Thursday, January 16, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaCăng thẳng leo thang trên BIển Đông giữa Việt Nam, Malaysia và...

Căng thẳng leo thang trên BIển Đông giữa Việt Nam, Malaysia và TQ

Trang chuyên theo dõi thông tin hàng hải AMTI thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) ở Mỹ trích dẫn ảnh vệ tinh cho biết Malaysia, Việt Nam và Trung Quốc đang điều nhiều tàu cá, tàu chấp pháp hiện diện ở Biển Đông khiến tình hình khu vực trở nên căng thẳng, có khả năng dẫn tới xung đột trên biển.

Theo thông tin trên, từ 21/12/2019 đến nay, Malaysia đã điều tàu khoan West Capella do công ty dầu khí quốc gia Malaysia Petronas thuê công ty Seadrill (có trụ sở ở Anh) đến lô dầu khí ND2 để khai thác ở mỏ khí Lala-1. Đây là khu vực nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Malaysia và nằm trong vùng thềm lục địa mở rộng mà cả Malaysia và Việt Nam đều đòi chủ quyền. Hồi năm 2009, cả hai nước đã đệ trình đòi hỏi chung này lên Liên Hiệp Quốc và xác định đây là khu vực chồng lấn. Vùng biển trên cũng nằm trong cái gọi là “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc tự vẽ ra trên biển Biển Đông.

Để đáp lại động thái này của Malaysia, Trung Quốc ngay lập tức đã điều các tàu hải cảnh lớn có trang bị vũ khí đến để theo sát tàu West Capella. AMTI cho biết Trung Quốc đã điều các tàu hải cảnh có ký hiệu 5403, 5305, 5204 và 5203 đến để đe doạ West Capella. Trong khi đó, Việt Nam cũng gửi các tàu cá đến để theo dõi các hoạt động của West Capella.Phía Malaysia đáp trả bằng cách gửi tàu hải quân có tên lửa dẫn đường KD Jebat cùng hai tàu tuần tra khác đến để bảo vệ West Capella và các tàu hậu cần.

AMTIcho biết, “các tàu của Việt Nam ở vị trí theo dõi và có thể yêu cầu tàu (West Capella) ngừng hoạt động. Các tàu dân quân biển và chấp pháp của Trung Quốc tiếp tục tiếp cận gần đến mức nguy hiểm đối với tàu khoan và các tàu hậu cần, tạo nguy cơ đâm va như những nguy cơ đã xảy ra khi các tàu này hoạt động ở khu vực khai thác dầu khí khác hồi năm ngoái”. Hiện căng thẳng giữa 3 nước vẫn chưa chấm dứt. AMTI cho biết phía Malaysia “dường như” quyết tâm sẽ khoan thăm dò, nhưng hành động từ phía Trung Quốc đã gửi ra một thông điệp là bất cứ hoạt động khai thác thật sự nào từ hai lô ND1 và ND2 sẽ là nguy cơ rủi ro đối với Petronas.

Được biết, vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam và Malaysia tồn tại một vùng biển chồng lấn trên thềm lục địa của hai nước rộng khoảng 2.800 km2. Khu vực này nằm ở cửa vịnh Thái Lan có độ sâu nhỏ, trung bình khoảng 50m, địa hình đáy biển tương đối bằng phẳng. Hai nước Việt Nam và Malaysia đều là thành viên của UNCLOS, cho nên nguyên tắc chung để giải quyết phân định thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế là nguyên tắc công bằng đã được ghi nhận trong các Điều 74 và Điều 83 của UNCLOS. Yêu cầu của thực tế diễn ra đó là hai bên phải tuần tự đàm phán, thu hẹp những bất đồng, nhằm tìm ra giải pháp công bằng mà hai bên có thể chấp nhận.

Trên cơ sở hai nước đều là thành viên của UNCLOS, cho nên cả Việt Nam và Malaysia đều chấp nhận áp dụng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và những quy định của UNCLOS để giải quyết phân định biển. Đầu năm 1992, trong chuyến thăm Kuala Lumpur của Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt, một thoả thuận về tiến hành đàm phán phân định thềm lục địa giữa hai nước đã được thông qua. Tiếp sau đó, từ ngày 03 – 05/6/1992, tại Kuala Lumpur, vòng đàm phán đầu tiên giữa hai nước Việt Nam và Malaysia đã diễn ra và thành công tốt đẹp. Trên cơ sở nội dung của vòng đàm phán đầu tiên đó, hai nước đã từng bước nhất trí thỏa thuận áp dụng nguyên tắc dàn xếp tạm thời được quy định trong Điều 74 và Điều 83 của UNCLOS, đó là ranh giới được vạch ra và ghi rõ trên hải đồ có tỷ lệ thích hợp để xác định vị trí của nó, có trường hợp việc vẽ ranh giới ngoài hay các đường hoạch định này có thể được thay thế bằng các bản kê các tọa độ địa lý các điểm. Trên cơ sở đó hai bên nhanh chóng đi đến thỏa thuận áp dụng mô hình khai thác chung cho vùng xác định trên tinh thần hiểu biết và hợp tác.

Dựa trên tinh thần đó, ngày 05/6/1992, hai nước đã chính thức ký Bản ghi nhớ. Nội dung của Bản ghi nhớ ngày 05/6/1992, đã quy định phạm vi vùng xác định, và hai bên phải cử đại diện của mình để tiến hành các hoạt động thăm dò và khai thác trong vùng xác định và sự hợp tác khai thác đó không làm phương hại đến kết quả hoạch định phân định biển cuối cùng giữa hai nước. Qua việc ký kết Bản ghi nhớ ngày 05/6/1992, có thể thấy Việt Nam luôn là nước đi đầu trong việc áp dụng các quy định của các Điều 74 và Điều 83 của UNCLOS, không chỉ trong phân định biển mà cả trong các biện pháp khai thác chung nguồn tài nguyên biển trong vùng biển có sự chồng lấn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Bản ghi nhớ cũng không giải quyết triệt để được vấn đề phân định biển giữa hai nước Việt Nam và Malaysia. Thực tế cho thấy, hai bên cần phải tiếp tục đàm phán hòa bình và dựa trên nội dung của UNCLOS và Bản ghi nhớ để phân định thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế. Để thực hiện nội dung của Bản ghi nhớ, Việt Nam đã cử Petro Vietnam, Malaysia cử Petronas hợp tác khai thác nguồn dầu khí ở vùng xác định. Ngày 29/7/1997, tấn dầu đầu tiên đã được khai thác tại mỏ Bunga kekwa, sự kiện này đã đánh dấu thành công lớn cho cả hai bên trong quản lý, hợp tác khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như đóng góp kinh nghiệm quý báu để giải quyết các tranh chấp khác. Do khoảng cách giữa bờ biển và các đảo của hai bên chưa tới 400 hải lý, nằm trên một thềm lục địa thuần nhất và hơn nữa yêu sách của hai bên đều dựa trên đường trung tuyến, tức là dựa trên tiêu chuẩn khoảng cách bờ biển của hai quốc gia, cho nên có thể sử dụng một đường phân định đơn nhất làm ranh giới cho cả vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hai nước.

Việc chia đôi thuần tuý diện tích vùng chồng lấn trên biển hiện có giữa hai bên là một giải pháp phân định công bằng dễ chấp nhận. Sau một thời gian dài đàm phán, ngày 06/5/2009, Việt Nam và Malaysia đã phối hợp trình Báo cáo chung về khu vực thềm lục địa kéo dài liên quan đến hai nước lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc. Sự kiện này đã thể hiện tinh thần hòa bình giải quyết quan điểm những bất đồng mâu thuẫn về vùng biển chồng lấn giữa hai nước và còn được xem là một mẫu mực trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa các nước láng giềng trong khu vực Biển Đông.

Thời gian gần đây, Malaysia liên tục có các động thái mới liên quan vùng biển chồng lấn ở Biển Đông. Theo đó, Malaysia (12/12/2019) đã nộp đơn yêu cầu xác lập thềm lục địa mở rộng trên Biển Đông. Ủy ban về giới hạn thềm lục địa (CLCS) cho biết, đây là bản đệ trình cho phần còn lại của thềm lục địa Malaysia nằm ngoài 200 hải lý ở phía Bắc Biển Đông. Theo Quy tắc về thủ tục của CLCS, sự kiện này sẽ được thông báo cho tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, cũng như các quốc gia đã ký kết UNCLOS. Yêu cầu nói trên của Malaysia sẽ được ghi vào chương trình nghị sự kỳ họp thứ 53 của Ủy ban tại New York từ ngày 06/7 – 21/8/2021. CLCS có chức năng đưa ra các khuyến nghị cho các quốc gia ven biển về thềm lục địa mở rộng, và tư vấn nếu có yêu cầu. Các ranh giới được thiết lập trên cơ sở những khuyến nghị này được chính thức công nhận.

Trước hành động trên của Malaysia, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng (09/01) cho biết Việt Nam bảo lưu quyền chủ quyền với thềm lục địa mở rộng bên ngoài 200 hải lý ở Biển Đông như đã nêu trong công hàm gửi Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa (Liên Hợp Quốc) năm 2009; đồng thời nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Là quốc gia thành viên của Công ước Luật biển 1982, Việt Nam được hưởng đầy đủ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia với các vùng biển của mình được xác lập trong Công ước Luật biển.

RELATED ARTICLES

Tin mới