Tuesday, January 7, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaMỹ sẽ triển khai kế hoạch phát triển tàu tuần dương đối...

Mỹ sẽ triển khai kế hoạch phát triển tàu tuần dương đối phó với mối đe dọa an ninh từ Trung Quốc và Nga

Tạp chí Military Watch nhận định, Hải quân Mỹ đang lên kế hoạch khởi động chương trình 5 năm phát triển thế hệ tàu chiến mặt nước hạng nặng thế hệ mới, lớp tàu tuần dương hạm hạng nặng đầu tiên được phát triển sau Chiến tranh lạnh nhằm đối phó với các mối đe dọa an ninh từ Trung Quốc và Nga.

Theo thông tin trên, Hải quân Mỹ đã đề xuất ngân sách khoảng 46,45 triệu USD cho chương trình nghiên cứu phát triển tàu tuần dương thế hệ mới trong năm 2021 và khoảng 150 triệu USD cho năm 2022. Việc Hải quân Mỹ đưa ra đề xuất trên trong bối cảnh lớp tàu tuần dương Ticonderoga duy nhất của hải quân Mỹ không đáp ứng đủ năng lực tác chiến và sẽ cho loại biên trong thời gian tới. Trước đây, việc phát triển tàu tuần dương thế hệ mới của hải quân Mỹ diễn ra tiếp sau sự thất bại của hai chương trình tàu chiến gần đây. Lớp tàu Zumwalt ban đầu nhận đặt hàng 32 chiếc, rốt cuộc chỉ có 3 chiếc được chốt, nhưng hệ thống vũ khí chính phải bỏ vì đội giá quá lớn, trong khi tàu  thiếu tính ổn định, độ tin cậy thấp, gặp nhiều sự cố. Lớp tàu tác chiến ven biển (Littoral Class) cũng gặp phải nhiều vấn đề tương tự, khiến hải quân Mỹ phải lên kế hoạch cho chúng về hưu trước hạn vài thập kỷ.

Theo thiết kế, tuần dương hạm lớp Ticonderoga của Mỹ có chiều dài 173m; rộng 16,8m; lượng giãn nước đầy tải 9.800 tấn. Tàu được trang bị 4 động cơ turbin khí General Electric LM2500 giúp đạt tốc độ tối đa 33,2 hải lý/h, tầm hoạt động 3.300 hải lý, vỏ tàu được trang bị lớp giáp Kevlar tại một số vị trí quan trọng. Ngoài ra đây cũng là lớp tàu chiến đầu tiên của Hải quân Mỹ được trang bị hệ thống Aegis với các radar mảng pha AN/SPY-1 lắp vào phần thượng tầng. Ngoài radar AN/SPY-1, tuần dương hạm lớp Ticoderoga còn được trang bị nhiều loại radar khác như radar cảnh giới đường không AN/SPS-49, radar kiểm soát hỏa lực AN/SPG-62. Vũ khí trang bị trên tuần dương hạm lớp Ticonderoga bao gồm: 2 pháo hạm Mk-45 cỡ nòng 127mm, 8 tên lửa hành trình chống hạm Harpoon bố trí phía sau đuôi tàu. Ban đầu, các tàu lớp Ticonderoga được trang bị 2 bệ phóng Mk-26 với 68 tên lửa phòng không SM-2 nhưng sau này Hải quân Mỹ đã tiến hành nâng cấp khả năng chiến đấu cho con tàu bằng việc thay thế 2 bệ phóng Mk-26 bằng 2 cụm bệ phóng thẳng đứng Mk-41 với tổng cộng 122 ống phóng sử dụng cho nhiều loại vũ khí như họ tên lửa SM (SM-2, SM-3), tên lửa Sea Sparrow, tên lửa hành trình Tomahawk. Ngoài ra, các tuần dương hạm Ticonderoga còn trang bị 2 hệ thống CIWS Phalanx, 2×3 ống phóng ngư lôi Mk-32 cỡ 324mm cùng các tên lửa chống ngầm bố trí trong bệ phóng Mk-41, ở đuôi tàu có sàn đáp và nhà chứa cho trực thăng săn ngầm SH-60B.

Trong khi đó, Nga hiện là quốc gia duy nhất trên thế giới sở hữu 2 lớp tàu tuần dương là tuần dương hạm lớp Kirov và tuần dương hạm lớp Slava. Tuy nhiên, trong 2 lớp tàu này thì tuần dương hạm lớp Kirov vượt trội hẳn về trang bị và hỏa lực so với lớp Slava. Tuần dương hạm lớp Kirov của Nga có chiều dài 252m; rộng 28,5m; lượng giãn nước đầy tải 28.000 tấn. Tàu được trang bị động cơ KN-3 chạy bằng năng lượng hạt nhân cho phép tàu đạt tới tốc độ tối đa 32 hải lý/h, tầm hoạt động không giới hạn khi chạy ở tốc độ 20 hải lý/h, động cơ hạt nhân của tàu được bọc lớp giáp dày 76mm xung quanh. Có kích thước lớn nhất và được bố trí ở phần tháp cao nhất là radar MR-800 Top Pair, ở phần tháp phụ là radar Fregat MR-710, ngoài ra còn có các radar dẫn bắn cho tên lửa chống hạm, tên lửa phòng không (mỗi một loại tên lửa phòng không trên tàu lớp Kirov có một loại radar riêng) cùng các hệ thống gây nhiễu bố trí dày đặc xung quanh. Vũ khí chống hạm trên tuần dương hạm lớp Kirov bao gồm: 1 pháo hạm AK-130 2 nòng cỡ 130mm (tàu Nguyên soái Ushakov trang bị 2 pháo AK-100 thay cho AK-130), 20 tên lửa chống hạm cực kỳ uy lực P-700 Granit bố trí trong các ống phóng thẳng đứng. Các tên lửa P-700 Granit có tầm bắn lên đến 500 km, tốc độ hành trình Mach 2,5 mang đầu đạn thông thường nặng 750 kg hoặc đầu đạn hạt nhân 500 kT. Một tên lửa Granit nếu bắn trúng có thể đánh chìm tàu sân bay của Mỹ. Vũ khí phòng không trên tàu bao gồm: 96 tên lửa phòng không tầm xa của hệ thống S-300F (phiên bản hải quân của hệ thống S-300), 40 tên lửa phòng không tầm ngắn OSA-MA. Ngoài ra, tuần dương hạm lớp Kirov còn được trang bị 6 hệ thống CIWS Kashtan (trên 2 tàu Peter Đại Đế và Đô đốc Nakhimov) hoặc 8 hệ thống CIWS AK-630 (trên 2 tàu Nguyên soái Ushakov và Đô đốc Lazarev), 10 ống phóng ngư lôi cỡ 533mm cùng 2 bệ rocket chống ngầm RBU-6000, tàu có sàn đáp và hầm chứa trực thăng săn ngầm Ka-27 ở đuôi.

Trung Quốc tuy chưa sở hữu tàu tuần dương hạng nặng, song nước này hiện là một trong những nước đang sở hữu nhiều loại tàu chiến hiện đại, có lượng giãn nước lớn, trang bị vũ khí tiên tiến, có khả năng đe dọa trực tiếp đến an ninh của Mỹ. Trong số tàu chiến của Trung Quốc, lớp tàu Type 055 tuy được định danh là tàu khu trục nhưng lượng giãn nước tương đương các tàu Ticonderoga (khoảng 12.000 tấn), tích hợp số lượng ống phóng thẳng đứng tương đương, trong khi đó lại có các cảm biến hiện đại hơn nhiều, có nhiều loại tên lửa đa năng hơn. Type 055 được đóng dựa trên những thành công mà các kỹ sư quân sự Trung Quốc thu hái được trong việc chế tạo lớp tàu khu trục hạng nhẹ Type 052. Cả hai tàu dùng chung công nghệ cảm biến. Tuy nhiên tàu Type 055 được trang bị hệ thống ống phóng thẳng đứng (VLS) với 112 ống, có thể triển khai 10 loại tên lửa cho các mục tiêu tác chiến khác nhau. Trong số các tên lửa mà hệ thống VLS của Type 055 có thể triển khai có tên lửa đối không HHQ-9B được quảng cáo là có năng lực chống tên lửa đạn đạo giai đoạn cuối (tương tự hệ thống phòng không THAAD của Mỹ). Ngoài ra còn có tên lửa chống tên lửa đạn đạo HQ- 26, tên lửa tiên tiến DK-10A Quad đất đối không, cùng tên lửa đa nhiệm tầm xa HQ-10. Điều này về lý thuyết cung cấp cho con tàu khu trục số 1 của Trung Quốc và đội tàu đi kèm năng lực chống lại các cuộc tấn công bằng máy bay và tên lửa. Có thể nói xét theo các chỉ số được công bố, tàu Type 055 có năng lực phòng thủ tên lửa không kém gì các tàu tuần dương của Mỹ. Xét về các tên lửa hành trình chống hạm của tàu Type 055, nhiều trong số này được nói là có tốc độ và tầm bắn ngang ngửa với các loại đang được trang bị cho tàu khu trục và tàu tuần dương của hải quân Mỹ. Ví dụ tên lửa hành trình YJ-18 với tầm bắn 540km, tốc độ Mach 3, tên lửa cận âm YJ-100 chậm hơn nhiều nhưng với tầm bắn tới 1.000km. Các loại vũ khí hiện đại có thể được trang bị trong tương lại là súng điện từ, tên lửa hành trình siêu thanh JY-XX. Theo chuyên gia Collin Koh, Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore cho biết, bên cạnh các tàu sân bay, đây là “tàu chiến mặt nước mạnh nhất của Hải quân Trung Quốc hiện nay”. Ngoài ra, ông Collin Koh lưu ý mặc dù cảng nhà ở tàu Nam Xương ở Thanh Đảo nhưng không có nghĩa nó chỉ được triển khai tới một khu vực nhất định, bởi trước nay các hạm đội của Trung Quốc thường điều động phương tiện tác chiến của mình đi khắp khu vực. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến an ninh, an toàn của tàu chiến Nhật Bản, Mỹ và nhiều nước khi hoạt động trong khu vực Thái Bình Dương. Trong khi đó, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cho rằng, Type 055 sẽ đóng vai trò như một “phương tiện hộ tống mạnh mẽ” cho các tàu sân bay; đồng thời cho rằng con tàu này “rất linh hoạt”, có thể dẫn đầu một biệt đội mà không cần tàu sân bay, để thực hiện “nhiều loại hình nhiệm vụ”.

Nhìn chung, có thể thấy về thông số kỹ thuật cơ bản thì tuần dương hạm lớp Kirov vượt trội rất nhiều tuần dương hạm lớp Ticonderoga, đặt biệt là Kirov được trang bị động cơ chạy bằng năng lượt hạt nhân giúp tàu có tầm hoạt động không hạn chế. Vũ khí trang bị trên tuần dương hạm lớp Kirov rất mạnh với khả năng chống hạm, chống ngầm, phòng không, toàn diện. Bên cạnh đó, tàu Type-055 tuy được định danh là tàu khu trục nhưng lượng giãn nước tương đương các tàu Ticonderoga (khoảng 12.000 tấn), tích hợp số lượng ống phóng thẳng đứng tương đương, trong khi đó lại có các cảm biến hiện đại hơn nhiều, có nhiều loại tên lửa đa năng hơn. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải, cũng như vị thế của mình, Washington buộc phải triển khai các chường trình nghiên cứu, phát triển tàu tuần dương hạng nặng trong thời gian tới.

RELATED ARTICLES

Tin mới