Wednesday, January 1, 2025
Trang chủBiển nóngTriều Tiên bàn “các biện pháp tấn công” để bảo vệ chủ...

Triều Tiên bàn “các biện pháp tấn công” để bảo vệ chủ quyền

Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên đã thảo luận “các biện pháp tấn công” để bảo vệ chủ quyền, an ninh đất nước trong cuộc họp ngày 30/12.

Triều Tiên tính “các biện pháp tấn công”, Mỹ sẵn sàng đáp trả

Yonhap ngày 30/12 dẫn nguồn tin từ Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, Triều Tiên đã thảo luận về “các biện pháp tấn công” để bảo vệ chủ quyền và an ninh của đất nước trong ngày họp thứ 2 của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên – cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng có thể bỏ qua các cuộc đàm phán với Washington và khởi động lại các vụ thử nghiệm vũ khí lớn.

Tại Washington, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien cảnh báo: “Chúng tôi tạm thời không đưa ra ý kiến nhưng Mỹ sẽ hành động như thường lệ trong những tình huống này. Nếu ông Kim Jong Un làm như vậy, chúng tôi sẽ thất vọng và chúng tôi sẽ thể hiện sự thất vọng đó”.

Mỹ có “rất nhiều công cụ” để đáp lại bất kỳ cuộc thử nghiệm nào, ông O’Brien nói trong một cuộc phỏng vấn với ABC.

Trước cuộc họp của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã đe dọa sẽ có một “cách tiếp cận mới” nếu Washington không đưa ra nhượng bộ trong các cuộc đàm phán hạt nhân trước khi năm 2019 kết thúc, ám chỉ rằng họ sẽ chấm dứt theo đuổi con đường ngoại giao và trở lại với các hành động khiêu khích.

Cuộc họp này cũng diễn ra chỉ vài ngày trước khi Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đưa ra thông điệp Năm mới được chờ đợi. Trong đó, dự kiến ông Kim sẽ công bố sự thay đổi lớn trong chính sách liên quan đến phi hạt nhân hóa và các vấn đề đối ngoại.

Cuộc họp của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên khai mạc hôm 28/12, Chủ tịch Kim Jong Un đã chủ trì phiên khai mạc và cả phiên họp vào hôm qua (29/12).

“Nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện các biện pháp tích cực và tấn công để đảm bảo đầy đủ chủ quyền và an ninh của đất nước theo yêu cầu của tình hình hiện nay, ông [Kim Jong Un-ND] chỉ ra nhiệm vụ của lĩnh vực đối ngoại, công nghiệp đạn dược và lực lượng vũ trang của CHDCND Triều Tiên”, KCNA cho biết nhưng không giải thích rõ “các biện pháp tấn công” là gì.

Chủ tịch Kim đưa ra định hướng chi tiết của cuộc đấu tranh nhằm mang lại bước ngoặt quyết định trong sự phát triển của nền kinh tế và mức sống của người dân theo yêu cầu của cách mạng. Ông Kim Jong Un cũng kêu gọi nỗ lực cải thiện khoa học, giáo dục và y tế công cộng…, KCNA cho biết và nói thêm rằng, cuộc họp toàn thể sẽ tiếp tục diễn ra, điều này có thể đồng nghĩa với việc phiên họp thứ 3 của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên diễn ra trong hôm nay (30/12).

Cuộc họp kéo dài bất thường

Theo nhận định của giới quan sát, việc Triều Tiên có cuộc họp Đảng trong nhiều ngày như vậy là bất thường. Cuộc họp toàn thể của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên được cho là nhằm bàn thảo những quyết sách quan trọng nhất của nước này.

Triều Tiên trước đó nói rằng, cuộc họp được tổ chức để tìm ra đối sách “vượt qua những thử thách, khó khăn và thúc đẩy sự phát triển của cuộc cách mạng với lập trường và ý chí độc lập, rõ ràng chống lại đế quốc”.

Chỉ trong tháng này, Triều Tiên đã 2 lần tiến hành thử nghiệm tên lửa tại các bãi phóng ở khu vực bờ biển phía Tây của nước này, đi kèm với đó là tuyên bố sẽ tăng cường “răn đe hạt nhân”.

Theo đánh giá của giới phân tích, nếu Triều Tiên tiến hành một vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) thì sẽ là đòn giáng mạnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump – người luôn tự hào với việc Triều Tiên tạm ngừng thử nghiệm vũ khí sau những nỗ lực của ông như một thành tựu ngoại giao lớn nhất trong nhiệm kỳ đầu tiên.

Còn nhớ, năm 2018, cuộc họp toàn thể của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên đã ra tuyên bố ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa. Động thái mang tính biểu tượng cao này 2 tháng sau đó đã dẫn đến Hội nghị Thượng đỉnh lịch sử lần đầu tiên giữa ông Trump và ông Kim ở Singapore, tháng 6/2018.

Tại Singapore, hai nhà lãnh đạo đã đồng ý nỗ lực phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên để đổi lấy sự đảm bảo an ninh của Washington và mối quan hệ mới giữa hai nước. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa đã bị đình trệ kể từ sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 tại Hà Nội, tháng 2/2019 kết thúc mà không có thỏa thuận nào.

Bình Nhưỡng nhiều lần yêu cầu Washington đưa ra sáng kiến mới trước thời hạn cuối năm nhằm giải quyết bất đồng giữa hai bên. Triều Tiên trong tháng này cũng đã cảnh báo Mỹ rằng việc không đáp ứng mong đợi của họ có thể dẫn đến một “món quà Giáng sinh” không mong muốn.

Các chỉ huy quân đội Mỹ suy đoán “quà Giáng sinh” mà Triều Tiên đe dọa có thể là thử tên lửa tầm xa hay bom hạt nhân, những hoạt động Triều Tiên đã dừng kể từ sau năm 2017.

Trong khi đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng Triều Tiên có thể tiến hành thử nghiệm ICBM dưới vỏ bọc của một vụ phóng vệ tinh. Bình Nhưỡng luôn khẳng định họ có quyền phóng vệ tinh lên vũ trụ vì mục đích hòa bình. Gần đây, các phương tiện truyền thông Triều Tiên đã cho đăng tải loạt bài báo về những vụ phóng vệ tinh của các nước láng giềng, bao gồm cả Nga.

Giữa bối cảnh căng thẳng có thể nhanh chóng bùng phát bất cứ lúc nào, Mỹ đã cảnh báo Triều Tiên không nên khiêu khích và rằng Bình Nhưỡng có thể mất tất cả. Đáp lại đầy cứng rắn, Triều Tiên nói rằng họ không có gì để mất.

RELATED ARTICLES

Tin mới