Thursday, January 9, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiBiển Hoa Đông đo quan hệ Trung - Nhật

Biển Hoa Đông đo quan hệ Trung – Nhật

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm qua nhất trí cần tạo ra một kỷ nguyên mới cho quan hệ hai nước. Nhưng kỷ nguyên mới sẽ như thế nào vẫn là điều chưa chắc chắn.

Trong cuộc gặp tại Thành Đô, Trung Quốc, ông Abe nói với ông Lý rằng ông muốn những tiến triển gần đây trong quan hệ song phương bền vững, thúc đẩy trao đổi và đối thoại cấp cao diễn ra liên tục, Jiji dẫn thông tin từ Bộ Ngoại giao Nhật Bản. Ông Lý được dẫn lời nói rằng động lực cải thiện quan hệ Trung – Nhật đang được duy trì, và hai bên đang trở lại “lộ trình bình thường”.

Cuộc gặp diễn ra trong chuyến thăm 3 ngày của ông Abe đến Trung Quốc để tham dự hội nghị 3 bên cùng ông Lý và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Trước khi đến Thành Đô, ông Abe đã gặp ông Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào đầu tuần này.

Ông Abe dự kiến đón ông Tập sang thăm Nhật Bản vào năm sau, bất kể tồn tại nhiều vấn đề bất đồng như biểu tình Hong Kong, những hành vi quyết liệt của Trung Quốc trên biển Đông và Hoa Đông. “Không thể đạt được cải thiện thực sự nào trong quan hệ Nhật – Trung nếu không có ổn định trên biển Hoa Đông”, ông Abe được báo chí Nhật dẫn lời nói trong cuộc gặp hôm qua với ông Lý.

Các tàu Trung Quốc vẫn thường xuyên xuất hiện gần quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư trên biển Hoa Đông mà Nhật Bản đang quản lý. Hơn 1.000 tàu Trung Quốc bị phát hiện ở vùng tiếp giáp quần đảo này trong năm 2019, thiết lập mức kỷ lục mới.

Hàng loạt cuộc họp cấp cao giữa hai nước diễn ra trong tuần này nhằm chuẩn bị cho chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của ông Tập tới Nhật Bản vào năm tới. Tuy nhiên, chưa có tầm nhìn cụ thể nào được đề ra để hai bên tạo nên “thập kỷ mới” cho quan hệ song phương.

Cải thiện trong quan hệ Trung – Nhật sẽ được coi là một thành tựu ngoại giao đối với ông Abe. Sự ủng hộ của ông Tập cũng là điều cần thiết để giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Còn đối với ông Tập, trao đổi gần gũi với Nhật Bản sẽ là một trụ cột ngoại giao quan trọng trong bối cảnh Bắc Kinh đang đối đầu thương mại với Washington, các chuyên gia về quan hệ quốc tế ở Trung Quốc đánh giá.

Lấp chỗ trống của Mỹ

Việc Trung Quốc đón lãnh đạo 2 nước láng giềng đang xích mích với nhau là Hàn Quốc và Nhật Bản đến dự cuộc gặp chính thức đầu tiên trong hơn 1 năm qua được đánh giá là bước đi thể hiện tầm ảnh hưởng ngoại giao của Trung Quốc đối với 2 đồng minh chủ chốt của Mỹ ở khu vực và tìm kiếm quan điểm thống nhất trong cách ứng xử với Triều Tiên.

Quan hệ Nhật Bản và Hàn Quốc trong năm qua chạm đáy vì vấn đề di sản chiến tranh và thương mại. Mỹ thúc giục hai bên gạt bỏ mâu thuẫn, lo ngại rằng quan hệ xấu đi sẽ làm phức tạp các nỗ lực ngoại giao ở châu Á, nhưng Mỹ không đứng ra trực tiếp làm trung gian hòa giải. Còn Trung Quốc dường như đang lấp vào chỗ trống do Mỹ để lại bằng sự kiện ở Thành Đô, theo một số học giả.

“Là một cường quốc lớn ở khu vực, Trung Quốc hy vọng thể hiện được tầm ảnh hưởng ngoại giao của mình với thế giới, khi có thể đưa lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc vào ngồi cùng bàn”, Japan Times dẫn lời GS Haruko Satoh, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại ĐH Osaka.

Chuyên gia này cho rằng, vai trò của Bắc Kinh trong nỗ lực lần này cũng giúp lái chú ý của dư luận khỏi các vấn đề trong nước, trong đó có cuộc biểu tình vẫn đang tiếp diễn ở Hong Kong.

Ông Moon trong cuộc gặp với ông Tập đã nói rằng ông “đánh giá cao vai trò quan trọng của Trung Quốc trong việc bảo đảm phi hạt nhân hóa và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên”. Trong một gặp khác với ông Tập, ông Abe nói rằng cả Trung Quốc và Nhật Bản đều có “vai trò to lớn đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng” ở khu vực.

Cải thiện trong quan hệ Trung – Nhật sẽ được coi là một thành tựu ngoại giao đối với ông Abe. Sự ủng hộ của ông Tập cũng là điều cần thiết để giải quyết vấn đề Triều Tiên.

RELATED ARTICLES

Tin mới