Friday, December 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaĐiểm lại những sự kiện quan trọng trên bán đảo Triều Tiên...

Điểm lại những sự kiện quan trọng trên bán đảo Triều Tiên năm 2019

Trong năm 2019, diễn biến tình hình bán đảo Triều Tiên có nhiều động thái mới, từng được kỳ vọng sẽ đạt tiến triển tích cực sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội, tuy nhiên mọi thứ dường như lại rơi vào bế tắc khi Mỹ và Triều Tiên liên tiếp không đạt được thỏa thuận trong các cuộc đàm phán song phương.

Năm biến động trong quan hệ Mỹ-Triều

Tình hình bán đảo Hàn Quốc từng được kỳ vọng sẽ đạt tiến triển tích cực sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội hồi tháng 2. Tuy nhiên, hội nghị đổ bể, mâu thuẫn giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên ngày một xấu đi, khiến cục diện bán đảo Hàn Quốc trở về tương tự thời điểm cuối năm 2017.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã hội đàm tại Hà Nội trong hai ngày 27-28/2 năm nay. Tuy nhiên, hội đàm kết thúc mà không đạt được thành quả nào do hai nước không thu hẹp được bất đồng ý kiến. Mỹ chủ trương đạt được “một thỏa thuận lớn trọn gói”, trong khi Bắc Triều Tiên lại đề xuất đạt thỏa thuận và thực hiện “theo từng giai đoạn”. Sau đó, trong Hội nghị Hội đồng nhân dân tối cao hồi tháng 4, Chủ tịch Kim Jong-un đã thông qua đường lối “tự chủ”, “tự lực cánh sinh phát triển kinh tế”, và tuyên bố sẽ không đeo bám dỡ bỏ cấm vận. Miền Bắc đơn phương đặt ra thời hạn đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ-Triều là tới cuối năm 2019, yêu cầu Washington phải đề xuất một “cách tính toán mới”. Song song với đó, miền Bắc liên tiếp có các động thái khiêu khích như phóng tên lửa tầm ngắn, pháo phản lực siêu lớn, tên lửa đạn đạn từ tàu ngầm (SLBM). Ngày 30/6, lãnh đạo Mỹ và Bắc Triều Tiên bất ngờ có cuộc gặp chớp nhoáng tại Bàn Môn Điếm, nhân sự kiện Tổng thống Donald Trump tới Khu phi quân sự liên Triều (DMZ) trong khuôn khổ chuyến thăm Hàn Quốc. Sau đó, quan chức cấp chuyên viên của hai nước đã nhóm họp tại Stockholm, Thụy Điển trong tháng 10, nhưng vẫn không đạt được thành quả nào. Ngày 8/12, Bắc Triều Tiên tuyên bố đã tiến hành một “vụ thử nghiệm trọng đại”, được phỏng đoán là thử nghiệm tính năng động cơ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), và đe doạ sẽ tặng Mỹ một món quà Giáng sinh. Sau đó, Washington đáp trả bằng cách liên tục điều động máy bay trinh sát tới không phận bán đảo Hàn Quốc, khiến căng thẳng Mỹ-Triều leo thang tới tận những ngày cuối cùng năm 2019.

Quan hệ Hàn – Nhật xấu đi chưa từng thấy

Trong năm 2019, quan hệ Hàn-Nhật xấu đi chưa từng thấy, phải tới cuối năm mới có biến chuyển. Tổng thống Moon Jae-in ngày 24/12 đã hội đàm thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, trao đổi các vấn đề song phương nổi cộm, trong đó có vấn đề quy chế xuất khẩu của Nhật Bản. Mặc dù vẫn còn bất đồng ý kiến, nhưng hai nhà lãnh đạo đều chung nhận định cần giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo hai nước hội đàm thượng đỉnh trong 15 tháng qua, kể từ lần hội đàm bên lề khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York tháng 9 năm ngoái.

Mâu thuẫn Hàn-Nhật bùng lên sau khi Tòa án tối cao Hàn Quốc ra phán quyết yêu cầu doanh nghiệp Nhật Bản bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời chiến cuối tháng 10 năm ngoái. Tình hình càng căng thẳng hơn sau khi Nhật Bản công bố siết chặt quy chế xuất khẩu ba mặt hàng vật liệu công nghệ cao quan trọng trong sản xuất chíp bán dẫn và màn hình sang Hàn Quốc tháng 7 năm nay. Tới ngày 2/8, Tokyo công bố loại Hàn Quốc khỏi “Danh sách trắng” các nước được hưởng ưu đãi về quy trình xuất khẩu. Đáp lại, trong tháng 8, Hàn Quốc tuyên bố chấm dứt Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung (GSOMIA) Hàn-Nhật. Tháng 9, Seoul khởi kiện Tokyo lên Tổ chức thương mại thế giới (WTO), đồng thời công bố “Hướng dẫn xuất nhập khẩu vật tư chiến lược” sửa đổi, có nội dung xóa tên Tokyo khỏi “Danh sách trắng” của Hàn Quốc.

Tuy nhiên, Hàn Quốc vẫn nỗ lực để giải quyết vấn đề. Tháng 10 năm nay, Thủ tướng Lee Nak-yon đã tới thăm Nhật Bản để dự lễ đăng quang của Nhật hoàng Naruhito. Tháng 11, Tổng thống Moon Jae-in và Thủ tướng Abe có cuộc trò chuyện ngắn bên lề Hội nghị thượng đỉnh ASEAN+3 (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và ba nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản), tại Bangkok, Thái Lan, tìm kiếm phương án đột phá để cải thiện tình hình. Tiếp đó, 6 tiếng trước khi GSOMIA hết hiệu lực ngày 23/11, hai nước nhất trí Hàn Quốc hoãn có điều kiện thời hạn hết hiệu lực của hiệp định, Nhật Bản cũng xem xét lại các quy chế xuất khẩu. Sau đó, Tokyo đã nới lỏng một phần quy chế xuất khẩu ba mặt hàng vật liệu công nghệ cao sang Seoul, rồi lãnh đạo hai nước hội đàm thượng đỉnh tại Trung Quốc. Có thể nói quan hệ Hàn-Nhật đã tránh được kịch bản tồi tệ nhất, bắt đầu tìm được động lực hồi phục.

Quan hệ liên Triều đóng băng, không có tiến triển

Quan hệ liên Triều khởi động năm 2019 với kỳ vọng lớn về chính sách hòa bình của Chính phủ. Tuy nhiên, đến cuối năm, tình hình quan hệ giữa hai miền ngày một xấu đi, gần như quay trở lại cục diện thời kỳ khủng hoảng hạt nhân miền Bắc năm 2017.

Thế vận hội mùa đông PyeongChang tại Hàn Quốc hồi tháng 2 năm ngoái đã mở ra cục diện đối thoại liên Triều. Sau đó, bầu không khí bán đảo Hàn Quốc liên tiếp có nhiều chuyển biến tích cực, với Hội nghị thượng đỉnh liên Triều tại Bàn Môn Điếm hồi tháng 4, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất tại Singapore vào tháng 6, và Hội nghị thượng đỉnh liên Triều tại Bình Nhưỡng trong tháng 9. Trước thềm năm mới 2019, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ miền Bắc Kim Jong-un và Tổng thống Moon Jae-in còn trao đổi thư từ, thể hiện quyết tâm xúc tiến lộ trình phi hạt nhân hóa và hòa bình bán đảo Hàn Quốc. Thế nhưng, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội hồi tháng 2 năm nay đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào. Mỹ yêu cầu Bắc Triều Tiên có bước đi phi hạt nhân hóa trước, còn miền Bắc lại yêu cầu Washington dỡ bỏ cấm vận trước. Điều này đã gây ảnh hưởng xấu tới tình hình quan hệ liên Triều. Tới tháng 3, Bắc Triều Tiên đơn phương thông báo rút nhân viên khỏi Văn phòng liên lạc liên Triều ở thành phố Gaesung, miền Bắc, và dừng thực thi thỏa thuận quân sự đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều tháng 9 ở Bình Nhưỡng. Từ tháng 5, nước này liên tiếp phóng vũ khí tầm ngắn kiểu mới, thị uy sức mạnh quân sự, thậm chí còn từ chối nhận gạo viện trợ từ Hàn Quốc thông qua các tổ chức quốc tế. Bầu không khí nguội lạnh thể hiện rõ trong trận đấu bóng đá ngày 15/10 giữa hai miền Nam-Bắc tại sân vận động Bình Nhưỡng, thuộc khuôn khổ vòng loại châu Á Giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup) Qatar 2020. Trận đấu đã diễn ra mà không có khán giả, không truyền hình trực tiếp. Trong tháng 10, Chủ tịch Kim Jong-un ra chỉ thị phá dỡ các hạ tầng du lịch do miền Nam xây dựng trên núi Geumgang, biểu tượng của hợp tác kinh tế liên Triều. Nước này còn không tiếc lời chỉ trích Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, cho thấy Bắc Triều Tiên đã quay lại chiến lược loại Hàn Quốc khỏi vòng đối thoại. Một số ý kiến cho rằng chính sách với Bắc Triều Tiên của Chính phủ đang để lộ hạn chế, qua đó yêu cầu Chính phủ thay đổi đường lối.

Hàn Quốc đẩy mạnh ngoại giao với các nước phương Nam

Trong năm 2019, chính sách “Phương Nam mới” của Chính phủ Tổng thống Moon Jae-in đã gặt hái những thành quả to lớn và đi vào quỹ đạo ổn định. Tháng 9 năm nay, Tổng thống đã công du ba nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là Thái Lan, Myanmar, Lào, hoàn tất các chuyến thăm cả 10 nước ASEAN trong nhiệm kỳ. Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Hàn-ASEAN và Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mekong lần thứ nhất đã liên tiếp diễn ra trong tháng 11 tại thành phố Busan, đưa quan hệ hợp tác song phương lên tầm cao mới.

Chính sách “Phương Nam mới” được Tổng thống chính thức công bố tại Diễn đàn kinh doanh Hàn-Indonesia ngày 9/11/2017, với nội dung nâng tầm quan hệ hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á lên ngang hàng với 4 cường quốc là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga. Tinh thần cơ bản của chính sách này là “3P”, tức là theo đuổi một cộng đồng của “Con người” (People), “Hòa bình” (Peace) và “Thịnh vượng chung” (Prosperity). Tại Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Hàn-ASEAN, lãnh đạo các nước đã thông qua “Tầm nhìn Hàn-ASEAN vì hòa bình, thịnh vượng và quan hệ đối tác” cùng “Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Hàn-ASEAN 2019”. Các bên cũng ra thông cáo báo chí chung, nhất trí xây dựng ba cộng đồng chung tương lai gồm “Cộng đồng đặt trọng tâm vào con người”, “Cộng đồng đổi mới vì thịnh vượng chung”, và “Cộng đồng Đông Á hòa bình”. Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mekong có sự tham gia của 5 nước lưu vực sông Mekong là Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Seoul và các nước đã thông qua “Tuyên bố sông Hàn – sông Mekong”, phác thảo phương án tăng cường quan hệ hợp tác trong tương lai.

Chính sách kinh tế của Chính phủ Moon Jae-in

Tổng thống Moon Jae-in chính thức bước sang nửa nhiệm kỳ cầm quyền còn lại từ ngày 9/11. Những chính sách kinh tế trọng điểm trong nửa đầu nhiệm kỳ đang thiết lập được chỗ đứng vững chắc. Mặc dù đã điều chỉnh tốc độ tăng lương tối thiểu thấp hơn những năm trước, nhưng trong năm nay, Chính phủ đã triển khai chế độ tuần làm việc tối đa 52 tiếng. Chính sách tăng trưởng do thu nhập đóng vai trò chủ đạo được phát triển thành chính sách tăng trưởng đổi mới.

Sau 13 giờ thảo luận từ chiều 16/7, Ủy ban lương tối thiểu đã quyết định mức lương tối thiểu năm sau là 8.590 won (7,4 USD)/giờ, tăng 2,9% so với năm nay, mức tăng thấp thứ ba trong lịch sử, cũng là mức thấp nhất kể từ khi Chính phủ Moon Jae-in ra mắt. Mức tăng lương tối thiểu năm 2018 là 16,4%, năm 2019 là 10,9%. Chế độ tuần làm việc tối đa 52 tiếng đã bắt đầu được triển khai từ ngày 1/7, áp dụng với các doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước trên 300 nhân viên. Các doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn sẽ chia làm hai giai đoạn, áp dụng từ năm 2020 và 2021. Dư luận đánh giá với chế độ này, điều kiện lao động đã có chuyển biến lớn nhất kể từ khi Hàn Quốc áp dụng chế độ tuần làm việc 5 ngày năm 2004, giúp người lao động cân bằng giữa cuộc sống và công việc tốt hơn. Hàn Quốc vốn là quốc gia có thời gian làm việc dài nhất trong các nước thành viên Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).

Chính sách tăng trưởng do thu nhập đóng vai trò chủ đạo không được đề cập trong các nội dung công bố chính sách kinh tế quan trọng của Chính phủ năm nay. Do đó, một số ý kiến cho rằng Chính phủ đã chuyển đổi sang chính sách khác. Tuy nhiên, Chính phủ giải thích rằng đang tập trung vào chính sách tăng trưởng đổi mới, dựa trên những thành quả từ chính sách tăng trưởng do thu nhập đóng vai trò chủ đạo trong thời gian qua. Trong khi đó, phe đối lập chỉ trích Chính phủ đột ngột nâng lương tối thiểu, thực thi chế độ tuần làm việc tối đa 52 tiếng là những chính sách “quá nặng”, gây khó khăn cho nền kinh tế, qua đó yêu cầu Chính phủ thay đổi chính sách.

Nhìn chung, tình hình bán đảo Triều Tiên sẽ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và được cải thiện trong tương lai gần. Năm 2019, Triều Tiên đã 13 lần phóng thử các loại hình tên lửa (tầm ngắn, tầm trung, tên lửa chống hạm…). Trong khi đó, tiến trình đối thoại cấp cao giữa Mỹ và Triều Tiên tiếp tục gặp khó khăn và đi vào bế tắc. Tuy hai nước đều có mong muốn thông qua đàm phán để giải quyết vấn đề phi hạt hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, song đây là vấn đề lợi ích chiến lược cũng như “quân bài mặc cả” của Chính quyền Bình Nhưỡng để đối lấy các lợi ích thiết thực. Do đó, ít khả năng Triều Tiên sẽ chịu “nhún nhường” khi đàm phán với Mỹ. Điều này sẽ khiến tình hình khu vực bán đảo Triều Tiên tiếp tục duy trì căng thẳng như hiện tại và không loại trừ khả năng sẽ được phía Triều Tiên đẩy lên cao vào những giai đoạn khác nhau, nhằm phục vụ ý đồ, mục đích trong từng giai đoạn.

RELATED ARTICLES

Tin mới