Không quân Trung Quốc (9/2) đã điều nhiều máy bay quân sự như chiến đấu cơ J-11, máy bay cảnh báo sớm KJ-500 và máy bay ném bom H-6 bay vòng quanh Đài Loan. Hành động trên của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai bờ eo biển đang ngày càng căng thẳng.
Tiêm kích F-16 của Đài Loan (trái) mang tên lửa bay giám sát máy bay ném bom H-6 (phải) của Trung Quốc
Theo thông tin trên, các máy bay quân sự Trung Quốc đã di chuyển ra Tây Thái Bình Dương qua eo biển Bashi lúc 11 giờ trưa ngày 9/2, sau đó quay về qua eo biển Miyako thực hiện huấn luyện đường dài. Người phát ngôn Bộ Chỉ huy Chiến khu miền Đông của quân đội Trung Quốc, Thượng tá Zhang Chunhui cho rằng, đây là hoạt động nhằm kiểm tra khả năng hiệp đồng chiến đấu của nhiều loại vũ khí khác nhau. Việc không quân Trung Quốc bay qua eo biển Bashi và Miyako là tiến hành huấn luyện thực chiến có mục tiêu; tái khẳng định Đài Loan và các đảo phụ thuộc là một phần của lãnh thổ Trung Quốc. Hành trình huấn luyện này là hợp pháp và là một hành động cần thiết đối với tình hình an ninh hiện nay ở eo biển Đài Loan.
Ngay sau khi máy bay Trung Quốc đi vào không phận của Đài Loan, Không quân Đài Bắc đã khẩn cấp cho các máy bay chiến đấu F-16 mang đạn thật xuất kích lên giám sát. Được biết, đây là lần thứ hai máy bay quân sự của Trung Quốc bay qua không phận Đài Loan trong vòng 18 ngày qua. Tuy nhiên, Không quân Đài Loan hiếm khi huy động máy bay F-16 mang tên lửa để giám sát ở khoảng cách gần như vậy. Quân đội Đài Loan tuyên bố, hoạt động của các máy bay Trung Quốc đại lục đã phá hoại an ninh và ổn định của khu vực, gây nguy hại cho việc chung sống hòa bình của tất cả các bên trong khu vực. Họ nhấn mạnh, trước các mối đe dọa khác nhau, quân đội Đài Loan đã nắm bắt được toàn bộ quy trình để bảo vệ an toàn sinh mạng, tài sản của dân chúng.
Trong khi đó, ông Ngô Kiến Trung, Trợ lý giáo sư tại Trung tâm Giáo dục Tổng hợp Đại học Hải dương Đài Bắc (Đài Loan) nhận định máy bay quân sự của Trung Quốc bay vòng quanh Đài Loan là nhằm đáp trả việc ông Lại Thanh Đức, cấp phó của nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đi thăm Mỹ và Đài Loan đây đã xin gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Hành động của Không quân Trung Quốc dường như ngụ ý gây áp lực quân sự và đe dọa Đài Loan. Ông Ngô cho rằng, trong bối cảnh quan hệ hai bên eo biển căng thẳng như hiện nay nên tránh xảy ra những vụ việc máy bay quân sự hai bên bay rất gần nhau như thế.
Được biết, H-6N là biến thể của máy bay ném bom tầm trung chiến lược H-6, được sản xuất dựa trên máy bay Tu-16 của Liên Xô. Máy bay ném bom H-6 có một số phiên bản như máy bay ném bom hạt nhân H-6A, máy bay trinh sát H-6B, máy bay ném bom quy ước H-6C, máy bay ném hạt nhân H-6E, máy bay trang bị tên lửa chống tàu H-6D, máy bay ném bom – tên lửa H-6H, H-6K, máy bay tiếp dầu trên không H-6U, H-6UD, máy bay mang tên lửa chiến lược H-6M. Về cấu tạo, H-6 có chiều dài 34,8m, sải cánh 33m, cao 10,3m; trọng lượng rỗng 37 tấn, trọng lượng cất cánh 76 tấn; vận tốc bay lớn nhất 1.050km/h, có khả năng hoạt động trong phạm vi 6.000km và có khả năng mang 9 tấn vũ khí. H-6N lần đầu tiên bay thử vào cuối năm 2016. Theo trang tin Đa Chiều, H-6N sau khi cải tiến đã được lắp đặt ống nhận dầu phía trên mũi. Các nhà quan sát cho rằng, công nghệ đường ống nhận dầu của H-6N có thể được mô phỏng từ thiết kế đường ống nhận dầu của loại 762 A-50I do Nga thiết kế chế tạo, tương tự như loại sử dụng cho máy bay cảnh báo sớm KJ-500J. Ngoài ra, còn có ảnh vệ tinh cho thấy loại máy bay tiếp dầu trên không cỡ lớn J-20U phối thuộc với H-6N cũng đang được nghiên cứu phát triển. Thông qua việc tiếp nhiên liệu trên không, H-6N sẽ có bán kính tác chiến lớn hơn, ước tính đạt tới 4.000 km, có thể vượt qua chuỗi đảo thứ hai và mang theo lượng bom đạn lớn hơn.
Trong khi đó, F-16 của Đài Loan là máy bay chiến đấu phản lực đa nhiệm vụ do General Dynamics và Lockheed Martin phát triển cho Không quân Mỹ. Được thiết kế như một máy bay chiến đấu hạng nhẹ, nó đã trở thành một loại máy bay chiến đấu đa nhiệm vụ thành công. Về cấu hình, F-16 dài 49 ft 5 in (15.06 m), sải cánh 32 ft 8 in (9.96 m), cao 16 ft (4.88 m), diện tích cánh 300 ft² (27.87 m²), trọng lượng không tải 8.936 kg (19.700 lb), tải trọng 12.003 kg (26.463 lb), trọng lượng cất cánh tối đa 16.875 kg (37.500 lb); động cơ 1 x Pratt & Whitney F100-PW-220 tuốc bin cánh quạt có tăng áp, lực đẩy 64,9 kN (14.590 lbf), lực đẩy có tăng áp 105,7 kN (23.770 lbf); động cơ có thể sử dụng khác 1 × động cơ General Electric F110-GE-100 tuốc bin cánh quạt có tăng áp, lực đẩy 76,3 kN (17.155 lbf), lực đẩy có tăng áp: 128,9 kN (28.985 lbf); tốc độ tối đa Mach 2 (2120 km/h), tầm bay tối đa 1740 hải lý (3200 km bay tuần tiễu); bán kính chiến đấu 550 km (340 dặm, 295 hải lý); trần bay 15.239 m (50.000 ft); tốc độ lên cao 254 m/s (50.000 ft/phút), áp lực cánh 431 kg/m² (88.2 lb/ft²). Đáng chú ý, F-16 trang bị nhiều vũ khí hiện đại, gồm: 1 Pháo nòng xoay 20mm (0.787 in) M61A1 Vulcan, 511 viên; 4 bệ phóng Rocket LAU-61/LAU-68 (mỗi cái với 19/7 × rocket Hydra 70 mm/APKWS, 4 bệ phóng Rocket LAU-5003 (mỗi cái với 19 × rocket CRV7 70 mm), 4 bệ phóng Rocket LAU-10 (mỗi cái với 4 × rocket Zuni 127 mm); Tên lửa không đối không: 2 tên lửa AIM-7 Sparrow, 6 tên lửa AIM-9 Sidewinder, 6 tên lửa AIM-120 AMRAAM, 6 tên lửa IRIS-T, 6 tên lửa Python-4, 6 tên lửa Python-5; tên lửa không đối đất: 6 tên lửa AGM-65 Maverick, 4 tên lửa AGM-88 HARM hoặc AGM-158 JASSM; Tên lửa chống hạm: 4 tên lửa AGM-119 Penguin, 2 tên lửa AGM-84 Harpoon; Bom: 8 quả CBU-87 Combined Effects Munition, 8 quả CBU-89 Gator mine, 8 quả CBU-97 Sensor Fuzed Weapon, 4 quả Bom đa chức năng Mark 84, 8 quả Bom đa chức năng Mark 83, 12 quả Bom đa chức năng Mark 82, 8 quả GBU-39 SDB (SDB), 4 quả GBU-10 Paveway II, 6 quả GBU-12 Paveway II, 4 quả GBU-24 Paveway III, 4 quả GBU-27 Paveway III, 4 quả Bom tấn công trực diện phối hợp (JDAM), 4 quả AGM-154 JSOW, Wind Corrected Munitions Dispenser (WCMD); Bom hạt nhân B61, Bom hạt nhân B83.