Friday, January 10, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaMột số điểm nổi bật trong Luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA)...

Một số điểm nổi bật trong Luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) cho năm tài chính 2020 của Mỹ

Sau khi Hạ viện và Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ (SASC) đạt thỏa thuận về Dự luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) cho năm tài chính 2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức ký phê chuẩn Luật trên. Trong Luật mới có nhiều điểm nổi bật về chủ trương, chính sách quốc phòng của Mỹ trong thời gian tới.

Phát biểu tại lễ ký, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố: “Đây thực sự là ngày lịch sử đối với lực lượng vũ trang Mỹ. Trong vài phút tới tôi sẽ tự hào ký thành luật đối với khoản đầu tư lớn nhất từ trước tới nay cho quân đội Mỹ. Thực tế, tôi có thể nói đó là khoản lớn nhất cho tới nay. Hôm nay cũng đánh dấu một thành tựu mang tính cột mốc khi chúng tôi chính thức ra mắt nhánh quân đội mới của chúng ta. Đây là một khoảnh khắc rất lớn và quan trọng”. Trong Luật mới có nhiều điểm nổi bật về chủ trương, chính sách quốc phòng của Mỹ trong thời gian tới.

Đầu tiên, Mỹ sẽ tăng chi tiêu quốc phòng. Theo đó, NDAA quy định chi tiêu quốc phòng của Mỹ dự kiến được Quốc hội Mỹ thông qua vào cuối tháng này, trị giá 738 tỉ USD – bao gồm 658,4 tỉ USD dành cho Bộ Quốc phòng và các chương trình an ninh quốc gia của Bộ Năng lượng; 71,5 tỉ USD dành cho các cuộc chiến tranh đang diễn ra và 5,3 tỉ USD dành cho quỹ khẩn cấp đối phó thảm họa thiên tai và thời tiết cực đoan. Dự luật cho phép chi 1 tỷ USD để mua thêm 12 máy bay chiến đấu F-35A, đồng thời ủy quyền chi 440 triệu USD để mua lại số máy bay chiến đấu F-35 mà Thổ Nhĩ Kỳ đặt hàng ban đầu, hỗ trợ tiền vốn cho việc phát triển máy bay chiến đấu tầm xa B-21, hỗ trợ yêu cầu ngân sách mua 8 máy bay F-15EX; cho phép chi thêm 75,6 triệu USD cho chương trình máy bay tấn công tầm xa trong tương lai; hỗ trợ gần 1 tỷ USD cho dự án chiếm ưu thế trên không thế hệ tiếp theo (NGAD) của Không quân… Ngoài ra, NDAA còn quy định tăng 3,1% tiền lương cho quân đội – mức tăng lớn nhất trong 10 năm.

Thứ hai, lần đầu thành lập lực lượng không gian. Nhánh mới trong quân đội Mỹ ở đây là Lực lượng không gian (Space Force – USSF). Lần đầu tiên trong lịch sử một nhánh riêng dành cho lĩnh vực không gian/vũ trụ của Mỹ ra đời, dưới sự bảo trợ của Bộ tư lệnh Không gian không quân (Space Command Air Force). Lực lượng không gian sẽ là nhánh quân đội mới nhất của Mỹ và là lực lượng quân đội mới đầu tiên kể từ khi không quân Mỹ hoạt động vào năm 1947. Lực lượng không gian là quân chủng thứ sáu của quân đội Mỹ, có nhiệm vụ bảo vệ tài sản của Mỹ trong không gian trước các mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc. Được biết, lực lượng không gian sẽ là một phần của không quân, hoạt động theo cấu trúc tương tự mối quan hệ giữa thủy quân lục chiến Mỹ với hải quân và sẽ do một vị tướng bốn sao chỉ huy tác chiến. Truyền thông Mỹ cho hay khoảng 16.000 quân nhân đang làm việc cho Bộ tư lệnh Không gian không quân sẽ được giao nhiệm vụ tại lực lượng không gian. Ông Trump cũng bổ nhiệm tướng Jay Raymond làm tư lệnh tác chiến không gian đầu tiên và cũng đang chỉ huy lực lượng không gian mới thành lập.

Trong vòng 18 tháng tới, không quân Mỹ sẽ tiến hành xác định những quân nhân được điều chuyển chính thức tới các nhánh quân sự và trở thành thành viên của lực lượng không gian. CNN dẫn lời một quan chức cấp cao của không quân Mỹ nói sẽ có 5.000-6.000 trong số 16.000 người trên được chuyển hẳn sang lực lượng không gian. Theo thời gian, số lượng phục vụ lực lượng không gian có thể lên tới 15.000 người. Những thành viên quân đội có chuyên môn tập trung vào không gian, hoạt động không gian, sẽ được điều chuyển tới lực lượng không gian theo hình thức tự nguyện trong tương lai. Trong khi những sĩ quan an ninh và kỹ sư dân dụng vẫn sẽ phục vụ không quân Mỹ dù được giao nhiệm vụ ở lực lượng mới. Đây được xem là một chiến thắng của ông Trump khi lực lượng không quân là một trong số những ưu tiên của tổng thống Mỹ từ năm 2018. Như vậy ông đã tạo ra một nhánh quân sự mới, khoảng 70 năm kể từ ngày cựu tổng thống Harry Truman lập ra không quân.

Ngoài ra, 72,4 triệu USD trong NDAA được sử dụng để thành lập một trụ sở của quân chủng Không gian Vũ trụ mới. Lực lượng Không gian có hai mục tiêu chính: Tạo ra không gian vũ trụ tự do và thực hiện được các hoạt động tác chiến “nhanh và lâu dài” trong không gian. Các chức trách cụ thể bao gồm bảo vệ lợi ích không gian của Mỹ, phòng ngự chống lại các cuộc tấn công của đối phương từ không gian và thực hiện tất cả các nhiệm vụ trong không gian của chính phủ Mỹ. NDAA cũng sẽ đặt ra một chức vụ mới: Giám đốc không gian để báo cáo với các Bộ trưởng Không quân và các thành viên của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân. Giám đốc Không gian và một thành viên của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân giám sát Lực lượng Không gian và tài sản của nó. Bộ trưởng Không quân phải thành lập Ủy ban Mua sắm của Lực lượng Không gian vào năm 2020 để quản lý và quyết định tài sản cần mua.

Thứ ba, đánh giá đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc. NDAA yêu cầu chính phủ Mỹ đánh giá các khoản đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc, bao gồm các dự án thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc hoặc các dự án cơ sở hạ tầng kỹ thuật số hoặc vật lý do chính phủ Trung Quốc kiểm soát và sự liên quan của các dự án này đến các mục tiêu quân sự và an ninh của Trung Quốc. Đánh giá tác động liên quan của các dự án này đối với lợi ích của quân đội hoặc chính phủ Mỹ. Dự luật giải thích thêm rằng các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc mà Mỹ cần đánh giá là các dự án cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng hoặc công nghệ thông tin mà chính phủ Trung Quốc sở hữu, kiểm soát, ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp hoặc trợ cấp.

Ngoài ra, NDAA cũng xem xét các vấn đề liên quan Hoa Vĩ và ZTE. NDAA đề nghị chính phủ Mỹ cần chuẩn bị báo cáo để xem xét liệu công ty công nghệ ZTE có tuân thủ thỏa thuận hòa giải đạt được giữa ZTE và Bộ Thương mại Mỹ vào ngày 8 tháng 6 năm 2018 hay không. NDAA yêu cầu trong vòng 180 ngày kể từ khi ban hành dự luật và hàng năm sau đó, tổng thống phải đệ trình lên Quốc hội một báo cáo về sự tuân thủ của ZTE Corporation và công ty con ZTE Kangxun. NDAA còn hạn chế Bộ Thương mại Mỹ loại bỏ Huawei khỏi danh sách đen. Vào tháng 5 năm nay, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa Huawei vào “danh sách thực thể” (Entity List) của Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) (còn gọi là danh sách đen).

Dự luật quy định rõ, Bộ Thương mại không được loại bỏ Huawei khỏi danh sách đen trừ khi Bộ trưởng Bộ Thương mại có thể chứng minh trước Quốc hội rằng: (1) Trong vòng 5 năm trước, cả Huawei và các nhân viên quản lý cấp cao của họ đều không có hành vi vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên Hợp Quốc áp đặt; (2) Huawei đã không đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ trong 5 năm đó; (3) Huawei sẽ không gây nên mối đe dọa tiếp tục đối với các hệ thống viễn thông hoặc cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ; (4) Huawei sẽ không tạo thành mối đe dọa đối với cơ sở hạ tầng then chốt của các đồng minh Mỹ.

Thứ tư, hỗ trợ cho Đài Loan. NDAA quy định, Mỹ cần tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh với Đài Loan để giúp đỡ Đài Loan phát triển lực lượng phòng thủ hiện đại hùng mạnh, cần thiết và duy trì khả năng tự vệ đầy đủ của Đài Loan. Mỹ cần tiếp tục thông qua bán vũ khí cho nước ngoài, thương mại trực tiếp và hợp tác công nghiệp để hỗ trợ Đài Loan mua các vũ khí phòng thủ thích hợp. Mỹ cần cải thiện khả năng dự báo bán vũ khí cho Đài Loan thông qua việc xem xét và đáp ứng kịp thời các yêu cầu của Đài Loan đối với sản phẩm và dịch vụ quốc phòng, kịp thời thông báo cho Quốc hội và tuân thủ các quy trình giám sát và thẩm định của Quốc hội. Trong vòng 180 ngày kể từ khi NDAA có hiệu lực, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cần đệ trình báo cáo lên Quốc hội. Nội dung của báo cáo cần đề cập đến tính khả thi của việc thành lập một nhóm làm việc cấp cao, liên ngành của Mỹ để phối hợp ứng phó với các vấn đề an ninh mạng mới nổi; Bộ Quốc phòng thảo luận về kế hoạch hợp tác an ninh hiện tại và tương lai cho mạng liên lạc Mỹ – Đài Loan; thảo luận về những trở ngại gặp phải trong việc thiết lập, thực hiện hoặc thực hiện các thỏa thuận liên quan cho các hoạt động an ninh mạng Mỹ – Đài Loan, bất kỳ vấn đề nào khác mà Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho là cần thiết phải được đưa vào.

Thứ năm, đánh giá đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào các quốc gia Bắc Cực. NDAA cho rằng, để đối phó sự đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào các quốc gia Bắc Cực, Quốc hội nhận thấy Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện ở khu vực Bắc Cực bằng cách sử dụng các tàu phá băng tiên tiến. Trung Quốc sử dụng Bắc Băng Dương thường xuyên hơn bằng cách trợ cấp cho vận tải Bắc Cực, đặt các trạm băng không người và tiến hành thu thập dữ liệu lớn và phức tạp ở các quốc gia và khu vực Bắc Cực (Iceland, Greenland và Canada). Một báo cáo năm 2017 của Trung tâm Phân tích Hải quân Hoa Kỳ (CNA) có tựa đề “Đầu tư trực tiếp nước ngoài không hạn chế: Những thách thức mới đối với an ninh Bắc Cực” đã kết luận: Trung Quốc đã tích cực tham gia vào các hoạt động kinh tế của các nước Bắc Cực. NDAA nói rằng Trung Quốc đang ngày càng lợi dụng chiến lược “Vành đai, con đường” để thúc đẩy việc triển khai quân đội Trung Quốc tới các khu vực có số lượng lớn đầu tư của Trung Quốc.

Trung Quốc đã cho thấy ý định sử dụng “Vành đai, con đường” như một thủ đoạn để giành quyền tiếp cận quân sự của họ tại các khu vực chiến lược toàn cầu. Tìm hiểu việc đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào các quốc gia Bắc Cực ảnh hưởng thế nào đến các quốc gia này là rất quan trọng để hiểu mức độ mà Trung Quốc thâm nhập Bắc Cực.

Thứ sáu, ủng hộ người dân Hồng Công. NDAA yêu cầu Trung Quốc cần tuân thủ đầy đủ các cam kết của mình trong Tuyên bố chung Trung – Anh năm 1984 cho phép người Hồng Kông cai quản Hồng Kông với quyền tự trị cao; Trung Quốc cần tuân thủ Luật cơ bản Hồng Kông năm 1997 và ngay lập tức ngừng can thiệp vào các vấn đề chính trị và pháp lý của Hồng Kông. NDAA kêu gọi chính phủ Hồng Kông đáp ứng yêu cầu của người biểu tình; yêu cầu Mỹ cần cùng các nước có chung chí hướng hỗ trợ người dân Hồng Kông, cũng cần khuyến khích Trung Quốc áp dụng các hành động có trách nhiệm hơn, nếu Trung Quốc và chính quyền Hồng Kông tiếp tục vi phạm hiệp định cơ bản về tự trị Hồng Kông, họ cần phải chịu hậu quả.

NDAA cũng chỉ ra rằng, nếu chính phủ Trung Quốc sử dụng vũ lực chống lại những người phản kháng ở Hồng Kông, Quốc hội khuyến nghị Mỹ nên nhanh chóng hành động, bao gồm đánh giá lại sự đối xử đặc biệt với Hồng Kông theo Đạo luật Chính sách Hồng Kông năm 1992 và các luật khác của Mỹ; cùng các quốc gia đồng minh khác hành động để buộc Trung Quốc trả giá, bao gồm áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức và các sĩ quan quân đội Trung Quốc, hạn chế đi lại và áp dụng các biện pháp khác. Dự luật yêu cầu trong vòng 45 ngày kể từ khi ban hành luật này, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cần tìm và ký hợp đồng với một trung tâm nghiên cứu và phát triển do liên bang tài trợ để tiến hành nghiên cứu độc lập về đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Bắc Cực.

Ngoài ra, NDAA còn quy định, chính phủ Mỹ cần đánh giá về sự mở rộng giám sát của Trung Quốc đối với người dân Trung Quốc và liệu điều đó có làm gia tăng mối đe dọa đối với lợi ích an ninh quốc gia toàn cầu của Mỹ hay không. Bên cạnh đó, Dự luật còn ban bố lệnh trừng phạt nhằm vào 2 dự án ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 và TurkStream của Nga, đồng thời nghiêm cấm mọi hoạt động hợp tác quân sự song phương với nước này. Dự luật còn yêu cầu tiến hành hàng loạt biện pháp đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng từ Trung Quốc, bao gồm yêu cầu soạn thảo báo cáo về các khoản đầu tư của Bắc Kinh tại nước ngoài và quan hệ quân sự của họ với Moscow. Dự luật cũng nghiêm cấm sử dụng quỹ liên bang để mua sắm tàu hỏa và xe buýt của Trung Quốc.

Dự luật cũng kêu gọi chính quyền Tổng thống Donald Trump trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến việc nước này mua hệ thống phòng không S-400 của Moscow.

Bên cạnh các biện pháp đối phó Nga, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, NDAA 2020 còn kêu gọi đáp trả cứng rắn chương trình hạt nhân của Triều Tiên, cũng như mối đe dọa mà nước này gây ra với binh sĩ Mỹ trên bán đảo Triều Tiên và đồng minh trong khu vực. Dự luật nghiêm cấm Lầu Năm Góc cắt giảm binh sĩ triển khai đến Hàn Quốc xuống dưới 28.500 người trừ khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ kết luận động thái này phù hợp với lợi ích an ninh quốc gia. Không chỉ kêu gọi trừng phạt bổ sung các ngân hàng giao dịch với Triều Tiên, dự luật còn yêu cầu ban bố các biện pháp trừng phạt bắt buộc nhằm vào hoạt động xuất nhập khẩu than, khoáng sản và hàng may dệt, cũng như một số sản phẩm dầu mỏ và dầu thô của nước này.

Ngay sau khi Mỹ thông qua NDAA, Người phát ngôn Ủy ban Đối ngoại thuộc Quốc hội Trung Quốc You Wenze cho rằng luật Ủy quyền Quốc phòng được Trump ký hôm qua là sự “can thiệp” vào công việc nội bộ, bày tỏ sự “không hài lòng mạnh mẽ” NDAA được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký phê duyệt; nhấn mạnh “việc Mỹ âm mưu can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác dưới vỏ bọc ‘dân chủ’ và ‘nhân quyền’ sẽ không bao giờ thành công. Các vấn đề liên quan đến Tân Cương không phải vấn đề nhân quyền, dân tộc và tôn giáo, mà là các vấn đề chống khủng bố và diễn biến”. Ông cho rằng nội dung về Đài Loan trong NDAA “làm tổn hại đến hòa bình và ổn định hai bờ eo biển Đài Loan”.

RELATED ARTICLES

Tin mới