Thursday, November 28, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNhật Bản tuyên bố cứng rắn, không chấp nhận hành vi hung...

Nhật Bản tuyên bố cứng rắn, không chấp nhận hành vi hung hăng của TQ trên biển

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono (14/1) đã kêu gọi Trung Quốc nỗ lực cải thiện tình hình liên quan đến các hoạt động hàng hải ngày càng gia tăng của họ trên Biển Hoa Đông; đồng thời cảnh báo Nhật bản sẽ không bỏ qua cho hành vi hung hăng của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông.

Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono cho biết, các tàu Trung Quốc vi phạm lãnh hải của Nhật Bản quanh quần đảo Senkaku trên Biển Hoa Đông trung bình 3 lần một tháng; đồng thời bày tỏ lo ngại về những nỗ lực liên tục của Trung Quốc nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông, đặc biệt là xung quanh quần đảo Senkaku. Ngoài ra, Bộ trưởng Kono cũng cho biết, Nhật Bản muốn mở rộng sự chào đón chân thành tới Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản trong năm nay. Nhưng Bắc Kinh cần phải nỗ lực để cải thiện tình hình, nếu không sẽ tạo ra một “môi trường khó khăn” cho chuyến thăm và “các chuẩn mực quốc tế, như tự do, dân chủ, trật tự pháp lý được các nước xây dựng và bảo vệ, gồm Nhật Bản, Mỹ và các nước khác, để vượt qua những khó khăn. Nếu Trung Quốc xem nhẹ các chuẩn mực quốc tế, họ sẽ phải trả giá”.

Tuyên bố trên của Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono đưa ra trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chuẩn bị thăm chính thức Nhật Bản vào đầu năm 2020. Trong năm qua, quan hệ Trung – Nhật đang có nhiều diễn biến tích cực. Tại Đối thoại chiến lược Trung – Nhật lần thứ 15, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành (15/1) cho rằng, quan hệ Trung – Nhật đang đứng trước cơ hội phát triển quan trọng. Theo ông Lạc Ngọc Thành cho rằng, trong bối cảnh cục diện thế giới có những thay đổi lớn lao như hiện nay, quan hệ Trung – Nhật đang đứng trước cơ hội phát triển quan trọng. Ông Lạc Ngọc Thành nhấn mạnh, năm 2020 là năm có ý nghĩa then chốt để quan hệ Trung – Nhật đạt được những mục tiêu cao hơn, do đó hai bên cần tăng cường trao đổi, cùng chuẩn bị tốt cho các hoạt động chính trị ngoại giao quan trọng giữa hai nước. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng cho biết, tại Đối thoại lần này hai bên đã trao đổi cụ thể về công tác chuẩn bị cho chuyến thăm Nhật Bản sắp tới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ngoài ra, hai bên cũng thảo luận về “văn kiện chính trị thứ 5” giữa hai nước, với nội dung chính là đề ra phương hướng cho quan hệ Trung – Nhật trong 10 năm tới.

Tuy nhiên, hiện Nhật Bản và Trung Quốc đang tồn tại tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Quần đảo Senkaku là nhóm đảo nhỏ nằm cách đảo chính của tỉnh Okinawa, Nhật Bản, khoảng 400km về phía Tây. Quần đảo này hiện do Nhật Bản kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và thường xuyên đưa tàu hoặc máy bay đến vùng biển này. Theo viện nghiên cứu RAND, Trung Quốc đang tìm cách vượt mặt Nhật Bản để trở thành cường quốc hàng đầu trong khu vực. Một phần trong nỗ lực đó là việc tranh chấp chủ quyền nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư, cũng như thể hiện khả năng kiểm soát khu vực mà không gây xung đột quân sự với Nhật Bản. Quân đội Nhật Bản dường như đang phải chật vật để theo kịp với hoạt động quân sự của Trung Quốc tại khu vực Senkaku/Điếu Ngư và Biển Hoa Đông. Ngoài ra, hải quân, không quân Trung Quốc liên tục điều tàu chiến, tàu tuần tra, máy bay các loại áp sát nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư, buộc phi công Nhật phải xuất kích để giám sát và ngăn chặn với tần suất ngày càng tăng. Sức ép càng tăng lên sau khi Trung Quốc đơn phương lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông, chồng lấn với ADIZ của Nhật Bản và Hàn Quốc. Trên lý thuyết, trong trường hợp nổ ra xung đột, Bắc Kinh luôn nắm giữ lợi thế trong không chiến khi biên chế hơn 1.700 tiêm kích các loại, so với 288 chiếc của Tokyo. Số lượng lớn chiến đấu cơ cho phép Trung Quốc duy trì hoạt động liên tục, trong khi Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF) phải tiêu tốn nguồn lực vốn rất giới hạn để đối phó. Theo số liệu thống kê, trong năm 2016, JASDF phải triển khai 1.168 chuyến xuất kích để chặn, giám sát máy bay áp sát không phận, 73% trong số đó là phi cơ Trung Quốc hoạt động quanh nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư và Biển Hoa Đông. Không những vậy, những năm gần đây Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cũng đã tăng cường năng lực giám sát tàu Trung Quốc, bắt đầu sử dụng hệ thống cảnh báo tàu thuyền đầu tiên có thể tự động hiển thị vị trí trên một bản đồ trực tuyến. Các cảnh báo được đưa ra để cung cấp thông tin cho các tàu thuyền về những vật trôi nổi, các cuộc tập trận bắn đạn thật và các mối nguy hiểm khác. Thông thường, thủy thủ đoàn thường viết kinh độ và vĩ độ trên hải đồ. Tuy nhiên, Cục Hải dương học và thủy văn học của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã phát triển một hệ thống tự động chuyển những chữ cái và con số thành các địa điểm có thể nhìn thấy trên một bản đồ trực tuyến. Những khu vực trong phạm vi cảnh báo nói trên sẽ được đánh dấu bằng màu da cam. Người dùng có thể bấm vào đó để xem chi tiết. Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết đã mất 2 năm để phát triển hệ thống này.

Để đề phòng và ngăn chặn các hoạt động của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế và vùng biển quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, Nhật Bản tiếp tục đẩy mạnh chi tiêu cho quân sự trong năm qua. Theo đó, Chính phủ Nhật Bản (20/12/2019) đã phê duyệt dự thảo ngân sách quốc phòng lên mức kỷ lục 48,5 tỉ USD cho năm tài khóa 2020, tăng 1,1% so với mức 47 tỉ USD hồi năm 2019. Như vậy, đây là năm thứ 8 liên tiếp, dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe, nước Nhật chủ trương gia tăng ngân sách quốc phòng để “nâng cao khả năng phòng vệ và hỗ trợ đồng minh trước những thách thức”. Thời gian qua, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) đã mở rộng phạm vi hiện diện của mình, từ khu vực Biển Đông, Hoa Đông sang đến ngoài khơi quốc gia Đông Phi là Djibouti – nơi Trung Quốc thành lập căn cứ quân sự từ năm 2017. Hai khu trục hạm lớp Izumo của Nhật Bản cũng sẽ được nâng cấp để mang theo tiêm kích F-35B, thay vì trực thăng như trước, nên được xem như tàu sân bay. Ngoài ra, trong năm tài khóa 2020, Nhật Bản sẽ mua thêm 9 chiến đấu cơ tàng hình F-35 từ Mỹ, trong đó 6 chiếc có thể cất cánh ngắn và hạ cánh theo phương thẳng đứng. Số chiến đấu cơ này giúp Nhật có thể tăng cường thực lực tác chiến tàu sân bay. Đồng thời, Nhật cũng sẽ chi hơn 1 tỉ USD để củng cố hệ thống tên lửa đạn đạo, mua một hệ thống tên lửa mới có thể hạ các đầu đạn từ không gian và dành thêm một phần ngân sách để tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis Ashore cùng các radar mới…

Không chỉ tăng cường ngân sách quốc phòng, chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe còn đề nghị xem xét lại Hiến pháp hiện hành của Nhật. Trong đó, đáng chú ý là điều 9, nêu rõ Tokyo không được phát động chiến tranh, đe dọa sử dụng hoặc dùng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Nước này không được tổ chức quân đội hay sở hữu các khí tài vũ trang hạng nặng mà chỉ được phép thường trực một lực lượng vũ trang bảo vệ nội an là JSDF. Tuy nhiên, hiện nay, JSDF phát triển mạnh mẽ nên chính phủ muốn thuyết phục người dân và quốc hội rằng sự tồn tại của JSDF là vô cùng quan trọng, cần giải quyết các rào cản trong hiến pháp. Ngoài ra, JSDF cũng đã thành lập một bộ phận gồm 24 người thuộcVụ tổng hợp để liên lạc trực tiếp với các nước khác ở Đông Nam Á nhằm tăng cường đối thoại an ninh hàng hải và kiềm chế Trung Quốc trên biển.

RELATED ARTICLES

Tin mới