Trong suốt năm qua, bên cạnh những diễn biến phức tạp leo thang ở Biển Đông do những hành vi đơn phương của Trung Quốc, số lượng chủ thể (quốc gia, tổ chức, cá nhân…) và phạm vi (diễn đàn song phương, đa phương, chính thức, không chính thức, từ Á sang Âu…) lên tiếng thể hiện quan ngại về tình hình Biển Đông đã được mở rộng và gia tăng. Điều này cho thấy cộng đồng quốc tế đang quan tâm đặc biệt đến khu vực này.
Tàu thuyền TQ hung hãn, liều lĩnh và bất chấp ở Biển Đông. (Nguồn: Sina)
Lần đầu tiên ba nước chủ chốt ở châu Âu vốn còn nhiều bất đồng nội khối lại ra Tuyên bố chung quan ngại về Biển Đông. Chuyên gia Jeffrey Ordaniel từ Đại học Thái Bình Dương (Hawaii, Mỹ) nhận định các nước châu Âu và Ấn Độ đang quan ngại về tình hình Biển Đông. Phạm vi lo ngại trên thế giới về diễn biến ở đây đang mở rộng. Vị chuyên gia này nhắc đến việc Anh, Pháp, Đức hôm 29/8 đã lần đầu tiên ra Tuyên bố chung liên quan tình hình Biển Đông, nhấn mạnh cần thực thi Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, nhằm tạo khuôn khổ pháp lý toàn diện cho hoạt động ở các vùng biển, trong đó có Biển Đông. Tuyên bố cũng nhắc đến phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông dựa theo UNCLOS năm 2016. Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng lên tiếng phản đối đe dọa hoặc dùng vũ lực ở khu vực. Trước đó, Mỹ, Nhật Bản, Australia cũng bày tỏ quan ngại đối với tình hình Biển Đông, trong bối cảnh Trung Quốc đưa tàu khảo sát địa chất Hải dương 8 xâm phạm vùng biển Việt Nam ở phía Nam Biển Đông.
Còn theo Tiến sĩ Collin Koh Swee Lean, chuyên gia tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore (RSIS), các tuyên bố của ba nước châu Âu và Ấn Độ mang tính nhắc nhở chung chung với tất cả các bên về các nguyên tắc. Tuyên bố của các nước khiến Bắc Kinh cảm thấy phiền toái nhưng sẽ khó thay đổi cách hành xử. Ông lý giải Trung Quốc dường như quan tâm đến dư luận trong nước nhiều hơn là quốc tế. Chuyên gia Carl Schuster tại Đại học Thái Bình Dương (Hawaii, Mỹ) cũng lưu ý các tuyên bố của Anh, Pháp, Đức thể hiện sự quan ngại về căng thẳng. Chuyên gia Mark Hoskin tại Đại học London (Anh) ủng hộ đoạn cuối của Tuyên bố của ba nước châu Âu, khi hoan nghênh đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm hướng tới văn bản dựa trên luật lệ, hiệu quả và tuân theo UNCLOS. Chuyên gia Hoskin đánh giá COC là cơ chế tốt, giúp đưa ra một giải pháp ngoại giao cho tranh chấp ở Biển Đông. COC là tài liệu mà Trung Quốc và ASEAN thảo luận từ năm 2002 khi căng thẳng trong tranh chấp ở Biển Đông gia tăng.
Đánh giá về việc các tàu của Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam giới chuyên gia cho rằng đây là một nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tạo nên thực tế mới ở Biển Đông, biến vùng không có tranh chấp thành có tranh chấp. Các tàu của Trung Quốc vi phạm Tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa nước này và ASEAN, vi phạm UNCLOS. Trung Quốc đã không thể hiện bất cứ thiện chí nào về việc điều chỉnh quan điểm của mình.Chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược quốc tế (CSIS) nhấn mạnh việc Trung Quốc điều tàu khảo sát Hải Dương 8 và tàu hộ tống đến vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thể hiện sự thiếu thiện chí của Bắc Kinh trong việc theo đuổi một bộ Quy tắc ứng xử có ý nghĩa. Hành động của Trung Quốc ở vùng biển của Việt Nam cho thấy Hà Nội và các bên cùng có tranh chấp có thêm lý do để bảo đảm COC nên xác định rõ phạm vi các hoạt động và khu vực địa lý liên quan đến cách hành xử ở Biển Đông. COC càng bớt mơ hồ càng tốt. Vì vậy, các nước không nên trông đợi nó sẽ sớm trở thành hiện thực. Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế đưa ra năm 2016 là một căn cứ pháp lý khác để xác định quyền của các nước ở Biển Đông. Theo đó, Tòa bác bỏ yêu sách muốn chiếm gần trọn Biển Đông của Bắc Kinh. Trung Quốc không có ý định tuân theo phán quyết năm 2016 và sẽ tiếp tục gây áp lực với các nước ven Biển Đông do năng lực trên biển của Bắc Kinh đang gia tăng.