Trong bối cảnh ngày càng đến thời hạn Philippines (23/1-23/2) yêu cầu Mỹ khôi phục thị thực cho Thượng nghị sĩ Philippines Bato dela Rosa, nếu không nước này sẽ hủy Thỏa thuận Lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ. Ngoại trưởng Philippines đã đưa ra cảnh báo hành động trên chỉ khiến Philippines gặp khó khăn hơn.
Phát biểu tại phiên điều trần ở Thượng viện, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr (6/2) cho biết, tuy Philippines có quyền hủy bỏ Thỏa thuận Lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ bất kỳ lúc nào, nhưng việc duy trì thỏa thuận được cho là mang lại lợi ích cho Philippines hơn so với bất kỳ lợi ích được dự đoán nếu thỏa thuận bị hủy. Theo đó, nếu Tổng thống Duterte hủy thỏa thuận trên sẽ gây tổn hại an ninh của Philippines và làm gia tăng tình trạng căng thẳng ở Biển Đông. Việc hủy VFA sẽ gây ảnh hưởng cho hơn 300 hoạt động huấn luyện chung và những hoạt động khác với các lực lượng Mỹ “mà quân đội và các cơ quan công lực Philippines cần nâng cao các khả năng của họ trong việc đối phó những mối đe dọa đối với an ninh quốc gia”. Bên cạnh đó, Mỹ đã cung cấp hơn 500 triệu USD trong việc hỗ trợ an ninh Philippines trong giai đoạn 2016-2019 và cảnh báo có thể sẽ có tác động về kinh tế nếu Philippines giảm quy mô liên minh quân sự với Mỹ. Ngoài ra, ông Teodoro Locsin còn cho biết, sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Philippines là lá chắn răn đe đối với những hành động hung hăng ở Biển Đông, giữa lúc có quan ngại Trung Quốc không dừng hoạt động nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý ở vùng biển này.
VFA là Thoả thuận song phương giữa Philippines và Mỹ, với nội dung cho phép quân đội Hoa Kỳ và quân đội Philippines thực hiện các hoạt động huấn luyện chung trên lãnh thổ Philippines. VFA được Thượng viện Philippines phê chuẩn và có hiệu lực từ năm 1999. VFA là văn bản nối tiếp trên tinh thần của Hiệp ước Hỗ tương Quốc phòng (Mutual Defense Treaty – MDT) ký kết 1951 giữa Hoa Kỳ và Philippines. MDT cho phép Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Philippines trong trường hợp Philippines bị xâm lược có vũ trang. Năm 2014, Hoa Kỳ và Philippines cũng ký kết thêm Thoả thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng (Enhanced Defense Cooperation Agreement – EDCA), EDCA có hiệu lực năm 2016.
Tuyên bố huỷ bỏ VFA của Tổng thống Duterte là một hành động “trả đũa” lại Mỹ khi từ chối cấp Visa cho Thượng nghị sĩ Ronald Bato dela Rosa, một “đồng minh” thân cận của Tổng thống Duterte. Mặc dù phía Mỹ không đưa ra lý do bác visa của ông Rosa, nhưng việc từ chối cấp visa của phía Mỹ có liên quan trực tiếp đến việc thực thi Đạo luật Magnitsky. Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng việc yêu cầu đơn phương huỷ bỏ Thoả thuận song phương này phản ánh mối quan hệ càng ngày càng xấu đi giữa chính quyền của Tổng thống Duterte với Hoa Kỳ. Không những vậy, với việc hủy bỏ VFA cũng sẽ có tác động, ảnh hưởng xấu đối với tình hình Biển Đông. Bởi vì Hoa Kỳ có thể phản ứng lại bằng cách xem xét huỷ bỏ các văn bản song phương với Philippines mà hai bên đã ký kết trước đó, bao gồm EDCA và MDT. MDT là Hiệp ước đặc biệt quan trọng với Philippines, vì nó cho phép Hoa Kỳ giúp bảo vệ Philippines trong trường hợp bị tấn công xâm lược. Không những vậy, sự hiện diện của Hoa Kỳ rất cần thiết trong tình hình biển Đông hiện nay, bởi vì nhu cầu gìn giữ khu vực biển Đông thành một khu vực an ninh, ổn định và tự do cần có sự tham gia của Hoa Kỳ – một cường quốc biển. Nếu không có sự hiện diện của Hoa Kỳ thì sự cân bằng quyền lực tại khu vực Biển Đông sẽ bị phá vỡ.