Friday, January 17, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaHội nghị các Quan chức cấp cao APEC lần thứ nhất: “Tối...

Hội nghị các Quan chức cấp cao APEC lần thứ nhất: “Tối ưu hóa tiềm năng con người hướng tới tương lai vì sự thịnh vượng chung”

Trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị các Quan chức cấp cao APEC lần thứ nhất (SOM 1), các nước đã tổ chức nhiều hội thảo, đối thoại chính sách quan trọng, trong đó có Đối thoại nhiều bên cao cấp về Tầm nhìn APEC sau năm 2020.

Từ ngày 20-22/2, diễn ra Hội nghị các Quan chức cấp cao APEC lần thứ nhất (SOM 1) và các cuộc họp liên quan tại thành phố Putrajaya, Malaysia. Hội nghị có sự tham dự của 21 thành viên APEC, Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC), Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (PECC), Ban Thư ký ASEAN và Ban Thư ký APEC quốc tế. Malaysia đã chọn chủ đề cho năm 2020 là “Tối ưu hóa tiềm năng con người hướng tới tương lai vì sự thịnh vượng chung” với 3 ưu tiên gồm tăng cường thương mại-đầu tư, tham gia kinh tế bao trùm thông qua công nghệ và kinh tế số, và thúc đẩy phát triển bền vững mang tính sáng tạo. 

Tại Hội nghị SOM 1, Chương trình nghị sự được Malaysia xây dựng dựa trên 3 ưu tiên của năm APEC 2020, trong đó tập trung thảo luận các vấn đề chính như thúc đẩy Hội nhập kinh tế khu vực (REI), tổng kết hoàn thành các Mục tiêu Bogor, xây dựng Tầm nhìn APEC sau năm 2020, các văn kiện quan trọng và công tác chuẩn bị cho loạt hội nghị Bộ trưởng về Thương mại (MRT) và Du lịch (TMM) trong tháng 4/2020 và Cải cách cơ cấu (SRMM) vào tháng 8/2020. 

Về thúc đẩy Hội nhập kinh tế khu vực (REI), các SOM đã thảo luận về những đóng góp của APEC cho hệ thống thương mại đa phương (MTS) trong bối cảnh kỷ niệm 25 thành lập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12 (MC 12) đang đến gần; tiến độ xây dựng báo cáo tổng kết hoàn thành mục tiêu Bogor về thương mại – đầu tư tự do và mở; thực thi Kế hoạch chi tiết về Kết nối APEC 2015-2025 trong kỷ nguyên số (Blueprint 2.0); cập nhật tiến độ triển khai các chương trình làm việc hướng tới hiện thực hóa Khu vực Thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP); tình hình thực thi Lộ trình Cạnh tranh dịch vụ APEC (ASCR) và Lộ trình APEC về Kinh tế mạng và kinh tế số (AIDER) được thông qua năm 2017 tại Việt Nam. Các sáng kiến thúc đẩy chương trình nghị sự về kinh tế và công nghệ số là nội dung nghị sự được các thành viên đặc biệt quan tâm. 

Trước đó, tại SOM 1 năm 2019 ở thủ đô Santiago (Chile, 23/2 – 8/3/2019), với sự tham dự của 21 thành viên APEC, Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC), Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (PECC) và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Ban Thư ký APEC. Trong khuôn khổ Hội nghị, chủ nhà Chile cũng đã tổ chức nhiều nhiều hoạt động quan trọng như cuộc họp SOM về Kết nối, Nhóm Chỉ đạo SOM về Hợp tác kinh tế – kỹ thuật (SCE) Nhóm Tầm nhìn APEC (AVG), các Hội nghị của Ủy ban Kinh tế (EC), Ủy ban Thương mại – Đầu tư (CTI), Ủy ban Ngân sách và Quản lý (BMC), Nhóm Công tác về dịch vụ (GOS), Nhóm Chuyên gia về đầu tư (IEG), Nhóm Tiếp cận thị trường (MAG)… Chủ đề của năm APEC 2019 tại Chi-lê là “Kết nối con người, vun đắp tương lai” với 4 ưu tiên: Xã hội số; Hội nhập 4.0; Phụ nữ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng trưởng bao trùm; Tăng trưởng bền vững.

Năm APEC 2019 đã đạt được một số kết quả quan trọng. Thứ nhất là thông qua ba lĩnh vực dịch vụ ưu tiên thúc đẩy, gồm quy định trong nước về dịch vụ, Chỉ số APEC và đi lại của nhân tài nhằm tạo thuận lợi cho dịch vụ và cạnh tranh. Thứ hai là đưa ra và thống nhất ba lộ trình là phụ nữ và tăng trưởng bao trùm; chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không được quản lý và xử lý rác thải đại dương. Thứ ba là thành lập Nhóm chỉ đạo về kinh tế số chủ trì thực thi Lộ trình cạnh tranh dịch vụ APEC và Lộ trình APEC về kinh tế mạng và kinh tế số được thông qua năm 2017 tại Việt Nam. Thứ tư là xây dựng và thông qua Kế hoạch chiến lược APEC nhằm thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị toàn cầu giai đoạn 2020-2025.

Thành lập tháng 11/1989, APEC là một diễn đàn kinh tế mở, nhằm xúc tiến các biện pháp kinh tế, thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa các nến kinh tế thành viên trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện trong khi thực sự mở cửa đối với tất cả các nước và khu vực khác. Hiện nay, APEC có 21 thành viên chiếm khoảng 52% diện tích lãnh thổ, 59% dân số, 70% nguồn tài nguyên thiên nhiên trên thế giới và đóng góp khoảng 57% GDP toàn cầu và hơn 50 % thương mại thế giới. Nội dung hoạt động xoay quanh 3 trụ cột chính là tự do hoá thương mại và đầu tư, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, và hợp tác kinh tế kỹ thuật với các chương trình hành động tập thể (CAP) và chương trình hành động quốc gia (IAP) của từng thành viên. Nói cách khác, mục tiêu của APEC không phải là để xây dựng một khối thương mại, một liên minh quan thuế hay một khu vực mậu dịch tự do như kiểu EU, NAFTA hay AFTA, mà là một diễn đàn kinh tế mở, nhằm xúc tiến các biện pháp kinh tế, thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa các nến kinh tế thành viên trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện trong khi thực sự mở cửa đối với tất cả các nước và khu vực khác.

Là Diễn đàn phát triển năng động nhất trên thế giới, APEC ngày càng tỏ rõ sức sống mạnh mẽ sau 31 năm tồn tại và phát triển, góp phần thúc đẩy mở cửa và hợp tác về kinh tế – thương mại giữa các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương và hình thành cơ chế buôn bán mở toàn cầu. APEC sẽ tiếp tục thúc đẩy ba trụ cột hợp tác, đi theo lộ trình đã đặt ra nhằm thực hiện mục tiêu Bogor, với ưu tiên hàng đầu là ủng hộ hệ thống thương mại đa biên, xây dựng môi trường kinh doanh an toàn, minh bạch và thuận lợi cho doanh nghiệp.

Trong bối cảnh toàn cầu hoá và Kinh tế mới cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin như hiện nay, các Nhà Lãnh đạo APEC nhận thức rõ sự cần thiết phải tập trung nhiều hơn vào các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật nhằm giảm khoảng cách về phát triển trong APEC, giúp các thành viên đang phát triển theo kịp xu thế phát triển của kỷ nguyên công nghệ thông tin. Thông qua các Hội nghị cấp Bộ trưởng về vấn đề Phát triển nguồn nhân lực, nhiều dự án được thực hiện hướng vào mục tiêu thu hẹp khoảng cách về kỹ thuật số, giúp các thành viên đang phát triển thực hiện các Hiệp định của WTO. Trong những năm tới, bên cạnh việc chú trọng vào chương trình thuận lợi hoá thương mại và đầu tư, chương trình hợp tác kinh tế kỹ thuật cũng sẽ được đẩy mạnh hơn trong các hoạt động của APEC. Bên cạnh đó, trong bối cảnh thế giới đang thay đổi sâu sắc, chủ nghĩa khủng bố và sự gia tăng của các mối đe dọa phi truyền thống đang đặt ra những thách thức mới cho môi trường kinh doanh, đầu tư trong khu vực, APEC ngày càng quan tâm đến các vấn đề an ninh, chính trị, đẩy mạnh hợp tác về an ninh con người, chống tham nhũng, minh bạch hoá, an ninh con người. Tuy nhiên, hầu hết các thành viên APEC vẫn cho rằng cần phải duy trì bản chất hợp tác kinh tế cũng như những nguyên tắc cơ bản của diễn đàn này. Với sự ra đời của Hội nghị Cấp cao Đông Á, các thành viên phát triển như Mỹ, Australia, Nhật càng quan tâm tới APEC, nâng cao cam kết với Diễn đàn này để làm đối trọng với Hội nghị Cấp cao Đông Á. APEC cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy tiến trình cải cách APEC theo hướng hiệu quả, năng động hơn và tăng cường tính liến kết nhằm giúp APEC vượt qua thách thức, nắm bắt các cơ hội trong môi trường thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng.

RELATED ARTICLES

Tin mới