2019 là một năm nhiều biến động ở Trung Quốc, với căng thẳng thương mại Mỹ – Trung leo thang, các cuộc biểu tình ở Hồng Kông lên đến cao độ, trong khi đó Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục củng cố quyền lực. Thế giới sẽ thấy điều gì từ Trung Quốc vào năm 2020? Dưới đây là một vài dự đoán của hai nhà phân tích Li Wyne và James Dobbins đăng trên tờ The Hill.
Gắng sức để thay đổi Đài Loan và Hồng Kông
Trung Quốc hiện tiêu thụ khoảng 40% lượng hàng xuất khẩu của Đài Loan, và lượng xuất khẩu này chiếm hơn một nửa GDP của Đài Loan. Tuy nhiên, sự phụ thuộc kinh tế ngày càng mạnh mẽ vào Đại lục đã không làm ảnh hưởng đến chủ nghĩa dân tộc ở Đài Bắc, mà còn ngược lại. Năm 1994, 20% công chúng được khảo sát nhận mình là người Đài Loan, trong khi 26% nhận mình là người Trung Quốc. Vào năm 2018, tỷ lệ xác định là người Đài Loan là 54,5%, trong khi tỷ lệ nhận mình là người Trung Quốc giảm mạnh xuống dưới 4%.
Sau việc Tổng thống Thái Anh Văn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Đài Loan vào ngày 11/1, Trung Quốc sẽ không chỉ phải đối đầu với một cộng đồng với chủ nghĩa dân tộc lớn hơn, mà còn là một chính phủ tăng cường mở rộng quan hệ trên khắp châu Á – Thái Bình Dương và giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.
Các cuộc biểu tình ở Hồng Kông vẫn sẽ làm phiền lòng Trung Quốc. Việc đáp ứng các yêu cầu của người biểu tình, dù không đáp ứng tất cả, thì cũng làm Tập Cận Bình mất mặt. Trong khi đó, nếu triển khai quân đội trấn áp người biểu tình, thì điều này có thể khiến Trung Quốc phải đối mặt với sự chỉ trích quốc tế sau vụ thảm sát Thiên An Môn, và khiến Đài Loan càng không chấp nhận mô hình “Một quốc gia, hai chế độ” để thống nhất với Đại lục.
Tiếp tục giảm phụ thuộc vào linh kiện công nghệ cao của nước ngoài
Huawei đã gây ngạc nhiên cho giới quan sát vào tháng 9 năm ngoái khi công bố một điện thoại thông minh không chứa chip của Mỹ. Công ty này cho biết họ hiện đang nỗ lực để thay thế toàn bộ bộ ứng dụng di động của Google (Google Mobile Services). Chính phủ Trung Quốc năm ngoái đã yêu cầu các cơ quan thuộc nhà nước và các tổ chức công cộng của nước này loại bỏ hoàn toàn thiết bị máy tính và phần mềm của nước ngoài trong vòng 3 năm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Trung Quốc có thể gặp khó khăn trong việc vượt qua sự phụ thuộc vào các linh kiện và bí quyết công nghệ nước ngoài.
Lượng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã giảm gần 15% trong 10 tháng đầu của năm 2018 và cùng kỳ năm 2019. Mặc dù vậy, tỷ lệ xuất khẩu toàn cầu của nước này hiện là 11,9% – cao hơn một chút so với thời Mỹ áp vòng thuế quan đầu tiên vào tháng 7/2018. Tuy nhiên, lượng xuất khẩu của Trung Quốc vẫn giảm vì Mỹ là thị trường lớn hơn so với các khác và Trung Quốc có thể mất một số sức mạnh thương mại trên toàn cầu.
Ngoài việc tăng cường mối quan hệ thương mại song phương thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), Trung Quốc có thể sẽ củng cố hai phương diện khác: Kết thúc hiệp định thương mại tự do ba chiều với Nhật Bản – Hàn Quốc và kích hoạt Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực ở châu Á – Thái Bình Dương mặc dù Ấn Độ đã quyết định không tham gia. Trung Quốc cũng đang tích cực tận dụng những căng thẳng bên kia Đại Tây Dương để cố gắng có được chỗ đứng vững chắc hơn cho Huawei trong việc triển khai mạng 5G ở khắp châu Âu.
Tăng cường hợp tác với Nga
Không có bằng chứng cho thấy hai nước đang theo đuổi một liên minh quân sự chính thức. Ngoài ra, mối quan hệ của hai bên ngày càng bất đối xứng; tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Trung Quốc gấp hơn tám lần so với Nga vào năm 2018. Tuy nhiên, khi Washington quyết định đặt Trung Quốc và Nga vào nhóm “cạnh tranh cường quốc”, thì Nga – Trung có thể sẽ tăng cường hợp tác để đánh bại mục tiêu chính sách đối ngoại của Mỹ.
Tiếp tục ưu tiên và thận trọng trong địa chính trị
Trung Quốc sẽ tiếp tục củng cố các yêu sách ở Biển Đông trong khi sử dụng các đòn bẩy kinh tế và các đòn bẩy khác để chia rẽ các bên phản đối. Trung Quốc còn tiếp tục thúc giục việc giảm nhẹ một số biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên để đổi lấy việc Bình Nhưỡng kiềm chế đối với phi hạt nhân hóa, từ đó liên kết với Hàn Quốc. Chính quyền Bắc Kinh sẽ tiếp tục gia nhập Nga – Liên minh châu Âu để phản đối các biện pháp “trừng phạt tối đa” của Mỹ đối với Iran. Trung Quốc sẽ tiếp tục khuếch trương sự hiện diện kinh tế của mình ở Châu Mỹ Latinh, Nam Âu và châu Phi cận Sahara thông qua BRI.
Nhưng có lẽ quan trọng nhất, Trung Quốc sẽ tiếp tục hướng tới là một nhà vô địch của trật tự quốc tế hiện có. Trái ngược với chủ nghĩa chống toàn cầu của chính quyền Trump, Trung Quốc sẽ chỉ ra sự tham gia vào các nỗ lực toàn cầu trong việc hạn chế biến đổi khí hậu, đóng góp cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, hỗ trợ cho Tổ chức Thương mại Thế giới và quan tâm đến việc mở rộng thương mại – trong khi đó tránh bị lôi kéo trực tiếp vào bất kỳ điểm rắc rối lớn nào trên trường quốc tế.