữa 2 miền Triều Tiên – thì Triều Tiên đã lén lút củng cố sự hiện diện quân sự của mình trên các hòn đảo, gần ‘Đường giới hạn phía Bắc’, ngay sát vùng biển Hàn Quốc.

Một tên lửa được phóng tại một địa điểm không xác định ở Triều Tiên: Triều Tiên đã ám chỉ rằng họ có thể gửi một món quà Giáng sinh tới Mỹ. (Ảnh: KCNA / Reuters)

Hơn nữa, trong khi chỉ trích các cuộc diễn tập và tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc, Triều Tiên đã tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật trên một hòn đảo nhỏ, cách Hàn Quốc chưa đầy 30 km.

 Việc Triều Tiên rõ ràng chuẩn bị lực lượng quân sự thông thường, đã làm gia tăng sự quan ngại trong các chuyên gia quốc phòng và an ninh của Hàn Quốc, những người coi những cuộc diễn tập gần đây của Bình Nhưỡng, là điểm báo trước cho một “cuộc phục kích” của Triều Tiên vào Hàn Quốc.

Đối với nhà lãnh đạo Kim Jong Un, một cuộc tấn công vào Hàn Quốc có thể là một thủ đoạn có hiệu quả về chi phí, để đánh giá sự quyết tâm của ông Trump trong các cuộc đàm phán hạt nhân, và cam kết của Washington đối với an ninh khu vực, thay vì tiếng hành khiêu khích Mỹ trực tiếp.

“Khi chúng ta bước sang năm mới, chúng ta chỉ có thể mong đợi Triều Tiên tiếp tục tìm cách ép Washington vào một thỏa thuận không cân xứng, trong đó cho phép Bình Nhưỡng duy trì vũ khí hạt nhân và tên lửa của mình, trong khi vẫn gặt hái những nhượng bộ về kinh tế và chính trị” từ phía Mỹ, cô Soo nhận định.

Cô Soo cho rằng ông Kim Jong Un có một loạt các lựa chọn, để làm bối rối các đối thủ của mình – từ các vụ thử tên lửa tầm trung hoặc phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đến việc thử vũ khí hạt nhân hoặc có lẽ là một cuộc tấn công quân sự hạn chế, chống lại Seoul – và từ đó ông Kim có thể luận ra phản ứng của Washington.

Về phía Mỹ, cô Soo nhận xét “Mỹ có những sự lựa chọn thực tế khó khăn hơn. Đó là thừa nhận việc giảm bớt các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng trong khi nhắm mắt làm ngơ trước các chương trình hạt nhân và tên lửa của ông Kim, hoặc tiếp tục gây căng thẳng với Triều Tiên”.

 Theo cô Soo, dù bằng cách nào, ông Kim sẽ nắm giữ vũ khí hạt nhân và tên lửa của mình, thứ mà ông Kim sẽ sử dụng để lặp lại chu kỳ khiêu khích và đàm phán cho đến khi đạt được mục tiêu cuối cùng, là đạt được vị thế cường quốc hạt nhân và phá vỡ liên minh Mỹ – Hàn.

“Ngay cả khi thời hạn cuối năm của ông Kim trôi qua, chúng ta vẫn sẽ phải đối mặt với một Triều Tiên vũ trang hạt nhân, với tác động lớn hơn và quyết tâm cao hơn để tống tiền và đe dọa khu vực”, cô Soo kết luận.

RELATED ARTICLES

Tin mới