Ngày 6/2, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin cảnh báo việc Manila chấm dứt hợp tác quân sự với Mỹ mà Tổng thống Rodrigo Duterte đe dọa trước đó, sẽ làm xói mòn an ninh quốc gia, khiến Philippines suy yếu ở Biển Đông vì việc này sẽ thúc đẩy Trung Quốc có thêm các hành động gây hấn ở vùng biển tranh chấp này. Đây không phải lần đầu tiên trong nội bộ chính quyền Philippines xảy ra mâu thuẫn về vấn đề này.
Tổng thống nói một đằng!
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 23/2 đe dọa sẽ hủy Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) nếu phía Mỹ không cấp visa cho Thượng nghị sĩ Philippines Ronald dela Rosa trong vòng một tháng, một đồng minh chính trị của ông Duterte trong bầu cử và chiến dịch chống ma túy. “Nếu các ông không xử lý sự việc, tôi sẽ hủy bỏ VFA. Tôi cho Chính phủ Mỹ thời hạn một tháng, bắt đầu từ bây giờ”, Tổng thống Philippines Duterte nói. Ông Dela Rosa là cảnh sát trưởng quốc gia đầu tiên của Chính phủ ông Duterte trong hơn hai năm. Ông Dela Rosa là người đứng đầu thực hiện chiến dịch truy quét ma túy đầy tranh cãi do ông Duterte phát động năm 2016. Theo thống kê, hàng nghìn người đã bị bắn chết không qua xét xử trong chiến dịch này, khiến Mỹ và nhiều chính phủ phương Tây chỉ trích.
Ngoại trưởng nói một nẻo!
Phát biểu điều trần trước Thượng viện, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin cho rằng “Mặc dù Philippines có đặc quyền chấm dứt Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) bất kỳ lúc nào, việc duy trì được xem là có lợi hơn cho Philippines so với việc kết thúc thỏa thuận”. Ông cũng nhấn mạnh đây là thời điểm “quân đội và các lực lượng chấp pháp Philippines cần tăng cường năng lực chống lại các nguy cơ đối với an ninh quốc gia”. Ngoại trưởng Locsin nêu ra các lợi ích của thỏa thuận VFA giữa Mỹ và Philippines. Thỏa thuận này chính thức có hiệu lực vào năm 1999, cho phép quân đội Mỹ tham gia các hoạt động huấn luyện cùng quân đội Philippines. Theo Ngoại trưởng Philippines, việc chấm dứt VFA có thể ảnh hưởng tới hơn 300 lượt huấn luyện quân sự chung và các hoạt động khác của quân đội Mỹ trong năm nay và tạo ra những tác động tiêu cực lên quan hệ kinh tế song phương. Chấm dứt sự hiện diện của Mỹ còn tạo điều kiện cho các hành động gây hấn trên Biển Đông. Trung Quốc đang liên tục tăng cường các hoạt động quấy rối, đe dọa, bắt nạt đối với các quốc gia ở Biển Đông, bao gồm Philippines, Malaysia và Việt Nam và tiếp tục theo đuổi yêu sách chủ quyền phi pháp đối với phần lớn diện tích Biển Đông. Hơn nữa, trong giai đoạn 2016-2019, Mỹ đã chi hơn 550 triệu USD để hỗ trợ Philippines trong lĩnh vực an ninh. Lầu Năm Góc còn hỗ trợ Philippines trong hoạt động tình báo, viện trợ và huấn luyện chống nạn buôn người, tội phạm mạng, buôn bán ma túy và khủng bố. Cuối cùng, sự hiện diện của Mỹ còn răn đe các hành động gây hấn trong khu vực Biển Đông, Ngoại trưởng Locsin liệt kê.
Giải thích cho tình trạng trên của Chính quyền Philippines
Giới quan sát nhận định trong nội bộ Chính quyền Philippines vẫn đang mâu thuận và tranh cãi quyết liệt về chính sách của Manila với Bắc Kinh và Washington, trong đó giữa đảng cầm quyền với lực lượng đối lập, giữa chính quyền với quân đội, tòa án hay thậm chí ngay trong chính quyền của Tổng thống Duterte như trường hợp giữa ông với Ngoại trưởng Locsin như trên. Phe ủng hộ quan điểm làm thân với Trung Quốc đứng đầu là Tổng thống Philippines Duterte, người được cho là đã làm thay đổi cục diện tranh chấp ở Biển Đông. Ông Duterte đã đưa ra nhiều tuyên bố thể hiện “thiện chí” và quyết tầm “làm bạn” với Trung Quốc bằng mọi giá, bao gồm cả việc chấp nhận nhượng bộ hoặc đánh đổi chủ quyền ở Biển Đông.
Xuất phát từ việc bảo vệ lợi ích và chủ quyền của Philippines trong khu vực, nhiều cựu quan chức Philippines đã thể hiện thái độ bất bình, yêu cầu Chính quyền của ông Duterte phải có những hành động cứng rắn, kiên quyết hơn trước những hành động phi pháp, hiếu chiến của Trung Quốc trên Biển Đông như Cựu Ngoại trưởng PhilippinesAlbert del Rosario. Các quan chức tư pháp của Philippines liên tục đưa ra những tuyên bố chỉ trích hành động “mềm dẻo” của Chính phủ, đồng thời cảnh báo Philippines có thể sẽ mất chủ quyền ở Biển Đông nếu không có các hành động cứng rắn với Trung Quốc như Thẩm phán Toà án tối cao PhilippinesAntonio Carpio. Giới quân sự mặc dù đứng vai trò trung lập song cũng có xu hướng phản đối chính sách kết thân Trung Quốc và xa rời Mỹ của Tổng thống Duterte theo cách đưa ra những thông tin về hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông đe dọa chủ quyền của Philippines hay các hoạt động hợp tác giữa quân đội Philippines với Mỹ. Trong khi đó, người dân Philippines đang ngày càng mất niềm tin đối với Chính phủ trong vấn đề Biển Đông. Hiện khoảng 73% người dân Philippines mong muốn chính quyền Tổng thống Duterte khẳng định các quyền trên biển của nước này ở Biển Đông và không thiện cảm với Trung Quốc.