Viện Hải dương Nam Hải thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc (CAS) và Học viện Khoa học Thủy sản Trung Quốc (CAFS) sẽ lập một Hiệp hội bảo vệ các bãi san hô Trung Quốc ở tỉnh Hải Nam nhằm tìm cách “bảo vệ và khôi phục hệ sinh thái ở Biển Đông”.
Theo thông tin trên, Hiệp hội bảo vệ các bãi san hô Trung Quốc ở tỉnh Hải Nam sẽ do Bộ Nông nghiệp Trung Quốc quản lý nhằm nghiên cứu, đánh giá và tìm kiếm “giải pháp” hạn chế sự xói mòn của san hô ở các bãi chính và lập các khu bảo tồn để bảo vệ 90% san hô của Biển Đông kể từ năm 2030. Trước đó, Bộ Tài nguyên Trung Quốc (1/2019) cho biết nước này đã lập các cơ sở bảo tồn-phục hồi sự tăng trưởng của san hô ở Đá Chữ Thập, Đá Xubi và Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là 3 trong 7 đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép trên quần đảo Trường Sa.
Từ năm 2013, Trung Quốc bắt đầu tiến hành cải tạo phi pháp quy mô lớn 7 bãi đá ngầm Chữ Thập, Ga Ven, Châu Viên, Gạc Ma, Tư Nghĩa, Vành Khăn và Xu Bi (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) thành các đảo nhân tạo. Đến giữa năm 2015, Trung Quốc tiếp tục tiến hành cải tạo phi pháp đảo Phú Lâm, Duy Mộng và Quang Hòa (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc xâm chiếm trái phép năm 1956 và 1974). Trong quá trình cải tạo phi pháp, Trung Quốc đã sử dụng các máy hút bùn công suất lớn, nạo vét các rặng san hô xung quanh để tạo thành các đảo nhân tạo. Sau đó, Trung Quốc đã cho xây dựng nhiều công trình quân sự và dân sự trên các đảo nhân tạo, biến khu vực này thành những căn cứ quân sự kiên cố của Bắc Kinh. Hoạt động cải tạo phi pháp của Trung Quốc đã phá hủy gần như toàn bộ môi trường sinh thái xung quanh khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Theo tính toán của các chuyên gia, Bắc Kinh xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa và Hoàng Sa đã tàn phá tới 160km2 rạn san hô và phá hủy gần 60km2 san hô vòng ở các khu vực xung quanh. Trong đó hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo trái phép của Trung Quốc gây thiệt hại khoảng 14/15 km2; hoạt động nạo vét của Trung Quốc gây thiệt hại khoảng 39/40 km2; hoạt động nạo vét làm bến đỗ, kênh rạch cho tàu thuyền đi lại của Trung Quốc gây thiệt hại khoảng 2/3 km2; hoạt động khai thác trai khổng lồ của Trung Quốc gây thiệt hại khoảng 104/104 km2 san hô. Ông John McManus, Đại học Miami nhận định khoảng 10% diện tích san hô tại quần đảo Trường Sa và 8% diện tích san hô ở Hoàng Sa đã bị xóa sổ hoàn toàn do hoạt động của Trung Quốc gây ra. Theo Giáo sư Edgado Gomez (Philippines) ước tính rằng với mức độ phá hủy san hô hiện tại sẽ khiến các quốc gia ven biển trong khu vực Đông Nam Á phải gánh chịu thiệt hại 5,7 tỷ USD/năm, gây tác động tiêu cực xuyên biên giới.
Bên cạnh đó, hoạt động khai thác hải sản ồ ạt, bất hợp pháp, mang tính hủy diệt của ngư dân Trung Quốc ở các cùng chồng lấn trong khu vực Biển Đông đã gây ra suy giảm hệ sinh thái biển và nguy cơ tuyệt chủng của một số loài. Theo tài liệu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington D.C. (Mỹ) công bố tháng 9/2017, tổng lượng cá ở Biển Đông đã suy giảm khoảng 70-95% kể từ những năm 1950 và tỷ lệ đánh bắt đã giảm 66-75% trong 20 năm qua; hiện ở Biển Đông có thể chỉ còn 5% lượng cá so với thập niên 1950 và quá trình phục hồi các nguồn cá ở Biển Đông hiện nay rất thấp.
Ngoài ra, cùng với việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo và đưa lượng lớn binh lính ra đồn trú phi pháp ở Biển Đông cũng gián tiếp tác động, phá hủy môi trường sinh thái. Theo đánh giá của các chuyên gia, trong quá trình Trung Quốc đưa quân ra đồn trú, sinh hoạt đã thải các kim loại nặng, chất ô nhiễm hữu cơ bền (POPs) và nước thải có thể chứa các kim loại nặng hoặc chất ô nhiễm hữu cơ bền trực tiếp ra biển mà không được xử lý gây những tác động rất nghiêm trọng tới môi trường và các hệ sinh thái biển. Không những vậy, việc xây dựng các công trình phi pháp ở Trường Sa và Hoàng Sa của Trung Quốc cũng làm thay đổi trường sóng và dòng chảy tại các khu vực biển gần bờ, tác động xấu tới hệ sinh thái biển cũng như làm thay đổi điều kiện đáy biển và cán cân bùn cát, trực tiếp phá hủy hệ sinh thái biển.
Trước việc Trung Quốc gia tăng các hoạt động phi pháp ở Biển Đông, trực tiếp hoặc gián tiếp hủy hoại môi trường sinh thái trong khu vực, các nước Đông Nam Á phải cùng nhau gìn giữ và bảo vệ môi trường ở Biển Đông. Trước tiên, cần thảo luận nghề đánh bắt cá, cụ thể là việc điều hành di cư các đàn cá. Các báo cáo gần đây cho thấy các đàn cá ở Biển Đông đang ở trong điều kiện bấp bênh. Các quốc gia trong khu vực cần có tính minh bạch hơn về các hoạt động khai thác tài nguyên. Mỗi bên đều phải cố gắng hết sức để đảm bảo rằng hệ sinh thái được gìn giữ một cách tốt nhất và được khai thác bền vững. Thứ hai, tạo ra một cơ chế khu vực trong gìn giữ môi trường biển, đây sẽ là phần khó khăn nhất. Tháng 4/2016, trong cuộc họp đầu tiên của nhóm nghiên cứu thuộc Hội đồng Hợp tác An ninh châu Á – Thái Bình Dương tại Philippines, đã có nhiều cuộc thảo luận về bộ quy tắc và quy định trong bảo vệ môi trường biển. Nhóm này nhấn mạnh cần phát triển phương pháp tổng hợp trong điều hành các hoạt động thương mại và hành nghề trên biển. Đây không phải là lần đầu các quốc gia trong khu vực phối hợp cùng nhau vì lợi ích của các sinh vật biển.
Nhìn chung, việc môi trường sinh thái ở Biển Đông bị hủy hoại và tàn phá chủ yếu là do các hoạt động phi pháp của Trung Quốc gây ra. Nước này cần chấm dứt ngay lập tức những hành vi gây nguy hại đối với môi trường sinh thái, cũng như xâm chiếm biển đảo của nước khác.