Khác với các Hội nghị Bộ Chính trị Trung Quốc trước đây, trong phiên họp hai ngày 26-27/12 vừa qua, ông Tập Cận Bình lần đầu được Bộ chính trị Trung Quốc gồm 25 ủy viên nhắc đề cập như một “Lãnh tụ nhân dân” – danh xưng trong quá khứ chỉ được dùng cho nhà lập quốc Mao Trạch Đông.
Tại cuộc họp trên, Bộ Chính trị Trung Quốc đã nghiên cứu và thực hiện tinh thần của Phiên họp toàn thể lần thứ tư của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19, theo sát đường lối chính của nghiên cứu và thực hiện tư tưởng xã hội của Tập Cận Bình với các đặc điểm của Trung Quốc trong thời đại mới. Giới chức Trung Quốc đã tiến hành nghiên cứu, xem xét “Báo cáo về việc thực hiện tám điều khoản của Bộ Chính trị Trung Quốc năm 2019” và “Báo cáo về việc giải quyết các vấn đề nổi bật của chủ nghĩa hình thức để giảm bớt gánh nặng của cơ sở”. Theo đó, các ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc đã trọng điểm thảo luận, phát biểu xoay quanh 7 phương diện, gồm tăng cường vũ trang lý luận, đi đầu bảo vệ thẩm quyền của chế độ, sử dụng quyền lực đúng chức trách-trong sạch liêm khiết… Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chủ trì hội nghị và có phát biểu quan trọng, trong đó ông khen ngợi các Ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc đã “chủ động tìm ra khác biệt, tìm ra khuyết điểm, đề xuất nhiều ý kiến và kiến nghị tốt để làm tốt công tác”, đồng thời yêu cầu các quan chức phải giữ vững sự liêm khiết từ chính cá nhân, “quản lý tốt người thân, bạn bè và các nhân viên xung quanh”.
Khác với các hội nghị trước đây, trong phiên họp vừa qua, ông Tập Cận Bình lần đầu được Bộ chính trị Trung Quốc đề cập như một “Lãnh tụ nhân dân” – danh xưng trong quá khứ chỉ được dùng cho nhà lập quốc Mao Trạch Đông. Theo Wall Street Journal, danh xưng kể trên không trao cho ông Tập Cận Bình thêm quyền lực, nhưng thái độ tôn kính thể hiện trong thông cáo của hội nghị nhằm thể hiện sự đoàn kết của đảng Cộng sản Trung Quốc đằng sau nhà lãnh đạo này, trong bối cảnh ông phải đương đầu với nhiều thách thức kinh tế, chính trị trên diện rộng ở cả trong và ngoài nước.
Trong khi đó, Tân Hoa xã cũng ra thông cáo cho rằng: “Đối diện với biến đổi lớn chưa từng thấy trên thế giới trong 100 năm qua, đối diện với thách thức rủi ro phức tạp trong và ngoài nước, Tổng bí thư Tập Cận Bình đã nhìn xa trông rộng, nắm bắt toàn cuộc, hoạch định chỉ huy, tính toán chu toàn, đề xuất một loạt sách lược chiến lược trọng đại, thúc đẩy một loạt công tác lớn, lãnh đạo toàn đảng toàn quốc, nhân dân các dân tộc đạt được thành tựu to lớn mới trong thúc đẩy phát triển Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới, và tiến hành cuộc đấu tranh vĩ đại mang nhiều đặc điểm lịch sử mới. Ông Tập Cận Bình đã thể hiện niềm tin lý tưởng kiên định của đảng viên Cộng sản, tình cảm vì dân thân thiết của Lãnh tụ nhân dân, nghệ thuật lãnh đạo chính trị cao siêu của chính trị gia chủ nghĩa Marx”.
Trước khi được Bộ chính trị Trung Quốc đề cập trong báo cáo hội nghị bằng cụm từ “Lãnh tụ nhân dân”, ông Tập Cận Bình đã được một số quan chức cấp cao – gồm chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lật Chiến Thư – và truyền thông nhà nước nhắc đến bằng danh xưng này trong nhiều dịp khác nhau. Báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo đăng tải bài viết trên trang nhất số ra hôm 25/8 với tiêu đề “Lãnh tụ nhân dân yêu nhân dân”; Tân Hoa Xã (3/2019) trong chuyên đề về Lưỡng hội Trung Quốc cũng cập nhật nhan đề lớn “Hoạt động của Lãnh tụ nhân dân Tập Cận Bình tại Lưỡng hội”.
Trong khi đó, Nhật báo Tinh đảo (29/12) cũng trích dẫn lại các nguồn tin trên, cho rằng từ 10/2017, ông Tập Cận Bình đã được gọi là “lãnh tụ của Đảng”, lần này chỉ là sự bổ sung thêm “nhân dân” trước từ “lãnh tụ”. Trước đó, trong lịch sử Trung Quốc chỉ có Mao Trạch Đông và Hoa Quốc Phòng được chính quyền Trung Quốc tôn xưng là “lãnh tụ”. Theo giới phân tích, việc Tập Cận Bình được xưng là “lãnh tụ nhân dân” là bước tiếp nối thể hiện địa vị lãnh đạo của ông Tập. Theo đó, năm 2016 ông xác định “Hạch nhân Tập Cận Bình”, năm 2017 “Tư tưởng Tập Cận Bình” được đưa vào điều lệ Đảng, năm 2018 “Tư tưởng Tập Cận Bình” được đưa vào Hiến pháp Trung Quốc.
Giáo sư Wang Zheng, Đại học Seton Hall (Mỹ) nhận định hiện Trung Quốc đang nổi lên “phong trào tôn vinh Chủ tịch Tập Cận Bình”. Theo Giáo sư Wang Zheng, hệ thống quan liêu, tệ “sùng bái cá nhân” của Trung Quốc có một lịch sử lâu đời hơn bất cứ nơi nào trên thế giới. Từ thời nhà Tần (221-206 trước Công nguyên) cho đến ngày hôm nay, tệ nạn này về cơ bản không hề thay đổi. Ở Trung Quốc thời xa xưa, khi Hoàng đế yếu kém thì đám quan lại – đặc biệt là đám cận thần – biến ông ta thành bù nhìn để theo đuổi lợi ích cá nhân. Đám lãnh chúa địa phương và hoạn quan mới là những người thực sự nắm quyền điều hành triều chính. Nếu một vị Hoàng đế có năng lực và quyết đoán, thì ông ta sẽ dùng mọi cách để mạnh hơn nữa: trong trị tham quan, ngoài trảm các vương hầu làm loạn và tự coi mình là “thiên tử”. Thiên tử sẽ được đám quan lại xung quanh xu nịnh, tâng bốc lên chín tầng mây và ngày càng xa rời thực tế. Trong cả hai trường hợp, đám quan lại đều cố gắng gây ảnh hưởng đến “thiên tử” để bảo vệ và tối đa hóa lợi ích cá nhân. Một trong những ví dụ điển hình của tệ “sùng bái cá nhân” là cố Chủ tịch Mao Trạch Đông, một nhà lãnh đạo quyết đoán. Nhiều học giả cho rằng một trong những lý do khiến Chủ tịch Mao Trạch Đông phát động cuộc Cách mạng Văn hóa là việc ông rất thất vọng khi thấy các quan chức dưới quyền chẳng khác gì đám quan lại thời phong kiến. Ông ta muốn làm cuộc Cách mạng Văn hóa để tạo ra một Trung Quốc mới. Một loạt các quan chức cấp cao Trung Quốc thời đó đã bị cách chức và đưa đi cải tạo. Trong số này có Đặng Tiểu Bình và Tập Trọng Huân – cha của đương kim Tổng Bí thư, Chủ nước Tập Cận Bình. Sau Cách mạng Văn hóa và Đặng Tiểu Bình trở thành nhà lãnh đạo hàng đầu, hầu hết các cán bộ cao cấp thời tiền Cách mạng Văn hóa còn sống được phục chức và một lần nữa tham gia điều hành đất nước. Trong suốt hai nhiệm kỳ (2002-2012), quyền lực của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào đã bị xói mòn đáng kể. Một số Ủy viên Bộ Chính trị như Chu Vĩnh Khang, Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu và Chánh văn phòng Trung ương đảng Lệnh Kế Hoạch đã “tác oai, tác quái” dưới thời Hồ Cẩm Đào. Việc ông Hồ Cẩm Đào nghỉ hưu đã mở đường cho sự xuất hiện của ông Tập Cận Bình – được coi là nhà lãnh đạo mạnh mẽ nhất Trung Quốc, sau Đặng Tiểu Bình.
Những người ngoại đạo không hoàn toàn hiểu được thực tế chính trường Trung Quốc. Việc bổ nhiệm Tập Cận Bình và hầu hết các ủy viên Bộ Chính trị hiện nay đều do các vị lãnh đạo tiền nhiệm quyết định. Nếu không có thực quyền, ông Tập Cận Bình có nguy cơ bị biến thành bù nhìn. Để tránh sa vào vết xe đổ của người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch nước Tập Cận Bình cần phải củng cố quyền lực để thực hiện kế hoạch cải cách mà ông đề ra. Chỉ có điều, lịch sử đang lặp lại và giờ đây, Trung Quốc bắt đầu một chiến dịch mới “ca ngợi lãnh tụ vĩ đại”. Giáo sư Wang Zheng cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình đang rơi vào “vết xe đổ” của quá khứ và “sùng bái cá nhân” chẳng có kết cục tốt đẹp bởi vì “cuối cùng thì đám quan lại tư lợi vẫn sẽ thắng”.
Được biết, từ khi ngồi vào ghế lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc vào năm 2012, ông Tập Cận Bình đã dần dần thâu tóm quyền lực, trừng phạt hơn 1 triệu đảng viên qua chiến dịch chống tham nhũng đồng thời để loại trừ các đối thủ tiềm tàng. Chính sách tôn sùng cá nhân họ Tập cũng được phát động song song với chiến lược đàn áp những tiếng nói tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền.