Thursday, December 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaCông trình quân sự trái phép trên Biển Đông của TQ không...

Công trình quân sự trái phép trên Biển Đông của TQ không lý tưởng như những gì Bắc Kinh muốn

Sau khi kết thúc quá trình cải tạo đảo, đá trái phép, Trung Quốc chuyển sang giai đoạn quân sự hóa trên các trên các thực thể chiếm đóng trái phép ở Biển Đông nhằm tạo thế chủ động, gây sức ép và đe dọa với các nước có tranh chấp trong khu vực. Tuy nhiên, các công trình quân sự của Trung Quốc đang hoạt động không như những gì Bắc Kinh muốn.

Hoạt động cải tạo đảo trái phép của Trung Quốc

Từ năm 2013 đến này, Trung Quốc tiến hành cải tạo 7 thực thể chiếm đóng trái phép của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, biến chúng thành các “pháo đài” kiên cố trên biển, cụ thể:

Tại đá Chữ Thập: Từ năm 2010, Trung Quốc bắt đầu cải tạo, bồi đắp mở rộng quy mô lớn đá này, trong đó đã xây dựng một toà nhà bê tông dài hơn 60m trên đá Chữ Thập. Trên ngôi nhà có nhiều ăng-ten, gồm cả một ăngten radar thu phát sóng cao tần Yagi của hải quân cùng hai vòm che radar và phủ sóng mạng điện thoại trên đá này. Từ năm 2014, Trung Quốc bắt đầu cải tạo mở rộng đá Chữ Thập thành đảo nhân tạo lớn nhất quần đảo Trường Sa với diện tích khoảng 2,74 km2 (7/2015), tổng kinh phí xây dựng hơn 73 tỉ Nhân dân tệ (11,5 tỉ USD). Trung Quốc xây dựng trên đá Chữ Thập 9 cầu tàu, 2 bãi đáp trực thăng, 10 ăng ten liên lạc qua vệ tinh và một trạm radar. Đặc biệt là việc xây dựng một đường băng dài 3.125m và rộng 60m, đây là đường băng duy nhất đủ lớn cho máy bay ném bom chiến lược tại Trường Sa, cho phép quân đội Trung Quốc bao quát không phận rộng lớn từ Tây Thái Bình Dương gồm cả Guam (nơi có các căn cứ Mỹ) đến Ấn Độ Dương. Tháng 4/2018, Trung Quốc đã khánh thành Tượng đài trên đá Chữ Thập để kỷ niệm các công trình xây dựng của họ trong Biển Đông, kể cả các công trình bồi đắp đất và xây đảo nhân tạo. Tháng 5/2018, Trung Quốc đã lắp đặt các tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và tên lửa đất đối không HQ-9B trên ba thực thể đá Chữ Thập, Su Bi, Vành Khăn. Tháng 10/2018, Trung Quốc tiếp tục đưa vào vận hành các trạm quan sát thời tiết, gồm các thiết bị cho mặt đất và quan sát khí quyển và radar thời tiết trên 3 đảo, đá nhân tạo do nước này chiếm đóng, bồi đắp trái phép ở Biển Đông, trong đó có đá Chữ Thập. Nhiều khả năng những thiết bị này có thể sử dụng các trạm quan sát này vào mục đích quân sự. Theo đánh giá dựa trên hình ảnh chụp từ vệ tinh, các chuyên gia của chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) thuộc CSIS cho biết Trung Quốc xây dựng tại đá Chữ Thập trung tâm liên lạc lớn nhất trong vùng với phần góc Đông Bắc của đá này được trang bị các thiết bị liên lạc và ăng ten cảm biến lớn hơn so với các đảo nhân tạo khác ở Trường Sa. Đá Chữ Thập có thể sẽ được dùng như một cơ sở tình báo hoặc trung tâm liên lạc cho các lực lượng của Trung Quốc ở khu vực này.

Tại đá Vành Khăn: Năm 2015, Trung Quốc bắt xây một đường băng trên đá này và đến tháng 7/2016 thì một đường băng dài 2.644m, rộng 55m này đã hoàn thành. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã xây dựng ngọn hải đăng, kho bãi, các mái che radar, tháp truyền tín hiệu viễn thông, cảng vận chuyển quy mô lớn… trên đá Vành Khăn. Đến tháng 5/2018, Trung Quốc đã đưa tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và tên lửa đất đối không HQ-9B đã được Trung Quốc lắp đặt trên đá Vành Khăn. Tháng 1/2018 Trung Quốc điều hai máy bay vận tải quân sự Xian Y-7 đến đá Vành Khăn. Tháng 10/2018, Trung Quốc lại khánh thành các trạm khí tượng tại và tuyên truyền rằng mục đích của trạm này là “đảm bảo an toàn hàng hải trên Biển Đông, phục vụ cho việc quan sát khí quyển và mặt đất cơ bản, thiết bị đo chỉ số ô nhiễm không khí”. Tuy nhiên, đa phần các ý kiến đều tỏ ra lo ngại rằng các cơ sở này sẽ được Trung Quốc sử dụng cho mục đích quân sự.

Tại đá Gạc: Năm 2014, Trung Quốc đã tiến hành đào đắp đất cát để xây đường băng tại đây, trên bãi đá chỉ có một nền bê tông nhỏ với một cơ sở liên lạc, cầu cảng và một đơn vị đồn trú. Phần nền bê tông hiện trải rộng trên diện tích 100.000 m2, nơi rộng nhất là 400m. Đá Gạc Ma hiện có các công trình như kênh tiếp cận, nhà máy bê tông, tháp phòng thủ, bơm khử mặn, bơm nhiên liệu, cơ sở quân sự nhiều tầng, radar, trạm liên lạc, bãi đáp trực thăng, cầu cảng và đê chắn sóng gia cố. Đến nay, Trung Quốc đã hoàn thiện cải tạo phi pháp đá Gạc Ma và đưa vào sử dụng trái phép nhiều hạng mục công trình như: Tòa nhà kiên cố cao 26 – 27m gồm 8 tầng, tại 4 góc nhà đều bố trí các lỗ châu mai – lỗ bắn. Trên nóc nhà bố trí 2 ra đa hàng hải, 2 ăng ten parabol và 1 thiết bị đảm bảo bay có quả cầu che, cùng một số thiết bị thông tin liên lạc khác. Trên tầng 6 của tòa nhà, phía Trung Quốc lắp radar điều khiển hỏa lực, hệ thống kính ngắm quang học hiện đại. Tầng 5 của tòa nhà được lắp 2 bệ pháo 30mm (7 nòng) và tầng 1 lắp 2 bệ pháo 76mm. Ngoài hệ thống súng pháo trên nhà 8 tầng, còn có 1 vị trí hỏa lực lắp đặt pháo 76mm, pháo 30mm quay hướng Đông Bắc luôn có quân nhân trực canh 24/24 trong tư thế sẵn sàng chiến đấu và họ chỉ chui ra khỏi bệ pháo khi đổi ca trực. Ngoai ra, còn có các công trình khác trên bãi Gạc Ma như: 2 tháp radar đối không – đảm bảo bay cho máy bay, 1 tháp viễn thông thu phát sóng 4G cao khoảng 50m, 2 cột điện gió cùng hệ thống pin năng lượng mặt trời, 1 ngọn hải đăng cao 50m, bán kính chiếu xa khoảng 40 km… Bên cạnh đó, Trung Quốc còn nạo vét luồng rạch theo hướng Bắc – Nam với chiều dài 900 – 1.000m, rộng khoảng 250 – 400m thuận tiện cho các tàu trọng tải 4.000 tấn ra vào âu tàu phía trong bãi và cập cảng phía Bắc đá Gạc Ma.

Tại đá Subi: Từ tháng 7/2014, Trung Quốc tiến hành cải tạo trái phép trên đá này. Nơi này hiện có kênh tiếp cận, cầu cảng, các thiết bị thông tin liên lạc, radar, đê chắn sóng gia cố, bãi đáp trực thăng, cơ sở quận sự và có thể xây một đường băng dài 3.000m. Những hình ảnh mới đây chụp từ vệ tinh DigitalGlobe cho thấy có gần 400 tòa nhà mới được xây cất trên đá Subi. Tính đến nay, Subi là đảo nhân tạo lớn nhất trong số 7 đảo Trung Quốc xây dựng trái phép tại Trường Sa. Cơ sở hạ tầng tương tự cũng được triển khai tại đá Vành Khăn và Chữ Thập, bao gồm vị trí đặt tên lửa, đường băng dài 3 km, nhà kho lớn và một loạt thiết bị có thể theo dõi vệ tinh, hoạt động quân sự nước ngoài và thông tin liên lạc.

