Một hệ thống mới nhằm tạo thuận lợi cho việc tiếp cận tư cách thành viên châu Âu của các nước Balkan lúc này sẽ đánh giá các ứng cử viên về khả năng ‘giải quyết ảnh hưởng xấu của nước thứ ba’.
Quá trình thông tin của Ủy ban châu Âu hiếm khi nhận được sự chú ý của truyền thông quốc tế, ngay cả vào những thời điểm họ không phải dành sự chú ý vào đại dịch hay diễn biến kịch tính của cuộc luận tội tổng thống Mỹ. Phải thừa nhận rằng tài liệu 8 trang được công bố vào ngày 5/2, liên quan đến một hệ thống mới đối với các cuộc đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu, không gây được nhiều sự chú ý.
Con đường gia nhập EU
Ý chính của đề xuất này là nêu ra triển vọng đáng tin cậy cho các nước Tây Balkan gia nhập vào EU. Tài liệu này cũng mang lại một cái nhìn thoáng qua về sự căng thẳng mới về địa chính trị EU.
Nhu cầu ngay lúc này về một động thái như vậy được khởi xướng từ tháng 10 năm ngoái, khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phủ quyết việc bắt đầu các cuộc đàm phán thành viên EU với Bắc Macedonia và Albania. Ông Macron nhấn mạnh rằng quá trình mở rộng của EU cần phải xem xét lại và có sự cải tổ sâu sắc, vì cơ chế hiện tại thiếu hiệu quả. Đề xuất mới lần này nhằm làm giảm bớt những lo ngại của Pháp bằng cách đặt ra các tiêu chí thành viên nghiêm ngặt hơn trong khi vẫn giữ được khát vọng của các nước Tây Balkan trong việc tiếp cận tư cách thành viên EU.
Quá trình sửa đổi này duy trì “củ cà rốt” bằng cách tăng cường độ tin cậy và tính đoán trước của quá trình gia nhập, đồng thời thêm cả “cây gậy” – các biện pháp trừng phạt đối với những nước không đáp ứng yêu cầu của Brussels.
Trong lịch sử của quá trình mở rộng EU, mỗi vòng thêm thành viên mới đều dẫn đến những điều kiện mới và nghiêm ngặt hơn. Khi Anh, Đan Mạch và Ireland gia nhập Cộng đồng châu Âu khi đó vào năm 1973, việc gia nhập của họ dựa trên các tiêu chí kinh tế thuần túy. Vòng gia nhập của khu vực Địa Trung Hải tiếp theo vào những năm 1980, đưa Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha vào EU, lần đầu tiên quy định dân chủ là điều kiện để trở thành thành viên. Tại Hội đồng châu Âu năm 1993 tại Copenhagen, EU đã phác thảo ra các yếu tố thị trường tự do, quản trị dân chủ và thông qua toàn bộ luật pháp EU là bước đệm để trở thành thành viên.
Theo tiêu chí của Copenhagen, đã có sự mở rộng thành viên EU trên diện rộng từ năm 2004 đến 2007, khi các nước từng thuộc Liên Xô cũ như Ba Lan, Hungary tiến vào cùng Malta và Síp.
Phương pháp mới đi theo truyền thống này. Tuy nhiên, trong khi việc điều chỉnh các tiêu chí chính trị, kinh tế và nhân quyền để gia nhập là không đáng ngạc nhiên thì đề xuất này cũng nêu lên sự hội tụ chiến lược với EU là một tiêu chí quan trọng để trở thành thành viên.
Đáng chú ý, đề xuất nêu rõ rằng các quốc gia ứng cử viên cũng sẽ được đánh giá hàng năm về khả năng “xử lý ảnh hưởng xấu từ các quốc gia thứ ba”. Cụm từ này, không được nêu ra ở bất kỳ nơi nào khác trong tài liệu, có nhiều không gian để có thể xem xét giải thích.
Yếu tố Trung Quốc?
Cụ thể, EU nghĩ tới nước nào khi đề cập đến “quốc gia thứ ba”? Lúc này, danh sách các khả năng không hề ngắn. Nga có lẽ đứng đầu danh sách khi họ có liên quan nhiều đến các vấn đề châu Âu. Thổ Nhĩ Kỳ dường như không bị bỏ lại phía sau, không chỉ vì những lý do rất giống Nga mà còn vì sự thất vọng của họ với tham vọng thành viên EU. Tuy nhiên, 1 số tiếng nói ở Brussels rõ ràng có nghĩ tới Trung Quốc – đặc biệt là khi nói tới vùng Tây Balkan.
Trong những năm qua, EU đã liên tục chỉ trích các quốc gia này vì họ tham gia tích cực vào cơ chế hợp tác của Trung Quốc với các quốc gia Trung và Đông Âu. Hiện được biết đến với tên gọi Sáng kiến 17 + 1, sáng kiến này đã dấy lên sự chỉ trích của Ủy ban Châu Âu và các thành viên chủ chốt của EU như Pháp và Đức. Một số chính trị gia châu Âu đã đề cập đến những nước tham gia vào cơ chế 17 + 1 là những con ngựa thành Troia phá hoại sự thống nhất chiến lược của châu Âu. Sự tham gia của các nước phương Tây Balkan trong sáng kiến này là điều quyết định đối với quyết định của EU trong việc gán cho Trung Quốc là một “đối thủ mang tính hệ thống” vào năm 2019. Chỉ ra ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh ở châu Âu, ông Macron tuyên bố vào thời điểm đó là thời kỳ ngây thơ của châu Âu về Trung Quốc nên kết thúc.
Có khả năng tiêu chí tuân thủ chiến lược của EU sẽ trở thành một trong những căn cứ gây tranh cãi nhất trong đánh giá hàng năm đối với các quốc gia ứng cử viên, và không chỉ vì định nghĩa mờ nhạt của nó. Sự giải thích về cụm từ “ảnh hưởng xấu” này có thể khác nhau giữa các quốc gia thành viên, bằng chứng là sự khác biệt lập trường của châu Âu về sự tham gia của Huawei trong việc xây dựng mạng 5G châu Âu. Do đó, đầu tư của Trung Quốc có thể trở thành một yếu tố “được ăn cả, ngã về không” đối với việc các quốc gia Tây Balkan gia nhập EU.
Dưới sự thay đổi “địa chính trị” của Ủy ban châu Âu dưới thời bà Ursula Von der Leyen, EU đã bắt đầu xây dựng các chính sách mới, đề xuất các phạm vi ảnh hưởng của riêng mình. Và trong khi hệ thống mở rộng thành viên mới là “một cây gậy thuận tiện” nhằm vào những quốc gia ứng cử viên được cho là đang tiến gần đến Bắc Kinh, EU dường như hướng đến một lập trường đối đầu hơn với Trung Quốc.