Liên hợp quốc là một tổ chức quốc tế, diễn đàn đa phương rộng lớn và uy tín nhất hiện nay trên thế giới. Trong năm 2019, Liên hợp quốc đã tích cực thể hiện vai trò tiếng nói và là diễn đàn rộng quốc tế lớn nhất thảo luận về vấn đề Biển Đông, đóng góp nỗ lực trong duy trì hoà bình và ổn định khu vực, thế giới.
1. Tại Phiên thảo luận chung cấp cao khóa 74 Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra tại New York (Mỹ) hôm 28/9, với sự tham gia của lãnh đạo và đại diện 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh nhấn mạnh luật pháp quốc tế là nền tảng của quan hệ bình đẳng, công bằng giữa các quốc gia, do đó cộng đồng quốc tế cần lên tiếng trước những hành động đơn phương, áp đặt, vi phạm luật pháp quốc tế, đồng thời thúc đẩy giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Khẳng định việc tôn trọng luật pháp quốc tế là biện pháp quan trọng nhất để tránh xung đột và tìm ra giải pháp chấm dứt xung đột. Việt Nam ủng hộ tất cả các nỗ lực giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình theo điều lệ Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bao gồm đàm phán, hòa giải và tòa án; thúc giục các bên liên quan trên Biển Đông tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, được coi là bản Hiến pháp trên biển. Việt Nam xác định kết nối Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Biển Đông có vị trí chiến lược quan trọng đối với hòa bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nỗ lực của các quốc gia liên quan sẽ mang đến những kết quả tích cực cho việc giải quyết các khác biệt và xung đột. Phó Thủ tướng Việt Nam cũng cho biết Việt Nam đã rất nhiều lần lên tiếng quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, bao gồm cả sự cố nghiêm trọng xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trong vùng biển của chúng tôi được xác định bởi UNCLOS. Các bên liên quan cần kiềm chế các hoạt động đơn phương có thể làm phức tạp tình hình hoặc gây leo thang căng thẳng trên biển, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS.
2. Tại Hội nghị Cấp cao Liên hợp quốc-ASEAN lần thứ 10 diễn ra tại Bangkok, Thái Lan trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các Hội nghị liên quan (3/11), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã phát biểu, khẳng định ủng hộ lập trường của ASEAN về Biển Đông. Cụ thể, trước những diễn biến trên Biển Đông thời gian qua, Hội nghị Cấp cao ASEAN-Liên hợp quốc ghi nhận và nêu rõ có những diễn biến đáng lo ngại, cho rằng các hành động đơn phương đi ngược lại luật pháp quốc tế vừa qua đang ảnh hưởng tiêu cực tới hòa bình, ổn định và an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Liên hợp quốc bày tỏ ủng hộ lập trường của ASEAN về Biển Đông, giải quyết các bất đồng bằng đối thoại trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đặc biệt, các nhà Lãnh đạo tin rằng với việc Indonesia và Việt Nam là Ủy viên không thường của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2020, ASEAN và Liên hợp quốc sẽ gia tăng hơn nữa hợp tác, góp phần thúc đẩy hoà bình, an ninh và phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới.
3. Tại Phiên họp Toàn thể của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 74 với chủ đề Đại dương và Luật Biển diễn ra tại New York (Mỹ), hôm 10/12, Đại diện Liên hợp quốc cũng như nhiều quốc gia đề cao giá trị phổ quát, nhất quán và toàn diện của Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc (UNCLOS). Đồng thời, các đại biểu, đại diện nhiều nước đã nêu bật tầm quan trọng của Công ước là “khuôn khổ pháp lý quốc tế” điều chỉnh tất cả mọi hoạt động trên đại dương và trên biển. Đồng thời, UNCLOS cũng đóng vai trò quan trọng trong quản lý, sử dụng hòa bình, bền vững và công bằng những tài nguyên biển, cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp biển đảo. Các quốc gia nhấn mạnh đến các diễn biến nổi bật trong lĩnh vực đại dương và luật biển trong năm 2019. Đó là nâng cao nhận thức rõ hơn về tác động của biến đổi khí hậu, vấn đề nước biển dâng đối với môi trường biển và đại dương, vấn đề bảo tồn nguồn tài nguyên biển và Hội nghị Đại dương lần thứ hai của Liên hợp quốc về thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững về biển và đại dương, nhiều tiến bộ đạt được trong khuôn khổ Hội nghị Liên Chính phủ xây dựng văn kiện ràng buộc pháp lý quốc tế trong khuôn khổ Công ước Luật Biển về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển tại các vùng biển ngoài phạm vi tài phán quốc gia.
Theo hãng tin Sputnik của Nga, Đại diện phái đoàn Việt Nam đã có bài phát biểu quan trọng tại phiên họp lần này, trong đó nhấn mạnh tình hình căng thẳng tại Biển Đông cũng như tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải và hàng không cũng như không quân sự hóa hay làm phức tạp tình hình tại khu vực. Tham gia phát biểu tại phiên họp, đại diện Phái đoàn Việt Nam tiếp tục khẳng định tầm quan trọng không thể phủ nhận của UNCLOS trong suốt 25 năm qua. Đây được xem là bản Hiến pháp về biển và đại dương, nhất là những khu vực có tranh chấp như Biển Đông thì UNCLOS lại càng đóng vai trò tiên quyết trong việc giải quyết những bất đồng giữa các bên. Việt Nam kêu gọi tất cả các quốc gia tuân thủ đầy đủ các quy định của Công ước và các hiệp định thực thi Công ước, tôn trọng quyền của các quốc gia ven biển trong các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước, trong đó có các hoạt động kinh tế biển. Ngoài ra, không chỉ có Việt Nam, các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Đức, Australia cũng công khai đề cập vấn đề tranh chấp ở Biển Đông trước toàn thể đại diện tham dự phiên họp của Đại Hội đồng. Các nước đều bày tỏ sự quan ngại về các yêu sách về quyền lịch sử, yêu sách lịch sử đối với tài nguyên biển. Đại diện Mỹ, Nhật Bản, Đức, Australia cũng như Liên hợp quốc tin rằng, mọi yêu sách cần phủ hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển UNCLOS cần đóng vai trò điều tiết và định hướng trong giải quyết các tranh chấp phát sinh. Các quốc gia khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không phải luôn được đảm bảo, kêu gọi các bên giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế mà không bị cưỡng ép, đe dọa hay sử dụng vũ lực.