Tại đá Tư Nghĩa: Đầu những năm 1990, phía Trung Quốc bắt đầu xây dựng nhà tạm thành nhà kiên cố 2 tầng với cầu cảng, lô cốt và hệ thống thông tin liên lạc, ụ pháo… đến nay từ một đảo chìm ban đầu, chỉ có một căn nhà 2 tầng thì nay căn nhà đó đã được thay bằng một khối nhà cao tầng đồ sộ. Từ năm 2014, phía Trung Quốc đã huy động hàng chục tàu vận tải công trình trọng tải lớn, tập trung xây dựng cải tạo trái phép bãi Tư Nghĩa thành căn cứ quân sự. Hiện nay, căn cứ quân sự do Trung Quốc xây dựng trái phép trên bãi Tư Nghĩa đã hoàn tất các cơ sở hạ tầng, công trình trên diện tích cải tạo khoảng 9,5 ha bao gồm nhà kiên cố 8 tầng cao khoảng 26 – 27m, tại 4 góc nhà của các tầng đều bố trí lỗ bắn. Trên nóc bố trí 2 radar hàng hải và 2 ăngten parabol, 1 thiết bị có quả cầu che và các thiết bị thông tin liên lạc, quan sát. Ở tầng 6 của tòa nhà lắp rada điều khiển hỏa lực, kính ngắm quang học, còn tầng 5 lắp 4 bệ pháo 30 mm (7 nòng), tầng 1 lắp 4 bệ pháo 76 mm… Ngoài ra, vị trí hỏa lực lắp đặt pháo 76 mm, pháo 30 mm quay hướng Đông; tháp viễn thông thu phát sóng 4G cao khoảng 50 m; bãi đáp trực thăng, cầu cảng hướng Đông – Tây dài khoảng 80 – 100 m. Ngoài việc bồi đắp và xây dựng khối nhà 09 tầng, Trung Quốc cũng cho nạo vét một luồng dẫn vào cầu cảng của đá Tư Nghĩa, dài khoảng 900m với độ sâu trên 10m để đón các tàu trọng tải lớn vào cảng.

Tại bãi đá Châu Viên: Trung Quốc hiện đã cải tạo phi pháp và mở rộng diện tích phần đất nhân tạo trên bãi đá Châu Viên lên đến 119.711 m2. Những công trình xuất hiện tại đây gồm kênh tiếp cận, đê chắn sóng, bãi đáp trực thăng, các tòa nhà hỗ trợ, cơ sở quân sự, ăng ten liên lạc vệ tinh, radar, hải đăng…

Tại đá Gaven: Trung Quốc đã cải tạo, mở rộng trái phép diện tích 114.000 m2 trên đá Gaven. Bãi đá này có kênh tiếp cận, súng phòng không, súng hải quân, thiết bị liên lạc, kiến trúc hỗ trợ xây dựng, tháp phòng thủ, cơ sở quân sự, bãi đáp trực thăng và đê chắn sóng.

Công trình quân sự của Trung Quốc hoạt động không hiệu quả

Theo phân tích của Giáo sư Robert Farley, Đại học Kentucky (Mỹ) Trung Quốc nhiều năm nay đang muốn tăng cường sức mạnh quân sự ở Biển Đông thông qua việc mở rộng và quân sự hóa các thực thể chiếm đóng trái phép. Tuy nhiên, các công trình quân sự Trung Quốc xây dựng trái phép trên biển Đông được cảnh báo khó duy trì được khả năng chức năng liên lạc, tiếp tế và hậu cần một khi xung đột nổ ra và kéo dài.

