Thursday, January 16, 2025
Trang chủĐàm luậnTừ Covid-19, nghĩ về biển Đông

Từ Covid-19, nghĩ về biển Đông

Giá như nhà lãnh đạo cao nhất của TQ cũng có quan điểm khẳng khái, chân thành về trách nhiệm của họ trong vấn đề biển Đông như với chống dịch covid-19 thì biển Đông đã êm ả, bình lặng, chứ không sóng gió, dữ dội như thời gian qua.

Chủ tịch TQ Tập Cận Bình nói về dịch Covid-19

Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp.

Bùng phát ở Vũ Hán. Tâm dịch cũng là Vũ Hán – thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, nhưng, chỉ sau hơn 2 tháng, cái vòi gớm ghiếc của nó đã bò tới hơn 31 quốc gia, vùng lãnh thổ, giết chết 2462 người và làm 78770 người nhiễm bệnh. Số người tử vong và nhiễm bệnh tăng lên hằng ngày bất chấp những biện pháp giám sát quyết liệt trên bộ, trên không, trên biển của mọi quốc gia, đã và đang khiến nhiều người lo lắng về một thảm họa toàn cầu.

Vì lẽ đó, ngày 20/2, tại Vientiane, Lào, đã diễn ra các Hội nghị đặc biệt Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) và Hội nghị đặc biệt các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc về hợp tác ứng phó dịch bệnh Covid-19.

TQ – quốc gia khổng lồ đang quằn quại trong đại dịch.

Tuy nhiên, chính thời khắc khốc liệt, cam go này, TQ đã gồng mình chống chọi, tập trung mọi nguồn lực cần thiết để xây dựng các bệnh viện dã chiến một cách thần, thần tốc để cứu chữa bệnh nhân; phong tỏa, ngăn chặn, khống chế dịch; tăng cường nghiên cứu vắc xin, nghiên cứu phác đồ điều trị…với tiến độ khẩn trương chưa từng thấy.

Trong cuộc chiến khốc liệt đó, đã xuất hiện bao nhiêu tấm gương quả cảm của người TQ, nhất là những thầy thuốc và những người làm trong ngành y.

Đó là hàng nghìn y, bác sĩ tình nguyện đi vào tâm dịch Vũ Hán, trong đó có cả những nhà khoa học hàng đầu tuổi đã rất cao.

Đó là những chuyên gia dịch tễ học đến tận “ổ” con virus corona để tận mắt, tận thấy, phục vụ vụ cho nghiên cứu.

Đó là những lái xe công nghệ tình nguyện đón, đưa các y bác sĩ đến và từ các bệnh viện quá tải.

Không phải họ không biết tới Vũ Hán lúc này đầy hiểm nguy. Tuy nhiên, lương tâm nghề nghiệp đã khiến họ không hề run sợ. Nhiều y bác sĩ , cán bộ kỹ thuật tiếp tục tình nguyện lên đường dù họ biết đã có tới hơn 1.700 nhân viên y tế tại Vũ Hán xác nhận mắc Covid-19; biết có những đồng nghiệp qua đời, trong đó có bác sĩ Liu Zhiming (51 tuổi), lãnh đạo bệnh viện Vũ Hán; cũng như biết còn nữa những đồng nghiệp đang phải cấp cứu trong bệnh viện sau những ngày lăn lộn với bệnh nhân.

“Mẹ đi Vũ Hán đánh quái vật đây! Tiêu diệt xong mẹ sẽ quay lại” – lời Tôn Nham, nữ bác sĩ ở khu tự trị Nội Mông Cổ, nói với con gái 5 tuổi trước lúc lên đường làm nhiệm vụ – có thể coi như tiếng nói đại diện không chỉ cho những thầy thuốc lúc này, mà còn là tiếng lòng của tất cả những người dân TQ.

Nhiều người ví họ như những chiến binh. Bởi, trong cuộc chiến chống dịch thời điểm này, Vũ Hán- nơi có hầu hết số bệnh nhân và số ca tử vong nhiều nhất trong những ngày qua – là chiến trường khốc liệt nhất.

Dù còn vô vàn gian nan, dù đang có những thách thức mới, nhưng cũng đã có những kết quả khả quan: số người nhiễm bệnh ở tâm dịch đang có dấu hiệu giảm trong một số ngày qua; hàng chục nghìn bệnh nhân được xuất viện, những kết quả cụ thể, bước đầu về nghiên cứu lâm sàng, về thử nghiệm văc xin…

Với tinh thần khẩn trương nhất, các nhà khoa học TQ đã nghiên cứu thành công bộ xét nghiệm nhanh virus mới rút ngắn thời gian xét nghiệm xuống chỉ còn vài phút, sử dụng dễ dàng, giúp chẩn đoán, sàng lọc nhanh tại chỗ những người tiếp xúc gần gũi bệnh nhân hoặc người nghi nhiễm COVID-19…

Trong cuộc chiến khốc liệt đó, TQ không đơn độc.

Cả cộng đồng quốc tế đều đã và đang coi cứu chữa người bệnh, ngăn chặn, khống chế dịch là việc quan trọng nhất. Ngay khi dịch bùng phát ở Vũ Hán, ngoài viện trợ tài chính của nhà nước, các tổ chức và cá nhân, đã có nhiều chuyến bay từ Mỹ, Nhật Bản, Iran, Nga, VN… chở trang thiết bị y tế cần thiết nhất đến với TQ.

Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 18/2, cùng với bày tỏ lòng biết ơn tới Nữ hoàng Elizabeth II và Thủ tướng Johnson vì đã dành sự đồng cảm cho TQ trong cuộc chiến chống Covid-19, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đã khẳng định rằng: TQ sẽ cố gắng để giảm thiểu tác động của dịch bệnh, đồng thời kiên quyết tiến hành các nỗ lực kiểm soát và phòng ngừa.

Cũng trong cuộc điện đàm này, người đứng đầu Trung Nam Hải còn khẳng khái ủng hộ quan điểm xây dựng một cộng đồng với tương lai chung của nhân loại: TQ không chỉ có trách nhiệm với sự an toàn và sức khỏe của người dân nước này, mà còn cam kết bảo vệ sức khỏe của cộng đồng quốc tế.

Trong bối cảnh phức tạp của dịch bệnh, câu nói của ông Tập Cận Bình có thể khiến nhiều người cảm động. Với những gì TQ đã làm trong cuộc chiến chống Covid-19, người ta có thể tin vào sự chân thành, khẳng khái của ông Tập Cận Bình trong câu nói trên.

Nhưng cũng từ câu nói đó, người ta bỗng lấy làm tiếc rằng, giá như ông Tập, giá như TQ cũng có quan điểm khẳng khái, chân thành như thế về trách nhiệm của họ trong vấn đề biển Đông thì biển Đông đã êm ả, bình lặng, chứ không sóng gió, dữ dội như thời gian qua.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới