Năm 2019 có tổng cộng có 82 sự cố cướp biển và cướp có vũ trang (gồm 71 sự cố thực tế và 11 sự cố bất thành) đã được báo cáo ở châu Á. Con số này tăng 8% về tổng số sự cố và tăng 15% về số sự cố thực tế được báo cáo so với năm 2018.
Theo thông tin do Đại diện Phòng An toàn – An ninh hàng hải (Cục Hàng hải Việt Nam) cho biết, Trung tâm Chia sẻ thông tin thuộc Thỏa thuận hợp tác khu vực về chống lại cướp biển và cướp có vũ trang nhằm vào tàu tại châu Á (ReCAAP ISC) vừa công bố Báo cáo thường niên về cướp biển và cướp có vũ trang nhắm vào tàu năm 2019. Theo kết quả được công bố, năm 2019 có tổng cộng có 82 sự cố cướp biển và cướp có vũ trang (gồm 71 sự cố thực tế và 11 sự cố bất thành) đã được báo cáo ở châu Á. Con số này tăng 8% về tổng số sự cố và tăng 15% về số sự cố thực tế được báo cáo so với năm 2018. Từ các số liệu trên cho thấy, phần lớn các sự cố được báo cáo là các vụ cướp có vũ trang nhằm vào tàu. Rủi ro cướp biển bắt cóc thuyền viên ở vùng biển Sulu-Celebes và vùng biển ngoài khơi Đông Sabah vẫn ở mức cao. Đáng chú ý là sự gia tăng các sự cố khi tàu hành trình tại eo biển Singapore trong năm 2019. Theo thống kê, đã có 31 sự cố được báo cáo vào năm 2019 tại khu vực này (tăng 24 sự cố so với năm 2018). Ngoài ra, còn gia tăng các sự cố đối với tàu neo đậu ngoài khơi Bandar Penawar, Johor, Malaysia. Trước sự gia tăng các sự cố cướp biển, ReCAAP ISC khuyến nghị các cơ quan thực thi pháp luật ở châu Á tăng cường giám sát, đẩy mạnh hoạt động tuần tra, ứng phó kịp thời với các sự cố do tàu báo cáo. Ngoài ra, ReCAAP cũng đề nghị thuyền trưởng, thuyền viên tăng cường cảnh giác khi cho tàu đi qua các khu vực quan tâm, duy trì cảnh giác liên tục đối với các tàu đáng ngờ trong vùng lân cận, báo cáo tất cả các sự cố ngay lập tức đến Quốc gia ven biển gần nhất và thực hiện các biện pháp phòng ngừa theo hướng dẫn.
Trước đó, Cục Hàng hải Việt Nam (30/12/2019) yêu cầu các Cảng vụ phổ biến đến tất cả thuyền trưởng, chủ tàu, công ty khai thác tàu về diễn biến cướp biển và yêu cầu các thuyền trưởng thực hiện nghiêm kế hoạch an ninh đã được Cục Đăng kiểm phê duyệt; đồng thời khuyến cáo các tàu biển tăng cường biện pháp bảo vệ, kế hoạch an ninh khi hành trình qua khu vực eo biển phía đông Singapore và vùng biển Sulu – Celebes và eo biển Malacca để đảm bảo an toàn cho thuyền viên và tàu.
Theo giới chuyên gia, học giả để ngăn ngừa các vụ cướp biển trong khu vực, thì các nước trong khu vực cần phải hợp tác chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực, cụ thể: Các nước liên quan, nhất là các nước ven Biển Đông cần tăng cường hợp tác, tuần tra song phương, đa phương trong khu vực, trong đó tập trung vào việc chia sẻ thông tin, tình hình cướp biển và cướp có vũ trang; công tác huấn luyện, diễn tập, đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền; thiết lập và duy trì hiệu quả hoạt động của các đường dây nóng giữa lực lượng thực thi pháp luật trên biển của mỗi nước; thiết lập và tăng cường cơ chế tuần tra chung giữa lực lượng thực thi pháp luật trên biển của mỗi quốc gia ở các vùng biển giáp ranh… Không những vậy, các nước cũng cần tăng cường sức mạnh lực lượng tuần duyên, cảnh sát biển, trang bị vũ khí hiện đại như súng máy, trực thăng chiến đấu hạng nhẹ; lắp đặt hệ thống giám sát bờ biển sử dụng radar, trang bị hệ thống nhận dạng tự động, cũng như nhiều thiết bị quản lý hiện đại khác… nhằm bảo đảm lực lượng thực thi pháp luật của mỗi quốc gia có đủ năng lực kiểm soát, kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý các đối tượng có hành vi cướp biển và cướp có vũ trang. Ngoài ra, mỗi quốc gia trong khu vực cần chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các phương thức, thủ đoạn hoạt động của bọn cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền cho các doanh nghiệp và đội ngũ thuyền viên, nhất là thuyền viên các tàu vận tải. Đồng thời, có các khuyến cáo, chỉ dẫn về huấn luyện, các biện pháp phòng vệ, phương án thông tin liên lạc khẩn cấp khi bị cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tấn công; yêu cầu các chủ tàu trang bị hệ thống tự động nhận dạng (AIS); Hoàn thiện cơ chế phản ứng nhanh và cài đặt điểm an toàn xung quanh vùng biển Sabah, điểm nóng của tệ nạn cướp biển trong khu vực Biển Đông; hỗ trợ xây dựng, đào tạo lực lượng, diễn tập để nâng cao trình độ kỹ thuật, khả năng phối hợp chiến đấu.