Một nhà nghiên cứu tại R Street Institute, một viện nghiên cứu phi đảng phái – phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington DC, hôm 13/1 đã có bài bình luận trên báo National Interest về vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc.
Bài viết có tựa đề được tạm dịch: “Kháng cự là vô ích: Lý do thực sự khiến Trung Quốc tìm kiếm các đối tác dễ bảo”.
Trong bài viết này, nhà nghiên cứu Kathryn Waldron đã chỉ ra thực tế rằng khi cựu lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình ban hành chính sách mở cửa kinh tế Trung Quốc vào năm 1978, nhiều người phương Tây tưởng rằng việc tự do hóa nền kinh tế sẽ dẫn đến tự do hóa chính trị ở nước này, và rằng người dân Trung Quốc khi đã quen với tự do kinh tế sẽ yêu cầu chính quyền mở cửa và nhận được tự do chính trị.
Ảnh chụp màn hình bài viết của nhà nghiên cứu Kathryn Waldron đăng trên National Interest.
Bà Waldron nhận định: “Cho đến nay, những yêu cầu này đã không được đáp ứng”. Bà cho biết, thay vì nắm lấy thời cơ về cởi mở kinh tế và chính trị, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát đất nước bằng cách bịt miệng bất cứ ai có quan điểm trái ý họ. Bà lấy ví dụ là cuộc đàn áp của chính quyền Trung Quốc đối với các nhóm thiểu số Hồi giáo sống ở tỉnh Tân Cương. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ khoảng 1 triệu người Hồi giáo, giam cầm họ trong các trại tập trung ở Tân Cương. Bà cũng đề cập đến báo cáo điều tra của The New York Times về mạng lưới các trại tập trung này.
Nhà nghiên cứu đặt câu hỏi: “Vậy làm sao mà phương Tây tưởng nhầm về Trung Quốc như vậy? Câu trả lời là có quá nhiều người ở phương Tây đánh giá thấp sức mạnh của một phương châm chính trị [của chính quyền Trung Quốc], đó là đảm bảo sự tồn tại của ĐCSTQ”.
Nhà nghiên cứu cho rằng việc chính quyền Trung Quốc mở rộng quyền lực đã được củng cố nhờ áp dụng công nghệ một cách “nham hiểm hơn”. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu sinh trắc học, thu thập mẫu ADN, mở rộng giám sát nhận dạng khuôn mặt và giọng nói, chấm điểm tín nhiệm, … những thứ đó đã trở thành công cụ để kiểm soát và trừng phạt người dân. Hệ thống chấm điểm tín nhiệm đối với công dân, kết hợp với luật An ninh mạng năm 2016 cho phép chính quyền Trung Quốc truy cập vào bất kỳ dữ liệu nào họ muốn, đã dẫn đến một luồng dữ liệu lớn cho ĐCSTQ.
Bà Waldron cho biết các nước phương Tây đã nhận ra sự nguy hiểm của việc chính quyền Trung Quốc nắm giữ các dữ liệu và quyền giám sát, sau khi có thông tin về những rủi ro an ninh quốc gia từ các công ty Trung Quốc như Huawei. Tuy nhiên, các doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách ở Hoa Kỳ không đạt được đồng thuận về tính cấp bách của vấn đề và các chiến lược để giảm thiểu rủi ro an ninh quốc gia do Trung Quốc gây ra.
Bà cho rằng khi sự kìm kẹp của ĐCSTQ đối với Trung Quốc mạnh lên, Bắc Kinh đã mạnh tay hơn trong việc buộc người khác phải chấp nhận luận điệu của mình. Chẳng hạn, năm 2018, Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc đã cáo buộc một số hãng hàng không quốc tế vi phạm luật pháp Trung Quốc khi liệt kê Đài Loan, Hồng Kông và Ma Cao là các quốc gia riêng biệt trên trang web của họ. Sau áp lực mạnh mẽ từ chính quyền Trung Quốc, các hãng hàng không đã phải lên tiếng đính chính.
Việc các công ty nước ngoài cúi đầu theo yêu cầu của Bắc Kinh, theo bà Waldron, thực chất chỉ khiến chính quyền Trung Quốc cải thiện tính hợp pháp của họ. Nhà nghiên cứu cho rằng: “Các nhà hoạch định chính sách và các công ty phương Tây cần phải nhận ra rằng cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với bất kỳ ai mà họ coi là mối đe dọa đối với Đảng và việc họ sẵn sàng sử dụng áp lực kinh tế để buộc các công ty quốc tế phải phục tùng đường lối của Đảng là nảy sinh từ bản chất cơ bản của ĐCSTQ”.