Sunday, November 17, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ tăng cường sử dụng lực lượng hải cảnh làm công cụ...

TQ tăng cường sử dụng lực lượng hải cảnh làm công cụ phục vụ cho các yêu sách chủ quyền phi pháp ở Biển Đông

Trong các vụ việc xảy ra ở Biển Đông liên quan các hoạt động đòi hỏi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc, nước này đã sử dụng các tàu hải cảnh như là một lực lượng chủ chốt, trực tiếp nhất.

Hải cảnh là một bộ phận trong lực lượng cảnh sát biển, được Trung Quốc thành lập từ tháng 3/2013, trên cơ sở tái cơ cấu Cục Hải dương Quốc gia. Lực lượng này hoạt động ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, lấy danh nghĩa Cảnh sát biển Trung Quốc và chịu sự chỉ huy nghiệp vụ của Cục Cảnh sát biển thuộc Bộ Công an Trung Quốc và quản lý hành chính của Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc. Lực lượng hải cảnh đặt dưới sự chỉ huy của Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân Trung Quốc, lực lượng do Quân ủy trung ương Trung Quốc chỉ đạo trực tiếp sẽ bảo vệ quyền và chức năng trên biển của Trung Quốc. Hải cảnh Trung Quốc tham gia nhiều hơn vào các cuộc diễn tập quân sự và hoạt động huấn luyện hằng ngày với quân đội Trung Quốc. Hải cảnh Trung Quốc được trang bị nhiều phương tiện, vũ khí hiện đại như pháo thay cho vòi rồng, các loại vũ khí tấn công.

Hải cảnh Trung Quốc được trang bị khoảng 164 tàu tuần tra, 10 máy bay các loại trong đó có ít nhất 1 trực thăng vận tải đa năng Mi-8, 2 máy bay cánh cố định Y-12 cùng một số trực thăng khác do Trung Quốc sản xuất. Các loại như tàu chấp pháp mang tên “Trung Quốc Hải cảnh”; tàu kéo mang tên “Hải cảnh thác” và tàu bệnh viện mang tên “Hải Y”. Theo tài liệu Trung Quốc, hiện CCG chỉ còn duy nhất tàu “Trung Quốc Hải cảnh 44020” có trọng tải 300 tấn, vài tàu 1.000 tấn, còn lại phần lớn đều từ 2.000 đến 5.000 tấn, trong đó có 2 tàu “Trung Quốc Hải cảnh 3901” và “Trung Quốc Hải cảnh 2901” có lượng giãn nước tới 12.000 tấn. Trung Quốc cũng tiến hành cải tạo nhiều tàu chiến lớn của hải quân thành tàu hải cảnh như tàu 31239 vốn là tàu hộ vệ lớp 053H2G mang tên An Khánh, tàu 31240 vốn là tàu hộ về tên lửa Hoài Nam, tàu 31241 nguyên là tàu hộ vệ tên lửa Hoài Bắc; các tàu 46111 vốn là tàu tuần tra Type 718B, tàu 46341 nguyên là tàu tuần tra Type 818. Đáng chú ý, trên các tàu Hải cảnh Trung Quốc được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại, có khả năng sát thương cao như pháo phòng không tầm gần 6 nòng 30mm H/PJ-13, có tính năng tác chiến vượt trội hơn nhiều do được kế thừa trình độ kỹ thuật từ pháo hạm AK-630M 6 nòng của Nga. Pháo AK-630M có thể bắn liên tục 400 phát đạn và có thể tiếp tục bắn 400 phát tiếp theo chỉ sau khi được nghỉ 30 giây; pháo bắn nhanh 76,2 mm kiểu H/PJ-26; pháo phòng không phòng thủ tầm gần tốc độ cao H/PJ-26 76,2 mm; pháo phòng không tầm gần H/PJ-17 30 mm, là loại pháo nòng đơn có hiệu suất chiến đấu cao nhất hiện nay của Trung Quốc, tốc độ bắn cao nhất là 350 phát/phút, cơ số đạn 280 viên…

Trong vụ việc đưa tàu khảo sát địa chất Hải dương 8 (HD8) vào hoạt động trái phép tại Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở phía Nam Biển Đông từ ngày 4/7 – 24/10/2019. Với tổng số 113 ngày, HD8 đã tiến hành 4 đợt khảo sát trái phép xâm phạm Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam (4/7-7/8; 1/8-2/9; 7-23/9; 27/9-24/10). Trung Quốc đã huy động các tàu hải cảnh hộ tống HD8, trong đó có tàu hải cảnh mang số hiệu 35111. Trong vụ giàn khoan Hải Dương 981 và vụ tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8, chính nhóm tàu hải cảnh mới là lực lượng tấn công quan trọng của Bắc Kinh nhằm hiện thực hóa những tuyên bố “yêu sách chủ quyền” phi pháp của mình.Một lực lượng tàu hải cảnh với nhiều loại tàu khác nhau, bao gồm cả kỳ hạm tải trọng lớn, các tàu nhỏ hơn và lực lượng tàu cá lớn có thể tạo thành một sức mạnh vây lấn, xô đẩy, đâm húc. Các tàu vỏ trắng thường sử dụng súng phun nước, vũ khí phi sát thương như loa âm thanh công suất lớn, vòi rồng có thể bao vây, phong tỏa và kiểm soát một khu vực lớn như bãi cạn Scarborough.Trong tình huống căng thẳng, các tàu “vỏ trắng” tải trọng lớn có thể xô đẩy, đâm húc với các tàu cảnh sát biển của các quốc gia láng giềng, có số lượng và tải trọng ít hơn. Chính nhân tố này mới thực sự là lực lượng tác chiến “then chốt” trong các tranh chấp trên Biển Đông.

Bằng các nhóm tàu hải cảnh kích thước và tải trọng lớn, Trung Quốc có thể bao vây một thực thể địa lý trên Biển Đông trong một thời gian dài, các tàu nhỏ hơn có thể tiến hành các hoạt động xung đột phi quân sự để đầy lực lượng bảo vệ chủ quyền dân sự (tàu đánh cá, vận tải, cảnh sát biển ra khỏi thực thể địa lý mà quốc gia đối thủ đang bảo vệ.Với số lượng đông, tải trọng lớn, tàu Hải cảnh Trung Quốc có thể vây lấn và đánh chiếm thêm nhiều thực thể địa lý, hỗ trợ Bắc Kinh trong việc bồi đắp đảo và kiểm soát tự do hàng hải, sẵn sàng tiến hành các cuộc đọ sức mạnh vỏ thép trên Biển Đông. Trong những diễn biến vừa qua tại quần đảo Natuna của Indonesia, Trung Quốc cũng đã cử các tàu hải cảnh và tàu cá, trong đó có tàu hải cảnh 35111 tiến vào vùng biển quanh quần đảo này. Phía Indonesia đã phải triển khai tàu hải quân và máy bay chiến đấu ra đối phó, buộc Trung Quốc phải rút những tàu này.

RELATED ARTICLES

Tin mới