Friday, November 15, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNhững sự kiện đáng chú ý nhất liên quan mục đích, ý...

Những sự kiện đáng chú ý nhất liên quan mục đích, ý đồ và các hoạt động phi pháp của TQ ở Biển Đông trong năm 2019

Trong năm 2019 chứng kiến những diễn biến phức tạp trong tranh chấp ở Biển Đông mà chủ yếu là do những hành động đơn phương của Trung Quốc. Năm sự kiện đáng chú ý nhất trong những diễn biến đó phải kể đến như việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 và nhóm tàu hộ tống vào hoạt động trái phép trong vùng thềm lục địa và EEZ của Việt Nam; đâm chìm tàu cá Philippines rồi bỏ mặc không cứu vớt ngư dân; biên chế chính thức tàu sân bay nội địa đầu tiên mang tên “Sơn Đông” cho hạm đội Nam Hải; lần đầu tiên tập trận chung hải quân với ASEAN ở Biển Đông và tổ chức duyệt hạm quốc tế kỷ niệm 70 năm ngày thành lập hải quân.

1. TQ đưa tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 và nhóm tàu hộ tống vào hoạt động trái phép trong vùng thềm lục địa và EEZ của Việt Nam

Kể từ đầu tháng 7, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 tiến hành thăm dò trái phép tại Bãi Tư Chính thuộc Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam với sự hộ tống của lực lượng tuần duyên có vũ trang và cảnh sát biển. Hành động của Trung Quốc là hoàn toàn trái với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) và các cam kết, thoả thuận của nước này với Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Khu vực mà Trung Quốc gọi là “Bãi Vạn An” thực chất là bãi ngầm, là một phần của đáy biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của UNCLOS. Đây hoàn toàn không phải là khu vực tranh chấp hay có chồng lấn vì Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý quốc tế nào để đưa ra yêu sách đối với khu vực này. Trong vụ việc này, phản ứng và hành động của Trung Quốc là hoàn toàn ngang ngược. Trước dư luận phản đối mạnh mẽ của Việt Nam và các nước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thậm chí còn nhiều lần tuyên bố Bãi Tư Chính thuộc lãnh thổ của Bắc Kinh và tiếp tục các hoạt động dầu khí tại đây, đồng thời quy trách nhiệm cho Việt Nam và các nước bên ngoài đã “gây phức tạp tình hình”. Trái với phản ứng của Bắc Kinh, Việt Nam đã xử lý vụ việc một cách thận trọng, linh hoạt, phù hợp với luật pháp quốc tế và trách nhiệm đối với các nỗ lực đảm bảo hoà bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông. Quan điểm và ứng xử của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và hoàn toàn ủng hộ. Cùng với đó, cộng đồng quốc tế từ khắp các châu lục như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, Anh, Pháp, Đức… đến các tổ chức quốc tế như ASEAN, EU, Liên hợp quốc… đã lên án mạnh mẽ hành động của Trung Quốc và thể hiện sự ủng hộ đối với Việt Nam. Mỹ là nước phản ứng mạnh mẽ nhất. Anh, Pháp, Đức lần đầu tiên ra Tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông và các hành động của Trung Quốc. Giới chuyên gia học giả, chuyên gia pháp lý tại các nước đã tổ chức hàng chục buổi hội thảo và ra nhiều tuyên bố, phân tích về tình pháp lý của Việt Nam và chỉ trích tính phi pháp của Trung Quốc khi đưa tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 và nhóm tàu hộ tống vào hoạt động trái phép trong vùng thềm lục địa và EEZ của Việt Nam, cũng như nêu ra các giải pháp cho tình hình. Đến ngày 24/10, Trung Quốc buộc phải rút nhóm tàu này ra khỏi EEZ và thềm lục địa của Việt Nam.

2. TQ đâm chìm tàu cá Philippines rồi bỏ mặc không cứu vớt ngư dân

Tối 9/6, tàu cá FB Gimver 1 của Philippines đã va chạm với tàu Trung Quốc gần Bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông. Vụ va chạm khiến tàu Philippines bị chìm, còn tàu Trung Quốc rời hiện trường ngay lập tức, bỏ mặc 22 thủy thủ Philippines trên chiếc tàu đắm, phải lênh đênh trên biển. Vụ việc đã gây bức xúc trong Chính quyền, người dân Philippines và các nước. Phủ Tổng thống Philippines gọi hành vi bỏ rơi các thuyền viên Philippines là “mọi rợ” trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana lên án “hành động đáng khinh bỉ hèn nhát” của tàu cá Trung Quốc. Phản ứng tương tự như các vụ việc khác do Trung Quốc gây ra, Bắc Kinh khẳng định vụ va chạm của tàu cá nước này với tàu Philippines chỉ là một tai nạn hàng hải thông thường và cáo buộc Philippines vô trách nhiệm khi chính trị hóa vụ việc mà không xác minh. Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila nói những người trên tàu đã tìm cách giải cứu ngư dân Philippines nhưng bỏ chạy sau khi “bất thình lình bị bao vây bởi bảy hoặc tám tàu cá Philippines”. Vụ việc dấy lên quan ngại về đội tàu đánh cá khổng lồ của Trung Quốc, mà các chuyên gia cho rằng đã được dùng để hoạt động như lực lượng dân quân của Bắc Kinh và tăng cường sự hiện diện của lực lượng bảo vệ bờ biển liên tục trong vùng biển mà Trung Quốc cũng có tranh chấp với Malaysia, Đài Loan, Việt Nam, Philippines và Brunei. Vụ việc cũng cho thấy chính sách ngả về Trung Quốc của Chính quyền Tổng thống Duterte vì những phản ứng làm giảm mức độ nghiêm trọng vụ việc của ông Duterte sau đó.

3. TQ biên chế chính thức tàu sân bay nội địa đầu tiên mang tên “Sơn Đông” cho hạm đội Nam Hải

Hôm 17/12, Trung Quốc tổ chức lễ bàn giao tàu Sơn Đông tại quân cảng Tam Á ở tỉnh Hải Nam, với sự tham gia trực tiếp của Chủ tịch Tập Cận Bình, Phó Thủ tướng Lưu Hạc cùng các tướng lĩnh thuộc Bộ Tư lệnh miền nam và nhiều quan chức cấp cao khác của Chính phủ Trung Quốc. Tàu sân bay Sơn Đông đi vào hoạt động được xem là đánh dấu một bước phát triển quan trọng cho sức mạnh hải quân Trung Quốc, cùng với Mỹ, Anh và Italy trở thành quốc gia thứ tư trên thế giới sở hữu nhiều tàu sân bay. Truyền thông Trung Quốc nhanh chóng ca ngợi đây là thành tựu phát triển kỳ diệu của Bắc Kinh trong lĩnh vực làm chủ công nghệ chế tạo tàu sân bay. Hàng loạt các trang báo lớn đều đưa tin. Giới quan sát khu vực cho rằng tàu Sơn Đông không có quá nhiều cải tiến bước ngoặt so với tàu Liêu Ninh, nó được dựa trên thiết kế lỗi thời nên có những điểm hạn chế cố hữu. Tuy nhiên, có một sự khác biệt lớn là Trung Quốc hoàn toàn tự lực đóng tàu này, dấu hiệu cho thấy họ sẽ tiếp tục đóng mới thêm nhiều tàu sân bay nữa. Đây là bước tiến không nhỏ, một tín hiệu cho thấy tham vọng bành trướng hải quân của Trung Quốc. Một là, phục vụ tham vọng chiến lược của Trung. Các tuyến đường hàng hải huyết mạch đối với Trung Quốc vượt khỏi hai vùng biển này. Đơn cử như phần lớn hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc tới châu Âu đều được vận chuyển qua Ấn Độ Dương và đây cũng là tuyến đường nhập khẩu nhiên liệu thiết yếu từ Trung Đông. Hệ quả là, để tránh bị phụ thuộc vào cung đường ở Biển Đông và Eo biển Malacca, Trung Quốc đang phát triển các hạ tầng xuất khẩu và nhập khẩu ở nhiều nước ven biển Ấn Độ Dương. Điều này cũng đồng nghĩa với phát triển năng lực hàng hải, các căn cứ cơ sở, mạng lưới hậu cần cần thiết để luôn giữ cho các hành lang này mở trong trường hợp xảy ra xung đột ở phía Đông Trung Quốc. Hai là, học thuyết hải quân Trung Quốc hiện nay hướng tới duy trì hiện diện tàu sân bay thường trực ở Ấn Độ Dương. Trung Quốc sẽ có lợi ích lớn hơn trong những chiến dịch tác chiến kiểu này khi hướng quan tâm ưu tiên ra bên ngoài, nhất là tại những khu vực mà Bắc Kinh cho rằng Mỹ không hào hứng ngăn chặn Trung Quốc và trong bối cảnh Trung Quốc tìm cách chứng tỏ trước các nước láng giềng rằng Bắc Kinh có thể cung cấp các lợi ích an ninh khu vực tương tự như vai trò của Mỹ hiện nay. Ba là, ở cấp độ tối thiểu, tàu sân bay Trung Quốc là biểu tượng danh tiếng quốc gia. Bắc Kinh có động cơ chính trị khi muốn người dân trong nước quen với ý niệm Đảng Cộng sản đang biến Trung Quốc thành siêu cường. Cuối cùng, Bắc Kinh cho rằng sức ép về chính trị và ngân sách có thể đẩy Mỹ vào thế ngày càng bị cô lập, tạo cơ hội để Trung Quốc nổi lên thành một cường quốc áp đảo ở Tây Thái Bình Dương mà không cần tốn một viên đạn. Lợi ích tàu sân bay đem lại cho Trung Quốc có lẽ được mô tả chuẩn xác nhất dưới góc độ là một nỗ lực để giữ các lựa chọn mở. Trung Quốc không thể toàn quyền quyết định đâu là mẫu cường quốc hải quân mà nước này sẽ hướng tới, có quá nhiều nhân tố nằm ngoài vòng kiểm soát của Bắc Kinh. Tuy nhiên, Trung Quốc muốn sẵn sàng đẩy ảnh hưởng hải quân ra bên ngoài khi xuất hiện cánh cửa mở.

4. TQ lần đầu tiên tập trận chung hải quân với ASEAN ở Biển Đông

Ngày 22-28/10, cuộc tập trận chung đầu tiên giữa lực lượng hải quân 10 nước thành viên ASEAN và Trung Quốc trên Biển Đông đã bắt đầu diễn ra ở ngoài khơi thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc. Hải quân Singapore, nước hiện giữ chức Chủ tịch ASEAN năm 2018 và hải quân Trung Quốc đồng tổ chức sự kiện này. Cuộc tập trận có sự tham gia của 1.200 quân nhân và nhiều phương tiện quân sự của 11 nước. Tư lệnh Hải quân Singapore, Chuẩn Đô đốc Lew Chuen Hong đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của Biển Đông đối với khu vực, đồng thời khẳng định sự ổn định và an ninh được bảo toàn trên Biển Đông là cơ sở duy nhất có thể đảm bảo sự thịnh vượng chung cho cả khu vực. Không khó để nhận ra rằng việc Trung Quốc cho rằng các cuộc tập trận chung trên biển sẽ “tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, mở rộng giao lưu và hợp tác, giữ gìn hòa bình và ổn định của khu vực”, song phải khẳng định rằng tình hình Biển Đông căng thẳng như hiện nay chủ yếu là do các hoạt động đơn phương, đòi hỏi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó Trung Quốc đã liên tục gây phức tạp tình hình bằng hoạt động quân sự hóa, bồi đắp và mở rộng các đảo nhân tạo quy mô lớn ở Biển Đông… Do vậy, để “tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, mở rộng giao lưu và hợp tác, giữ gìn hòa bình và ổn định của khu vực” thì chính Trung Quốc phải ngừng ngay các hành động nói trên, nếu không, mọi sáng kiến hay tuyên bố của Trung Quốc đưa ra chỉ là hình thức, nhằm đánh lừa dư luận. Bên cạnh đó, các cuộc tập trận chung sẽ giúp Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự, gửi đi thông điệp cảnh báo đối với các nước bên ngoài như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ… không nên can dự vào vấn đề Biển Đông. Trung Quốc đã nhiều lần chỉ trích sự can dự của Mỹ và phương Tây vì cho rằng các nước này “không có tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông, nên để cho các quốc gia trong khu vực quản lý tranh chấp của mình một cách hữu nghị và hiệu quả”. Đây cũng là dịp để Trung Quốc chứng tỏ khả năng dẫn dắt các nước khu vực thực hiện theo các sáng kiến do Trung Quốc khởi xướng. Trung Quốc sẽ sử dụng các cuộc tập trận chung để tuyên truyền theo dụng ý rằng tình hình Biển Đông đang ổn định, phát triển và hợp tác nhờ vào những nỗ lực của Trung Quốc và các nước ASEAN. Trong đó, Trung Quốc và các nước hoàn toàn có thể xây dựng các cơ chế giải quyết tranh chấp mà không cần sự can dự của các nước bên ngoài. Các cuộc tập trận chung cũng nhằm xoa dịu dư luận về hoạt động quân sự hóa ồ ạt của Trung Quốc hiện nay ở Biển Đông; song cũng nhằm phục vụ cho ý đồ này một cách thuận lợi hơn, tránh các phản ứng quyết liệt từ các nước.

