Thursday, November 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐịnh vị TQ trong vụ đấu tên lửa Mỹ-Iran

Định vị TQ trong vụ đấu tên lửa Mỹ-Iran

Trung Quốc vừa không muốn khiêu khích chính quyền Trump vừa muốn duy trì lợi ích riêng tại Iran

Trung Quốc – có nhiều lợi ích kinh tế tại Trung Đông

Điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif sau khi tướng Qasem Soleimani bị sát hại do cuộc không kích của Mỹ ở Baghdad, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã tuyên bố trên một bản tin trực tuyến của Bộ Ngoại giao nước này rằng, “Trung Quốc phản đối sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”, “kêu gọi Mỹ tìm kiếm giải pháp đối thoại thay vì sử dụng vũ lực”… Ngoài quan điểm chính trị, Trung Quốc có nhiều lý do kinh tế để phải tích cực kêu gọi các bên kiềm chế khi căng thẳng tại Trung Đông leo thang do Trung Quốc mua dầu từ Trung Đông nhiều nhất thế giới và cũng đang có các khoản đầu tư lớn vào Iran, Iraq và nhiều quốc gia Trung Đông khác.

Còn nhớ, sau chuyến thăm tới Bắc Kinh hồi tháng 8/2019 của Ngoại trưởng Iran, hai nước đã đồng ý bổ sung nhiều dự án vào chương trình song phương 25 năm được ký kết năm 2016, đáng chú ý là khoản đầu tư 400 tỉ USD đầu tiên vào nền kinh tế Iran, gồm 280 tỉ USD để phát triển các lĩnh vực dầu khí và hóa dầu và 120 tỉ USD để nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông và sản xuất phù hợp hơn với các yêu cầu hoạt động của Trung Quốc. Đổi lại, các nhà đầu tư Trung Quốc có quyền thực hiện các dự án ở Iran mà không đấu thầu; dòng vốn khổng lồ này còn cho phép Trung Quốc có tiếng nói trong giới chính trị và mua dầu với giá thấp nhất, theo hãng tin Deseret News.

Trung Quốc từ lâu đã có nhiều thỏa thuận kinh tế béo bở với Iran và thường tận dụng lợi thế của đồng minh Iran. Sau thỏa thuận hạt nhân JCPOA năm 2015 và việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa tài sản của Iran, Trung Quốc vẫn nắm giữ 22,5 tỉ USD dự trữ của nước này. Xung đột Mỹ-Iran sẽ tạo đòn bẩy cho Bắc Kinh đòi hỏi những thỏa thuận sinh lời cao hơn trong tình hình kinh tế hỗn loạn của Iran. Trong khi Mỹ bằng các lệnh trừng phạt của mình muốn cô lập Iran khỏi thị trường toàn cầu, Trung Quốc vẫn âm thầm khai thác nguồn tài nguyên được đánh giá là khá dồi dào của đất nước Trung Đông này.

Theo số liệu của Finacial Times, Trung Quốc có hơn 300 triệu xe chạy bằng diesel và xăng, chưa kể ngành du lịch hàng không nội địa đang mở rộng. Xăng dầu đã trở nên không thể tách rời khỏi hoạt động kinh tế và nhu cầu tiêu dùng của tầng lớp trung lưu Trung Quốc đang phát triển. Nhập khẩu dầu mỏ của nước này đã tăng nhanh trong thập kỷ qua, trong đó, khoảng 44% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Trung Đông.

Năm 2019, Saudi Arabia đã vượt qua Nga để trở thành nhà cung ứng dầu thô lớn nhất cho Trung Quốc. Tháng 6/2019, Trung Quốc nhập từ nước này 1,88 triệu thùng/ngày – gần gấp đôi so với một năm trước đó. Tờ Finacial Times từng nhận định, “nếu xuất khẩu dầu của Iran hoàn toàn bị cắt đứt bằng các lệnh trừng phạt hoặc bởi một cuộc xung đột vũ trang tại eo biển Hormuz thì Trung Quốc sẽ là một trong những người đầu tiên bị tổn thương. An ninh năng lượng hiện là một vấn đề của Trung Quốc”.

Mặc dù Bắc Kinh “lấy làm quan ngại” trước cuộc tấn công của Mỹ, cho đây là động thái “không thể chấp nhận được”, nhưng không sử dụng những từ ngữ mạnh mẽ như “lên án” hoặc “phản đối” giống Nga hoặc Iran. Bắc Kinh chỉ nhấn mạnh Trung Quốc sẽ “đóng vai trò xây dựng” giúp đảm bảo an ninh trong khu vực và kêu gọi tất cả các bên liên quan tuân thủ luật pháp quốc tế, phù hợp với các chiến lược của Trung Quốc từ trước đến nay – tránh đưa ra các cam kết tại một khu vực mà nước này dễ bề đụng độ với Mỹ và các đồng minh.

Dấu ấn Trung Quốc vũ khí Iran tấn công căn cứ quân sự Mỹ

Theo các nguồn tin quân sự, trong đợt tấn công căn cứ quân sự Mỹ, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) đã sử dụng tên lửa đạn đạo Fateh-313 (phát triển dựa trên phiên bản Fateh-110 có xuất xứ từ Trung Quốc) và tên lửa Qiam-1. Sau chiến tranh Iran-Iraq, Iran cảm thấy cần phải hiện đại hóa lực lượng tên lửa trong bối cảnh bị Mỹ cấm vận, đã tìm đến các tên lửa đạn đạo do Trung Quốc sản xuất như B610, phiên bản cải tiến của tên lửa HQ-2. Trong những năm 1990, Iran phụ thuộc vào Trung Quốc trong việc phát triển tên lửa đạn đạo sử dụng nhiên liệu rắn.

Năm 1996, một báo cáo của CIA cho biết, Trung Quốc cấp cho Iran công nghệ tên lửa và các cấu phần, bao gồm con quay hồi chuyển và gia tốc kế, cũng như các thiết bị chế tạo radar. Kết quả là tên lửa đạn đạo Fateh-110 đầu đạn nổ nặng 650kg và tầm bắn 200km ra đời năm 1997 với những dấu ấn rõ rệt từ công nghệ cho đến nguyên vật liệu Trung Quốc. Phiên bản Fateh-313 mới nhất Iran sử dụng để tấn công căn cứ Mỹ được cải tiến về tầm bắn, lên tới 500km và được dẫn đường chủ động.

dinh vi trung quoc trong vu dau ten lua my-iran​ hinh 2
Tên lửa tấn công căn cứ Mỹ có liên quan đến kỹ thuật và công nghệ Trung Quốc; Nguồn: israelhayom.com

Trong khi đó, tên lửa đạn đạo tầm ngắn Qiam-1 được Iran sản xuất nội địa 100%, được phát triển trên nền tảng tên lửa Shahab-2 của Iran – là bản sao của tên lửa Triều Tiên Hwasong-6. Trong vài năm trở lại đây, Iran bắt đầu tự mình sản xuất nguyên liệu và cải tiến tên lửa, mở rộng kho tên lửa đạn đạo của nước này. Có thể nói, Trung Quốc đã đặt nền móng cho sự phát triển công nghệ tên lửa đạn đạo của Iran.

Trung Quốc muốn làm “ngư ông đắc lợi”?

Mặc dù Trung Quốc liên tục chỉ trích hành động của Mỹ đối với các lợi ích về thương mại và an ninh của nước này nhưng họ lựa chọn một phản ứng “hạn chế hơn” trước những xung đột của Washington với các đối tác ngoại giao của mình. Trung Quốc đã cắt giảm đáng kể việc mua dầu mỏ của Iran kể từ khi Mỹ chấm dứt toàn bộ quy chế miễn trừng phạt đối với những quốc gia và vùng lãnh thổ được phép mua dầu thô của Tehran. Riêng tháng 11/2019, lượng dầu thô mà Bắc Kinh nhập khẩu từ Tehran chưa đến 548.000 tấn, ít hơn nhiều so với con số hơn 3 triệu tấn hồi tháng 4/2019. Trong khi đó, lượng dầu nhập khẩu của Saudi Arabia từ tháng 1-11/2019 đã tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Theo chuyên gia Shi Yinhong, trong trường hợp căng thẳng Trung Đông leo thang như hiện nay, các quốc gia khác hầu như có ít khả năng làm thay đổi hiện trạng. Trung Quốc có thể sử dụng vai trò của nước này trên cương vị là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ để chỉ trích các hành động của Mỹ chống lại Iran. Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ trì hoãn việc đưa ra động thái như vậy trong thời gian lâu nhất như có thể, “Trung Quốc sẽ không đứng về phía nào trong Hội đồng Bảo an trừ khi nước này phải lựa chọn”.

Cái chết của tướng Soleimani có khiến Trung Quốc từ bỏ các hành động cân bằng quan hệ ngoại giao trong quá khứ, đặc biệt là khi Chủ tịch Tập Cận Bình đang tìm cách kết thúc các cuộc đàm phán thương mại sơ bộ với Trump trong tháng này? Mặc dù Trung Quốc khẳng định sẽ đầu tư hàng trăm tỷ USD vào cơ sở hạ tầng dầu khí của Iran song cho tới nay, các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ với Iran đã khiến các kế hoạch này chững lại. Trung Quốc cũng đang tăng cường hợp tác quân sự với Nga và mở rộng quan hệ với Tehran. Trung Quốc và Nga có thể dễ dàng hỗ trợ cho Iran trong bất cứ cuộc xung đột nào của Iran với Mỹ thông qua mạng lưới cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc đang xây dựng dọc vùng Trung Á vốn nằm trong “Sáng kiến Vành đai và Con đường”.

dinh vi trung quoc trong vu dau ten lua my-iran​ hinh 3
Trung Quốc vừa không muốn khiêu khích Mỹ, vừa muốn duy trì lợi ích riêng tại Iran; Nguồn: menafn.com

Nếu Mỹ tấn công quân sự Iran, Trung Quốc sẽ nhanh chóng chớp lấy cơ hội kéo dài “thời kỳ cơ hội chiến lược” bằng việc hiện thực hóa những tham vọng tưởng chừng như xa vời nhất cũng như rộng mở cánh cửa để Bắc Kinh vượt Washington trên cả mặt trận kinh tế, thống trị quân sự ở khu vực Tây Thái Bình Dương và tiên phong trong cuộc cách mạng thay đổi hệ thống toàn cầu. Dù giới chính trị gia Mỹ vẫn đang tranh luận để tìm ra phương án tốt nhất đối phó với Trung Quốc, nhưng cả những người theo phe hiếu chiến hay hòa bình đều đồng thuận với quan điểm nếu Mỹ tiến hành chiến tranh với Iran là khởi đầu cho kỷ nguyên của Trung Quốc.

Đến thời điểm hiện tại, Bắc Kinh không có nhiều động thái chống lại nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm gia tăng sức ép lên Tehran, ngoài việc bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran và chỉ trích các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ. Theo một số nhà quan sát, không có nhiều dấu hiệu cho thấy, cái chết của tướng Iran Soleimani sẽ thúc đẩy Trung Quốc đi chệch hướng khỏi chiến lược cân bằng của nước này, đặc biệt khi Tập Cận Bình tìm cách kết thúc các cuộc đàm phán thương mại giai đoạn đầu với Trump vào tháng 1/2020. Theo Shi Yinhong, Trung Quốc bị vướng vào một tình huống khó xử, vừa không muốn khiêu khích chính quyền Trump, vừa muốn giữ quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng với Nga và duy trì những lợi ích riêng tại Iran

RELATED ARTICLES

Tin mới