Từ năm 2001, Trung Quốc đã khởi xướng kế hoạch nạo vét lòng sông Mekong, với mục tiêu cho nổ 97 km đá và nạo vét lòng sông ở miền Bắc Thái Lan, nhằm mở lối đi cho các tàu chở hàng lớn từ tỉnh Vân Nam tới các cảng ở Thái Lan, Lào và phần còn lại của Đông Nam Á. Tuy nhiên, kế hoạch này của Bắc Kinh đã ngay lập tức vấp phải dư luận chỉ trích mạnh mẽ từ người dân và giới khoa học tại Thái Lan, cũng như nhiều nước khu vực.
Vai trò của sông Mekong đối với người dân các nước
Sông Mekong là con sông lớn nhất ở Đông Nam châu Á, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, Trung Quốc. Chảy qua lãnh thổ của 6 nước là Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, sông Mekong có chiều dài dòng chính là 4880 km, diện tích lưu vực 795 nghìn km2 và tổng lượng dòng chảy hàng năm 475 tỉ m3. Đây là nơi sinh sống của trên 65 triệu người và có nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế của các nước ven sông. Ngoài nguồn tài nguyên nước dồi dào, lưu vực sông Mekong có tiềm năng to lớn về thủy điện, nguồn lợi thủy sản, đất đai, thảm thực vật, động vật phong phú. Mekong được đánh giá là khu vực có mức độ đa dạng sinh học cao so với nhiều khu vực khác trên thế giới. Việc tận dụng những tiềm năng to lớn từ con sông này đã và đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho hiện tại và tương lai của hàng triệu dân sinh sống nhờ Mekong.
Hiện nay, có 8 công trình thủy điện chính trên sông Lan Thương đã và đang xây dựng gồm: Đập thủy điện Cống Quả Kiều cao 105 m, theo kế hoạch trữ nước vào tháng 6/2011. Đập thủy điện Tiểu Loan (Xiaowan) cao 292 m, công suất 4.200 MW sẽ đưa vào hoạt động tháng 10/2009. Đây là đập lớn thứ 2 sau đập Tam Hiệp khổng lồ trên sông Dương Tử. Dưới đó là đập Mãn Loan (Man Wan) cao 132 m, dung tích 920 triệu m3, công suất 1.500 MW hoàn thành 1993. Đập Đại Triều Sơn (Dachaoshan) cao 118 m, dung tích 940 triệu m3, công suất 1.350 MW hoàn thành cuối năm 2003. Tiếp đó là đập Cảnh Hồng (Jinghong) cao 108 m, công suất 1.500 MW hoàn thành 2009. Ngoài ra, còn 3 đập khác đang trong quá trình xây dựng là Nọa Trát Độ (Nouzhadu), đập Cảm Lâm và đập Mãnh Tống nằm ở đoạn hạ lưu sông Lan Thương. Ngoài ra, Lào có kế hoạch nghiên cứu xây dựng 23 đập thủy điện, trong đó có đập Ban Koun công suất lớn nhất khoảng 2000 MW. Thái Lan ngoài 2 con đập Sakamen 1 và 3, đã có kế hoạch tái khởi động xây dựng các đập trên sông Mekong dự kiến công suất 4.000 MW. Phía Campuchia cũng nghiên cứu 2 đập thủy điện là Sambor và Stung Treng có công suất khoảng 3.600 MW.
Nhận thức được tầm quan trọng của dòng Mê Kông đối với tương lai phát triển của khu vực, năm 1995, Việt Nam cùng Campuchia, Lào và Thái Lan đã ký kết Hiệp định Mekong về hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong. Các nguyên tắc cơ bản của Hiệp định này là các đề xuất phát triển trên dòng chính sông Mê Kông của các quốc gia thành viên phải được thông qua cơ chế tham vấn, thông báo trước và minh bạch thông tin. Theo đó, chính phủ các quốc gia trong lưu vực phải hợp tác chặt chẽ với nhau, cùng đối thoại, trao đổi với các bên liên quan trong nội bộ mỗi nước như chính quyền và nhân dân địa phương để tìm tiếng nói chung cho các quyết định phát triển.
Kế hoạch nạo vét lòng sông Mekong của TQ tại Thái Lan vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận
Trung Quốc đã khởi xướng kế hoạch nạo vét lòng sông Mekong từ năm 2001, với mục tiêu cho nổ 97 km đá và nạo vét lòng sông ở miền Bắc Thái Lan, nhằm mở lối đi cho các tàu chở hàng lớn từ tỉnh Vân Nam tới các cảng ở Thái Lan, Lào và phần còn lại của Đông Nam Á. Tuy nhiên, Chính phủ Thái Lan đã quyết định dừng dự án này sau khi cộng đồng chịu tác động và các tổ chức phi lợi nhuận đã phản đối kế hoạch này vì sợ nó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống.
Các cộng đồng người dân và nhà hoạt động môi trường Thái Lan đã phản đối kế hoạch, lo ngại nó sẽ gây hại cho môi trường và chỉ có lợi cho Trung Quốc. “Đây là quyết định táo bạo của một quốc gia ở hạ nguồn. Đoạn này của sông Mekong tuy nhỏ nhưng cũng sẽ cứu phần dưới của lưu vực khỏi bị phá hủy, bất chấp áp lực lớn từ một nước trong khu vực”, Pianporn Deetes thuộc nhóm vận động International Rivers cho biết. Sông Mekong có tổng chiều dài 4.880 km, chảy qua 6 nước gồm Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Lượng cá ở Thái Lan và Campuchia đang giảm, các đập thủy điện ở thượng nguồn giữ lại bùn cát, làm giảm lượng phù sa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Giới chuyên gia cũng cho biết các đập lớn ở Trung Quốc và Lào gây ra hạn hán theo mùa ở hạ lưu.
Marc Goichot, một chuyên gia về nguồn nước ở Tiểu vùng sông Mekong mở rộng thuộc Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), cho biết: “20 năm trước, sông Mekong là một trong số các hệ thiên nhiên nhiệt đới lớn và khỏe mạnh cuối cùng. Ngày nay, châu thổ sông Mekong đang chìm dần và thu nhỏ lại theo đúng nghĩa đen. Tất cả việc này đang đẩy thêm nhiều loài sinh vật nước ngọt như cá heo sông tới bờ vực tuyệt chủng, trong khi cũng gây ra những hạn chế nghiêm trọng đối với tăng trưởng kinh tế”. WWF đã kêu gọi có một cách tiếp cận khác đối với phát triển kinh tế ở khu vực sông Mekong. Năm 2017, một báo cáo chung từ Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) và Viện nghiên cứu Môi trường Stockholm (SEI) tiết lộ rằng: “Dòng chảy của trầm tích/chất dinh dưỡng ở sông Mekong đã giảm tới 70% do các con đập của Trung Quốc được xây dựng trên sông Lan Thương (thượng lưu sông Mekong) tại Trung Quốc”. Hoạt động cho nổ mìn để phá các ụ đá trên dòng chảy của sông Mekong cũng được đánh giá là hủy diệt đến hệ sinh thái đa dạng của dòng sông này, đồng thời cũng sẽ làm thay đổi dòng chảy của nước.
Không chỉ các kế hoạch nạo vét, các dự án đạp thủy điện của TQ cũng khiến dư luận các nước đặc biệt quan ngại
Tại sông Mekong cũng như Biển Đông, Trung Quốc đang triển khai chiến lược “củ cà rốt” (đầu tư) lẫn cây gậy (sức ép quân sự và ngoại giao). Trong lúc các công ty trong nước đứng ra thu xếp vốn để mở rộng mạng lưới đập thủy điện xây dựng dọc sông, Trung Quốc tìm cách tối đa hóa tiếng nói quyết định của mình về việc trị thủy dòng chảy của Mekong trên toàn bộ chiều dài 4.350km. Do dòng chảy nước ngọt và phù sa bị giảm, những đập khổng lồ này là nguyên nhân gây ra sự “xâm thực” tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hậu quả là tình trạng “xâm nhập mặn” đã buộc người nông dân trồng lúa phải chuyển sang nuôi tôm hoặc trồng lau sậy. Ngoài ra, theo một nghiên cứu của Ủy hội sông Mekong, việc phát triển thủy điện đến năm 2040, bao gồm cả một số đập lớn của Trung Quốc đang được xây dựng hoặc đã được lên kế hoạch sẽ dẫn tới trữ lượng cá sẽ giảm 40-80%. Cá sinh sống trên phần lớn lưu vực, hiện đứng thứ hai sau lưu vực Amazon về sự đa dạng loài cá, sẽ dần biến mất. Các đập cũng làm gián đoạn chu kỳ lũ lụt hàng năm của sông Mekong, vốn giúp đất nông nghiệp tái sinh một cách tự nhiên bằng cách rải phù sa giàu dinh dưỡng và giúp mở rộng các vùng nuôi cá. Đầu mùa Hè năm nay, công tác bảo trì đập thủy điện Cảnh Hồng của Trung Quốc đã dẫn đến việc xả nước, gây lũ lụt tại Thái Lan và Lào, tác động xấu tới mùa màng và hủy hoại quá trình sinh trưởng của cá, gây thiệt hại cho người dân địa phương. Trung Quốc sau đó lại đổ đầy đập Cảnh Hồng bằng chính nước sông Mekong. Điều đó khiến mực nước tại hạ lưu sụt giảm, cộng với tình trạng khan hiếm nước do lượng mưa giảm 40%. Thay vì tràn đầy nước vào mùa Hè, báo cáo của Ủy hội sông Mekong cho thấy mực nước của dòng sông này đã rơi vào mức thấp kỷ lục, làm cạn kiệt nguồn cá và ảnh hưởng tới năng suất trồng lúa. Tại Thái Lan, tổng lượng nước hồ chứa bề mặt đã giảm 24% trong năm nay, do các đợt hạn hán nghiêm trọng đến mức Chính phủ Thái Lan, do Tướng Prayut Chan-o-cha lãnh đạo, đã buộc phải ra lệnh cho các lực lượng vũ trang hỗ trợ ứng phó. Bất chấp tất cả, Trung Quốc vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ giảm các kế hoạch xây dựng đập. Đối với Chính phủ Trung Quốc, các siêu đập thủy điện là biểu tượng đáng tự hào của năng lực kỹ thuật. Vì vậy, nước này không chỉ vận hành nhiều đập lớn hơn các nước khác trên thế giới gộp lại mà còn sở hữu một đập lớn nhất, đập Tam Hiệp, và có kế hoạch xây dựng một đập to chưa từng thấy, gần khu vực tranh chấp biên giới với Ấn Độ, ở giữa vùng núi Himalaya.