Trung Quốc (17/12) chính thức biên chế tàu sân bay Type 001A – Sơn Đông cho Hạm đội Nam Hải. Hành động trên của Bắc Kinh nhằm tìm cách tăng cường năng lực tác chiến cho hải quân, thể hiện thái độ cứng rắn của Bắc Kinh trong việc xâm chiếm biển đảo của nước khác, cũng như tìm cách răn đe, cảnh cáo Mỹ và đồng minh khi hoạt động trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Tàu sân bay Sơn Đông là chiếu tàu sân bay nội địa đầu tiên do Trung Quốc tự chủ sản xuất, dựa trên nguyên mẫu tàu sân bay Vargar của Ucraina. Theo thiết kế, tàu sân bay Sơn Đông có thể mang theo 36 tiêm kích J-15 trong khi tàu Liêu Ninh chỉ mang được 24 chiếc. Tính tổng cộng, tàu Sơn Đông có thể mang theo 40 chiếc máy bay bao gồm các trực thăng Z-9 và máy bay cảnh báo sớm KJ-600. Con tàu này được đóng ở Xưởng đóng tàu Đại Liên thuộc tỉnh Liêu Ninh của Trung Quốc. Hhoạt động đóng tàu được tiến hành vào năm 2013. Sơn Đông được trang bị các hệ thống radar tân tiến cùng sàn rộng trên boong cho các các tiêm kích cất – hạ cánh. Tuy nhiên, giới quan sát khu vực cho rằng tàu Sơn Đông không có quá nhiều cải tiến bước ngoặt so với tàu Liêu Ninh, nó được dựa trên thiết kế lỗi thời nên có những điểm hạn chế cố hữu.
Truyền thông Trung Quốc nhanh chóng ca ngợi đây là thành tựu phát triển kỳ diệu của Bắc Kinh trong lĩnh vực làm chủ công nghệ chế tạo tàu sân bay. Hàng loạt các trang báo lớn đều đưa tin, lễ bàn giao tàu Sơn Đông, điểm lại quá trình sản xuất, thử nghiệm tàu Sơn Đông trong hơn 7 năm qua. Theo giới chuyên gia Trung Quốc việc chính thức đưa vào biên chế hoạt động tàu Sơn Đông không chỉ giúp Trung Quốc gia tăng đáng kể sức mạnh của lực lượng hải quân, mà còn đánh dấu việc nước này trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới ngoài Mỹ, Anh và Italia sở hữu 2 hàng không mẫu hạm trở lên. Bắc Kinh hiện đang cho đóng tàu sân bay thứ 3.
Truyền thông Trung Quốc nhận định, tàu sân bay Sơn Đông sẽ tập trung hoạt động trên Biển Đông. Nhân dân Nhật báo Trung Quốc (18/12) cho rằng, “mục tiêu chiến lược của tàu sân bay Sơn Đông là các vùng biển quanh Biển Đông. Gần đây, các máy bay và tàu chiến nước ngoài đã thực hiện cái gọi là ‘tự do hàng hải ở Biển Đông’ khiến tình hình thêm rắc rối và ảnh hưởng tới chủ quyền của Trung Quốc. Nhóm tác chiến tàu sân bay do tàu sân bay Sơn Đông dẫn đầu sẽ được triển khai tới Biển Đông. Con tàu này rất có thể sẽ ‘mặt đối mặt’ va chạm với các tàu chiến nước ngoài”. Nhân dân Nhật báo cũng cho rằng Sơn Đông và Liêu Ninh sẽ hỗ trợ cho nhau, dù tàu Liêu Ninh đóng ở Thanh Đảo thuộc miền đông Trung Quốc, còn tàu Sơn Đông đóng ở Tam Á. Ngoài ra, hải quân Trung Quốc sẽ kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của một nhóm tác chiến tàu sân bay do hai tàu Liêu Ninh và Sơn Đông cùng dẫn dắt.
Trong khi đó, Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc ngang nhiên cho rằng việc chọn Hải Nam làm cảng nhà được xem như thông điệp Bắc Kinh sẽ không nhún nhường ở khu vực Biển Đông. Tam Á tạo điều kiện xâm nhập Biển Đông một cách dễ dàng và là khu phức hợp hải quân lớn nhất kiểu như vậy ở châu Á. Tờ này còn dẫn nguồn tin quân sự không xác định nói rằng, việc triển khai tàu sân bay mới ở Tam Á “cũng nhằm mục đích răn đe các lực lượng ủng hộ độc lập ở Đài Loan”.
Đáng chú ý, các chuyên gia quốc phòng nhận định Trung Quốc có khả năng để tàu sân bay mới Sơn Đông kết hợp với tàu sân bay Liêu Ninh cắt đứt sự tiếp cận của quân đội nước ngoài đến Đài Loan. Tạp chí quân sự Naval and Merchant Ships, trụ sở ở Bắc Kinh, cho biết thay vì hoạt động đơn lẻ, tàu sân bay mới Sơn Đông của Trung Quốc có khả năng kết hợp với tàu sân bay Liêu Ninh để tạo thành một nhóm tác chiến tàu sân bay kép mạnh mẽ, ngăn chặn tàu Mỹ hoặc Nhật Bản tới Đài Loan. Một nhiệm vụ khác của nhóm tác chiến tàu sân bay kép Trung Quốc là ngăn chặn máy bay ném bom tầm xa của Mỹ cất cánh từ căn cứ hải quân ở đảo Guam. Điều này nhằm mục đích ngăn chặn máy bay Mỹ nhắm vào các đội hình vận tải đổ bộ của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) và tàu ngầm Trung Quốc. Trong khi đó, chuyên gia quân sự Zhou Chenming ở Bắc Kinh, bình luận rằng nhóm tàu sân bay kép giống như “một chiếc khiên lớn hơn” mà PLA có thể sử dụng để chống lại bất kỳ hạm đội nước ngoài nào có ý định can thiệp vào Đài Loan. Chuyên gia Tống Trung Bình của Trung Quốc nhận định, Biển Đông chính là khu vực tốt nhất để phục vụ chương trình huấn luyện và thử nghiệm năng lực tác chiến của tàu sân bay Trung Quốc. Tàu Sơn Đông đã thu được năng lực hoạt động ban đầu ở một mức độ nhất định thông qua các chuyến đi biển thử nghiệm trước đây. Song điều kiện gió, nhiệt độ và sự rộng lớn của Biển Đông có thể giúp tàu sân bay Trung Quốc thử nghiệm năng lực chiến đấu thực tế cũng như phối hợp chiến đấu với các tàu khu trục, tàu hộ tống và những loại tàu khác.
Trong khi đó, giới phân tích quân sự phương Tây cho rằng tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc chỉ là bản sao của Liêu Ninh với nhiều hạn chế về năng lực tác chiến do không có máy phóng. Theo giới phân tích, tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông không có máy phóng như các siêu hàng không mẫu hạm của Mỹ. Hải quân Trung Quốc không có máy bay cất hạ cánh thẳng đứng như F-35B hay AV-8B Harrier của Mỹ, cho phép biến các tàu đổ bộ tấn công thành tàu sân bay hạng nhẹ. Hai tàu sân bay của Trung Quốc sử dụng đường băng kiểu “nhảy cầu” cho máy bay cất cánh. Tiêm kích trên hạm duy nhất của Trung Quốc là J-15. Nó là một bản sao từ tiêm kích trên hạm Su-33 của Nga. Thiết kế khí động học của J-15 có nhiều điểm tương đồng so với tiêm kích trên hạm của Mỹ, Anh và Pháp. Tuy nhiên, đường băng kiểu “nhảy cầu” khiến máy bay không thể mang theo tối đa tải trọng nhiên liệu và vũ khí. Điều này làm giảm sức mạnh chiến đấu tổng thể của tàu sân bay, theo báo cáo của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) công bố vào đầu năm 2019 về sức mạnh quân sự Trung Quốc. DIA cũng cho rằng các tàu sân bay tương lai của Trung Quốc có thể khắc phục được những hạn chế trên 2 tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc. Bắc Kinh cũng đang đóng mới tàu sân bay thứ 3 có kích thước lớn và hiện đại hơn tại nhà máy đóng tàu ở Thượng Hải và có thể được đưa vào hoạt động đầu những năm 2020. Hàng không mẫu hạm mới sẽ là tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc được trang bị máy phóng cho phép triển khai hoạt động máy bay cánh cố định tải trọng lớn.
Chuyên gia Collin Koh, Trường Quốc tế học S. Rajaratnam ở Singapore lại cho rằng, “Trung Quốc từ lâu đã than thở rằng họ là thành viên duy nhất trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc không có tàu sân bay nào. Họ muốn sử dụng năng lực tàu sân bay để thể hiện sức mạnh quân sự gia tăng tương xứng với vị thế kinh tế và ngoại giao quốc tế của mình”. Theo chuyên gia này, tàu sân bay mới cũng giúp lãnh đạo Trung Quốc có thêm lựa chọn chính trị. “Bắc Kinh sẽ phải học nhiều từ Mỹ về cách sử dụng tàu sân bay trong thời bình và thời chiến”, ông Koh nói. Ông dẫn ra việc Mỹ sử dụng 2 tàu sân bay USS Nimitz và USS Independence để ngăn chặn Trung Quốc tấn công Đài Loan năm 1996, từ đó giúp tháo ngòi căng thẳng trong cuộc khủng hoảng ở eo biển. Lần đó, Trung Quốc thực hiện các vụ thử tên lửa quyết liệt để gây sức ép trước cuộc bầu cử lãnh đạo trực tiếp đầu tiên ở Đài Loan. Tổng thống Mỹ Bill Clinton hồi đó ra lệnh triển khai màn phô diễn sức mạnh quân sự lớn nhất ở khu vực kể từ sau chiến tranh ở Việt Nam, với việc đưa nhiều tàu vây quanh hòn đảo để gửi tín hiệu đến Bắc Kinh.
Việc Trung Quốc biến chế tàu sân bay cho Hạm đội Nam Hải sẽ khiến tình hình khu vực trở nên căng thẳng, dễ xảy ra xung đột. Đầu tiên, việc đưa tàu sân bay Sơn Đông hoạt động ở Biển Đông sẽ đi ngược lại các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), trái với các cam kết chính trị giữa Việt Nam với Trung Quốc và ASEAN, đặc biệt là Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002; xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa; đe dọa hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại, tự do hàng hải, hàng không và môi trường biển trong khu vực. Đồng thời, hành động trên của Trung Quốc cũng vi phạm Điều 37 khoản 1, Luật Biển Việt Nam 2012, quy định “các hành vi đe dọa chủ quyền, quốc phòng, an ninh của Việt Nam là những hành vi bị nghiêm cấm”. Không những vậy, nó còn vi phạm Hiến chương LHQ. Là một thành viên tham gia ký kết Hiến chương LHQ và là Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Trung Quốc cần phải thực hiện nghiêm túc các quy định của Hiến chương LHQ.
Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và căn cứ pháp lý khẳng định quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam. Việc Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng phi pháp (vào năm 1988 và năm 1995, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực tấn công, chiếm đóng 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), tiến hành xây dựng, cải tạo và triển khai tên vũ khí tại một số thực thể thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng Hiến chương LHQ, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, cụ thể: Vi phạm nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia quy định tại Khoản 1 Điều 2 Hiến chương LHQ khi Trung Quốc dựa vào vị thế nước lớn nên tự cho mình có nhiều quyền và lợi ích trên biển hơn quốc gia khác, để tiến hành hoạt động quân sự nhằm bảo vệ cho những quyền và lợi ích đó bất chấp việc xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền, lợi ích hợp pháp của các nước khác. Vi phạm nguyên tắc các quốc gia giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình quy định tại Khoản 3 Điều 2 Hiến chương LHQ. Vi phạm Khoản 4, Điều 2 Hiến chương LHQ, cụ thể quy định “các quốc gia thành viên hạn chế việc đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực (Vũ lực thông thường được hiểu là vũ lực quân sự, vũ lực do vũ khí, khí tài) trong quan hệ quốc tế chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của các quốc gia khác hoặc trái với các mục đích của LHQ”. Vi phạm Điều 33 Hiến chương LHQ, trong đó quy định: “Các bên tham gia tranh chấp trước tiên phải cố gắng tìm cách giải quyết tranh chấp bằng con đường đàm phán, điều tra, trung gian, hòa giải, trọng tài, tòa án, sử dụng các tổ chức hoặc các hiệp định khu vực, hoặc bằng các biện pháp hòa bình khác tùy theo sự lựa chọn của mình”, tuy nhiên việc quân sự hóa trên các thực thể ở Biển Đông của Trung Quốc hoàn toàn đi ngược lại quy định này.
Ngoài ra, việc triển khai tàu sân bay Sơn Đông ở Biển Đông cũng là vi phạm quyền tự do hàng hải, quyền tự do hàng không. Cùng với việc Trung Quốc thúc đẩy các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông, an ninh hàng hải và hàng không bị ảnh hưởng rất lớn, quyền tự do hàng hải và quyền đi qua không gây hại của các quốc gia khác cũng như quyền tự do hàng không bị thu hẹp và phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức. Hành động của Trung Quốc cũng sẽ vi phạm các thỏa thuận song phương, đa phương mà Trung Quốc đã ký kết. Việc Trung Quốc triển khai tàu sân bay Sơn Đông ở Biển Đông sẽ vi phạm DOC, cản trở tiến trình xây dựng Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), cụ thể: Vi phạm Điều 2 (Trung Quốc đã phá vỡ lòng tin và tín nhiệm với các nước ASEAN), Điều 4 (Việc triển khai tên lửa trên các đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa hoàn toàn đồng nghĩa với việc Trung Quốc đe dọa sử dụng vũ lực để răn đe, cảnh cáo các nước liên quan khi tìm cách giải quyết tranh chấp), Điều 5 (Hành động triển khai tên lửa của Trung Quốc gây phức tạp, leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định trong khu vực). Không những vậy, nó cũng đi ngược lại “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc” ký tháng 10/2011 và mới nhất là Thông cáo chung giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc đưa ra nhân dịp Chủ tịch nước Trần Đại Quang có chuyến thăm cấp nhà nước đến Trung Quốc tháng 5/2017, trong đó nêu rõ hai nước tiếp tục thực hiện toàn diện, hiệu quả DOC, sớm xây dựng COC, kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Trong bối cảnh đó, bất kỳ hành vi đơn phương nào của phía Trung Quốc đều không chỉ xâm phạm đến các quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam như đã nói ở trên mà còn gây ra căng thẳng, nguy cơ bất ổn và xung đột và ngăn cản việc thực thi các quyền tự do hàng hải, hàng không của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Nhìn chung, việc Trung Quốc triển khai tàu sân bay Sơn Đông ở Biển Đông không chỉ là hành động vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế, bao gồm Hiến chương LHQ, UNCLOS, Vi phạm các nguyên tắc trong tập quán quốc tế, mà còn đi ngược lại các thỏa thuận song phương, đa phương và cam kết của chính Trung Quốc như DOC, Thỏa thuận song phương Trung Quốc – Việt Nam… Những hành động trên của Trung Quốc không chỉ phá hoại trật tự quốc tế dựa trên luật pháp ở châu Á-Thái Bình Dương, mà còn đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định và hoạt động tự do hàng hải, hàng không trong khu vực, gây ảnh hưởng xấu đến chính hình tượng nước lớn có trách nhiệm mà Trung Quốc đang tự xây dựng, gây mất lòng tin chính trị giữa Trung Quốc với các nước và tạo tiền lệ xấu cho cộng đồng quốc tế khi chỉ muốn dựa vào sức mạnh (quân sự, kinh tế) để áp đặt, xâm chiếm chủ quyền của nước khác.
Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc dừng các hành động trái phép, tránh làm phức tạp thêm tình hình, đặc biệt là việc quân sự hóa, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.