Mỹ cho biết đang nỗ lực nối lại các cuộc đàm phán với Triều Triều, bị đình trệ sau hội nghị thượng đỉnh Hà Nội vào tháng 2/2019.
Khẳng định rõ lập trường của mình, Triều Tiên tuyên bố các cuộc đối thoại với Mỹ chỉ có thể được nối lại sau khi Mỹ “chấp nhận hoàn toàn mọi yêu cầu” của Bình Nhưỡng. Điều này báo hiệu lập trường cứng rắn của Triều Tiên trước khi tham gia vào bất cứ cuộc đàm phán mới nào.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien cho rằng, việc Triều Tiên không thực hiện lời cảnh báo về “món quà Giáng sinh” là một dấu hiệu “tích cực”. Mỹ đã có cuộc tiếp xúc với Triều Tiên và cho biết mong muốn tiếp tục các cuộc đàm phán ở Stockholm (Thụy Điển). Mỹ mong muốn giữ cho các cuộc đàm phán này đi đúng hướng.
Lời kêu gọi đàm phán được đưa ra khi các cuộc đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên đang gặp bế tắc từ sau hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội vào tháng 2/2019. Trong thông điệp đầu năm mới, Nhà lãnh đạo Triều Tiên cảnh báo tiếp tục tăng cường khả năng răn đe hạt nhân và sớm trình làng các loại vũ khí chiến lược mới. Bất chấp các cuộc đàm phán đang đình trệ nhưng mối quan hệ cá nhân giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vẫn luôn tốt đẹp. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước cũng đã gửi lời chúc mừng sinh nhật tới Nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Ông Trump cũng luôn khẳng định mối quan hệ tốt này sẽ tạo tiền đề để xây dựng mối quan hệ tốt hơn giữa hai quốc gia: “Tôi có mối quan hệ rất tốt với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Tôi biết ông Kim Jong Un đã đưa ra một số thông điệp về “món quà Giáng sinh”. Chúng tôi đều là những nhà lãnh đạo đất nước và phải làm những gì cần làm. Tuy nhiên Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã kí Thỏa thuận tại Singapore và tôi nghĩ ông là người giữ lời hứa”.
Bất chấp sự lạc quan của Mỹ, rõ ràng Triều Tiên dường như không mấy mặn mà với các cuộc đàm phán.
Ông Kim Kye Gwan – cố vấn của Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho rằng: Mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nhà lãnh đạo vẫn chưa đủ để có thể nối lại đàm phán giữa hai bên. Triều Tiên đã bị Mỹ “ lừa dối” hơn 18 tháng qua với việc theo đuổi các cuộc đối thoại vô ích giữa hai bên mà không có bất cứ bước tiến nào. Quan chức Triều Tiên cũng khẳng định, đàm phán Mỹ- Triều chỉ có thể được nối lại sau khi Mỹ “chấp nhận hoàn toàn mọi yêu cầu” của Bình Nhưỡng. Những tuyên bố này từ phía Triều Tiên cho thấy những khó khăn trong việc nối lại đối thoại, với cái giá cao hơn mà Mỹ phải trả nếu muốn bắt đầu bất cứ các cuộc đàm phán mới nào.
Bất chấp thách thức phía trước, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm nay cho rằng không nên quá bi quan về triển vọng đối thoại trên bán đảo Triều Tiên và Triều Tiên không đóng cánh cửa đối thoại. Ông Moon Jae-in nhấn mạnh, bức thư gần đây của Tổng thống Trump gửi tới Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un là một tín hiệu tốt, khẳng định cam kết của Mỹ đối với các cuộc đàm phán. Tổng thống Moon Jae-in cho rằng các cuộc đối thoại Mỹ- Triều không thích hợp vào thời điểm này nhưng cả Tổng thống Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên đều tiếp tục tin tưởng lẫn nhau và sẽ không từ bỏ nỗ lực của mình.
Ông Moon Jae-in trước đó cũng khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ liên Triều trong việc thúc đẩy quan hệ Mỹ- Triều. “Động lực đối thoại Mỹ- Triều cần phải tiếp tục. Các cảnh báo và đe dọa sẽ không giúp ích gì. Trong bối cảnh đối thoại Mỹ- Triều bế tắc và có những lo ngại về quan hệ liên Triều đang có bước thụt lùi, điều quan trọng là cần tìm ra các bước đi thực tế để cải thiện hợp tác liên Triều”.
Trong nỗ lực nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán, Đặc phái viên Hàn Quốc về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên Lee Do-hoon trong tuần này sẽ thăm Mỹ và có cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Stephen Biegun. Nội dung thảo luận sẽ tập trung vào việc đánh giá tình hình mới nhất trên bán đảo Triều Tiên và các biện pháp để hiện thực hóa tiến trình phi hạt nhân hóa và đảm bảo hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên