Saturday, November 16, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaVấn đề Biển Đông trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN...

Vấn đề Biển Đông trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN dưới góc nhìn của giới chuyên gia quốc tế

Sau khi Trung Quốc và các nước thuộc ASEAN thỏa thuận văn bản duy nhất về Bộ quy tắc ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông (COC), nhiều người hy vọng năm 2020, Việt Nam, trên cương vị là Chủ tịch ASEAN, đồng thời là nước có chủ quyền lớn nhất trên Biển Đông, sẽ tận dụng cơ hội để cố kết Cộng đồng, hướng theo lợi ích chung, đàm phán cùng phía Trung Quốc, tìm giải pháp thỏa đáng trong vấn đề Biển Đông, giữ gìn hòa bình cho khu vực. Tuy nhiên, cũng có dư luận lại cho rằng, sự khác biệt trong cách tiếp cận của các quốc gia ASEAN trong vấn đề Biển Đông, khiến cho cộng đồng này chưa bao giờ là một khối thống nhất, đến cả tiếng nói trên trường quốc tế cũng thiếu đi sức nặng. Do đó, Việt Nam, dù có làm chủ tịch ASSEAN đi nữa, cũng khó mà làm được gì nhiều cho Biển Đông.

Hầu hết các chuyên gia đều thừa nhận rằng, các nước ASEAN đang có sự chia rẽ trong vấn đề Biển Đông, nên thách thức không nhỏ cho Việt Nam khi đảm đương cương vị Chủ tịch ASEAN là phải đoàn kết, thống nhất các nước có tiếng nói chung trong vấn đề này. Không chỉ có thế, còn nhiều vấn đề khác của Hiệp hội cũng đòi hỏi Việt Nam phải điều hành, thuyết phục, vận động như thế nào để tạo ra sự đồng thuận cao giữa các nước. Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia của Học viện Quốc phòng Australia đã chỉ ra: Việc đầu tiên ngay khi đảm nhận cương vị Chủ tịch là Việt Nam phải tìm ra giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban thư ký ASEAN và bộ máy giúp việc. Lâu nay, cơ quan này của ASEAN dường như “ẩn mình” ở đâu đó, chưa phát huy hết được công năng của một tổ chức phối hợp. Muốn thống nhất thì phải chia sẻ, phối hợp thật tốt với nhau, do đó nếu vai trò của cơ quan này được đẩy lên, tiếng nói của Việt Nam sẽ có trọng lượng hơn. Tiếp theo, Việt Nam sẽ phải thuyết phục lãnh đạo các nước trong Hiệp hội đầu năm 2020, cùng đến thủ đô Washington dự Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Mỹ – ASEAN theo lời mời của Tổng thống Donald Trump. Chưa biết hội nghị này sẽ bàn thảo những gì nhưng chắc chắn không thể không có vấn đề Biển Đông và an ninh khu vực và nếu hội nghị diễn ra, nó sẽ là tín hiệu tốt để Việt Nam tiếp tục lãnh đạo ASEAN ở những tháng tiếp theo.

Cũng có nhiều chuyên gia cho rằng, trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam vẫn là quốc gia chịu áp lực lớn nhất, là nước phải đương đầu trực diện với Trung Quốc trong bảo vệ lợi ích ở Biển Đông. Đặc biệt là sau khi tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc tiến hành khảo sát ngay trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong suốt gần bốn tháng, khiến cho Biển Đông trở thành một “điểm nóng” trong mùa hè 2019. Trong khi các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông khác như Philippines, Malaysia hay Indonesia lại có những cách tiếp cận khác nhau tùy thuộc vào tính toán lợi ích của mỗi nước. Ví dụ như Philippines đang từng bước thực hiện các thỏa thuận thăm dò, khai thác chung dầu khí với Trung Quốc ở Biển Đông tuy chưa có gì là tiến triển. Hay như Malaysia lại cố gắng làm giảm bất đồng và tranh chấp với Trung Quốc xung quanh những vấn đề trên biển hòng nhắm tới tiềm năng kinh tế to lớn của Trung Quốc, những mong nước này hào phóng mở “hầu bao” rót tiền cho những dự án kinh tế đang “đói vốn” của họ. Còn đối với Indonesia, chính quyền của Tổng thống Joko Widodo vừa tái nhiệm vẫn đang mê mải với ước mơ biến mình thành trục chiến lược đường biển quốc tế, nối Thái Bình Dương với Đại Tây Dương nên không khỏi lo ngại bị Trung Quốc “nhãng ra”.

Song, tất cả những thách thức và trở ngại trên so với việc bị mất chủ quyền của từng quốc gia trên Biển Đông sẽ trở nên vô cùng bé nhỏ; việc ngư dân từng nước ven Biển Đông bao đời nay kiếm sống tự do trên vùng biển này, nay phải khép mình loanh quanh đánh cá ven bờ sẽ không thể dễ dàng đánh đổi. Vì thế, tham vọng và những hành động “lấn tới” của Trung Quốc đối với chủ quyền của các nước trên Biển Đông không dễ bị bỏ qua, thủ đoạn “bẻ đũa từng chiếc” của Trung Quốc vẫn cần phải được hóa giải. Dù muốn hay không, Việt Nam cũng vẫn phải tìm cách tranh thủ sự đồng thuận và sức mạnh của cả ASEAN để bảo vệ lợi ích chung và riêng. Các chuyên gia vẫn tin tưởng Việt Nam sẽ tận dụng tốt vai trò lãnh đạo ASEAN để xây dựng tiếng nói chung của khu vực, tạo thành sức nặng đủ buộc Trung Quốc phải cân nhắc khi hành động. Tiến sĩ Collin Koh Swee Lean – chuyên gia của Đại học Công nghệ Nam Dương (Singapore) đánh giá: “Mặc dù ASEAN luôn bị chia rẽ, nhưng Việt Nam có thể tạo ảnh hưởng bằng cách sử dụng các quyền ưu tiên của mình với tư cách là Chủ tịch để định hình các tiếng nói chung và thậm chí có thể đưa ra các sáng kiến khi cần thiết. Ảnh hưởng đó không phải là để nhắm tới các quốc gia thành viên ASEAN khác, mà quan trọng hơn là để ứng phó với Trung Quốc hoặc định hình thái độ của nước này khi đề cập đến vấn đề Biển Đông”. Với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2020, đồng thời là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021, Việt Nam vẫn có cơ hội để giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông một cách hòa bình, tuân thủ theo đúng luật pháp quốc tế.

Thứ nhất, Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2020 để thúc đẩy việc thông qua các điều khoản mà nước này đề xuất trong văn bản duy nhất đàm phán về COC.

Thứ hai, Việt Nam nên hợp tác chặt chẽ với Philippines vì đây là nước đang đảm nhiệm vai trò quốc gia điều phối viên quan hệ của ASEAN với Trung Quốc cho đến năm 2021. Do Bắc Kinh đã phát đi tín hiệu rằng, họ sẽ hợp tác chặt chẽ với Manila. Nếu sự phối hợp giữa nước chủ tịch ASEAN với nước điều phối quan hệ diễn ra nhịp nhàng, Trung Quốc sẽ khó có thể “cả vú lấp miệng em”.

Thứ ba, Việt Nam cần để triển khai các biện pháp thiết thực, hiệu quả nhằm thúc đẩy Cộng đồng an ninh – chính trị ASEAN tiến thêm những bước mới; chủ động định hình diễn tiến, kết quả của các diễn đàn, hội nghị của khu vực trong năm và quan trọng nhất là Hội nghị cấp cao Đông Á. Vì đây là hội nghị quy tụ các nguyên thủ quốc gia của các nước lớn trên thế giới.

Thứ tư, Việt Nam phải kết hợp thật tốt cương vị Chủ tịch ASEAN với vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, vì những vấn đề của khu vực Đông Nam Á, rộng ra là Châu Á – Thái Bình Dương cũng là một phần của chương trình nghị sự toàn cầu. Ngược lại, có những vấn đề của Liên Hợp Quốc không thể không tính đến từng khu vực, cộng đồng quốc gia.

Có thể nói, vấn đề Biển Đông nói chung và hòa bình, an ninh, ổn định của khu vực vẫn thực sự là mối quan tâm của cả cộng đồng quốc tế. Những phân tích và kiến giải của giới chuyên gia đã lượng định, vấn đề Biển Đông trong năm 2020 có nhiều khó khăn, phức tạp đối với ASEAN nói chung, Việt Nam nói riêng. Song hy vọng trên cương vị là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc 2020 – 2021, Việt Nam sẽ tận dụng lợi thế ngoại giao và sự ủng hộ của quốc tế, nỗ lực tối đa, khôn khéo thúc đẩy sự đồng tâm nhất trí trong ASEAN, tạo một tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa trong vấn đề Biển Đông, cũng như tìm kiếm một nền hòa bình, ổn định lâu dài cho khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới