Monday, November 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaĐầu năm 2020, ASEAN quan ngại các vụ vi phạm nghiêm trọng...

Đầu năm 2020, ASEAN quan ngại các vụ vi phạm nghiêm trọng trên Biển Đông

Tại Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (17/1), các bộ trưởng ASEAN bày tỏ quan ngại về tình trạng tôn tạo, bồi đắp trên biển, nhất là những diễn biến gần đây, trong đó có các sự cố nghiêm trọng vi phạm quyền chủ quyền vùng biển một số thành viên ASEAN.

Tại Hội nghị, các nước ghi nhận tiến triển trong đàm phán COC, đồng thời bày tỏ quan ngại về tình trạng tôn tạo, bồi đắp trên biển, nhất là những diễn biến gần đây, trong đó có các sự cố nghiêm trọng vi phạm quyền chủ quyền vùng biển một số thành viên ASEAN, làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin và không tạo thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC. Do đó, các bộ trưởng tái khẳng định cần tăng cường lòng tin, kiềm chế và tránh các hành động làm phức tạp thêm tình hình, hướng tới giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và cần coi luật pháp quốc tế, UNCLOS là cơ sở, là thước đo cho những đòi hỏi về chủ quyền và quyền chủ quyền trên các vùng biển. Các bộ trưởng cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử ở biển Đông (DOC) để tạo lập môi trường tin cậy lẫn nhau, tích cực thúc đẩy thương lượng để hướng tới sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử COC hiệu quả, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS năm 1982.

Đáng chú ý, trong Thông cáo sau cuộc họp đã nhấn mạnh một số vấn đề cụ thể: (1) Chúng tôi đã thảo luận sâu rộng về các ưu tiên của ASEAN cho năm 2020 cũng như định hướng về xây dựng Cộng đồng ASEAN, đẩy mạnh quan hệ đối ngoại của ASEAN và củng cố cấu trúc khu vực lấy ASEAN làm trung tâm. Chúng tôi cũng trao đổi về diễn biến tình hình khu vực và thế giới, cách thức để ASEAN có thể thích ứng hiệu quả trước các thách thức và cơ hội đến từ những biến động ở khu vực và thế giới, trong khi duy trì đoàn kết, gắn kết và vai trò trung tâm vì hòa bình, an ninh, ổn định, thịnh vượng và bền vững ở khu vực và thế giới. Theo đó, chúng tôi cũng tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của ASEAN về chủ nghĩa khu vực mở và chủ nghĩa đa phương. (2) Chúng tôi tái khẳng định cam kết chung về duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, cũng như giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao, không đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS năm 1982. (3) Các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN bày tỏ ủng hộ đối với các trọng tâm ưu tiên và các đề xuất sáng kiến chính của Việt Nam dưới chủ đề “ASEAN Gắn kết và Chủ động Thích ứng” trong năm 2020, phù hợp với mục tiêu xuyên suốt của tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và tiếp nối những nỗ lực của các Chủ tịch ASEAN tiền nhiệm. Các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố đoàn kết, gắn kết của ASEAN, tăng cường hội nhập kinh tế ASEAN, đẩy mạnh thương mại và đầu tư nội khối ASEAN, thúc đẩy phát triển bền vững, tăng cường kết nối và hợp tác tiểu vùng, bao gồm phát triển tiểu vùng sông Mekong, nâng cao hình ảnh và sự hiện diện của Cộng đồng ASEAN, đồng thời chủ động ứng phó với các cơ hội và thách thức đang nổi lên từ bối cảnh khu vực và toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng cũng như từ những phát triển vượt bậc của công nghệ trong Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. (4) Các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN trông đợi kết quả đánh giá giữa kỳ việc thực hiện các Kế hoạch Tổng thể của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 trong năm 2020, đồng thời nhất trí cần có cách tiếp cận hướng tới tương lai thông qua bắt đầu các cuộc thảo luận về tầm nhìn ASEAN sau năm 2025. Các Bộ trưởng cũng nhất trí đẩy mạnh bảo vệ và hợp tác môi trường, đặc biệt về biến đổi khí hậu, rác thải biển, và ô nhiễm khói mù xuyên biên giới, cũng như trong các lĩnh vực về phát triển bền vững, trao quyền cho phụ nữ và bình đẳng giới. (5) Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng và vai trò phù hợp của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) như là bộ quy tắc ứng xử chỉ đạo quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực và là nền tảng duy trì hòa bình và ổn định khu vực. Chúng tôi cam kết tiếp tục thúc đẩy các mục tiêu và nguyên tắc của TAC. Chúng tôi hoan nghênh việc ngày càng nhiều quốc gia ngoài khu vực quan tâm tới việc gia nhập TAC trên cơ sở tôn trọng và tuân thủ các mục tiêu và nguyên tắc của TAC và nhất trí xem xét các đề nghị gia nhập mới trên cơ sở Tài liệu hướng dẫn Sửa đổi về việc Gia nhập TAC. (6) Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của Tài liệu Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AOIP) như bộ quy tắc hướng dẫn để ASEAN tham gia, đóng góp vào hợp tác ở châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Chúng tôi nhất trí tiếp tục thúc đẩy các mục tiêu và nguyên tắc được nêu trong Tài liệu Quan điểm, đồng thời khuyến khích các đối tác bên ngoài ủng hộ và triển khai các nội dung hợp tác thiết thực với ASEAN trong bốn lĩnh vực hợp tác chính là hợp tác biển, kết nối, phát triển bền vững và hợp tác kinh tế. (7) Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không trên biển Đông và ghi nhận lợi ích của việc duy trì biển Đông là vùng biển của hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả toàn bộ DOC năm 2002. Chúng tôi thấy khích lệ trước những tiến triển trong đàm phán thực chất nhằm sớm đạt được COC thực chất và hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982. Chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết duy trì và thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho đàm phán COC, và theo đó hoan nghênh các biện pháp thực tiễn nhằm làm giảm căng thẳng và nguy cơ xảy ra sự cố, hiểu nhầm và tính toán sai lầm. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa và xây dựng lòng tin nhằm thúc đẩy lòng tin và sự tin cậy giữa các bên; và chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của việc đề cao luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982. (8) Chúng tôi trao đổi về tình hình Biển Đông, trong đó quan ngại đã được bày tỏ về hoạt động tôn tạo bồi đắp, những diễn biến gần đây và các sự cố nghiêm trọng, đã làm xói mòn lòng tin và sự tin cậy, làm gia tăng căng thẳng và có thể đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Chúng tôi tái khẳng định sự cần thiết thúc đẩy lòng tin và sự tin cậy, tự kiềm chế trong tiến hành các hoạt động và tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình, và giải quyết hoà bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982. Chúng tôi tái khẳng định rằng luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982, là cơ sở để xác định chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích chính đáng đối với các vùng biển. Chúng tôi tái khẳng định rằng UNCLOS 1982 là khung pháp lý cơ bản cho các vùng biển và phải được tất cả các quốc gia tôn trọng. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của phi quân sự hóa và tự kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động bởi các bên có tuyên bố chủ quyền và tất cả các quốc gia khác, bao gồm các hoạt động được đề cập đến trong DOC có thể làm phức tạp thêm tình hình và leo thang căng thẳng ở biển Đông. (9) Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì đối thoại hòa bình giữa các bên liên quan nhằm đạt được hòa bình và ổn định lâu dài ở Bán đảo Triều Tiên được phi hạt nhân hóa. Để đạt được điều này, chúng tôi kêu gọi các bên liên quan nối lại đối thoại hòa bình và tiếp tục hợp tác có tính xây dựng, bao gồm thông qua việc triển khai đầy đủ và nhanh chóng Tuyên bố Bàn Môn Điếm, Tuyên bố chung Bình Nhưỡng và tuyên bố chung giữa lãnh đạo Hoa Kỳ và lãnh đạo Triều Tiên. Chúng tôi tái khẳng định cam kết thực hiện đầy đủ tất cả các nghị quyến liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và ghi nhận các nỗ lực quốc tế nhằm đạt được tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược. Chúng tôi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) trong thúc đẩy môi trường thuận lợi cho đối thoại giữa các bên liên quan. (10) Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường các nỗ lực và hợp tác khu vực trong giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống như khủng bố và cực đoan bạo lực, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh biển, an ninh mạng và an ninh nguồn nước.

Được biế, hiện các nước ASEAN và Trung Quốc đang đàm phán về COC vốn được kêu gọi tiến hành đàm phán gần hai chục năm qua, đến nay mới chỉ thỏa thuận được cái khung đàm phán. Các chi tiết điều khoản thỏa thuận thì vẫn còn đang cù cưa mà mấu chốt vẫn là có hay không có sự ràng buộc pháp lý.

RELATED ARTICLES

Tin mới