Monday, November 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaVấn đề nhân quyền TQ: Cộng đồng quốc tế lên án

Vấn đề nhân quyền TQ: Cộng đồng quốc tế lên án

Trong nhiều năm trở lại đây, vấn đề nhân quyền của Trung Quốc là một trong những tâm điểm bị phương Tây chỉ trích, lên án mạnh mẽ.

Trong Phúc trình Toàn cầu 2020 dài 652 trang, là ấn bản lần thứ 30, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đánh giá việc thực hành nhân quyền trên gần 100 quốc gia. Trong bài đề dẫn, Giám đốc Điều hành Kenneth Roth nói rằng chính phủ Trung Quốc, vốn dựa vào đàn áp để duy trì quyền lực, đang tiến hành cuộc tấn công dữ dội nhất trong vài thập niên gần đây vào hệ thống nhân quyền toàn cầu. Ông thấy hành động của Bắc Kinh đã cổ vũ và nhận được sự ủng hộ của các thế lực dân túy độc tài trên thế giới, đồng thời nhà cầm quyền Trung Quốc sử dụng quyền lực kinh tế để ngăn chặn sự chỉ trích của các chính phủ khác. Điều khẩn cấp là phải chống lại cuộc tấn công này, vì nó đe dọa những tiến bộ về nhân quyền trong vài thập niên qua, và đe dọa tương lai của chúng ta.

Chính quyền Trung Quốc tiếp tục đàn áp khốc liệt người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo gốc Turk ở vùng Tân Cương phía Tây Bắc. Ước tính có khoảng 1 triệu người Hồi giáo đang bị giam giữ vô thời hạn ở các trại “cải tạo chính trị,” ở đó họ bị ép buộc phải từ bỏ bản sắc gốc và tuyên thệ trung thành với Đảng Cộng sản. Nhà cầm quyền Trung Quốc cũng cưỡng ép ly tán nhiều trẻ em có cha mẹ đang bị giam giữ hay đi tị nạn, không cho ở với họ hàng và giữ các em trong các trung tâm “giáo dưỡng trẻ em” hay các trường nội trú do nhà nước quản lý. Chính quyền Trung Quốc cũng áp đặt các hệ thống theo dõi khổng lồ – được trang bị kỹ thuật mới nhất – đối với những người dân sống ở khu vực này, giám sát và hạn chế quyền đi lại của họ.

Không những vậy, Chính quyền Trung Quốc cũng gia tăng tấn công vào tự do ngôn luận. Công an khắp nơi trên toàn quốc câu lưu hoặc triệu tập hàng trăm người sử dụng Twitter, buộc họ phải xóa hết các đoạn tweet phê phán chính quyền hoặc đóng hẳn tài khoản. Chính quyền mở chiến dịch tung thông tin sai lệch bôi nhọ những người biểu tình ở Hồng Công là bạo lực và cực đoan, khiến Twitter và Facebook phải chặn hàng trăm tài khoản xuất phát từ Trung Quốc vì nghi là công cụ của chiến dịch này. Ngoài ra, Bắc Kinh tiếp tục bưng bít tiếng nói phê phán ở hải ngoại bằng cách kiểm soát sinh viên Trung Quốc ở các trường đại học nước ngoài, sách nhiễu người nhà đang còn ở Trung Quốc của những người lên tiếng phê phán, kiểm duyệt các nền tảng mạng xã hội thông dụng trong cộng đồng Hoa Kiều, và sử dụng đòn trừng phạt kinh tế.

Chính phủ một số quốc gia đã lên tiếng ngày càng mạnh mẽ về chính sách đàn áp của Trung Quốc, đặc biệt là qua các bước can thiệp về vấn đề Tân Cương ở Liên Hiệp Quốc. Đáp lại, Trung Quốc đã tập hợp một liên minh các quốc gia nhiều tai tiếng về vi phạm nhân quyền để phủ nhận các lời chỉ trích. Chính quyền Hoa Kỳ đã cấm vận 28 cơ quan, tổ chức của Trung Quốc vì các vi phạm ở Tân Cương. Rất ít quốc gia tiến xa hơn việc chỉ trích bằng ngôn từ về các vi phạm nhân quyền trầm trọng của Bắc Kinh để có các hành động cụ thể.

Trước đó, tạp chí Bitter Winter chuyên theo dõi tình hình tự do tôn giáo và nhân quyền của Trung Quốc, nói rằng tình hình của các nhóm tôn giáo Trung Quốc đang “ngày càng tồi tệ hơn”.

Đáp trả những chỉ trích trên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng (15/1) đánh giá “tình hình nhân quyền tại Trung Quốc hiện nay ở vào thời kỳ tốt nhất trong lịch sử”; đồng thời tố cáo ngược lại tổ chức Human Rights Watch và “Ngôi nhà tự do” từ trước đến nay luôn có tuyên bố và báo cáo không đúng sự thật, đổi trắng thay đen, không khách quan liên quan đến tình hình tại Trung Quốc. Trước đó, tờ Fox News đã dẫn lại nguồn tin từ Bitter Winter cho hay, chính quyền Trung Quốc đang tiến hành “công kích cuối cùng đối với tự do tôn giáo” thông qua các biện pháp hành chính mới, yêu cầu tất cả các tôn giáo phải phục tùng Đảng Cộng sản Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc đã công bố “Quy chế quản lý các nhóm tôn giáo” mới. “Quy chế quản lý các nhóm tôn giáo” đưa ra hàng loạt quy tắc, bao trùm lên toàn bộ các khía cạnh trong đời sống tôn giáo, từ điều lệ thành lập đến các hoạt động hàng ngày, đều phải được chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc phê chuẩn. Quy chế quản lý mới này sẽ hoàn thiện “Quy chế về các sự vụ tôn giáo” mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiến hành sửa đổi và đưa vào thực hiện vào ngày 1/2/2018 hai năm trước. Điều 5 của Quy chế nêu rõ: “Các tổ chức tôn giáo phải tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tuân thủ Hiến pháp, luật pháp, quy định, quy tắc và chính sách, kiên trì với các nguyên tắc độc lập và tự chủ, tuân thủ các chỉ thị về tôn giáo Trung Quốc, quán triệt giá trị quan xã hội chủ nghĩa”. Quy chế mới còn nhấn mạnh: “Các tổ chức tôn giáo phải phổ biến các nguyên tắc và chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc”, còn yêu cầu “Nhân viên và tín đồ tôn giáo phải ủng hộ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ủng hộ chế độ xã hội chủ nghĩa, kiên trì và tuân thủ theo con đường xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc.”

Bất chấp bị chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc đàn áp không ngừng, các chuyên gia ước tính đến năm 2030, tín đồ Kitô giáo ở Trung Quốc sẽ tăng từ con số 100 triệu người hiện nay lên 250 triệu (để so sánh, Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ có 90 triệu đảng viên). Hiện chính quyền Trung Quốc bị cáo buộc đã bắt giam hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác trong hệ thống trại tập trung khổng lồ ở Tân Cương nhằm tẩy não và ép họ từ bỏ tín ngưỡng, văn hóa của mình.

RELATED ARTICLES

Tin mới