Vụ việc truyền thông và các cơ quan nhà nước Trung Quốc lên án, tẩy chay cầu thủ Mesut Ozil của Câu lạc bộ bóng đá Ngoại hạng Anh Arsenal do những phát ngôn chỉ trích về Tân Cương những ngày qua đang gây sự chú ý của dư luận. Gần đây nhất hôm 17/12, Ngoại trưởng Mỹ Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lên tiếng ủng hộ Mesut Ozil.
Phản ứng mang tính trừng phạt của Chính quyền TQ
Khởi điểm của vụ việc bắt đầu khi cầu thủ Mesut Ozil, tuyển thủ người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ, hiện đang chơi cho Câu lạc bộ Arsenal tại giải bóng đá Ngoại hạng Anh, hôm 13/12 đã đăng trên Twitter với dòng trạng thái được viết trên nền xanh da trời với hình trăng lưỡi liềm trắng giống hệt lá cờ của những người Duy Ngô Nhĩ ly khai ở Tân Cương hay còn gọi là Đông Turkestan, chỉ trích cộng đồng Hồi giáo vì im lặng trước tình trạng vi phạm nhân quyền tại vùng đất này. Bình luận của tiền vệ sinh năm 1988 đã ngay lập tức gây chấn động và phản ứng quyết liệt tại Trung Quốc. Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc (CFA) cho rằng những lời lẽ của Ozil “đã làm tổn thương sâu sắc tình cảm của nhân dân Trung Quốc”. “Chúng tôi bày tỏ cực kỳ phẫn nộ và thất vọng lớn về lời lẽ của Ozil. Đông Turkistan không phải là vấn đề dân tộc, không phải là vấn đề tôn giáo, mà là chủ nghĩa ly khai, chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan và bị những người yêu hòa bình trên toàn thế giới đồng loạt phản đối”, CFA cho biết trong một tuyên bố. Cùng lúc đó, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) hôm 15/12 cũng đã hủy phát sóng trận đấu giữa Arsenal và Manchester City mà không nêu lý do. Một trang hâm mộ Ozil trên nền tang trực tuyến Baidu của Trung Quốc đã bị chủ trang xóa “vì lợi ích quốc gia”. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 16/12 cho rằng Ozil đã bị “các tin tức giả lừa gạt” và “phán đoán của anh ta bị ảnh hưởng bởi những nhận xét sai lệch”. “Nếu Ozil có cơ hội, chúng tôi rất vui và sẵn sàng mời anh ta đến Tân Cương để xem và tự đánh giá”, ông Cảnh nói thêm. Tờ báo Hoàn cầu thời báo (phụ san của Nhân dân nhật báo, Cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc) gọi những bình luận của Ozil là “sai trái” và “làm thất vọng người hâm mộ Trung Quốc và các cơ quan quản lý bóng đá”. Thậm chí, Hoàn cầu còn dẫn lời cổ động viên Trung Quốc khuyên Arsenal đừng đi vào vết xe đổ của Câu lạc bộ bóng rổ Houston Rockets.
Phản ứng của Mỹ và giới thể thao
Hôm 18/12, Ngoại trưởng Mỹ Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lên tiếng ủng hộ Mesut Ozil. “Các kênh Trung Quốc có thể không chiếu những trận đấu của Mesut Ozil và CLB Arsenal suốt mùa giải, nhưng sự thật sẽ thắng thế. Trung Quốc không thể che giấu những hành vi vi phạm rõ ràng về nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ và những tín ngưỡng tôn giáo khác trên thế giới”, ông Pompeo viết trên mạng xã hội Twitter. Về phía Arsenal, tài khoản mạng xã hội Weibo (giống như Twitter) của Câu lạc bộ sau đó, đã đưa ra tuyên bố đứng ngoài các bình luận của Ozil và cho biết không liên quan tới phát ngôn của cầu thủ này vì đó hoàn toàn là ý kiến cá nhân, không đại diện cho cả đội bóng. Còn tài khoản của chính Ozil ở Weibo vẫn giữ nguyên, mặc dù đã không cập nhật gì từ ngày 11/12. Ban lãnh đạo Arsenal vẫn không vì thế mà cách ly Ozil ra khỏi đội hình. Cầu thủ người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có mặt trong đội hình xuất phát của Huấn luyện viên Freddie Ljungberg và chỉ bị thay ra phút 59 vì lý do chuyên môn.
Những vụ việc tương tự như vụ của cầu thủ Ozil
Arsenal không phải là Câu lạc bộ thể thao đầu tiên đối mặt với sự thịnh nộ của các đài truyền hình và khán giả Trung Quốc do quan điểm chính trị của một thành viên trong đội. Hồi tháng 10/2019, một phản ứng dữ dội ở Trung Quốc đã bùng lên sau khi Daryl Morey (Tổng Giám đốc của Câu lạc bộ Houston Rockets thuộc giải bóng rổ nhà nghề Mỹ – NBA) đăng tweet ủng hộ những người biểu tình ủng hộ dân chủ Hồng Kông. Đáp lại, CCTV đã hủy việc phát sóng các trận của Houston Rockets tại Trung Quốc và các trận của Câu lạc bộ này cũng không có trên mạng của Tencent. Và Ozil cũng không phải là người duy nhất lên tiếng chỉ trích vấn đề Tân Cương. Hồi đầu tháng 12/2019, với số phiếu ủng hộ áp đảo 407 và chỉ có 1 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua Dự luật Duy Ngô Nhĩ 2019, cho phép chính quyền Tổng thống Donald Trump lên tiếng chỉ trích và phản ứng cứng rắn hơn trước hành động của Trung Quốc với người Hồi giáo thiểu số ở Tân Cương. Dự luật trên đã nêu đích danh Bí thư Tỉnh ủy Tân Cương, ông Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo) và quy trách nhiệm ông này trong việc tạo ra các “trung tâm giam giữ người thiểu số Hồi giáo”, đồng thời kêu gọi trừng phạt thêm các quan chức cấp cao của Trung Quốc chịu trách nhiệm về các hoạt động đối với người Hồi giáo ở Tân Cương.
Sau đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng dự luật này cố tình bôi nhọ tình trạng nhân quyền ở Tân Cương và làm mất uy tín các nỗ lực của Bắc Kinh trong việc chống lại chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố tại khu vực. “Cốt lõi của tình hình Tân Cương không phải là về vấn đề nhân quyền, dân tộc thiểu số hay tôn giáo, mà chính là việc chống khủng bố và chống ly khai. Chúng tôi cảnh báo Mỹ rằng Tân Cương là của Trung Quốc và thuộc vấn đề nội bộ của Trung Quốc và không có chỗ cho các lực lượng ở nước ngoài can thiệp”, bà Hoa khi ấy đã nhấn mạnh đồng thời cảnh bảo Bắc Kinh sẽ đáp trả nếu tình hình trở nên leo thang hơn.