Friday, November 15, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTriều Tiên co mình giữa dịch viêm phổi

Triều Tiên co mình giữa dịch viêm phổi

Triều Tiên cắt hoàn toàn giao dịch với Trung Quốc trong nỗ lực quyết liệt chống lại “mối đe dọa sống còn” từ virus corona.

Sau khi dịch viêm phổi bùng phát, Triều Tiên là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới quyết định cấm người nước ngoài nhập cảnh, vốn chủ yếu là các du khách tới từ nước láng giềng Trung Quốc, quốc gia đang quay cuồng vì chủng virus corona mới (nCoV).

Sau khi đóng cửa biên giới với người nước ngoài, Triều Tiên còn thực hiện các động thái quyết liệt như ngừng giao thương với Trung Quốc, đối tác kinh tế chính và đồng minh của họ, đồng thời hạn chế hoạt động ra nước ngoài vì mục đích ngoại giao. Kết quả là Triều Tiên đến nay chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào nhiễm nCoV.

Tuy nhiên, việc co mình lại, tự cắt đứt với thế giới bên ngoài đồng nghĩa với việc Triều Tiên buộc phải chấp nhận mất nguồn thu quan trọng từ ngành thương mại và du lịch xuyên biên giới. Kang Chol-hwan, một người Triều Tiên đào tẩu, cho biết tất cả chuyến tàu dọc biên giới Trung – Triều đều bị hủy, xe tải cũng không được đi qua. Theo Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc có trụ sở ở Seoul, 92% tổng thương mại của Triều Tiên năm ngoái là từ Trung Quốc.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Triều Tiên chưa có ca nhiễm nCoV nào, nhưng Cát Lâm và Liêu Ninh, hai tỉnh của Trung Quốc giáp nước này, tính đến ngày 9/2 có tổng cộng 183 người nhiễm bệnh. Dịch viêm phổi đã xuất hiện tại 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến ít nhất 1.018 người chết và 43.098 người mắc bệnh.

Edwin Ceniza Salvador, đại diện WHO tại Triều Tiên, cho biết tổ chức đang phối hợp với tất cả quốc gia thành viên, bao gồm Bình Nhưỡng, để chống lại virus corona. Ông nói thêm rằng WHO cũng sẽ cử nhân viên y tế đến Triều Tiên, đồng thời cung cấp vật tư như áo choàng, kính bảo hộ và dụng cụ thí nghiệm.

Salvador khẳng định Triều Tiên “đang thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe người dân”. Những “trạm chống dịch” được thiết lập trên toàn quốc. Chính quyền cũng thúc đẩy việc sản xuất khẩu trang và thuốc, thậm chí phát triển một phương pháp điều trị mới nhằm “ngăn chặn hoàn toàn virus lây lan”, truyền thông Triều Tiên cho hay.

Một số nguồn tin am hiểu vấn đề cho biết các nhà ngoại giao nước ngoài ở Bình Nhưỡng nhận được thông báo rằng họ không phép rời khu nhà của mình trong 14 ngày. Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Son-gyong cũng hủy kế hoạch tới Đức để tham dự một hội nghị về an ninh, truyền thông Hàn Quốc đưa tin.

“Triều Tiên đã hoàn toàn tự cách ly mình”, Kang Chol-hwan, người đang giữ chức giám đốc Trung tâm Chiến lược Triều Tiên có trụ sở ở Seoul, nhận định.

Giới chuyên gia cho rằng biện pháp “thu mình vào vỏ ốc” này của Bình Nhưỡng là dễ hiểu bởi hệ thống chăm sóc sức khỏe lạc hậu của Triều Tiên khiến họ khó có thể đối mặt với sự bùng phát của nCoV. Nước này thiếu các nguồn lực để chẩn đoán và điều trị bệnh nhân, trong khi quá trình điều trị bệnh viêm phổi cấp cần những vật tư đắt tiền như máy thở, dịch truyền và thuốc ổn định huyết áp, giảng viên Đại học Y Harvard Kee B. Park cho biết.

