Monday, November 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaHội thảo “Bãi Tư Chính - Một điểm nóng mới ở biển...

Hội thảo “Bãi Tư Chính – Một điểm nóng mới ở biển Đông”: TQ cần chấm dứt khiêu khích trên Biển Đông

Viện Á – Phi thuộc Đại học Hamburg, Cộng hòa Liên bang Đức (30/1) đã tổ chức Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ ba với chủ đề “Bãi Tư Chính – Một điểm nóng mới ở biển Đông”.

Hội thảo đã thu hút sự tham dự của gần 50 đại biểu gồm chuyên gia Đức, chuyên gia châu Âu nghiên cứu về biển Đông, giới nghiên cứu, nghiên cứu sinh tại Đại học Hamburg và các vùng lân cận như Giáo sư Thomas Engelbert, Đại học Hamburg; Tiến sỹ Gerhard Will, nguyên chuyên gia về Biển Đông của Quỹ khoa học và Chính trị Đức (SWP); Tiến sỹ Takashi Hosoda, Đại học Charles ở Praha, Cộng hòa Séc… Các chuyên gia tham dự Hội thảo đều bày tỏ lo ngại trước các hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc tại biển Đông gần đây và kêu gọi cộng đồng quốc tế quan tâm hơn tới việc giải quyết tranh chấp tại khu vực này.

Chủ trì hội thảo, Giáo sư Thomas Engelbert, Đại học Hamburg đánh giá, việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 và nhiều tàu hộ tống có vũ trang xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi năm ngoái đã làm gia tăng căng thẳng và bất ổn trong khu vực, gây lo ngại đối với cộng đồng quốc tế. Giáo sư Engelbert cho biết, căng thẳng ở Biển Đông ngày càng thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, trong đó có Liên minh châu Âu (EU), bởi nó có tác động lớn tới sự ổn định và phát triển của khu vực.

Tiến sỹ Takashi Hosoda, Đại học Charles ở Praha, Séc khẳng định, tuyên bố phi lý về “Đường lưỡi bò” đã bị luật pháp quốc tế bác bỏ. Tuy nhiên, Trung Quốc phớt lờ phán quyết của Tòa trọng tài, đẩy mạnh chuyến thuật “vùng xám” (sử dụng tàu dân sự, ngư binh …) để tiếp tục thực hiện hóa yêu sách chủ quyền phi lý, đi ngược lại các nguyên tắc của Luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của các nước khác, trong đó có Việt Nam. Tiến sỹ Hosoda nhấn mạnh, để ngăn chặn các hành động phi pháp trên biển Đông, cộng đồng quốc tế cần gia tăng nhận thức về tình hình nghiêm trọng ở biển Đông, có biện pháp giúp các nước ASEAN nâng cao năng lực quản lý và giám sát vùng biển của mình, có cơ chế để gây sức ép và có chế tài đối với các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế trên biển Đông. Tiến sỹ Hosoda cho rằng, việc tạo ra Bộ Quy tắc ứng xử biển Đông (COC) khá quan trọng vì nó không chỉ là luật quốc tế mà còn thể hiện sự đoàn kết và tính an ninh. Tháng 8/2018, Trung Quốc và ASEAN đã đưa ra bản thảo đầu tiên của COC tuy nhiên chưa có lần 2 và 3. Bởi thế năm nay rất quan trọng cho cả Việt Nam và các nước ASEAN để đồng thuận về COC. Tuy nhiên, Tiến sỹ Hosoda cũng bày tỏ lo ngại về một số khóa cạnh của COC, bởi Trung Quốc có thể sẽ ngăn cản mục tiêu tính pháp lý. Một điểm nữa là sự tham gia của các bên ngoài vào COC và phát triển khai thác tài nguyên Biển Đông nói chung. Trung Quốc sẽ gắng hạn chế hay lợi dụng sự hạn chế của các phía bên ngoài nên ASEAN và đặc biệt là Việt Nam sẽ đạt được đồng thuận và đảm bảo sự tham gia tự do cho các phía bên ngoài”.

 Trong khi đó, Tiến sỹ Gerhard Will, nguyên chuyên gia về Biển Đông của Quỹ khoa học và Chính trị Đức (SWP), cho rằng hoạt động của Trung Quốc tại Bãi Tư Chính của Việt Nam tương tự như vùng biển thuộc quần đảo Natuna – Indonesia, đã xâm nhập vào vùng biển rõ ràng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Với các hành động tương tự, Trung Quốc kiểm tra phản ứng, thái độ của các quốc gia liên quan, cộng đồng ASEAN, phản ứng quốc tế của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và EU. Tiến sỹ Gerhard Will nhấn mạnh, mặc dù khu vực Biển Đông đóng vai trò quan trọng nhưng chính sách của Trung Quốc đối với Biển Đông không phù hợp với Sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Để có sự bền vững trong chính trị quốc tế, Trung Quốc phải từ bỏ hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông, thể hiện sự sẵn sàng và khả năng hợp tác trong lĩnh vực an ninh, kinh tế trên nền tảng bình đẳng và tuân thủ luật pháp quốc tế.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã thảo luận các vấn đề về thách thức, nguy cơ, cơ hội trong cục diện mới trên Biển Đông, tầm quan trọng của Biển Đông trong chiến lược và tầm nhìn của các nước lớn; giải pháp tránh xung đột, xây dựng lòng tin, giải quyết tranh chấp tại Biển Đông… Phần lớn ý kiến chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của Biển Đông đối với tự do thương mại và hàng hải quốc tế, các bên liên quan cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế; đề cao giá trị pháp lý của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), COC trong các vấn đề tại vùng biển chiến lược này.

Được biết, Viện Á – Phi thuộc Đại học Hamburg cho biết mục đích hội thảo lần này nhằm đánh giá vụ việc tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc nhiều lần xâm phạm Bãi Tư Chính và vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, quan điểm và ý đồ của Trung Quốc, quan điểm của Việt Nam, những diễn biến có thể có của cuộc xung đột. Ngoài việc trình bày các bài thuyết trình của các diễn giả, Hội thảo nêu lên các câu hỏi để thảo luận như những thách thức, nguy cơ, cơ hội trong cục diện mới trên Biển Đông thời gian gần đây, tầm quan trong của Biển Đông trong chiến lược và tầm nhìn của Mỹ, EU, Nga; giá trị pháp lý của UNCLOS và phán quyết PCA đối với các hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền tại Biển Đông; giải pháp tránh xung đột, xây dựng lòng tin, giải quyết tranh chấp tại Biển Đông…

Đây là lần thứ 3 Viện Á Phi, Đại học Hamburg tổ chức Hội thảo quốc tế về Biển Đông. Trước đó, năm 2017, Viện Á Phi đã tổ chức 2 Hội thảo với sự tham gia của gần 20 học giả quốc tế về Biển Đông đến từ các nước Đức, Anh, Pháp, Nga và Nauy, thu hút sự quan tâm lớn của giới nghiên cứu và dư luận quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới