Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu cho biết Nhật Bản sẵn sàng hợp tác với Việt Nam tại các diễn đàn, ủng hộ Việt Nam và các nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông.
Trong chuyến thăm Việt Nam (5-7/1), Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu (6/1) đã hội kiến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Tại cuộc hội kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Ngoại trưởng Motegi khẳng định Chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác vì sự phát triển của Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử… Ngoại trưởng Motegi cho biết Nhật Bản đánh giá cao vai trò của Việt Nam ở quốc tế và khu vực, sẵn sàng hợp tác với Việt Nam tại các diễn đàn, ủng hộ Việt Nam và các nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông. Trong khi đó, Thủ tướng đề nghị Nhật Bản tiếp tục ủng hộ lập trường của ASEAN và Việt Nam về hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Tại cuộc hội đàm với Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, hai nước nhất trí thúc đẩy, cụ thể hóa, liên kết tư tưởng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở của Nhật Bản và Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AOIP). Hai bên đã ký các văn kiện về hai dự án viện trợ ODA của Nhật dành cho Việt Nam, bao gồm dự án thoát nước, xử lý nước thải ở thành phố Hạ Long, dự án chuyển giao trang thiết bị phân tích chất độc dioxin; nhất trí “về tầm quan trọng của việc đảm bảo hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải, hàng không, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS năm 1982 tại Biển Đông. Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác tại các diễn đàn đa phương, và “thúc đẩy liên kết kinh tế quốc tế, trong đó bao gồm triển khai hiệu quả Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)”.
Ngoại trưởng Motegi cũng cho biết hai nước nhất trí tăng cường hợp tác giữa trụ sở đại diện Liên Hợp Quốc ở New York giữa hai nước… khi Việt Nam là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ngoài ra, Việt Nam và Nhật Bản cũng nhất trí thúc đẩy việc sớm ký kết hiệp định RCEP với 16 quốc gia, thúc đẩy hợp tác về thực hiện và mở rộng thành viên đối với hiệp định CPTPP.
Trong năm qua, Nhật Bản liên tục đưa ra các tuyên bố, hành động cụ thể khẳng định ủng hộ quan điểm, chủ trương, chính sách của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, tích cực đưa ra các tuyên bố, hành động lên án Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế và xâm phạm vùng biển của Việt Nam. Tại Đối thoại Đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 7 (3/6) ở Hà Nội, hai bên nhất trí về tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển 1982, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, có hiệu lực và phù hợp với luật pháp quốc tế.Trước đó, trong chuyến thăm Việt Nam (2 – 4/5), Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Takeshi lwaya và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch đa trao đổi về tình hình thế giới, khu vực, đánh giá kết quả hợp tác giữa Bộ Quốc phòng hai nước thời gian qua, đưa ra các biện pháp thúc đẩy hợp tác quốc phòng trong thời gian tới. Hai bên khẳng định hợp tác quốc phòng trong những năm qua đã phát triển nhanh với kết quả thực chất, mang lại hiệu quả và thiết thực đóng góp quan trọng vào việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước Việt Nam- Nhật Bản. Hợp tác quốc phòng là một trong những nội hàm quan trọng của mối quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng” giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản. Hai bên thống nhất phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai đồng chủ trì Nhóm chuyên gia ADMM+ về gìn giữ hòa bình mà hai nước sẽ đảm nhiệm khi Việt Nam là Chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm 2020. Hai bên nhất trí tiếp tục triển khai các nội dung đã được thiết lập trên các lĩnh vực hợp tác như đào tạo, hỗ trợ nâng cao năng lực, công nghệ thông tin, gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; đẩy mạnh triển khai các nội dung tiềm năng hợp tác về quân y, công nghiệp quốc phòng; vì lợi ích an ninh của mỗi nước, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của toàn khu vực, góp phần đưa hợp tác quốc phòng Việt Nam-Nhật Bản phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng tuyên bố “mạnh mẽ phản đối bất kỳ hành động nào gây căng thẳng ở Biển Đông”; khẳng định Nhật Bản “sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các hoạt động của Trung Quốc liên quan tới vấn đề này”. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng cho biết, “nói chung, chính phủ Nhật Bản tin rằng vấn đề Biển Đông liên quan trực tiếp tới hòa bình và ổn định của khu vực và là một mối quan tâm chính đáng của cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản. Nhật Bản luôn ủng hộ việc tuân thủ hoàn toàn luật pháp trên biển và muốn nhấn mạnh với tất cả các nước liên quan về tầm quan trọng của các nỗ lực tiến tới giải pháp hòa bình dựa trên luật lệ quốc tế nhằm giải quyết các tranh chấp, không sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép”. Trước đó, nguyên Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsuhito Asano cho biết, Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía Nam Biển Đông của Việt Nam là “hành vi xâm phạm lãnh thổ của Việt Nam, cần được cộng đồng quốc tế phê phán”; khẳng định hành vi của Trung Quốc đã vi phạm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, gây ảnh hưởng tới an ninh của Biển Đông và khu vực; nhấn mạnh Nhật Bản luôn tôn trọng Luật pháp quốc tế trong những vấn đề liên quan đến Biển Đông, do vậy, Trung Quốc là thành viên của Liên Hợp Quốc phải tôn trọng UNCLOS. Ngoài ra, ông Katsuhito Asano cho rằng Trung Quốc không những xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam mà gần đây đang gia tăng những hành động quân sự hóa tại Biển Đông. Điều này kích động chiến tranh, coi thường luật pháp và dư luận quốc tế. Việt Nam có đủ chứng cớ và năng lực để kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế như Philippines đã từng làm trước đó.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro (29/7) công bố Sách Trắng Quốc phòng Nhật Bản 2019, trong đó đề cập hoạt động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông, cho rằng Bắc Kinh đang là nguyên nhân đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực. Sách Trắng nhấn mạnh Trung Quốc có những hoạt động đơn phương mới nhằm thay đổi hiện trạng Biển Đông. Hơn thế nữa, nước này còn phái rất nhiều tàu trong đó có tàu Liêu Ninh tham gia tập trận, bố trí binh lực ở khu vực Biển Đông và mở rộng hoạt động sang khu vực Thái Bình Dương. Tháng 6/2019, tàu Liêu Ninh cùng với tàu hỗ trợ chiến đấu đi qua khu vực biển Okinawa của Nhật Bản, tiến sâu vào Thái Bình Dương. Sách Trắng lo ngại rằng thời gian tới, Trung Quốc tiếp tục mở rộng hoạt động của lực lượng trên biển, cho không quân tiến sâu vào khu vực Biển Đông và Thái Bình Dương. Động thái này đáng lo ngại và tập trung sự chú ý của dư luận quốc tế. Với tình huống trên, Nhật Bản tập trung thúc đẩy hợp tác chặt chẽ với các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, Philippines, Indonesia…trong việc tăng cường năng lực của lực lượng hải quân trên biển, duy trì, phát triển tự do hàng hải dựa trên Luật pháp quốc tế, tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh hàng hải trên quan hệ song phương, đa phương.
Trong cuộc họp giữa Ngoại trưởng của Nhật Bản và các nước ASEAN (1/8), hai bên nhấn mạnh các bên cùng chia sẻ lo ngại về tình hình Biển Đông. Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono đánh giá tình hình Biển Đông “đang xấu đi qua từng năm” và Nhật Bản chia sẻ những lo ngại của ASEAN; đề nghị các bên liên quan cần đảm bảo tìm kiếm giải pháp hòa bình cho tranh chấp, kêu gọi phi quân sự hóa vùng biển trong khu vực; khẳng định Tokyo muốn cùng hiệp hội khu vực thúc đẩy một tầm nhìn khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở, dựa trên luật pháp.