Wednesday, January 1, 2025
Trang chủBiển nóngIndonesia phản đối tuyên bố của TQ về chủ quyền với vùng...

Indonesia phản đối tuyên bố của TQ về chủ quyền với vùng nước gần Trường Sa

Bộ Ngoại giao Indonesia hôm 1/1/2020 lên tiếng phản đối tuyên bố mới đây của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc rằng Bắc Kinh có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và vùng nước quanh đó. Jakarta coi tuyên bố chủ quyền này của Trung Quốc là không có căn cứ pháp lý.

Trước đó, vào ngày 30/12/2019, Indonesia đã lên tiếng phản đối một tàu hải cảnh của Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở gần đảo Natuna thuộc Indonesia. Jakarta đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia đến để phản đối.

Phát biểu tại họp báo ở Bắc Kinh hôm 31/12/2019, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói: “Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và vùng nước quanh đó”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nói rằng ngư dân Indonesia và Trung Quốc vẫn có hoạt động đánh bắt cá bình thường tại vùng nước này.

Trong tuyên bố ngày đầu năm mới, Bộ Ngoại giao Indonesia đề nghị Trung Quốc làm rõ căn cứ pháp lý với đòi hỏi của mình và chỉ ra đường biên giới rõ ràng liên quan đến vùng đặc quyền kinh tế mà Trung Quốc nói đến, căn cứ theo Công ước về Luật biển của Liên Hiệp quốc 1982 (UNCLOS).

Bộ Ngoại giao Indonesia viết rằng đòi hỏi về vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc và hoạt động của các ngư dân ở đó không có căn cứ pháp lý và chưa bao giờ được công nhận bởi UNCLOS.

Indonesia hiện không có đòi hỏi về chủ quyền đối với khu vực quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Đây là quần đảo có tranh chấp về chủ quyền giữa Trung Quốc và một số nước trong khu vực bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, và Đài Loan.

Quần đảo Natuna của Indonesia nằm về phía nam quần đảo Trường Sa và không nằm trong đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc tự ý vẽ ra trên Biển Đông, đòi chủ quyền phần lớn diện tích vùng biển này.

Trong một phán quyết của Toà Trọng tài Quốc tế ở The Hague hồi năm 2016, toà đã bác bỏ tính hợp lệ của đường đứt khúc, đồng thời không công nhận quần đảo Trường Sa có vùng đặc quyền kinh tế. Tuy nhiên Trung Quốc không chấp nhận phán quyết này.

RELATED ARTICLES

Tin mới