Từ sau phán quyết của Tòa Trọng tài (12/7/2016) về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan vấn đề Biển Đông, Đài Loan đã có bước điều chỉnh chính sách, cách tiếp cận trong vấn đề này.
Đưa ra cách tiếp cận mới
Ban đầu, Chính quyền Đài Loan đưa ra tuyên bố cứng rắn, bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài, đồng thời nhấn mạnh “chúng tôi nhất định không chấp nhận phán quyết trọng tài này, và chúng tôi khẳng định phán quyết này không có giá trị ràng buộc pháp lý đối với Trung Hoa dân quốc”. Tuy nhiên, Đài Loan sau đó đã có bước điều chỉnh mới khi thông qua một chính sách Biển Đông mới không trực tiếp thách thức quyết định của Tòa trọng tài. Chính sách này dựa trên 4 nguyên tắc: giải quyết các tranh chấp một cách hoà bình theo UNCLOS, đưa Đài Loan tham gia vào các cơ chế đa phương, thực hiện tự do hàng hải và giám sát, và tạm gác khác biệt để cùng phát triển. Chính sách này cũng đưa ra 5 hành động: đảm bảo quyền và sự an toàn cho ngư dân Đài Loan, tăng cường đối thoại đa phương với các bên có liên quan, mời học giả quốc tế đến đảo Ba Bình (“Itu Aba” hay “đảo Thái Bình”) để tiến hành nghiên cứu khoa học, phát triển đảo này thành một cơ sở trợ giúp và cung cấp vật tư cho mục đích nhân đạo, và khuyến khích thêm nhiều người bản địa có tài theo học luật hàng hải. Ngoài việc đưa ra một khuôn khổ chính sách mới, chính quyền của bà Thái cũng đã có những chuyển dịch khiến cách tiếp cận của Đài Loan đối với tranh chấp ở Biển Đông hài hoà hơn với UNCLOS. Bài viết này sẽ điểm lại những bước chuyển dịch này và nêu lên ý nghĩa của chúng đối với chính sách của Đài Loan ở Biển Đông.
Loại bỏ “vùng biển lịch sử” và “danh nghĩa lịch sử” khỏi các văn bản chính thức
Bước chuyển dịch đầu tiên là ở cách tiếp cận của Đài Loan về các tuyên bố yêu sách lãnh hải. Theo nguyên tắc “biển đi theo đất” (land dominates the sea) của UNCLOS thì các quyền trên biển được định theo chủ quyền trên đất liền của một quốc gia ven biển. Do vậy, nếu Đài Loan muốn yêu sách vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hay thềm lục địa từ các đảo ở Biển Đông thì các luật lệ nội địa cũng phải tuân theo nguyên tắc này. Trên thực tế, Đài Loan đã dần loại bỏ những văn bản đề cập đến các quyền lịch sử thông qua quy trình lập pháp và các quy chế hành pháp.
Bước dịch chuyển này là khá rõ ràng khi so sánh giữa chính quyền của bà Thái Anh Văn với những người cầm quyền trước đó. Trong bản Chỉ đạo Chính sách đối với Biển Đông năm 1993 mà sau đó bị chính quyền Trần Thuỷ Biển cho tạm ngưng năm 2005, điểm đầu tiên tuyên bố rằng “khu vực Biển Đông nằm trong vùng biển lịch sử là khu vực biển thuộc quyền tài phán của Trung Hoa dân quốc, trong đó Trung Hoa dân quốc có toàn quyền và lợi ích”. Nhưng năm 1998, Viện lập pháp Đài Loan thông qua “Luật về lãnh hải và vùng tiếp giáp” và “Luật về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”, nhìn chung là phù hợp với thông lệ luật quốc tế như phản ánh trong UNCLOS. Các luật mới này không đề cập gì đến vùng biển lịch sử hay quyền sở hữu lịch sử.
Dịch chuyển về yêu sách chủ quyền
Để thực thi Luật về lãnh hải và vùng tiếp giáp vào tháng 2 năm 1999, Viện hành pháp Đài Loan ban hành “Bộ hồ sơ đường cơ sở và đường giới hạn ngoài lãnh hải và vùng tiếp giáp Trung Hoa dân quốc” đầu tiên. Bộ hồ sơ này tuyên bố tất cả các đảo, rạn san hô, đá của quần đảo Trường Sa (trong tiếng Trung là “quần đảo Nam Sa”) bên trong đường chữ U truyền thống là lãnh thổ của Trung Hoa dân quốc. Đường chữ U (hay đường 11 đoạn) được ghi rõ trong bộ hồ sơ đường cơ sở đầu tiên năm 1999 là tuyên bố cho quyền sở hữu đối với các đảo và thực thể giống đảo khác mà Trung Hoa dân quốc có chủ quyền.
Chính quyền của bà Thái Anh Văn đã tuyên bố rằng “Trung Hoa dân quốc nắm tất cả các quyền đối với các đảo ở Biển Đông và các vùng biển liên quan theo luật quốc tế và luật biển”. Công thức này có hai điểm quan trọng. Một là, cụm từ “luật biển” ở đây bao gồm cả UNCLOS lẫn tập quán quốc tế. Hai là, chính quyền này đã đưa ra yêu sách chủ quyền mơ hồ hơn bằng cách dùng công thức “các đảo ở Biển Đông” thay cho cách các chính quyền trước liệt kê bốn nhóm đảo chính là Trường Sa (Spratly / Nam Sa), Hoàng Sa (Paracel / Tây Sa), bãi Macclesfield (Trung Sa), và Pratas (Đông Sa). Sự mập mờ này mở ra cánh cửa cho khả năng điều chỉnh yêu sách chủ quyền trong tương lai. Một trong những điều chỉnh đó có thể là làm cho yêu sách chủ quyền phù hợp hơn với luật quốc tế. Ví dụ, vì bãi Macclesfield chỉ trồi lên khi triều thấp nên không quốc gia nào có thể tuyên bố chủ quyền đối với một mình bãi này. Thay vào đó, chính quyền của bà Thái đã tuyên bố rằng yêu sách chủ quyền đối với các đảo ở Biển Đông được đưa ra phù hợp với luật quốc tế.
Mặc dù chính quyền của bà Thái Anh Văn chưa định nghĩa rõ ràng các đảo ở Biển Đông, nhưng cách hành xử của họ cho thấy được đôi điều. Khi tàu khu trục USS Hopper của Mỹ (17/1/2018) đi vào phạm vi 12 hải lý của bãi cạn Scarborough, Trung Quốc đã phản đối và buộc tội Hoa Kỳ xâm phạm lãnh hải Trung Quốc. Tuy nhiên, trái với các chính quyền trước, chính quyền của bà Thái đã không phản đối hay có phản ứng nào trước sự kiện này, mặc dù họ đã tuyên bố một đường cơ sở lãnh hải cho bãi cạn Scarborough, và luật nội địa có quy định rằng tàu quân sự hay của chính phủ nước ngoài phải thông báo trước khi đi qua lãnh hải Trung Hoa dân quốc. Nói cách khác, nếu chính quyền của bà Thái Anh Văn coi bãi cạn Scarborough là một phần của các đảo ở Biển Đông thì họ đã phải phản đối và yêu cầu tàu quân sự nước ngoài thông báo trước cho chính quyền Đài Loan.
Khác nhau trong phản đối phán quyết
Trung Quốc tìm cách phớt lờ quyết định phân xử, tuyên bố rằng phán quyết cuối cùng này là không có giá trị và vô nghĩa. Chính quyền Đài Loan cũng coi bất kỳ quyết định nào phương hại đến quyền của Trung Hoa dân quốc là không có tính ràng buộc pháp lý. Tuy nhiên, dù Đài Loan và Trung Quốc có vẻ như có cùng quan điểm, nhưng trên thực tế họ coi phán quyết trên là không ràng buộc vì những lý do khác nhau. Đài Loan phản đối việc bị coi là một phần của Trung Quốc, cũng như việc đảo Ba Bình bị toà trọng tài cho là không có quyền có vùng đặc quyền kinh tế, trong khi đó lại không tạo cơ hội cho Đài Loan chính thức tham gia vào quy trình phân xử. Tuy vậy, chính quyền của bà Thái Anh Văn không bác bỏ tính chính danh của hội đồng trọng tài. Thay vào đó, Phủ tổng thống đã ra một tuyên bố ghi nhận việc các trọng tài đã đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines, tức là thể hiện sự công nhận của chính quyền đối với tính pháp lý của hội đồng.
Thông điệp về Biển Đông trong tranh cử năm 2020
Trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Đài Loan đang chuẩn bị diễn ra, Đại diện các đảng tranh cử Tổng thống ở Đài Loan lên tiếng kêu gọi các bên có liên quan kiềm chế trong các hành động ở Biển Đông, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của Đài Loan trong các đàm phán. Theo đó, ba đảng có ứng cử viên ra tranh chức Tổng thống lần này gồm bà Thái Anh Văn thuộc Đảng Dân Tiến, ông Hàn Quốc Du Đảng Quốc Dân và ông Tống Sở Du của Đảng Thân Dân.
Ông Kwei-Bo Huang, đại diện Quốc dân cho biết quan điểm của đảng này đối với vấn đề tranh chấp Biển Đông là “các tranh chấp ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) sẽ không được giải quyết nếu không có sự tham gia của Đài Loan. Vì vậy, hãy đối mặt với thực tế là bất kể sự phân chia chủ quyền giữa hai bên eo biển Đài Loan, bất kể ai có liên quan đến tranh chấp Biển Nam Trung Hoa thì cũng cần Đài Loan tham gia vào để tìm ra giải pháp khả thi cuối cùng”. Trong khi đó, Người phát ngôn của đảng Dân Tiến (DPP) Lien Yi-Ting nhấn mạnh, “Đài Loan chủ trương không khiêu khích nước khác. Rất nhiều người biết rằng Trung Quốc đã rất quyết đoán ở Biển Nam Trung Hoa vì chủ nghĩa bành trướng trên biển. Sự quyết tâm của Đài Loan không thay đổi, rằng chúng tôi sẽ trở thành một nước có trách nhiệm trong khu vực, chúng tôi sẽ không có những động thái khiêu khích, hay cố gắng làm mất ổn định ở khu vực. Đây là lập trường rất rõ ràng của chúng tôi”. Còn ông Hàn Quốc Du thì nhắc lại việc Trung Hoa Dân Quốc là tác giả của “đường chữ U”, tức “đường 9 đoạn” bao trùm Biển Đông mà hiện giờ Trung Quốc đang dùng để tuyên bố chủ quyền; đồng thời cho biết “tôi cũng muốn nhấn mạnh là Quốc dân đảng lúc nào cũng yêu cầu tất cả các bên tranh chấp thực hiện việc tự kiềm chế mạnh mẽ để có giải pháp hòa bình trong tranh chấp chủ quyền Biển Nam Trung Hoa. Thật đáng tiếc là mặc dù Trung Hoa Dân Quốc kiểm soát hoàn toàn đảo Thái Bình (đảo Ba Bình của Việt Nam) thuộc Quần đảo Trường Sa, tuy nhiên chưa bao giờ được mời trong bất kỳ cuộc đối thoại chính thức nào để giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Nam Trung Hoa”. Tổng thư ký của đảng Thân Dân Lee Hung-Chun lại cho rằng, “đối thoại mang tính xây dựng là chìa khóa để giải quyết vấn đề Biển Đông. Chắc chắn, chúng ta không muốn kích động Trung Quốc, ủng hộ Mỹ, Trung Quốc hay Nhật Bản. Chúng tôi muốn đóng một vai trò trung lập và dựa trên nền tảng của lực lượng gìn giữ hòa bình một cách rõ ràng. Chúng tôi nghĩ chìa khóa trong chuyện này là làm sao có thể có một cuộc đối thoại mang tính xây dựng với lãnh đạo Trung Quốc như chúng tôi đã nhấn mạnh trước đó. Tổng thống tiếp theo của Đài Loan sẽ không thể đạt được thành tựu giữ hòa bình trong khu vực nếu như chúng ta không có những cuộc đối thoại nghiêm túc đối với lãnh đạo các nước”.