Đại sứ Trung Quốc tại Anh thúc giục London mở cửa cho Huawei không nghe tiếng gọi của Mỹ.
Anh vẫn đang loay hoay tìm phương án cho phép Huawei xây dựng mạng 5G quốc gia sau khi Mỹ liên tục gửi lời đe dọa rằng, mở cửa cho Huawei sẽ khiến Anh phải trả giá, lộ tẩy các bí mật hạt nhân và tình báo.
Trong những nỗ lực thúc đẩy chính quyền London sớm đưa ra quyết định cuối cùng, Đại sứ Trung Quốc tại Anh Liu Xiaoming mới đây đã lên tiếng bảo vệ Huawei. Ông Liu nói rằng, việc cấm Huawei sẽ có tác dụng đập ngược trở lại Anh, khiến London “chôn vùi tiến bộ công nghệ” chỉ vì các đe dọa của Mỹ.
Đại sứ Trung Quốc cho rằng, một vài quốc gia đã tuyên truyền cái gọi là “mối đe dọa đối với Huawei” và truyền bá một “cuộc chiến tranh lạnh khoa học và công nghệ”. Họ đã cố gắng xây dựng một “rào cản” cho ngành viễn thông toàn cầu. Những tuyên bố và hành động này rất nguy hiểm.
Ông Liu nói thêm rằng vấn đề bảo mật của Huawei phải được phán xét công bằng. Tại Anh, Huawei đã thành lập “Trung tâm đánh giá an ninh mạng” từ năm 2010 và vẫn hoạt động cho đến nay. Các sản phẩm của Huawei được các chuyên gia Anh đánh giá cao. Ngay cả các chuyên gia Anh cũng đánh giá rằng, những rủi ro từ sản phẩm của Huawei là có thể kiểm soát được.
Đại sứ Trung Quốc cũng nhấn mạnh sự đóng góp của Huawei cho nước Anh. Cho rằng, Huawei đã bắt đầu góp mặt ở Anh từ 20 năm trước và đóng góp vào nền kinh tế, xã hội, viễn thông của nước này. Đại sứ Trung Quốc cho rằng đây là mô hình hợp tác cùng có lợi giữa Trung Quốc và Anh, hối thúc sự hợp tác nhanh chóng trong tương lai của Huawei và chính quyền sở tại.
Tuyên bố của ông Liu Xiaoming được nhắc tới trong cuộc phỏng vấn với tờ Telegraph, nhắc tới các vấn đề lo ngại liên quan đến sản phẩm của Huawei mà chính quyền Anh đang e ngại. Đặc biệt, ông Liu Xiaoming đã lên tiếng ở thời điểm tuần đầu tiên của năm 2020, sau khi Anh hứng chịu những cảnh báo từ Mỹ về kế hoạch định hợp tác với Huawei.
Hồi cuối năm 2019, khi Anh có ý định cho phép Huawei tham gia xây dựng hạ tầng “không cốt lõi” của thế hệ mạng di động thứ năm (5G) thì một cố vấn của Mỹ đã nhanh chóng lên tiếng cảnh báo rằng, London sẽ phải “trả giá” nếu mở cửa với Huawei. Công ty Trung Quốc này sẽ khiến mọi bí mật hạt nhân, bí mật tình báo Anh bị lộ tẩy vì cho công ty này tham gia xây dựng hạ tầng mạng 5G.
Cùng với Đại sứ Trung Quốc tại Anh, các nhà ngoại giao Trung Quốc ở châu Âu cũng lên tiếng thể hiện sự ủng hộ với Huawei và hối thúc EU đừng ngần ngại mở cửa với công ty viễn thông của Trung Quốc.
Wang Weidong, Cố vấn thương mại của Đại sứ quán Trung Quốc tại Đức |
Wang Weidong, Cố vấn thương mại của Đại sứ quán Trung Quốc tại Đức cũng trả lời báo chí trong một cuộc họp ngày 6/1/2020 đã nhấn mạnh tới quan hệ kinh tế tốt đẹp mà Huawei có được với châu Âu để mở cửa cho công ty Trung Quốc có được hợp đồng phát triển hạ tầng 5G.
Theo đó, ông cho rằng, các nước châu Âu đã gặt hái được những lợi ích to lớn từ thị trường Trung Quốc, nên đưa ra lựa chọn thận trọng giữa việc tiếp tục theo dõi sự bắt nạt vô lý của Mỹ đối với công ty Trung Quốc hoặc hợp tác và đạt được kết quả có lợi cùng Trung Quốc trong thời gian tới.
Đức dù cũng thể hiện sự độc lập trong quyết định mở hé cánh cửa cho Huawei cũng vẫn chịu sức ép của Mỹ. Chính phủ Đức thông báo đã trì hoãn quyết định triển khai 5G của Đức và có thể cấm công ty công nghệ Trung Quốc đến năm 2020. Một số nguồn tin cho truyền thông Mỹ biết rằng quyết định này có thể được công bố sớm nhất trong tháng 1/2020.
Ông Wang nhận xét, việc cấm Huawei hợp tác được biện hộ bằng lý do “an ninh quốc gia” sẽ là quyết định “phân biệt đối xử và bất công” với công ty Trung Quốc.
Vị cố vấn cho rằng, nếu Đức thông qua luật cấm Huawei tham gia xây dựng 5G mà không đưa ra bằng chứng chắc chắn, Trung Quốc sẽ “không ngồi yên”.
Global Times dẫn lời ông Wang nhấn mạnh: “Nếu Huawei bị loại trừ, họ (Đức-ND) sẽ phát hành cả tín hiệu sai lầm về chủ nghĩa bảo hộ và thông điệp tiêu cực đối với hợp tác kinh tế Trung Quốc- Đức và thậm chí gây ra trở ngại cho quan hệ song phương.”
Trong khi đó, các nhà khai thác mạng viễn thông ở nước sở tại sẽ phải mất thêm thời gian và chi phí cho việc triển khai 5G.
“Thời gian để 80 triệu người tiêu dùng ở Đức nhận được tín hiệu 5G sẽ bị trì hoãn. Quan trọng hơn, Đức có thể bỏ lỡ cơ hội thực hiện chuyển đổi kỹ thuật số do cơ sở hạ tầng kỹ thuật số yếu” – ông Wang lưu ý.
Một quan chức Trung Quốc quen thuộc với chính sách của Trung Quốc đối với châu Âu nói với Global Times rằng, vấn đề Huawei giờ đã trở thành một vấn đề chính trị, chứ không còn là vấn đề kỹ thuật thuần túy nữa.
Cui Hongjian, Giám đốc nghiên cứu EU tại Viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc tại Bắc Kinh nhận định, các quan chức ngoại giao Trung Quốc đang cố gắng làm rõ các điểm mấu chốt của mình để nếu EU cấm Huawei thì có nghĩa họ đang chọn lựa việc làm xấu đi mối quan hệ với Trung Quốc. Trung Quốc đan gửi lời cảnh báo EU nên có một lựa chọn khôn ngoan sao cho cân bằng lợi ích giữa Trung Quốc và Mỹ.