Trong những năm gần đây, để đáp ứng nguồn cung về năng lượng cho các đảo, đá đang chiếm đóng trái phép của Việt Nam trên Biển Đông, Trung Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục đề ra các kế hoạch, hành động cụ thể phát triển năng lượng trên biển nhằm củng cố “chủ quyền” phi pháp ở Biển Đông.
Kế hoạch phát triển năng lược trên biển của Trung Quốc
Về chính thống, trong các kế hoạch phát triển kinh tế của Trung Quốc đều đã đề cập đến vấn đề phát triển năng lượng trên biển. Theo đó, Kế hoạch tổng thể về phát triển kinh tế – xã hội 5 năm lần thứ 13 (2016-2020) đã đưa ra trọng tâm là đẩy mạnh đổi mới sản xuất năng lượng, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tối ưu hóa cơ cấu cung – cầu năng lượng, xây dựng hệ thống năng lượng hiện đại, an toàn, hiệu quả và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Trong kế hoạch trên, Trung Quốc nhấn mạnh việc xây dựng quy hoạch tổng thể và thúc đẩy phát triển của các nguồn năng lượng sạch, như điện gió, điện mặt trời; xây dựng vành đai điện hạt nhân ven biển; nhanh chóng phát triển năng lượng sinh học, khí thiên nhiên, năng lượng từ sóng biển; thúc đẩy nâng cấp chuyển đổi mô hình công nghiệp hóa lọc dầu, triển khai chương trình nâng cao chất lượng dầu thành phẩm. Không những vậy, Trung Quốc còn đưa ra kế hoạch quy hoạch tổng thể thúc đẩy phát triển các hình thức vận chuyển năng lượng, dầu khí, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng tích trữ và phân chia năng lượng; nhanh chóng xây dựng mạng lưới vận chuyển và trữ năng lượng hiện đại, hỗ trợ cho nhau, thuận tiện và đảm bảo an toàn; tối ưu hóa việc xây dựng mạng lưới điện và hệ thống truyền tải điện giữa các khu vực; nhanh chóng xây dựng đường ống dẫn dầu nhập khẩu chiến lược trên bộ; xây dựng cơ sở hạ tầng tích trữ và phân phối dầu khí. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng nhấn mạnh cần nhanh chóng thúc đẩy phát triển công nghệ hóa trong toàn bộ quy trình và toàn bộ lĩnh vực năng lượng; nâng cao khả năng tự thích ứng một cách bền vững; các ứng dụng liên quan phát triển năng lượng, quản lý, phân phối và tích trữ.
Để thực hiện chiến lược trên, Trung Quốc sẽ tập trung triển khai một số công trình trọng điểm, gồm: Xây dựng hệ thống điện thông minh. Theo đó, Trung quốc sẽ thúc đẩy xây dựng thí điểm các nhà máy phát điện chất lượng cao, các công trình trọng điểm, các trạm tích trữ điện năng, năng cao hiệu quả vận hành và năng lực điều phối hệ thống điện. Không những vậy, song song với việc khai thác thủy điện khu vực Tây Nam, Trung Quốc sẽ tập trung xây dựng các dự án điện gió trên biển, điện mặt trời ở khu vực duyên hải và khu vực phía Bắc Trung Quốc; trước mắt xây dựng các dự án thí điểm về phát triển điện mặt trời và khu tổng hợp năng lượng quốc gia tại Ninh Hạ; các dự án thí điểm về năng lượng tái sinh ở Thanh Hải và Trương Gia Khẩu; đẩy mạnh việc nghiên cứu, chế tạo nhà máy sản xuất điện từ sóng biển với công suất lớn. Bên cạnh đó, Trung Quốc thúc đẩy nghiên cứu, chế tạo và đưa vào sử dụng hệ thống điện hạt nhân trên biển, nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng cho các đảo nhân tạo Trung Quốc đang chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông; đồng thời xây dựng các cơ sở xử lý chất thải hạt nhân quy mô lớn và các hệ thống đảm bảo an toàn hạt nhân. Ngoai ra, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh khai thác dầu khí truyền thống, triển khai các dự án khai thác các mỏ khí đốt tự nhiên tại thung lũng Thẩm Thúy, thung lũng Ordos và Thúy Hưng (Qúy Châu); khẩn trương triển khai các dự án thăm dò khai thác dầu khí tại các khu vực Trường Ninh và Ngụy Viễn (Tứ Xuân), Phù Lăng (Trùng Khánh), Chiêu Thông (Vân Nam), Diên An (Thiểm Tây) và Đồng Nhân (Quý Châu), đồng thời xúc tiến triển khai các dự án khai thác dầu thô, khí thiên nhiên và băng phiến trên các vùng biển của Trung Quốc…
Những dự án quan trọng của Trung Quốc
Đầu tiên, xây nhà máy điện từ sóng biển. Viện chuyển đổi năng lượng Quảng Châu, thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đang nghiên cứu, chế tạo nhà máy sản xuất điện từ sóng biển nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng cho các đảo xa bờ. Trước đó, tờ South China Morning Post (Hồng Kông) dẫn các nguồn tin cho biết, Trung Quốc đang thử nghiệm mô hình đầy đủ của nhà máy sản xuất điện từ sóng biển ở ngoài khơi quần đảo Vạn Sơn, gần thành phố Chu Hải, tỉnh Quảng Đông. Nhà máy trên có công suất khoảng 200 KW, là một trong những nhà máy phát điện bằng sóng biển có công suất lớn trên thế giới. Cơ chế hoạt động của nhà máy dựa trên nguyên lý dùng sức đẩy của sóng biển để quay turbine phát điện. Theo thiết kế, hệ thống tạo năng lượng từ sóng sẽ được đặt nổi trên mặt biển thay vì dưới đáy, nó có thể hoạt động ở mọi điều kiện khắc nghiệt. Khi bão xảy ra, chúng sẽ tự động chìm một phần để tránh thiệt hại do gió mạnh. Được biết, giải pháp sản xuất điện từ sóng biển lần đầu thử nghiệm năm 2012 trong một bể chứa tại Viện Thủy Cơ học ở Kiev (Ucraina). Nhóm nghiên cứu đã tiến hành rất nhiều cuộc thử nghiệm, bao gồm các cuộc thử nghiệm đầy căng thẳng trong điều kiện giông bão tại Biển Đen cũng như một nhà máy điện dạng mô phỏng tại Cảng Jaffa, Israel, nhằm đánh giá và cải tiến công nghệ. Theo số liệu thống kê, một số nước phát triển trên thế giới đang tích cực nghiên cứu và đưa vào sử dụng các nhà máy sản xuất điện từ nguồn nguyên liệu tái tạo, thân thiện với môi trường như gió, nước, năng lượng mặt trời, sóng biển… Trong đó, Bồ Đào Nha có nhà máy sản xuất điện từ sóng biển với công suất 750KW, nhà máy ở Mỹ và Australia có công suất 150KW, nhà máy ở Scotland có công suất khoảng 1,5MW…
Có nhiều ý kiến cho rằng Bắc Kinh dự kiến triển khai một loạt các nhà máy sản xuất điện từ sóng biển nhằm phục vụ hệ thống radar ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa (của Việt Nam). Nguyên nhân chủ yếu là do các radar cảnh báo quân sự trên cần có nguồn năng lượng lớn để hoạt động liên tục, song quá trình chuyển năng lượng hóa thạch (dầu khí) đến các đảo trên Biển Đông rất tốn kém và mất nhiều thời gian. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động ổn định của hệ thống radar mà Trung Quốc đã triển khai trong khu vực. Ngoài ra, Trung Quốc có kế hoạch đưa các nhà máy trên ra Biển Đông cũng nhằm tuyền truyền và khẳng định “chủ quyền” của nước này ở trong khu vực. Với việc triển khai nhà máy điện ở Biển Đông nó sẽ trở thành “cột mốc” đánh dấu “chủ quyền” trên biển của Trung Quốc và là công cụ đắc lực để Chính quyền Bắc Kinh sử dụng tuyên truyền, định hướng dư luận trong nước.
Thứ hai, điện gió. Trong Quy hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011 – 2015) và lần thứ 13 (2016 – 2020), Trung Quốc muốn có cách tiếp cận cân bằng hơn về tăng trưởng và phát triển, chú ý đến môi trường và chất lượng sống. Vì vậy, nước này đặt mục tiêu ưu tiên phát triển năng lượng tái sinh như gió, điện mặt trời, trong đó tập trung xây dựng các dự án điện gió, điện mặt trời ở khu vực duyên hải và khu vực phía Bắc Trung Quốc. Trung Quốc đã ban hành “Nguyên tắc thực thi tạm thời quản lý xây dựng khai thác điện gió trên biển”, trong đó quy định khoảng cách từ bờ biển đến các tua bin điện gió ít nhất là khoảng 10km, tại các vùng biển có độ sâu tối thiểu trên 10m và hoàn thành “Phương án xây dựng phát triển điện gió trên toàn quốc giai đoạn 2014 – 2016”, trong đó đề cập đến 44 dự án, tổng công suất tua bin đạt 10 GW (10.000 MW). Đến tháng 12/2016 Trung Quốc hạ thủy con tàu chuyên lắp đặt tua bin điện gió trên biển đầu tiên do nước này tự nghiên cứu, chế tạo. Tàu có chiều dài 85,8m, rộng 40 m, tải trọng 2.500 tấn, có thể hoạt động ngoài khơi 30 ngày liên tục. Năm 2017, Trung Quốc đã đầu tư tổng kinh phí khoảng 126,6 tỷ USD vào phát triển năng lượng tái tạo (tăng 31% so với năm 2016). Con số năm 2018 cũng ở mức tương tự. Với nguồn đầu tư như vậy, năm 2017 – 2018, Trung Quốc hoàn thành quy hoạch điện gió tại nhiều địa phương như Triết Giang, Giang Tô, Hồ Bắc, Quảng Đông, Bột Hải, Thượng Hải… Trong đó, tổng công suất tua bin điện gió ước tính mà Trung Quốc đã lắp đặt trên biển có thể đạt trên 1.000 MW.
Mặc dù trong quy hoạch, Trung Quốc đặt mục tiêu tìm kiếm và sản xuất các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, bắt kịp xu hướng của thế giới. Tuy nhiên, việc nước này thúc đẩy phát triển điện gió ở Biển Đông lại có những động cơ, mục đích khác, không chỉ đơn thuần là vấn đề năng lượng. Đầu tiên, việc phát triển điện gió hiện nay sẽ tạo tiền đề quan trọng cho quá trình xây dựng quy mô lớn điện gió tại các đảo, đá ở Biển Đông đang bị Trung Quốc chiếm đóng, góp phần cung cấp điện cho các công trình quân sự như hệ thống radar, sân bay, cầu cảng, bến bãi, hệ thống tên lửa, hệ thống gây nhiễu radar… Theo tờ Asatimes đánh giá, mạng lưới điện ổn định là yếu tố sống còn cho các kho vũ khí và căn cứ quân sự của Trung Quốc trên các đảo ở Biển Đông. Theo tính toán, chỉ tính riêng một hệ thống radar quân sự ở Biển Đông của Trung Quốc đã cần tới 200 KW để duy trì hoạt động. Trên thực tế, từ năm 2016, Trung Quốc đã lắp đặt hệ 01 thống điện gió trên bãi đá Gạc Ma của Việt Nam do Trung Quốc chiếm đóng phí pháp, nhằm cung cấp năng lượng cho lực lượng đồn trú và hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại bãi đá này. Hai là, việc Trung Quốc xây dựng các công trình điện gió trên biển là nhằm khẳng định sự vượt trội về công nghệ, trình độ kỹ thuật của Trung Quốc so với các nước trên thế giới và khu vực, giúp Trung Quốc đảm bảo nguồn cung năng lượng cho các vùng duyên hải và các đảo và giàn khoan dầu khí xa bờ, vì hiện nay, nguồn điện cung cấp cho các đảo chủ yếu vẫn dựa vào máy phát điện chạy dầu diesel, công suất nhỏ lại gây ô nhiễm môi trường, giá thành cao và tính khả thi thấp, ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Ba là, việc thúc đẩy nghiên cứu, xây dựng các dự án điện gió được báo chí truyền thông Trung Quốc triệt để sử dụng để tuyên truyền có dụng ý, nhằm trấn an và hướng lái dư luận các nước về vấn đề ô nhiễm môi trường do Trung Quốc gây ra, thể hiện vai trò của Trung Quốc trong bảo vệ môi trường sinh thái, tài nguyên thiên nhiên và đi đầu trong áp dụng khoa học công nghệ cho phục vụ các mục đích dân sự của người dân Trung Quốc cũng như mang lại lợi ích chung người dân các nước. Cùng với các yếu tố khác, hệ thống điện gió sẽ góp phần giúp Trung Quốc giành ưu thế vượt trội hẳn so với các nước ở Biển Đông.
Tuy nhiên, dù đã có nhiều thành tựu về khoa học công nghệ, song Trung Quốc vẫn chưa đủ khả năng thiết kế, sản xuất tua bin công xuất lớn từ 1 MW trở lên, chưa có kinh nghiệm vận hành trạm điện gió cỡ lớn ngoài khơi. Hiện nay chỉ có một số ít công ty Trung Quốc như công ty “Yinhe Avantis Quảng Tây” và “Gold wind” mới đủ khả năng chế tạo các tua bin điện gió đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, do môi trường thi công, xây dựng các trạm điện gió trên biển hết sức phức tạp, cùng với đó là đặc điểm địa chất, kỹ thuật xây lắp và giá thành đầu tư lớn, tính ổn định không cao và phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết khi ở Biển Đông thường xuyên phải hứng chịu các cơn bão nhiệt đới cường độ mạnh. Vì vậy, Trung Quốc cũng phải đảm bảo an toàn cho các tuyến cáp ngầm và hoạt động giao thông hàng hải khi tiế hành thi công các công trình điện gió.
Thứ ba, điện hạt nhân trên biển. Quá trình triển khai các hoạt động nghiên cứu, chế tạo của Trung Quốc được đẩy mạnh từ đầu năm 2015. Tại triển lãm “Phát triển thành quả ứng dụng công nghệ kỹ thuật khoa học quốc phòng quân dụng và dân dụng”, Trung Quốc lần đầu tiên trưng bày mô hình điện hạt nhân trên biển do Bắc Kinh tự nghiên cứu. Theo quảng cáo của Bắc Kinh, mô hình trên do Viện 719 nghiên cứu và đưa ra 02 phương án kỹ thuật dành cho nhà máy điện hạt nhân trên biển. Phương án đầu là trạm điện di động, lắp đặt lò phản ứng điện hạt nhân nổi trên biển. Phương án hai là vừa đáp ứng được các yêu cầu về trạm điện hạt nhân nổi, vừa có khả năng lặn xuống biển trong trường hợp thời tiết khắc nghiệt hoặc “yêu cầu công việc”. Tại lần triển lãm này, Trung Quốc đã giới thiệu lò phản ứng cỡ nhỏ ACP100 do Tập đoàn Hạt nhân Trung Quốc tự nghiên cứu, hạng mục này đã được Cục Năng lượng quốc gia phê duyệt năm 2011. Trong cả hai phương án trên, các lò phản ứng hạt nhân sẽ được đặt trên tàu chuyên dụng có chiều dài 140m, rộng 30m và lượng giãn nước vào khoảng 21.500 tấn. Đến tháng 5/2015, Viện 719 thông báo đã thử nghiệm thành công phương án tàu trở lò phản ứng hạt nhân trên biển tại bể thử nghiệm của Đại học Công nghiệp Đại Liên và Phòng thử nghiệm công trình gần bờ trọng điểm quốc gia. Phía Trung Quốc tuyên truyền cho rằng trong 150 ngày thử nghiệm liên tục, tàu trên đã hoàn thành 300 hạng mục thử nghiệm khác nhau. Kết quả cho thấy phương án tàu trở lò phản ứng điện hạt nhân trên biển đáp ứng đầy đủ các yêu cầu thiết kế và có thể chịu được thời tiết khắc nghiệt. Từ đầu năm 2016, Trung Quốc gấp rút hoàn thiện hành lang pháp lý và triển khai các hoạt động phản biện khoa học, đánh giá về nhà máy điện hạt nhân trên biển: Ủy ban cải cách phát triển quốc gia Trung Quốc đã có văn bản chính thức đồng ý đưa Nhà máy điện hạt nhân nổi di động ACP100S (biến thể trên biển của loại nhà máy ACP100) vào Quy hoạch năng lượng thuộc Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (giai đoạn 2016 – 2020). Được biết, ACP100S là loại lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ trên biển, có công suất khoảng 200MW do Tập đoàn Trung Hạch tự nghiên cứu, thiết kế, phù hợp với tiêu chuẩn an toàn của loại nhà máy điện hạt nhân thế hệ thứ 3, có thể đáp ứng được nhu cầu về điện, lọc nước biển thành nước ngọt, kho lạnh cho các dàn khoan dầu, các đảo trên biển. Đầu tháng 2/2016, Cục trưởng Cục Công nghiệp kỹ thuật quốc phòng quốc gia Trung Quốc Hứa Triết Đạt từng cho biết, trong Sách Trắng “Ứng phó khẩn cấp vấn đề hạt nhâ của Trung Quốc” đã đề cập vấn đề ứng phó đối với nhà máy điện hạt nhân trên biển khi xảy ra sự cố và rằng Trung Quốc đang quy hoạch, nghiên cứu, chế tạo nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển đầu tiên. Cuối tháng 2/2016, Ủy ban Phát triển cải cách Trung Quốc, Cục An toàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc và Cục Công nghệ khoa học quốc phòng Trung Quốc cho biết Viện 719 đã nhận được bằng sáng chế “Công trình mô phạm nhà máy điện hạt nhân trên biển” do Cục Năng lượng quốc gia cấp, đây được coi là “giấy thông hành”, văn bản chấp thuận ban đầu của Ủy ban phát triển cải cách quốc gia về việc triển khai công trình nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển. Trong tháng 4/2016, Trung Quốc tuyên truyền cho rằng Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế – IAEA đã thông qua thiết kế nhà máy điện hạt nhân trên biển ACP100 do Tập đoàn Hạt nhân Trung Quốc đề trình và đang xem xét, đánh giá về báo cáo phân tích sơ bộ liên quan vấn đề an toàn của nhà máy điện hạt nhân trên. Trong cùng năm 2016, một số quan chức điện hạt nhân Trung Quốc tiết lộ tiến độ thi công nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển. Theo đó, năm 2016 Trung Quốc hoàn thành thiết kế ban đầu và bắt đầu thi công công trình nhà máy điện hạt nhân nổi ACP100S; năm 2017 hoàn thiện thiết kế thi công hệ thống chủ lực và hạ thủy; năm 2018 hoàn thiện lắp đặt trạm điện hạt nhân; năm 2019 hoàn thành việc chạy thử và đưa vào sử dụng nhà máy điện hạt nhân nổi. Dự kiến Trung Quốc sẽ chế tạo khoảng 20 nhà máy điện trên. Theo Chủ tịch CNNC Tôn Cần, tổng giá thành cho một nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển vào khoảng 3 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 461 triệu USD). Trong năm 2017, hầu như các thông tin về kế hoạch xây dựng trạm điện hạt nhân nổi trên biển của Trung Quốc bị “chìm xuồng”, Trung Quốc hầu như không đề cập bất cứ thông tin, hình ảnh liên quan. Song, Công ty Điện hạt nhân quốc gia Trung Quốc (8/2017) thông báo góp vốn cùng Tập đoàn Quốc Thịnh Thượng Hải, Tập đoàn Đóng tàu Giang Nam, Công ty Điện khí Thượng Hải và Công ty Điện Triết năng Triết Giang thành lập “Công ty TNHH phát triển năng lượng hạt nhân trên biển”. Công ty trên có vốn điều lệ vào 1 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 150 triệu USD), hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo, kinh doanh và quản lý trang bị năng lượng hạt nhân biển. Đây có thể là bước đệm để các công ty Trung Quốc thúc đẩy chế tạo các nhà máy điện hạt nhân nổi. Trung Quốc hiện đã tuyên bố, sau khi thử nghiệm thành công mẫu FNPP đầu tiên ở vùng biển Bột Hải, họ sẽ tính tới việc xây dựng và đưa tới 20 FNPP ra khu vực Biển Đông.
Tuy nhiên, việc nghiên cứu, chế tạo gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc thu nhỏ và làm chủ công nghệ hạt nhân của Bắc Kinh còn hạn chế. Vì vậy, Trung Quốc đã tìm kiếm sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nga – đối tác chiến lược quan trọng của Bắc Kinh và cũng là cường quốc đi đầu về hạt nhân trên thế giới.
Theo giới chuyên gia, Trung Quốc tìm mọi cách phát triển điện hạt nhân trên biển nhằm cung ứng điện cho các hoạt động quân sự mà Trung Quốc mới triển khai trên các đảo ở Biển Đông, nhất là điện năng dành cho hệ thống radar tối tân của Bắc Kinh. Patrick Cronin, Giám đôc Chương trình An ninh châu Á – Thái Bình Dương, tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới từng nhận định, “các nhà máy điện hạt nhân trên biển sẽ giúp quân đội Trung Quốc có nguồn năng lượng bền vững để thực hiện đầy đủ các hoạt động, từ cảnh báo sớm trên không tới các hệ thống điều khiển vũ khí tấn công và phòng thủ, hay chống ngầm”. Theo nhận định của giới chuyên gia, nếu Trung Quốc triển khai một trạm điện hạt nhân ở đảo Phú Lâm sẽ khiến Bắc Kinh giải quyết được nhu cầu điện cho “thành phố Tam Sa”, tạo điều kiện để nước này có thể triển khai được các loại hình radar, tên lửa hiện đại và nâng cao năng lực tác chiến cho hải quân Trung Quốc. Giáo sư Carlyle Thayer, Học viện Quốc phòng Australia cũng từng cảnh báo sau khi Trung Quốc triển khai các nhà máy điện hạt nhân trên biển, Bắc Kinh sẽ viện cớ thực thi các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho những trạm điện trên để tăng cường hiện diện quân sự khiến tình hình khu vực trở nên căng thẳng, mất kiểm soát.
Tác động đối với khu vực
Khu vực Biển Đông là nơi có nguồn tài nguyên dầu khí, băng cháy lớn; có đầy đủ các điều kiện cần và đủ để sản xuất, lắp đặt các nhà máy sản xuất điện từ gió, sóng biển, năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, việc Trung Quốc tuyên bố “chủ quyền” theo “đường 9 đoạn” (chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông) và triển khai các dự án phát triển năng lượng ở trên Biển Đông là vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven Biển Đông. Tòa Trọng tài (7/2016) theo Phụ lục VII của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) đã ra phán quyết khẳng định Trung Quốc không có cơ sở pháp lý, lịch sử để khẳng định chủ quyền ở Biển Đông theo “đường 9 đoạn” và mọi hoạt động của Bắc Kinh trong khu vực biển này đều là vi phạm luật pháp quốc tế. Ngoài ra, Biển Đông hiện đang là điểm nóng về an ninh trong khu vực, cũng như trên thế giới, hiện khu vực này tồn tại tranh chấp chủ quyền giữa 5 nước, 6 bên. Vì vậy, việc Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động sản xuất điện trên biển trong khu vực sẽ khiến căng thẳng gia tăng, đặc biệt là các hoạt động trên của Bắc Kinh sẽ vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven biển.
Không những vậy, Trung Quốc thúc đẩy sản xuất điện trên biển để phục vụ các hoạt động quân sự phi pháp và nhằm ngụy tạo chứng cứ pháp lý, tìm cách khẳng định “chủ quyền” đối với khu vực Biển Đông. Hành động này của Bắc Kinh hoàn toàn đi ngược lại các cam kết song phương, đa phương mà Trung Quốc đã tham gia, ký kết; đồng thời, nó cũng vi phạm nhiều quy định luật pháp quốc tế. Những hành động này góp phần thực hiện kế hoạch quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc, gây ảnh hưởng trực tiếp đối với an ninh, ổn định trong khu vực.