5. TQ tổ chức duyệt hạm quốc tế kỷ niệm 70 năm ngày thành lập hải quân song không đạt được dụng ý do thời tiết xấu

Ngày 23/4, Trung Quốc tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập hải quân nước này, trong đó có buổi duyệt hạm quốc tế với khách mời từ nhiều nước. Tại sự kiện này, Trung Quốc đã phô diễn trưng ra các tàu chiến mới bao gồm hàng không mẫu hạm Liêu Ninh, các loại tàu ngầm hạt nhân mới, các loại tàu khu trục mới, cũng như các máy bay chiến đấu. Cuộc duyệt binh của máy bay và hạm tàu hải quân các nước diễn ra trên vùng trời, vùng biển Thanh Đảo và phụ cận. Lực lượng tham gia duyệt binh của Trung Quốc có tàu sân bay Liêu Ninh, các tàu ngầm kiểu mới, tàu khu trục, tàu hộ vệ tàu đổ bộ và máy bay, trong đó có một số loại lần đầu tiên được công khai. Ngoài lực lượng của Trung Quốc, tham gia đội hình duyệt binh còn có gần 20 tàu chiến của hơn 10 nước như Nga, Thái Lan, Ấn Độ, Singapore, Nhật, Philippines, Pháp, Pakistan, Hàn Quốc…với các loại tàu khu trục, tàu hộ vệ, tàu đổ bộ, đại diện cho lực lượng trên biển của các nước, trong đó không có Mỹ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trực tiếp tham gia buổi lễ. Tuy nhiên, do thời tiết xấu, nhiều sương mù tầm nhìn hạn chế nên gần như buổi lễ duyệt binh của Trung Quốc đã thất bại và không thể đạt được hiệu ứng, ngay cả ở mức hình ảnh. Giới quan sát nhận định mục đích của Trung Quốc trong sự kiện này là nhằm: Một là, tuyên truyền về năng lực hải quân, tìm cách đẩy mạnh tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của người dân trong nước nhằm định hướng dư luận, tránh để người dân cảm thấy thất vọng về chính sách, biện pháp bảo vệ “chủ quyền” mà Trung Quốc vẫn tuyên truyền bấy lâu nay. Hai là, răn đe một số nước lớn, đặc biệt là Mỹ và Nhật Bản không được can thiệp vào vấn đề Biển Đông. Việc Trung Quốc huy động một số lượng lớn các tàu chiến hiện đại tập trận nhằm thể hiện sức mạnh và năng lực hải quân trước các cường quốc trên thế giới. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng muốn gửi thông điệp tới cộng đồng quốc tế rằng “Trung Quốc có đủ sức mạnh để bảo vệ chủ quyền ở khu vực này, Mỹ và các nước hãy rè chừng khi muốn can thiệp vào tranh chấp ở Biển Đông”. Ba là, ngầm cảnh cáo một số nước có tồn tại tranh chấp “chủ quyền” ở Biển Đông với Trung Quốc, hãy “cân nhắc” lại năng lực quốc phòng trước khi tìm kiếm các giải pháp giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Bốn là, quảng bá về năng lực và trình độ khoa học kỹ thuật của Trung Quốc, qua đó tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường xuất nhập khẩu vũ khí của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới