Wednesday, January 8, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTrung Quốc nhắc nhở về Huawei, Pháp hành động giống Anh?

Trung Quốc nhắc nhở về Huawei, Pháp hành động giống Anh?

Đại sứ Trung Quốc nhắn nhủ Pháp có hành động rõ ràng đối với quyết định cấp phép/từ chối Huawei.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp mới đây đã gửi đi một thông báo trên trang điện tử của mình cho rằng cần được làm rõ về thông tin Huawei có thể bị đối xử “đặc biệt” ở quốc gia châu Âu này.

Pháp đang bắt đầu triển khai mạng 5G thế hệ mới. Theo một số tổ chức trong ngành, lập trường của chính phủ Pháp đối với vai trò của Huawei thiếu sự rõ ràng. Tập đoàn Trung Quốc này có thể sẽ phải đối mặt với hạn chế ở một số thành phố, theo một số tờ báo Pháp.

Thông điệp được Đại sứ quán Trung Quốc tại Paris đăng tải nêu rõ: “Nếu, vì lý do an ninh, chính phủ Pháp thực sự phải áp đặt hạn chế lên các nhà cung cấp, họ nên đưa ra tiêu chí minh bạch về vấn đề này và đối xử với mọi công ty như nhau”.

Ngoài ra, cơ quan này khẳng định, nhưng lo ngại về an toàn đối với Huawei là không có cơ sở. “Thiết bị 5G của Huawei luôn luôn an toàn và không có cửa sau” – Đại sứ quán Trung Quốc tại Paris cho biết thêm.

Đại sứ quán Trung Quốc cho biết đã “sốc và lo lắng” vì các bài báo lấy nguồn tin từ những nguồn giấu tên và thân cận trong ngành như vậy, đồng thời nhấn mạnh rằng, trước đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và các quan chức khác trước đây đã bảo đảm mọi công ty đều được đối xử công bằng.

“Chúng tôi không mong chứng kiến sự phát triển các doanh nghiệp châu Âu tại Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng vì phân biệt đối xử chống lại Huawei và chủ nghĩa bảo hộ tại Pháp cũng như các nước châu Âu khác” – thông báo nêu rõ.

Cơ quan an ninh mạng của Pháp, ANSSI, phụ trách kiểm tra thiết bị từ các nhà cung ứng, sẽ công bố báo cáo sơ bộ vào cuối tháng này.

Trước đó, giới chức Pháp từng nhiều lần bày tỏ sẽ không có sự đối xử bất công bằng với các công ty viễn thông nước ngoài.

Hồi tháng 11/2019, phát biểu trên kênh French TV, bà Pannier-Runacher – Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp đã nói: “Hiện tại, có ba nhà sản xuất thiết bị hoạt động tại Pháp. Huawei nắm 25% thị phần, còn lại là Nokia và Ericsson. Samsung chưa hoạt động ở Pháp nhưng đã quan tâm đến 5G. Chính phủ sẽ không loại trừ bất cứ ai. Chúng tôi không đi theo Mỹ. Chúng tôi sẽ xử lý trong từng trường hợp cụ thể”.

Trong một phát biểu tại hội chợ công nghệ VivaTech ở thủ đô Paris, ngày 16/5, ông Macron khẳng định “Quan điểm của chúng tôi là không gây cản trở Huawei hay bất kỳ công ty nào, điều này nhằm mục tiêu bảo đảm đảm an ninh quốc gia Pháp và chủ quyền của Liên minh châu Âu. Nhưng tôi cho rằng việc phát động một cuộc chiến công nghệ hay một cuộc chiến thương mại vào thời điểm hiện tại là không thích hợp”.

Trả lời câu hỏi phóng viên hãng truyền thông CNBC ngày 16/5 về các biện pháp gây sức ép của Mỹ lên tập đoàn viễn thông Huawei, ông Macron nêu rõ, Pháp cũng thực hiện một số lệnh cấm vận song chỉ liên quan tới vấn đề an ninh quốc gia.

Với những phản ứng có phần ủng hộ ở Paris, Huawei năm ngoái cũng đã đệ đơn kiện 3 nhân vật gồm nhà nghiên cứu, phóng viên và chuyên gia mạng không dây đều là người Pháp vì nói trên truyền hình rằng Huawei có quan hệ thân thiết với Chính phủ Trung Quốc, bị nhà nước Trung Quốc kiểm soát, sử dụng để làm gián điệp. Huawei khẳng định những tuyên bố trên hoàn toàn sai sự thật.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi đồng minh cấm Huawei tham gia vào việc triển khai 5G, cho rằng thiết bị viễn thông của họ có chứa các bí mật cho phép Trung Quốc theo dõi các nước khác. Ủy ban Truyền thông Liên bang đã viện dẫn những lo ngại này trong một động thái gần đây nhằm cấm sử dụng các khoản tiền của Quỹ dịch vụ phổ quát để mua thiết bị hoặc dịch vụ từ các công ty được coi là rủi ro về an ninh và ZTE và Huawei là các công ty đầu tiên được đưa vào danh sách.

Trước những lo ngại từ Washington, Anh đã chọn cách trấn an rằng sẽ vẫn cấp phép cho Huawei nhưng ở những bộ phận cốt lõi và hạn chế thiết bị của Huawei được tiếp cận tới những khu vực an ninh nhất định. Hành động của London không được Mỹ bày tỏ thái độ hài lòng.

Trong khi đó, Đức cũng từng thể hiện bàng quan trước các lo ngại từ Mỹ về Huawei. Tuy nhiên, gần đây, các nghị sĩ tại Bundestag đã ngày càng bày tỏ mối lo ngại này hơn, buộc Chính phủ do liên minh bà Angela Merkel lãnh đạo phải xem xét lại các vấn đề an ninh mạng một cách kỹ lưỡng hơn.

Mới đây, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Đức, ông Norbert Roettgen, cũng là một thành viên thuộc đảng của bà Merkel đã đề nghị Mỹ lập đội đối phó với sự thống trị của công ty Trung Quốc Huawei trong thị trường công nghệ viễn thông 5G.

“Cần phải làm rõ rằng điều đó sẽ không xảy ra nếu không có mối đe dọa của cuộc chiến thương mại” – Reuters dẫn lời ông Roettgen phát biểu sau cuộc họp với các quan chức Bộ Ngoại giao và Nhà Trắng.

Tuyên bố của ông Roettgen được cho là một thương thảo nhằm giúp Đức né việc Mỹ sắp tăng thuế quan ô-tô Đức nhập khẩu vào Mỹ, đồng thời vừa giúp Đức đảm bảo an ninh mạng và củng cố vị thế của Mỹ ở nước đồng minh.

Liên minh châu Âu (EU) chỉ đưa ra khuyến nghị các nước thành viên có thể cấm các nhà điều hành viễn thông được cho là tạo ra nguy cơ an ninh trong những thành tố quan trọng của cơ sở hạ tầng mạng 5G. EU không đưa ra lệnh cấm Huawei đối với các thành viên châu Âu.

Huawei đã lên kế hoạch để mở nhiều nhà máy sản xuất ở châu Âu- một quyết định chiến lược cả về kinh tế lẫn tham vọng chiếm lĩnh thị trường 5G ở lục địa châu Âu.

RELATED ARTICLES

Tin mới