Sunday, November 17, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaBộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông: Đóng vai trò quan...

Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông: Đóng vai trò quan trọng trong giải quyết tranh chấp chủ quyền

Đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) đóng vai trò quan trọng nhưng nó chỉ là một “viên gạch” trong giải quyết tranh chấp. Một điều kiện để giải quyết tranh chấp hoàn toàn là các phía liên quan phải tin tưởng nhau. Chỉ có thế đàm phán mới có thể thành công hoàn toàn. Một điều quan trọng là COC cũng phải dựa vào luật quốc tế.

Tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 3 diễn ra tại Đại học Hamburg, Đức, Tiến sỹ Gerhard Will, nguyên chuyên gia về biển Đông của Quỹ khoa học và Chính trị Đức (SWP) cho rằng việc đàm phán COC đóng vai trò quan trọng nhưng nó chỉ là một “viên gạch” trong giải quyết tranh chấp. Một điều kiện để giải quyết tranh chấp hoàn toàn là các phía liên quan phải tin tưởng nhau. Chỉ có thế đàm phán mới có thể thành công hoàn toàn. Một điều quan trọng là COC cũng phải dựa vào luật quốc tế. Không những vậy, theo Tiến sỹ Gerhard Will, ASEAN đóng vai trò quan trọng trong đàm phán COC. Điều quan trọng là các nước ASEAN phải đoàn kết trong vấn đề này. Cho tới nay, Trung Quốc vẫn luôn cố gắng cản trở các nước ASEAN có cùng quan điểm trong đàm phán. Sau khi đạt được sự đồng thuận, các nước ASEAN có thể đàm phán với Trung Quốc. Một ví dụ quan trọng là Hiệp ước ASEAN. Hiệp ước này đã được các nước ASEAN viết để các nước khác có thể ký kết và tham gia. Ngoài ra, cạnh tranh Mỹ – Trung và chính trị thế giới cũng đóng một vai trò trong xung đột Biển Đông. Nhiều nhà quan sát quốc tế cho rằng, xung đột này rất có lợi cho ASEAN vì họ đứng ở vị trí trung lập. Quan trọng cho ASEAN là xây dựng hệ thống chính sách an ninh bền vững. Trong hệ thống này không chỉ có sự tham gia của Mỹ và Trung Quốc mà còn các nước khác như Nhật, Australia, Ấn Độ. Theo đó, hòa bình trong khu vực chỉ có thể đạt được với một hệ thống chính sách rõ ràng và dài hạn. Việc đưa tàu chiến Mỹ vào và ra khỏi Biển Đông chỉ tạo ra một tình huống bất ổn hơn. Và tuy Tổng thổng Mỹ hiện thời rất khó đoán thì những thỏa thuận rõ ràng vẫn nên được xây dựng để có thể dựa vào nó trong trường hợp cần thiết. Tiến sỹ Gerhard Will nhận định Phán quyết của PCA (12/7/2016) là một văn bản luật quốc tế quan trọng. Nó không trực tiếp giải quyết các tranh chấp lãnh thổ nhưng nó tạo ra điều kiện để giải quyết chúng. Phán quyết này cho thấy rõ tính bất hợp pháp của “Đường chín đoạn” của Trung Quốc cũng như việc không thể đòi hỏi vùng đặc quyền kinh tế dựa trên những hòn đảo/đá trên Biển Đông. Tuy nhiên, việc giải quyết hoàn toàn các vấn đề chủ quyền vẫn phụ thuộc vào đàm phán giữa các nước liên quan.

Trước đó, tại buổi tọa đàm với chủ đề “Biển Đông: COC là công cụ để giải quyết xung đột” tại Kula Lumpur do Tổ chức World Future TV (13/1) tổ chức, Giáo sư Carly Thayer (Học viện Quốc phòng Australia) tái khẳng định Biển Đông có tầm quan trọng chiến lược về cả địa chính trị, thương mại cũng như nguồn tài nguyên khổng lồ về dầu khí và nguồn cá; đánh giá cao việc xây dựng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đồng thời phản đối các hành vi gây phức tạp tình hình, leo thang căng thẳng của Trung Quốc, các hoạt động cải tạo, thay đổi hiện trạng tại Biển Đông. Giáo sư Thayer nhận định, Phán quyết PCA là sự diễn giải, áp dụng thực tiễn của UNCLOS 1982 và mang đầy đủ giá trị pháp lý, là một cơ sở quan trọng, giá trị trong giải quyết tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Với nội dung phán quyết PCA, theo chuyên gia này, tuyên bố chủ quyền đường chín đoạn của Trung Quốc không có cơ sở lịch sử và pháp lý. Theo Giáo sư Carly Thayer, ASEAN sẽ là động lực thúc đẩy quá trình đàm phán bộ quy tắc ứng xử này, trong đó ASEAN cần tăng cường đoàn kết nội khối. Đồng thời, Trung Quốc và ASEAN cần tăng cường các biện pháp xây dựng niềm tin, thúc đẩy các biện pháp ngoại giao và xây dựng cơ chế giải quyết xung đột trên cơ sở luật pháp quốc tế cũng như tự kiềm chế, không gia tăng hành vi gây căng thẳng tại Biển Đông; mạnh bản quy tắc ứng xử này cần phải được các quốc gia thông qua theo trình tự pháp lý của nước mình; khuyến nghị các nước ASEAN và Trung Quốc tiếp tục duy trì hợp tác giữa các cơ quan chấp pháp biển, nhất là duy trì đường dây nóng, thường xuyên trao đổi thông tin.

Trong khi đó, Giáo sư Bun Nagara, chuyên gia uy tín tại ISIS cho rằng, quá trình đàm phán, ký kết COC sẽ tiếp tục kéo dài, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh ảnh hưởng Mỹ – Trung diễn biến phức tạp.  Theo chuyên gia này, COC cần chuẩn hóa cách ứng xử cho mọi tình huống, xác định nhận thức chung về tình hình, đưa ra tiêu chuẩn trong quá trình triển khai, giúp phân biệt các hành vi vô ý và các hành vi có chủ đích, đồng thời giúp giảm thiểu tối đa các mối nguy cơ xuất phát từ việc không có sự chia sẻ về nhận thức, quan điểm, cũng như các biện pháp xây dựng lòng tin và lợi ích chung. Cùng quan điểm trên, cựu Đô đốc Hải quân Hoàng gia Malaysia, Danyal Balagopal Abdullah cho rằng, COC với tư cách là sự áp dụng về mặt pháp lý UNCLOS và Luật Biển quốc tế, là công cụ quan trọng giúp giảm thiểu căng thẳng, ổn định tình hình khu vực; nhấn mạnh việc đoàn kết và chia sẻ thông tin giữa các nước Đông Nam Á vô cùng quan trọng, có thể ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình xây dựng COC.

Được biết, COC không thể là phương tiện để giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ hay phân định ranh giới biển ở Biển Đông. Việc giải quyết các tranh chấp nói trên phải được thực hiện bằng thương lượng trực tiếp giữa các bên tranh chấp, hoặc thông qua các cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền và được các bên tranh chấp thỏa thuận sử dụng. Giống như DOC, COC sẽ tiếp tục là một công cụ xây dựng lòng tin nhằm tạo môi trường hòa bình, ổn định, tin cậy lẫn nhau và khuyến khích hợp tác sử dụng và quản lý Biển Đông một cách hòa bình, tối ưu trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển 1982; các biện pháp thực hiện trong khuôn khổ COC sẽ không gây phương hại đến quá trình giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ và vùng biển. Mặt khác, COC cần kế thừa và phát triển các quy định của DOC, khắc phục những điểm hạn chế đã cản trở việc triển khai DOC trên thực tế nhằm giảm căng thẳng và nguy cơ xung đột trên Biển Đông. Với mục tiêu như trên, COC không nên dừng lại ở cam kết của các bên thực hiện các nguyên tắc khung, hoặc không tiến hành những hành động không được quy định cụ thể. COC cần phải xác định rõ những hành vi không được phép tiến hành ở Biển Đông vì vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển 1982, các thỏa thuận giữa các bên hữu quan liên quan đến vùng biển này hay do gây ra căng thẳng, bất ổn định trên Biển Đông. COC cũng cần quy định những điều kiện và cơ chế thích hợp cho phép các bên tăng cường đối thoại, giảm thiểu căng thẳng khi tranh chấp, bất đồng nảy sinh, triển khai hợp tác trong những lĩnh vực nhất định, nhất là những biện pháp xây dựng lòng tin. Với cách tiếp cận như trên, COC cũng cần phải có phạm vi, đối tượng và nội dung phù hợp, có tính đến những khó khăn, vướng mắc đã nảy sinh khi đàm phán DOC.

RELATED ARTICLES

Tin mới