Saturday, January 11, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaChia tay với Mỹ, quân đội Philippines rơi vào thế khó

Chia tay với Mỹ, quân đội Philippines rơi vào thế khó

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana (13/2) tuyên bố, Manila sẽ dừng tất cả các hoạt động tập trận chung với Mỹ sau khi Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng (VFA) chấm dứt vào tháng 8 năm nay.

Cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Philippines diễn ra gần bãi cạn Scarborough

Theo ông Delfin Lorenzana, một khi quyết định chấm dứt VFA được thực hiện, Philippines sẽ ngừng các hoạt động diễn tập với Mỹ; cho biết với thông báo chính thức chấm dứt VFA, các hoạt động diễn tập quân sự chung theo kế hoạch với Mỹ sẽ được tiến hành như dự định trong 180 ngày VFA còn hiệu lực. Được biết, VFA được ký vào năm 1998, đã quy định địa vị pháp lý cho quân đội Hoa Kỳ, cho phép tàu chiến, máy bay và binh lính Mỹ luân phiên đồn trú tại Philippines, tham gia các cuộc tập trận quân sự và hoạt động hỗ trợ nhân đạo. VFA đóng vai trò quan trọng đối với quan hệ liên minh Mỹ-Philippines, thiết lập các quy tắc cho binh sỹ Mỹ hoạt động tại Philippines. Nó giúp củng cố mối quan hệ mà Mỹ cho là “vô cùng vững chắc” giữa Washington và Manila, bất chấp sự chỉ trích của ông Duterte đối với Mỹ. Ngoài ra, Thỏa thuận cho phép Mỹ luân chuyển lực lượng thông qua các căn cứ quân sự của Philippines. Nó đã cho phép khoảng 300 cuộc tập trận chung hàng năm giữa quân đội Mỹ và Philippines.

Hàng năm, Mỹ và Philippines có truyền thống tiến hành 3 cuộc tập trận chung quy mô lớn – gồm cuộc tập trận Balikatan (hay Vai kề vai), tập trận CARAT và tập trận PHIBLEX và 28 cuộc tập trận huấn luyện quy mô nhỏ, trong đó có cuộc tập trận giữa hải quân hai nước tại Biển Đông: (i) “Vai kề vai” (Balikatan) được tổ chức vào tháng 4 hàng năm. Cuộc tập trận này được coi là lớn nhất giữa hai nước và có nhiều vũ khí, phương tiện kỹ thuật quân sự hiện đại tham gia. Một lần nữa, các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Philippines gây chú ý về mối quan hệ đồng minh pha trộn nhiều thách thức. Trong năm 2019, theo thông tin từ quan chức Philippines, cuộc tập trận Balikatan có sự tham gia của 4.000 binh lính Philippines, 3.500 binh lính Mỹ và 50 thành viên lực lượng quốc phòng Australia, cùng quan sát viên của 7 quốc gia khác. Cuộc tập trận chủ yếu diễn ra tại hòn đảo Luzon và Palawan. Cuộc tập trận bao gồm các hoạt động đổ bộ, huấn luyện bắn đạn thật, các chiến dịch trong đô thị, hoạt động hàng không và ứng phó chống khủng bố. Tại cuộc tập trận Balikatan năm 2019, cả hai nước đều sử dụng một số thiết bị quân sự hiện đại. Trong đó, Mỹ lần đầu sử dụng máy bay chiến đấu mới F-35B Lightning II kết hợp với tàu tấn công đổ bộ đa năng USS Wasp của Hải quân Mỹ trong cuộc tập trận; đồng thời còn có sự góp mặt của tiêm kích cơ chiến đấu F-18 và máy bay cất cánh thẳng đứng V-22 cùng nhiều loại máy bay khác. (ii) Tập trận “Đổ bộ Philippines-Mỹ” (PHIBLEX) được tổ chức vào Tháng 9. Tham gia cuộc tập trận này có hơn 3.000 lính Mỹ và 1.000 binh lính từ lực lượng hải quân, thủy quân lục chiến Philippines. Cuộc tập trận thường được kéo dài 12 ngày, với nội dung đa dạng như bài tập chỉ huy; diễn tập tác chiến trên thực địa với vũ khí hạng nhẹ và huấn luyện pháo binh bắn đạn thật; hoạt động đổ bộ; cập bờ; huấn luyện phối hợp vũ khí; và các hoạt động dân sự, quân sự. (iii) Diễn tập “Hợp tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu trên biển” (CARAT), thường được tổ chức vào Tháng 6 hàng năm. CARAT Philippines nằm trong khuôn khổ của một loạt cuộc diễn tập mà Hải quân Mỹ tiến hành với 9 quốc gia đối tác ở Nam Á và Đông Nam Á, nhằm giải quyết những ưu tiên an ninh hàng hải chung, tăng cường sự hợp tác trên biển cũng như nâng cao khả năng phối hợp giữa các lực lượng tham gia. Philippines đã tham gia các cuộc tập trận CARAT từ năm 1995. Tại cuộc tập trận trên, Mỹ và Philippines thường huy động các loại trang thiết bị hiện đại như tàu khu trục mang tên lửa USS Stethem (DDG 63), tàu đổ bộ USS Ashland (LSD 48), tàu cứu hộ USNS Salvor (T-ARS-52), máy bay trinh sát P-8 Poseidon và các binh sĩ thuộc các đơn vị hải quân và lính thủy đánh bộ Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Trong khi đó, lực lượng Hải quân Philippines tham gia cuộc tập trận bao gồm tàu hộ tống BRP Gregorio Del Pilar (PF-15) lớp Hamilton, tàu quét mìn BRP Rizal (PS74), tàu đổ bộ hạng nặng (LCH), 1 trực thăng AW109, 1 đội xử lý vật liệu nổ, 1 đội lặn và 1 đại đội lính thủy đánh bộ. (iv) Tập trận tác chiến trên không và trên biển thường niên Kamandag được tổ chức vào Tháng 10 hàng năm. Kamandag được tổ chức lần thứ 3 kể từ năm 2017; cuộc tập trận diễn ra tại một số khu vực thuộc đảo Luzon và đảo Palawan, hướng ra Biển Đông. Nội dung cuộc tập trận chủ yếu phối hợp tác chiến đổ bộ, bắn đạn thật, hoạt động chống khủng bố, hỗ trợ nhân đạo. (v) Diễn tập “Van Cân bằng”, thường được tổ chức vào cuối Tháng 11 đến đầu tháng 12 hàng năm. Cuộc diễn tập diễn ra tại căn cứ huấn luyện quân sự biển ở Puerto Princesa và một doanh trại quân đội tại Rizal ở Palawan. Cuộc huấn luyện nhằm tăng cường năng lực chiến đấu và khả năng tương tác giữa lực lượng đặc nhiệm hai nước.

Ngoài việc diễn tập quân sự chung, trong những năm gần đây Mỹ còn là nhà cung cấp vũ khí, viện trợ lớn nhất cho Philippines. Theo đó, hàng năm, Mỹ cũng đã gửi hàng trăm triệu USD viện trợ quân sự và viện trợ phát triển cho Philippines. Hiện Manila cũng là quốc gia nhận viện trợ của Mỹ nhiều nhất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong khuôn khổ chương trình nhằm giúp các nước mua vũ khí – khí tài do Mỹ sản xuất. Ngoài ra, Mỹ là nhà đầu tư hàng đầu và là đối tác thương mại lớn thứ ba của Philippines. Do đó, việc Philippines quyết định chấm dứt VFA sẽ ảnh hưởng lớn đến năng lực quốc phòng, cũng như khả năng tác chiến của quân đội. Hành động này của Tổng thống Duterte không chỉ khiến Manila rơi vào tình thế khó khăn, thách thức an ninh gia tăng, mà còn khiến xu thế, diễn biến tình hình Biển Đông căng thẳng.

RELATED ARTICLES

Tin mới