Mặc dù tận dụng tốt các tình tiết căng thẳng với Iran, nhưng có vẻ như điều đó chưa mang lại sự thay đổi đáng kể trong tỷ lệ ủng hộ của các cử tri Mỹ đối với ông Trump.
“Tình tiết căng thẳng Iran” và mọi thứ liên quan đến nước này, đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, là yếu tố tinh chỉnh trong chiến lược tranh cử, nhà phân tích Paul Veronique của tờ tạp chí Pháp L’Express nhận định.
“Liệu giọng điệu hòa giải trong các phát ngôn của ông Trump về Iran vào ngày 8/1 có phải là ‘sự yên lặng sau cơn bão’ hay không?” – ông Veronique đặt câu hỏi.
Cùng hôm đó, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cố gắng giảm nguy cơ làm trầm trọng thêm cuộc xung đột khi nói rằng, Tehran không tìm cách gây chiến.
Khoảng lặng này trong cuộc khủng hoảng giữa hai nước sẽ có lợi cho ông Donald Trump trong bối cảnh chiến dịch tranh cử tổng thống tại Mỹ đang diễn ra – L’Express viết.
“Ông Donald Trump có thể chứng minh rằng, ông đã chế ngự được Iran” – chuyên gia về chính sách Mỹ Jean-Eric Branagh nhận định.
Một mặt, tướng Qasem Soleimani của Iran đã bị giết trong vụ không kích của Mỹ, mặt khác, các hành động trả đũa của Iran chỉ gây ra thiệt hại không đáng kể. Điều đó có nghĩa là “ông Donald Trump, rõ ràng, đang bước ra khỏi vụ việc này với tư cách là người chiến thắng” – chuyên gia Branagh nói.
Ngoài ra, ông Donald Trump cũng không bỏ lỡ cơ hội xuất hiện trong hình ảnh của Tổng tư lệnh tối cao. Nhà phân tích Paul Veronique lưu ý, trong bài phát biểu trước đất nước tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã chú ý rất nhiều đến khâu dàn dựng, tổ chức, khi phát biểu từ lễ đài trong bầu không khí trang nghiêm, được bao quanh bởi các thành viên “đội vệ binh của mình”.
“Chừng nào tôi còn là Tổng thống Mỹ, Iran sẽ không có vũ khí hạt nhân” – người đứng đầu Nhà Trắng đảm bảo.
Theo ý kiến của ông Branagh, buổi phát biểu này đã mang lại ấn tượng về một cảnh tượng rất siêu thực.
“Tất cả đều hiểu rằng, đó là một bài tập trong PR chính trị, bởi ông ấy đã tóm tắt hành động của mình đối với Iran, chứng tỏ rằng ông ấy là một nhà lãnh đạo quân sự dám hành động, không giống như ông Barack Obama, người dè dặt hơn” – nhà khoa học chính trị giải thích.
Theo chuyên gia này, nhà lãnh đạo Mỹ cũng tự hào về những “chiến tích đi săn” khác của mình, như việc thanh trừng Abu Bakr al-Baghdadi.
Chuyên gia tin rằng, danh sách các chiến thắng này sẽ còn được nhắc đến trong mỗi bài phát biểu tranh cử của ông Trump từ nay về sau. Bên cạnh đó, bằng cách từ chối đưa ra hành động quân sự trả đũa Tehran, người đứng đầu Nhà Trắng đã cho thấy mình là một nhà lãnh đạo không quá hiếu chiến – chuyên gia lưu ý.
Theo một cuộc thăm dò dư luận do công ty Gallup tiến hành hồi tháng 8, phần lớn người dân Mỹ phản đối hành động quân sự chống lại Iran. Bên cạnh đó, 78% số người được hỏi thể hiện sự ủng hộ đối với việc sử dụng các phương pháp phi quân sự để chấm dứt chương trình hạt nhân Iran. Tuy nhiên, bất chấp các điều kiện thuận lợi, tình huống này không đóng góp vào sự tăng trưởng mức tín nhiệm của ông Trump trong các cuộc thăm dò dư luận.
Như tạp chí Pháp lưu ý, tỷ lệ ủng hộ ông Trump, như mọi khi, đang ở trong tình trạng không biến đổi nhiều, bất kể các sự kiện diễn ra. Theo một cuộc khảo sát do Reuters và Ipsos thực hiện vào ngày 7/1, mức độ tín nhiệm của Tổng thống Trump vẫn ổn định: 41% người Mỹ tán thành hoạt động của ông và 54% không tán thành – tương đương với số người không hài lòng với chính sách của ông đối với Iran.
“Ông Donald Trump không mất đi cử tri, nhưng cũng không giành thêm: đây thực sự là một hiện tượng kỳ lạ trong nhiệm kỳ tổng thống của ông” – ông Branagh nhấn mạnh.
Do đó, khó có khả năng tỷ lệ ủng hộ của ông Trump sẽ tăng cao đột biến như của ông George W. Bush vào lúc bắt đầu cuộc chiến tranh Iraq – chuyên gia kết luận.