“Nếu có một đợt bùng phát dịch lớn làm chao đảo các bệnh viện, họ sẽ cạn kiệt vật tư vô cùng nhanh chóng”, bác sĩ Park, người từng đến thăm các cơ sở chăm sóc sức khỏe của Triều Tiên, đánh giá.

Trong khi đó, Triều Tiên khó có thể nhận hỗ trợ hoặc nguồn vật tư bổ sung từ bên ngoài, do hàng loạt lệnh trừng phạt quốc tế nhắm vào chương trình hạt nhân của nước này. Thêm vào đó, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng chưa chắc chấp nhận hỗ trợ từ quốc tế.

“Đây thực sự là mối đe dọa sống còn với Triều Tiên”, Rodger Baker, phó chủ tịch công ty tư vấn địa chính trị Stratfor của Mỹ, nhận định. “Cấu trúc hệ thống y tế của họ không thể kiểm soát được những thứ như virus corona”. Truyền thông Triều Tiên cũng gọi việc ngăn cản nCoV là “vấn đề sinh tử của quốc gia”.

 Dịch bệnh được WHO tuyên bố là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu này tiếp tục gia tăng gánh nặng lên Kim Jong-un, người vốn đang đối mặt với áp lực vì nền kinh tế đất nước trì trệ. Trong bài phát biểu đầu năm, lãnh đạo Triều Tiên kêu gọi người dân “thắt lưng buộc bụng” và chuẩn bị cho cuộc đấu tranh lâu dài với Mỹ.

Ông Kim cho biết không còn cảm thấy cần ràng buộc với cam kết ngừng thử hạt nhân và tên lửa tầm xa, động thái mà Bình Nhưỡng cho là sự nhượng bộ từ phía họ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều đầu tiên ở Singapore hồi năm 2018. Hai nước không tổ chức cuộc đàm phán cấp làm việc nào kể từ tháng 10 năm ngoái. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng không đề cập đến Triều Tiên trong Thông điệp Liên bang hôm 5/2.

Hồi đầu tháng một, hãng thông tấn trung ương KCNA dẫn lời cảnh báo của ông Kim về việc công bố một vũ khí chiến lược mới trong tương lai gần, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng những tuần gần đây khá “im hơi lặng tiếng”, cũng không tiến hành bất cứ vụ thử vũ khí tầm ngắn nào trong gần hai tháng qua. Truyền thông nước này cũng bớt công kích chính quyền Trump.

Một số chuyên gia theo dõi tình hình Triều Tiên dự đoán Bình Nhưỡng có thể cho ra mắt một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới trong cuộc duyệt binh tháng này, nhằm kỷ niệm ngày thành lập quân đội và ngày sinh Kim Jong-il, cha của Kim Jong-un. Tuy nhiên, mối đe dọa từ nCoV có thể khiến nước này bị phân tâm trong tương lai gần.

“Một chiến dịch khiêu khích và đối đầu đòi hỏi các nguồn lực, thời gian và sự chú ý. Những điều đó giờ đây đều tập trung vào thứ khác”, Gordon Flake, chuyên gia tại Trung tâm Mỹ – Á ở thành phố Perth, Australia, giải thích.

Trong thời gian đại dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) hoành hành hồi năm 2002-2003, Triều Tiên buộc phải cho phép các cơ quan cứu trợ nước ngoài tới nước này để giúp chống lại virus chết chóc. Hoo Chiew Ping, chuyên gia tại Đại học Quốc gia Malaysia, cho rằng sự việc đã khiến Kim Jong-il, lãnh đạo Triều Tiên lúc đó, cảm thấy bẽ mặt.

“Giờ đây, chính quyền Triều Tiên đang cố gắng xây dựng hình ảnh tự cường. Đây là vấn đề mà Kim Jong-un cần tính toán thật cẩn thận”, Ping cho hay.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới