Trong báo cáo tổng kết 5 năm (2013-2018) thi hành Nghị định số 169/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, Bộ Quốc phòng Việt Nam đánh giá tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, các nước trong và ngoài khu vực đẩy mạnh điều chỉnh chiến lược, tăng cường “can dự” vào vấn đề Biển Đông.
Theo báo cáo trên, trong giai đoạn 2013 – 2018, tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, các nước trong và ngoài khu vực đẩy mạnh điều chỉnh chiến lược, tăng cường “can dự” vào vấn đề Biển Đông. Hoạt động của tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam để khai thác thuỷ sản, tài nguyên có chiều hướng gia tăng. Trong khi đó, hoạt động của tổ chức, cá nhân nước ngoài lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập của Việt Nam xuất cảnh, nhập cảnh, ra vào các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, khu chế xuất trong khu vực biên giới biển tiến hành các hoạt động lôi kéo, kích động gây mất ổn định về an ninh trật tự ở khu vực biên giới nhằm chống phá vẫn thường xảy ra.
Liên quan vấn đề an ninh phi truyền thống, Báo cáo đánh giá, tội phạm hình sự, vi phạm hành chính, đặc biệt là tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia như mua bán, vận chuyển ma tuý có vũ khí, mua bán người, buôn lậu, gian lận thương mại, xuất nhập cảnh trái phép, vận chuyển hàng hoá trái phép qua biên giới, vận chuyển và lưu hành tiền giả,… vẫn diễn biến phức tạp. Trên biển nổi lên hoạt động tranh chấp ngư trường, buôn lậu dầu, khoáng sản, tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam, tàu cá Việt Nam vi phạm về khai thác thuỷ sản tại các vùng biển các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực. Bộ Quốc phòng Việt Nam cho rằng các đối tượng thực hiện các vi phạm hành chính với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, cấu kết chặt chẽ thành tổ chức từ nội địa ra biên giới, thậm chí ra ngoài lãnh thổ Việt Nam, triệt để lợi dụng điều kiện tự nhiên ở khu vực biên giới, khoảng trống pháp luật và sơ hở của lực lượng chức năng để thực hiện các hành vi phạm vi phạm. Nhiều hành vi vi phạm liên quan đến hai bên biên giới và trên các vùng biển.
Theo tổng kết của Bộ Quốc phòng, đã phát hiện, xử phạt 17.280 vụ/22.780 đối tượng vi phạm hành chính trên các lĩnh vực Bộ đội Biên phòng có thẩm quyền xử phạt. Tịch thu, tiêu huỷ nhiều tang vật, phương tiện vi phạm và thu nộp ngân sách nhà nước trên 232 tỷ đồng. Ngoài ra đã áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả với 505 trường hợp; áp dụng các biện pháp ngăn chặn, bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính gần 6.500 trường hợp; số vụ chuyển cơ quan khác xử lý trên 1.800 vụ/4100 đối tượng…
Trước đó, trong Sách Trắng quốc phòng Việt Nam 2019 công bố 25/11/2019 nhận định, tình hình Biển Đông thời gian gần đây mặc dù đã có một số chuyển biến tích cực, nhưng có yếu tố gây mất ổn định, căng thẳng vẫn tồn tại và diễn biến phức tạp đang đặt ra những thách thức mới đối với việc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, bảo vệ hoà bình, ổn định của Việt Nam. Sách Trắng nêu rõ, những diễn biến mới trên Biển Đông, trong đó có các hành động đơn phương, áp đặt dựa trên sức mạnh, bất chấp luật pháp quốc tế và các hoạt động quân sự hoá, làm thay đổi nguyên trạng, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam theo luật pháp quốc tế, ảnh hưởng đến lợi ích của các quốc gia liên quan, đe doạ hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trong khu vực. Bên cạnh đó, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, làm cho Biển Đông có thời điểm trở thành “điểm nóng”, thậm chí có nguy cơ dẫn đến xung đột.
Sách Trắng cũng nêu rõ lập trường của Việt Nam về chính sách quốc phòng là Việt Nam không chủ trương tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước để nâng cao khả năng bảo vệ đất nước và giải quyết các thách thức an ninh chung. Tuỳ theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế.
Đáng chú ý, tại lễ công bố Sách Trắng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, một số hoạt động mới xây dựng đảo nhân tạo, quân sự hóa trên Biển Đông đã làm phức tạp hóa tình hình, đi ngược lại quy định của luật pháp quốc tế cũng như những thỏa thuận về hòa bình, an ninh thế giới cũng như châu Á – Thái Bình Dương; nhấn mạnh “quan điểm của Việt Nam là phản đối bất kể quốc gia nào tiến hành quân sự hóa hay có các hoạt động đi ngược lại luật pháp quốc tế, làm phức tạp thêm tình hình. Chúng tôi đấu tranh với những việc này và biện pháp là vừa đấu tranh nhưng vừa hợp tác. Đấu tranh để nêu quan điểm lập trường, nhưng cũng hợp tác để cùng tìm ra lợi ích chung, cùng giải quyết những bất đồng, khác biệt và cùng tạo ra môi trường hòa bình, ổn định”.