Wednesday, November 20, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaHạm đội tàu nạo vét: Công cụ chính giúp TQ đẩy mạnh...

Hạm đội tàu nạo vét: Công cụ chính giúp TQ đẩy mạnh hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo và tàn phá san hô ở Biển Đông

Trong quá trình bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông, lực lượng tàu nạo vét đóng vai trò là công cụ chủ lực. Với những bước đi đầy toan tính, từ năm 2002 tới nay Trung Quốc đã năng cao năng lực bồi đắp gấp ba, vượt quá 1 tỷ m3, nhiều hơn bất cứ nước nào khác trên thế giới.

Tàu nạo vét Thiên Côn

Tàu này được Trung Quốc sản xuất, thử nghiệm vào tháng 11/2017 và chính thức đưa vào sử dụng từ tháng 6/2018. Tàu có chiều dài 140 m, là tàu nạo vét lớn nhất châu Á, với phần khoan cắt và bơm có công suất lấy lên từ đáy biển và nghiền nát lượng đá tương đương với ba bể bơi tiêu chuẩn Olympic trong vòng một giờ đồng hồ và phóng lượng đá nghiền này đi xa tới 15km để tạo thành đất đảo. Tàu này do Công ty Nạo vét Thiên Tân thuộc Tập đoàn Xây dựng truyền thông Trung Quốc thiết kế và Công ty Công nghiệp nặng Thượng Hải Zhenhua đóng. Đối với khu vực đáy biển có nhiều đá, thiết bị nạo vét có công suất 6.600 kilowatt có thể nghiền đá cứng và hút bùn vào tàu, nơi lượng bùn này sau đó sẽ tự động bắn ra xa. Con tàu này được truyền thông Trung Quốc gọi là “cỗ máy xây đảo thần kì”, được dùng trong các dự án quy mô lớn nhằm tạo mới hoặc bồi đắp đảo ở Biển Đông.

Tàu nạo vét Tian Jing Hao

Đây là con tàu nạo vét lớn nhất của Trung Quốc và châu Á trước khi có tàu Thiên Côn. Tàu Tian Jing Hao do hãng công nghệ đóng tàu Vosta của Đức thiết kế và tập đoàn China Merchant Group của Trung Quốc sản xuất với chi phí 130 triệu USD. Tàu này có công suất nạo vét 4.500 m3/giờ, cho hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông trước đó. Theo báo “Bưu điện Hoa nam buổi sáng” của Hồng Kông, tàu này được cho là di chuyển qua lại giữa 5 bãi đá trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam từ tháng 9/2013 đến tháng 6/2014. Tàu này đã giúp Trung Quốc xây cất mới và cơi nới được bảy đảo với tổng diện tích 8 triệu m2. Bắc Kinh cũng đã cho xây dựng các bãi đáp máy bay, căn cứ phóng tên lửa và đặt các hệ thống radar… tại những nơi đó.

Tàu nạo vét Tuấn Dương 1

Tàu với bằng hệ thống ống tự động (TSHD) do công ty Hà Lan Royal IHC sản xuất và ban giao cho Công ty nạo vét Quảng Đông CCC (GDC) vào tháng 5/2016, sau 19 tháng đóng, với vốn đầu tư trị giá 176 triệu USD. Tàu có chiều dài 167,5 m, có khả năng xử lý 21.333 m3 bùn đất/giờ, có khả năng hút ở độ sâu tối đa 90 m. Tàu được trang bị hệ thống kiểm soát tự động nên chỉ cần ba thành viên thủy thủ đoàn để vận hành. Đây là chiếc tàu TSHD thứ 19 mà Royal Royal IHC đóng cho GDC và là tàu lớn nhất thuộc loại này dành cho Trung Quốc. Tàu này hoạt động ở Biển Đông, tập trung vào khu vực bãi cạn Scarborough và quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Giới chuyên gia nhận định về mức độ nguy hiểm từ hạm đội tàu nạo vét biển của TQ

Chuyên gia an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) Collin Koh cho rằng việc tạo ra công nghệ nạo vét mới nằm trong tham vọng trở thành cường quốc biển của Trung Quốc. Chừng nào Bắc Kinh còn chưa làm rõ mục đích của việc đóng các tàu nạo vét thì vẫn còn đó nghi ngại rằng nước này đang đẩy mạnh việc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông, chuyên gia Collin Koh nhận xét. Trước đây, giới quan sát cũng đã nhiều lần chỉ ra rằng, một trong những công cụ giúp Trung Quốc bành trướng không chỉ ở Biển Đông chính là hạm đội tàu nạo vét của quốc gia này. Theo Giáo sư Andrew Erickson tại Khoa Nghiên cứu chiến lược của Trường Chiến tranh hải quân Mỹ từng cho biết “bắt đầu từ năm 2001, Trung Quốc đã nỗ lực mở rộng và nâng cấp hạm đội tàu nạo vét lúc đó còn kém chất lượng để thỏa mãn nhu cầu trong nước ngày càng tăng về đường thủy, cảng nước sâu và bao quát hơn là chính sách bành trướng ảnh hưởng trong khu vực.

Cách đây 15 năm, Trung Quốc không có khả năng đắp các đảo nhân tạo gây tranh cãi ở Biển Đông. Dự án đầy tham vọng này đòi hỏi phải có “một hạm đội tàu nạo vét lớn và hiện đại”. Do đó Bắc Kinh đã tìm mọi cách xây dựng một hạm đội tàu nạo vét lớn. Không những thế, Trung Quốc còn tập trung vào việc chế tạo tàu hút bùn lớn hơn và hiện đại hơn nhiều so với tàu cùng loại của các nước khác. Cuối cùng, Trung Quốc đã chiếm ngôi đầu thế giới, xét về công suất của đội tàu nạo vét. Trong vòng chưa đầy một thập kỷ, Trung Quốc đã xây dựng và triển khai một hạm đội tàu nạo vét khổng lồ để thay đổi địa lý theo đúng nghĩa đen của cụm từ này và sử dụng sức mạnh kinh tế công nghệ ngày càng gia tăng để thúc đẩy các mục tiêu địa chiến lược của Trung Quốc. Các chuyên gia Mỹ khẳng định việc Trung Quốc sử dụng hạm đội tàu nạo vét hùng hậu để xây dựng căn cứ hải quân ở nước ngoài hoặc mở rộng các cảng thương mại hiện có đến một kích thước đủ lớn để cho tàu chiến Trung Quốc lưu trú và qua đó, tăng cường khả năng tác chiến ở các đại dương của Hải quân Trung Quốc.

Tàn phá san hô và hệ sinh thái biển ghê gướm

Biển Đông nằm trong “trung tâm san hô toàn cầu” và san hô phân bố rộng khắp vùng biển nông ven bờ của các quốc gia và cấu thành nên các rạn san hô rộng lớn ở giữa khu vực biển này. Rạn san hô là hệ sinh thái quan trọng và dễ bị tổn thương nhất trong đại dương và biển, có giá trị cao về môi trường và nguồn lợi thủy sản không chỉ cho vùng biển của các cụm đảo san hô ngoài khơi như Trường Sa, Hoàng Sa, mà còn cho phần biển còn lại của Biển Đông thông qua hệ thống dòng chảy biến đổi theo mùa. Nhờ đó, Biển Đông trở thành một trong những vùng biển có mức đa dạng sinh học và giá trị bảo tồn cao, nguồn lợi thủy sản phong phú, giàu có nhất thế giới. Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo “sự mất đi mãi mãi các rạn san hô với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử loài người” do các hoạt động xây dựng của con người, trong đó hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc là điển hình.

Đánh giá môi trường Biển Đông chỉ ra rằng, khu vực giữa Biển Đông, đặc biệt ở quần đảo Trường Sa đang bị tàn phá nặng nề. Cụ thể, đã có 160 km2 rạn san hô bị hủy hoại, gồm 17 km2 do hoạt động bồi đắp, xây dựng kênh cảng và 143 km2 do các hoạt động hút vật liệu xây dựng và đào bới, nạo vét để khai thác loài trai tai tượng khổng lồ. Tính đến cuối năm 2016, Trung Quốc đã lấn mở rộng khoảng 1.500 ha các bãi cạn, đá ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa để xây dựng các đảo nhân tạo, chiếm khoảng 95% tổng diện tích so với các nước khác có tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa đã làm. Điều này đồng nghĩa với 95% tác động phá hủy môi trường Biển Đông là do Trung Quốc. Chỉ riêng hệ sinh thái rạn san hô của Philippines, thiệt hại này được ước tính ít nhất 33 tỉ peso (645 triệu USD) mỗi năm. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy ít nhất 1.850 ha san hô đã bị hư hại xung quanh đảo Thị Tứ (thuộc chủ quyền của Việt Nam) cùng các địa điểm khác ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trên thực tế, Bắc Kinh đã phá hủy rất nhiều, còn tác động của các quốc gia khác đến môi trường Biển Đông chưa bằng 1/100 những hoạt động của họ. Việc phá hủy nhiều ngàn hecta rạn san hô, thảm cỏ biển và các hệ sinh thái biển nông khác để làm vật liệu tôn tạo đảo nhân tạo ở Trường Sa của Trung Quốc là quá thô bạo, vượt quá các tiêu chuẩn. Đặc biệt nó xuất phát từ tham vọng chủ quyền biển, đảo của Bắc Kinh. Nhiều khu vực rạn san hô và bãi trầm tích mảnh vụn san hô đã bị mất vĩnh viễn, gây tổn thất lâu dài cho môi trường Biển Đông. Các hành vi trên của Trung Quốc không chỉ làm thay đổi cấu trúc và chức năng tự nhiên vốn có của các bãi cạn, các đá và rạn san hô vòng (atoll) ở quần đảo Trường Sa, mà còn “cắt đứt” mối liên kết sinh thái giữa quần đảo này với phần còn lại của Biển Đông. Điều này gây ảnh hưởng rộng hơn đến khả năng cung cấp dinh dưỡng, nguồn giống và nguồn lợi thủy sản cho phần lớn Biển Đông và các vùng biển phụ cận của các quốc gia trong khu vực biển này.

Kết luận: Phán quyết của Trọng tài quốc tế tại La Hay (PCA) đối với vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông (7/2016) đã chỉ trích các dự án tôn tạo và các công trình xây dựng các đảo nhân tạo tại 7 thực thể ở quần đảo Trường Sa, đồng thời cho rằng, Trung Quốc đã “gây hại nghiêm trọng với môi trường của các rặng san hô và vi phạm nghĩa vụ bảo tồn và bảo vệ các hệ sinh thái dễ bị tổn thương và môi trường sống của các loài đang suy yếu, bị đe doạ và bị hủy diệt”. Vì vậy, là một quốc gia trách nhiệm, Trung Quốc cần có những hành động thực tế để bảo tồn và khôi phục hệ sinh thái biển nói riêng và xây dựng môi trường hoà bình, hợp tác ở Biển Đông nói chung. Muốn làm được điều này, Trung Quốc cần nghiêm túc tôn trọng, thực thi luật pháp quốc tế, các cam kết và từ bỏ các yêu sách chủ quyền phi lý.

RELATED ARTICLES

Tin mới