Tuy nhiên, chuyên gia Farley cho rằng các “căn cứ nổi” này không thật sự có giá trị như Bắc Kinh vẫn dự liệu và chỉ có ý nghĩa chính trị nhất thời hơn là mang lại lợi thế quân sự vượt trội. Theo đó, khi sở hữu những căn cứ trên Biển Đông, không thể phủ nhận Trung Quốc có thể khiến hoạt động tuần tra, tự do hàng hải của Mỹ gặp khó khăn. Nhưng nếu xung đột xảy ra, sẽ không quá khó để Không quân và Hải quân Mỹ tiêu diệt những cơ sở này.

Một mặt, hiện Trung Quốc đã cho thiết lập hệ thống bệ phóng tên lửa ở các bãi đá Su Bi, Vành Khăn, Chữ Thập, Phú Lâm nhằm mục đích đặt phần lớn khu vực Biển Đông vào tầm tấn công của nước này. Loại tên lửa mà Trung Quốc đưa ra biển Đông là hệ thống đất đối không (như HQ-9 và nhiều khả năng sẽ là tổ hợp S-400 của Nga trong tương lai) cùng tên lửa hành trình trên bộ. Đây là những vũ khí có khả năng đe dọa nhiều loại tàu chiến, chiến đấu cơ của Hải quân Mỹ. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng hệ thống tên lửa của Trung Quốc đang được đặt trên các thực thể nhân tạo giữa biển mà không có bất kỳ biện pháp phòng thủ nào, khiến các thực thể nhân tạo trên sẽ khó lòng trụ nổi trước một đợt tấn công phối hợp. Mặt khác, bên cạnh tên lửa, một số sân bay mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở biển Đông cũng có thể hỗ trợ quân đội nước này dễ dàng định vị và tiêu diệt mục tiêu từ xa với khoảng cách tương đương tên lửa hành trình, nhờ vào hệ thống máy bay tuần tra, chiến đấu dày đặc. Dù vậy, những lợi thế này một lần nữa rất dễ vô hiệu hóa một khi có xung đột bằng một đợt tấn công phủ đầu với tên lửa tầm xa và các đợt tấn công tổng hợp. Trong môi trường tác chiến giữa biển, việc triển khai các đơn vị công binh từ đại lục ra vừa sửa chữa nhanh các sân bay, vừa phải chống đỡ những đợt tấn công sẽ rất khó khăn trong điều kiện nguồn lực có hạn của Trung Quốc.

Không những vậy, so với các bệ phóng tên lửa hay sân bay, tổ hợp radar của Trung Quốc trên Biển Đông thậm chí còn dễ bị tấn công hơn. Với các điểm yếu cố hữu như khó di chuyển, khó che giấu, radar dễ trở thành mục tiêu cho các cuộc tấn công của quân đội Mỹ như phóng tên lửa (từ tàu ngầm và máy bay tàng hình), tấn công mạng hoặc tác chiến điện tử. Nhìn chung, toàn bộ năng lực quân sự của những thực thể nhân tạo Trung Quốc ở Biển Đông bị phụ thuộc nặng nề vào công tác hậu cần từ đại lục. Các căn cứ tưởng chừng “bất khả xâm phạm” này lại rất dễ cô lập vì hầu hết đều không có kho dự trữ đủ lớn. Khi xung đột xảy ra, việc duy trì khả năng chức năng liên lạc, tiếp tế và hậu cần sẽ là rủi ro và thách thức lớn cho Trung Quốc.

Vũ khí Trung Quốc biến thành “đống sắt vụn” trên các đảo nhân tạo

Ngoài việc dễ bị tiêu diệt, thời tiết khắc nghiệt đã nhanh chóng bào mòn và phá hủy các hệ thống vũ khí và cơ sở hạ tầng được Trung Quốc xây dựng và triển khai trái phép ra các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Để bảo đảm cho các phương tiện đó có thể sử dụng được, Bắc Kinh đã phải cho nghiên cứu để tìm ra các loại chất phủ có khả năng bảo vệ vũ khí và cơ sở hạ tầng mà họ đã xây dựng và triển khai trái phép ở trên các thực thể ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Tờ Kông South China Morning Post (SCMP, 01/07/2019) cho biết, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đang tìm cách chế tạo ra một chất chống bào mòn mới để bảo vệ vũ khí và công trình xây dựng trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Theo tờ báo trên, một nhà nghiên cứu đã nêu bật tính chất nghiêm trọng của tình hình khi nêu ra một ví dụ cụ thể: “Một khẩu pháo đã bị đưa ra khỏi biên chế chỉ sau vỏn vẹn 3 tháng phục vụ do vấn đề rỉ sét”. Và không chỉ có vũ khí gặp vấn đề. Các hệ thống radar và phóng tên lửa, tường chắn cho hải cảng, hạ tầng cơ sở và phi đạo cho sân bay, các loại đường ống, thậm chí cả phần nền trên đó các đảo nhân tạo được xây dựng, tất cả đều có nguy cơ bị hủy hoại nhanh chóng.

Để bảo vệ những tài sản giá trị đó, Quân Đội Trung Quốc đã có kế hoạch phủ một lớp bảo vệ bằng chất graphene trên các loại vũ khí và cơ sở hạ tầng. Graphene là vật liệu mới chỉ được các nhà nghiên cứu Đại học Anh Quốc Manchester phát triển từ năm 2004, cực mỏng nhưng lại cứng hơn thép đến 100 lần. Theo một nhà nghiên cứu thứ hai, một viện nghiên cứu quân sự ở Thượng Hải đang cho thử nghiệm lần cuối cùng lớp phủ graphene này trước khi đưa vào sử dụng. Nhà nghiên cứu này tỏ ra rất tin tưởng, cho rằng mặc dù chưa được phép dùng trong lãnh vực quân sự, nhưng chất phủ đã được ứng dụng trong các lĩnh vực dân sự và đã tỏ ra “cực kỷ hữu dụng” trong ngành công nghiệp hóa chất, khi được dùng để bảo vệ các ống dẫn dầu khí khỏi bị acid, áp suất hay sức nóng cao bào mòn. Theo nhà nghiên cứu này thì các thách thức nêu trên còn dữ dội hơn nhiều so với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Biển Đông.

Trong khi đó, trong một bản báo cáo công bố trên tạp chí công nghệ quốc phòng Trung Quốc Defence Technology Review, Giáo sư Hồ Kì Cao, Đại Học Công Nghệ Quốc Phòng Trung Quốc ở Hồ Nam, đã nêu bật các vấn đề mà đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông đang gặp phải. Theo chuyên gia này, vì Trung Quốc quá vội vàng trong việc bồi đắp, xây dựng các hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông trong giai đoạn 2013-2015, cho nên đầy rẫy vấn đề đã nảy sinh. Bản báo cáo ghi rõ: “Vì những lý do lịch sử, nước ta (tức là Trung Quốc) đã không nghiên cứu đầy đủ môi trường tự nhiên ở Biển Đông cũng như tác động của môi trường trên các cấu trúc kỹ thuật được xây dựng. Việc thiết kế và xây dựng các đảo đá đã được tiến hành theo lịch trình gò bó mà không có được những đánh giá khoa học sâu sát, dài hạn”. Theo ông Hồ Kì Cao, các nhân tố tác hại bao gồm nhiệt độ, độ ẩm cao, sương mù, nồng độ muối trong không khí và bức xạ nhiệt lớn. Tốc độ hao mòn của các trang thiết bị và vật liệu đưa ra Biển Đông khiến Quân Đội Trung Quốc phải ngạc nhiên. Trong bản báo cáo, ông viết: “Các cấu trúc bê tông bắt đầu bị rã ra sau chưa đầy 3 năm và các trang thiết bị bằng kim loại ngừng vận hành sau khoảng 1 năm do bị ăn mòn”. Những vấn đề trên đã gây ra lo ngại về an toàn và về khả năng các cơ sở của Trung Quốc đứng vững được trước những thảm họa tự nhiên như bão và sóng thần. Ngoài ra, sự ăn mòn nhanh chóng không chỉ tác động nghiêm trọng đến hoạt động bình thường của các cấu trúc kỹ thuật và cơ sở hạ tầng, mà còn làm gia tăng đáng kể chi phí vận hành và bảo trì.

RELATED ARTICLES

Tin mới