Trước sự chỉ trích, lên án mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc tìm mọi các biện minh về hoạt động phi pháp của mình trên Biển Đông nhằm phục vụ các lợi ích kinh tế như dầu khí, đánh bắt cá, bảo vệ môi trường… Nhưng đây có thể chỉ là những lý do bề mặt nhằm che giấu những ý định và lợi ích sâu xa của Trung Quốc.
Trung Quốc chiếm đóng 7 đảo đá của Việt Nam trên Biển Đông
Vị trí địa chiến lược quan trọng của Biển Đông
Biển Đông có tầm quan trọng và vị thế địa chiến lược trọng yếu không chỉ đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ bao quanh, mà còn đối với khu vực Đông Á và thế giới. Trước hết vì Biển Đông nằm trên tuyến hàng hải huyết mạch nối liền Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, châu Âu – châu Á, Trung Đông – châu Á. Là một phần của tuyến đường biển nối trực tiếp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Biển Đông đóng vai trò vô cùng quan trọng trong thương mại hàng hải toàn cầu. Điểm trọng yếu thứ hai của Biển Đông là các đảo, quần đảo ngoài khơi, như Hoàng Sa và Trường Sa đều nằm ở vị trí trung tâm – một trong những nơi có nhiều tuyến đường hàng hải đi qua nhất trên thế giới. Các quần đảo này đóng vai trò cực kỳ quan trọng với tư cách là các vị trí phòng thủ chiến lược trọng yếu đối với nhiều quốc gia trong khu vực Biển Đông. Đồng thời là các cơ sở hậu cần phục vụ các hoạt động biển xa, như kiểm soát các tuyến hàng hải đi qua lại trên Biển Đông, dùng cho mục đích quân sự như đặt trạm ra-đa, các trạm thông tin, xây dựng các trạm dừng và tiếp nhiên liệu cho tàu thuyền… Các chiến lược gia phương Tây cho rằng quốc gia nào kiểm soát được quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sẽ kiểm soát và khống chế được toàn bộ Biển Đông.
Ngoài ra, khu vực Biển Đông còn có những eo biển quan trọng đối với nhiều quốc gia và với 4 trong 16 con đường chiến lược của thế giới nằm trong khu vực Đông Nam Á. Đó là các eo biển: Malacca, Luzon, Lombok, Sunda, Makascha và Ombai-Wetar. Đặc biệt, eo biển Malacca (nằm giữa đảo Sumatra của Indonesia, Malaysia và Singapore) có vị trí vô cùng quan trọng vì tất cả hàng hóa của Đông Nam Á và Bắc Á đều phải đi qua Biển Đông. Đây cũng là eo biển có lượng tàu thuyền đi qua nhộn nhịp và lượng dầu vận tải hàng năm qua đây chiếm vị trí thứ 2 thế giới, sau eo biển Homuz (Cộng hòa Iran). Ba eo biển thuộc chủ quyền Indonesia là Sundan, Lombok và Makascha đóng vai trò dự phòng trong tình huống eo biển Malacca ngừng hoạt động vì lý do nào đó. Tuy nhiên, nếu phải vận chuyển qua các eo biển này thì hàng hóa giữa Ấn Độ Dương sang ASEAN và Bắc Á sẽ chịu cước phí cao hơn vì quãng đường dài hơn. Eo biển Luzon nằm giữa đảo Luzon của Philippines và vùng lãnh thổ Đài Loan, là cửa liên thông của tuyến hàng hải quốc tế qua Biển Đông với khu vực Tây Bắc và Bắc Thái Bình Dương.
Tuyến đường vận tải quốc tế qua Biển Đông được coi là nhộn nhịp thứ 2 trên thế giới và điểm gần nhất của tuyến vận tải biển này chỉ cách Côn Đảo (Việt Nam) chừng 38 km. Mỗi ngày có khoảng 300 tàu vận tải các loại qua lại Biển Đông, bao gồm 200 tàu chở dầu, 50% số tàu này có trọng tải trên 5.000 tấn, hơn 10% từ 30.000 tấn trở lên. Các tuyến đường biển nói trên là “yết hầu” cho giao lưu hàng hóa của nhiều nước châu Á. Hơn qua vùng Biển Đông với gái tị thương mại khoảng 5,3 nghìn tỷ USD. Theo thống kê của Cơ quan năng lượng Mỹ, 1/3 lượng dầu thô và hơn 1/2 lượng khí hóa lỏng được chuyên chở qua Biển Đông. Lượng dầu lửa và khí hóa lỏng được vận chuyển qua vùng biển này lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở qua kênh đào Panama ở Trung Mỹ. Hàng năm có khoảng 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và khoảng 45% khối lượng hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản được vận chuyển qua Biển Đông. Trung Quốc có 29/39 tuyến hàng hải và khoảng 60% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu được vận chuyển bằng biển qua Biển Đông. Lượng xuất khẩu hàng hóa qua Biển Đông của các quốc gia Đông Nam Á là 55%, các quốc gia công nghiệp mới là 26%, Úc là 40%. Đối với Việt Nam, 100% hàng hóa xuất nhập khẩu đều phải đi qua Biển Đông. Nếu khủng hoảng xảy ra ở vùng biển này, các loại tàu biển phải chạy theo đường mới hoặc vòng qua Nam Australia thì cước phí vận tải thậm chí sẽ tăng gấp năm lần và không còn đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Về tầm quan trọng của môi trường, Biển Đông được coi là một trung tâm của thế giới về đa dạng sinh học. Theo thống kê, trong Biển Đông tập trung 12% tổng diện tích rừng ngập mặn của thế giới và 30% tổng diện tích rừng ngập mặn của Châu Á. Đây cũng là nơi có 20% tổng diện tích rạn san hô của khu vực Đông Nam Á (mà khu vực này lại chiếm 34% tổng diện tích san hô của thế giới). Không những vậy, Biển Đông là một vùng biển có nguồn lợi hải sản rất quan trọng. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Biển Đông là vùng biển được xếp hạng thứ 4 trong số 19 khu vực đánh cá tốt nhất trên thế giới về tổng sản lượng đánh bắt cá hàng năm. Nguồn lợi hải sản Biển Đông được cho là có khoảng hơn 1.000 loài cá, hơn 90 loài tôm và hơn 70 loài thân mềm. Khai thác hải sản là một ngành kinh tế rất quan trọng đối với các quốc gia ven Biển Đông. Mỗi năm có khoảng 6 triệu tấn hải sản được đánh bắt tại đây, tương đương 10% tổng khối lượng hải sản được đánh bắt trên toàn thế giới.
Âm mưu, ý đồ của Trung Quốc đối với Biển Đông
Trong những năm gần đây, Trung Quốc tìm mọi cách độc chiếm vùng biển này nhằm: (1) Trung Quốc tìm cách đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông cho lực lượng hải quân, đặc biệt là lực lượng tàu ngầm chiến lược và tàu sân bay. Đây là lý do chính của việc Trung Quốc nhất quyết muốn biến Biển Đông thành một khu vực bất khả xâm phạm nhằm thực hiện những mưu đồ chiến lược quân sự của Bắc Kinh. (2) Biến Đài Loan thành vùng lãnh hải thực sự tự do hoàn toàn để tàu bè Trung Quốc có thể tự do tiến ra biển khơi, ít nhất là trong thời bình, hoặc trong các cuộc khủng hoảng cấp thấp, xa hơn nữa là trong bối cảnh cuộc chiến tranh lạnh thứ hai có vẻ như đã bắt đầu hình thành. (3) Bố trí tàu ngầm chiến lược đến các vị trí nằm có thể sử dụng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) tấn công tới Mỹ. Việc Trung Quốc tìm cách bố trí kế hoạch trên xuất phát từ một số yếu tố sau: Quan hệ Trung – Mỹ không dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau. Quan hệ giữa hai nước chủ yếu vẫn là ngờ vực ngay cả khi cả hai đang cố gắng hết sức để duy trì đối thoại, kể cả trong lĩnh vực quốc phòng, nhằm tránh những sự cố có thể biến thành xung đột; Trung Quốc luôn coi Mỹ là một kẻ thù tiềm tàng, ngược lại Mỹ cũng không hề tin tưởng vào những hành xử hòa bình của Trung Quốc trong tương lai; Các nước làng giềng với Trung Quốc đều lo ngại sâu sắc trước sức mạnh quân sự đang tăng lên của Trung Quốc. Nhật Bản gần đây liên tục điều chỉnh chính sách quốc phòng, sửa đổi Hiến pháp, tăng cường sức mạnh quân sự và hiện diện ở Biển Đông. Các nước ASEAN vì các lợi ích xung đột hiện nay ở Biển Đông, đều lo sợ rằng Trung Quốc sẽ áp đặt các giải pháp đơn phương bằng vũ lực để giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, khiến các nước liên quan trực tiếp tới tranh chấp như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei hoặc những nước đang tỏ ra thực sự quan ngại như Indonesia và Singapore đang cố gắng kháng cự lại tham vọng bá quyền của Trung Quốc bằng cách tìm kiếm giải pháp hòa bình cho tình hình mà không phải từ bỏ những lợi ích riêng ở khu vực. Tình hình này tạo ra sự chia rẽ giữa các quốc gia Đông Nam Á có liên quan và Trung Quốc đang cố gắng tận dụng điều này để tạo lợi thế. Trung Quốc đã phần nào thành công vì đã chia rẽ được ASEAN trong vấn đề Biển Đông. (4) Cố tình vận dụng sai các quy định của luật pháp quốc tế nhằm tìm cách biện minh, xâm chiếm chủ quyền trên Biển Đông. Bằng cách tuyên bố chủ quyền dựa vào “đường chín đoạn”, Trung Quốc đang dựng lên một lý lẽ để bao biện cho những tham vọng của mình đối với khu vực. Trung Quốc áp dụng sai quy định về vẽ đường cơ sở thẳng cho quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam). Hành động này của Trung Quốc vừa vi phạm các quy định của UNCLOS (Điều 121 về quy chế các đảo) và vừa xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc sử dụng vũ lực xâm chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam). (5) Tìm cách đánh lừa cộng đồng quốc tế về yêu sách chủ quyền theo “đường 9 đoạn”. Trung Quốc coi “đường 9 đoạn” là đường trung tuyến giữa phần lãnh thổ là đảo của Trung Quốc với các quốc gia tiếp giáp trên Biển Đông, coi khu vực trong “đường 9 đoạn” là vùng đặc quyền kinh tế hoặc lãnh hải của Bắc Kinh. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng coi khu vực này là “vùng nước lịch sử”, viện cớ rằng “đường 9 đoạn” đã tồn tại hơn sáu mươi năm và không quốc gia nào tỏ ý phản đối sự tồn tại của đường này kể từ khi Cục Địa lý thuộc Bộ Nội vụ, Cộng hòa Trung Hoa sau này, dưới sự lãnh đạo của Quốc Dân Đảng, in Bản đồ vị trí các đảo Biển Nam Trung Hoa (Nanhai zhudao weizhi tu) vào năm 1947. Trung Quốc cố tình vận dụng sai các quy định của luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS để diễn giải, lừa bịp cộng đồng quốc tế về cái gọi là “chủ quyền hợp pháp” của Bắc Kinh ở Biển Đông nhằm: Cho phép Trung Quốc cấm hải quân nước ngoài đi vào khu vực biển này vì, trong trường hợp này phần biển trong “đường 9 đoạn” sẽ được coi là vùng lãnh hải của Trung Quốc; cấm hải quân nước ngoài đi vào khu vực quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, nhờ đó tàu ngầm, tàu chiến của Trung Quốc có thể hoạt động tự do ở Biển Đông; gia tăng khả năng kiểm soát tình hình eo biển Đài Loan; ngăn cản Mỹ và các nước đồng minh hiện diện quân sự ở Biển Đông. (6) Thông qua độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc sẽ củng cố lực lượng quốc phòng để thực hiện ý đồ thống nhất với Đài Loan. Từ trước đến nay, Trung Quốc vẫn luôn coi Đài Loan là lợi ích cốt lõi và là một phần không thể tách rời của Trung Quốc. Chính vì vậy, Bắc Kinh đang củng cố và triển khai tổng hợp các biện pháp (từ quân sự, ngoại giao, kinh tế, chính trị…) để có thể thống nhất với Đài Loan khi thời cơ đến. Không những vậy, Đài Loan còn có vị trí địa chiến lược quan trọng, nó là nới giao nhau giữa Biển Đông và Biển Hoa Đông. Trung Quốc muốn rời một trong hai vùng biển này để tiến ra Thái Bình Dương đều phải đi qua các eo biển khác ngang qua các đảo rải rác trong khu vực. Trong số này, một số eo biển khá rộng, như Eo biển Okinawa-Miyako rộng khoảng 150 dặm. Tuy nhiên phần lớn các eo biển đều hẹp. Do đó trong thời gian khủng hoảng hoặc chiến tranh, tất cả các lối đi này đều dễ dàng bị chặn hoặc mai phục nếu có đủ số lượng tàu ngầm và các phương tiện hải quân khác. Đây là vấn đề hải quân Trung Quốc đang phải đối mặt khi muốn tiến ra đại dương. Trong thời bình, lực lượng hải quân Trung Quốc không thể di chuyển mà không bị phát hiện khi đi qua các chuỗi đảo nhỏ này. Trên thực tế, việc thống nhất Đài Loan còn sẽ giúp hải quân Trung Quốc có vùng lãnh hải an toàn thực sự bởi vùng nước của Đài Loan khi đó sẽ thuộc toàn quyền kiểm soát của Bắc Kinh: về phía Bắc Đài Loan vùng nước này kéo dài tới quần đảo Điếu Ngư, về phía Nam vùng nước bao trùm nửa Eo biển Bashi. Nhờ vậy Hải quân Trung Quốc có thể tự do đi lại trên Thái Bình Dương qua những vùng nước nay đã thuộc lãnh hải của Trung Quốc. Nếu những tuyến đường này được lưu thông tự do trong thời bình thì trong bối cảnh chiến tranh sẽ không ngăn được các lực lượng thù địch dùng chiến lược phong tỏa để cấm các phương tiện hải quân Trung Quốc ra vào các vùng nước tự do của Thái Bình Dương. (7) Ngoài ra, âm mưu độc chiếm các nguồn tài nguyên, khoáng sản, hản sản ở Biển Đông cũng là một trong những mục đích quan trọng của Bắc Kinh để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trong nước. Biển Đông là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên biển quan trọng cho đời sống và sự phát triển kinh tế của Trung Quốc cũng như các nước xung quanh, đặc biệt là nguồn tài nguyên sinh vật (thuỷ sản), khoáng sản (dầu khí), du lịch và là khu vực đang chịu sức ép lớn về bảo vệ môi trường sinh thái biển. Trong khu vực, có các nước đánh bắt và nuôi trồng hải sản đứng hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Philippines, trong đó Trung Quốc là nước đánh bắt cá lớn nhất thế giới (khoảng 4,38 triệu tấn/năm), Thái Lan đứng thứ 10 thế giới (với khoảng 1,5 – 2 triệu tấn/năm), cả khu vực đánh bắt khoảng 7 – 8% tổng sản lượng đánh bắt cá trên toàn thế giới. Biển Đông được coi là một trong năm bồn trũng chứa dầu khí lớn nhất thế giới. Các khu vực thềm lục địa có tiềm năng dầu khí cao là các bồn trũng Bruney – Saba, Sarawak, Malay, Pattani Thái, Nam Côn Sơn, Mê Công, Sông Hồng, cửa sông Châu Giang. Hiện nay, hầu hết các nước trong khu vực đều là những nước khai thác và sản xuất dầu khí từ biển như Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Brunei, Indonesia, Thái Lan … trong đó Indonesia là thành viên của OPEC. Theo đánh giá của Bộ Năng lượng Mỹ, lượng dự trữ dầu đã được kiểm chứng ở Biển Đông là 07 tỉ thùng với khả năng sản xuất 2,5 triệu thùng/ngày. Theo đánh giá của Trung Quốc, trữ lượng dầu khí ở Biển Đông khoảng 213 tỷ thùng, trong đó trữ lượng dầu tại quần đảo Trường Sa có thể lên tới 105 tỷ thùng. Với trữ lượng này và sản lượng khai thác có thể đạt khoảng 18,5 triệu tấn/năm duy trì được trong vòng 15 – 20 năm tới. Ngoài ra, theo các chuyên gia Nga thì khu vực vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa còn chứa đựng tài nguyên khí đốt đóng băng, trữ lượng loại tài nguyên này trên thế giới ngang bằng với trữ lượng dầu khí và đang được coi là nguồn năng lượng thay thế dầu khí trong tương lai gần. Chính tiềm năng dầu khí chưa được khai thác được coi là một nhân tố quan trọng làm tăng thêm các yêu sách chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển quanh hai quần đảo.
Tác động xấu tới khu vực
Về giải quyết tranh chấp, để thực hiện hóa âm mưu trên, Trung Quốc vẫn duy trì quan điểm ngang ngược về cái gọi là “chủ quyền” ở Biển Đông, không tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982, bất chấp sự phản đối, lên án của cộng đồng quốc tế, tiếp tục triển khai các hoạt động phi pháp trên thực địa, gây ảnh hưởng nghiêm trọng hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Hành vi của Trung Quốc còn khiến tiến trình giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông rơi vào bế tắc.
Về thương mại quốc tế, trước tình hình an ninh hàng hải và an ninh hàng không không được đảm bảo, có thể khẳng định rằng thương mại quốc tế cũng bị ảnh hưởng một cách tiêu cực. Như đã nhiều lần đề cập, Biển Đông là một tuyến đường huyết mạch trong thương mại quốc tế. Hoạt động quân sự của Trung Quốc đã gây mất trạng thái an ninh của Biển Đông và đương nhiên để lại nhiều hệ lụy cho thương mại quốc tế.
Về môi trường sống, hành động bồi lắp xây đảo nhân tạo của Trung Quốc gây hủy diệt các rạn san hô và thềm lục địa. Ít nhất 121ha san hô đã bị phá hủy, chiếm gần 30% số lượng các rạn san hô tự nhiên. Từ tháng 02/2014 đến tháng 5/2015, cứ 10,7km2 đất được bồi lắp để xây đảo nhân tạo thì có khoảng 11,6km2 (26,9%) rạn san hô bị hủy diệt. Từ đó, dòng chảy thủy triều bị thay đổi có thể gây xói lở ở một số bờ biển, sinh vật biển cũng bị tác động xấu bởi tiếng ồn của viêc xây dựng, nhiệt độ nước biển tăng lên, hóa chất và những thay đổi về điều kiện tự nhiên của biển. Bên cạnh đó, sự thay đổi của nguồn sản vật biển ảnh hưởng đến hoạt động khai thác bình thường và lâu đời của ngư dân các nước trong khu vực.