Trong bản tin hôm nay (30/12), KCNA cho biết, yêu cầu trên được nhà lãnh đạo Triều Tiên đưa ra tại cuộc họp của đảng cầm quyền cuối tuần qua.
Chủ tịch Kim Jong Un triệu tập cuộc họp gồm các quan chức cấp cao của đảng Lao động cầm quyền, để thảo luận các vấn đề chính sách giữa lúc căng thẳng về hạn chót, trước hạn chót cuối năm 2019 mà ông đặt ra cho Mỹ phải nhượng bộ trong đàm phán nhằm giải giáp chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.
Tại buổi họp ngày 29/12 ở Bình Nhưỡng, ông Kim yêu cầu hành động ở các lĩnh vực đối ngoại, công nghiệp đạn dược và các lực lượng vũ trang, nhấn mạnh sự cần thiết phải “thực hiện các biện pháp tích cực và tấn công để đảm bảo đầy đủ chủ quyền và an ninh của đất nước”, theo KCNA.
KCNA cho biết thêm, ông Kim cũng bàn về quản lý nhà nước và các vấn đề kinh tế trước các đòn cấm vận quốc tế liên quan chương trình vũ khí. Ông “đề ra các nhiệm vụ phải khẩn cấp chỉnh đốn tình hình nghiêm trọng của các ngành công nghiệp then chốt của nền kinh tế quốc gia”.
KCNA cho biết cuộc họp vẫn chưa kết thúc.
Mới đây, chính quyền Kim Jong Un thúc giục Washington phải đưa ra cách tiếp cận mới để nối lại đàm phán hạt nhân, cảnh báo Bình Nhưỡng có thể đi theo “một con đường mới” nếu Mỹ không đáp ứng các yêu sách đó.
Một số chỉ huy quân đội Mỹ nhận định “con đường mới” của Triều Tiên có thể bao gồm thử nghiệm tên lửa tầm xa – việc mà Triều Tiên đã ngưng làm từ năm 2017, và các vụ thử đầu đạn hạt nhân.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien hôm 29/12 nói rằng Washington sẽ “vô cùng thất vọng” nếu Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân hoặc tên lửa. Ông tuyên bố Mỹ sẽ có hành động thích hợp với tư cách là cường quốc hàng đầu về quân sự và kinh tế.
Thời gian qua, Mỹ đã mở nhiều kênh liên lạc với Triều Tiên và hy vọng ông Kim Jong Un sẽ tuân thủ các cam kết phi hạt nhân hóa đã nhất trí tại các hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Donald Trump, theo cố vấn O’Brien.
Reuters đưa tin, ở New York, các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp không chính thức trong ngày 30/12 đề bàn về một đề xuất của Nga và Trung Quốc là nới lỏng cấm vận đối với Triều Tiên.
Trước đó trong tháng 12, Moscow và Bắc Kinh đã soạn một dự thảo nghị quyết, theo đó dỡ bỏ một số cấm vận để tái khởi động đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Bình Nhưỡng và Washington. Cấm vận áp vào các ngành công nghiệp vốn mang lại hàng trăm triệu đôla cho Triều Tiên mỗi năm đã được thực thi từ năm 2016 và 2017 nhằm cắt bỏ nguồn vốn rót cho các chương trình tên lửa và hạt nhân nước này.