Tuesday, January 14, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaThủ tướng Mahathir Mohamad từ chức và xu thế điều chỉnh chính...

Thủ tướng Mahathir Mohamad từ chức và xu thế điều chỉnh chính sách của Malaysia trong vấn đề Biển Đông

Sau nhiều đồn đoán, Thủ tướng Mahathir Mohamad (24/2) chính thức nộp đơn từ chức lên Quốc vương Malaysia. Việc ông Mahathir Mohamad từ chức sẽ có tác động, ảnh hưởng đến chính sách của Malaysia trong vấn đề Biển Đông.

Văn phòng Thủ tướng Malaysia cho biết, đơn từ chức của Thủ tướng Mahathir Mohamad đã được gửi tới Quốc vương Malaysia vào lúc 13 giờ ngày 24/2 (theo giờ địa phương). Hiện chưa có thông tin chi tiết được đưa ra trong thông báo. Quyết định từ chức bất ngờ của Thủ tướng Mahathir được công bố sau khi có nhiều đồn đoán nói rằng một liên minh cầm quyền mới sẽ được thành lập giữa các đảng tại Malaysia. Bên cạnh đó, ông Mahathir cũng rút khỏi vị trí Chủ tịch đảng Đoàn kết người Mã Lai bản địa (Bersatu) – đảng do ông sáng lập và lãnh đạo. Ngoài ra, Bersatu cũng quyết định rút lui khỏi liên minh Hy vọng (PH) cầm quyền tại Malaysia. Toàn bộ các thành viên tại Hạ viện đã rút khỏi PH do đã cam kết ủng hộ ông Mahathir.

Sau khi nhận được đơn từ chức của ông Mahathir Mohamad, Quốc vương Malaysia Abdullah Sultan Ahmad Shah đã chấp thuận đơn từ chức của Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, song vẫn chỉ định ông Mahathir tiếp tục nắm giữ cương vị này cho đến khi có thủ tướng mới và thành lập Nội các.

Kể từ khi lên cầm quyền đến nay, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad là người theo chủ nghĩa dân tộc, có quan điểm, chủ trương bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia. Liên quan vấn đề Biển Đông, ông Mahathir Mohamad cho rằng Biển Đông nên là một vùng biển hợp tác, kết nối và xây dựng cộng đồng, không phải là nơi đối đầu hay xung đột; Không phải đe dọa quân sự mà tham vấn ngoại giao mới là chìa khóa để xử lý và giải quyết bất cứ tranh chấp liên quốc gia nào ở Đông Á cũng như những nơi khác; Tất cả các nước, dù lớn hay nhỏ, đều được hoan nghênh đóng vai trò xây dựng trong một cộng đồng Đông Á rộng mở thông qua sự hội nhập và tạo thành thị trường lớn hơn, nhưng lợi ích của các nước yếu hơn phải được tôn trọng, bảo vệ và hoàn thiện.

Không những vậy, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã nhiều tuyên bố, hành động cụ thể khẳng định sẽ làm hết sức để bảo vệ chủ quyền, lợi ích của Malaysia ở Biển Đông và phản đối các hành động phi pháp, đe dọa sử dụng vũ lực hay quân sự hóa trong khu vực, cụ thể: Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (14/8/2018) tuyên bố Malaysia “ủng hộ việc các tàu biển, kể cả chiến hạm, di chuyển qua Biển Đông, nhưng phản đối việc triển khai lực lượng đóng quân tại đó”; lên tiếng cảnh báo việc quân sự hóa trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông có thể sẽ gây nên chạy đua vũ trang không lành mạnh. Ông Mahathir cũng tố cáo Mỹ can thiệp vào các tranh chấp thuần túy của châu Á với việc thường xuyên cho tàu chiến, máy bay triển khai hoạt động cũng như việc Trung Quốc cho tàu tuần tra trong vùng. Ian Storey, chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông, cho rằng ông Mahathir sẽ cứng rắn với các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông hơn so với người tiền nhiệm, vốn bị coi là nhượng bộ Bắc Kinh và Malaysia sẽ quyết tâm cao để bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước này trên Biển Đông. (2) Ông Mahathir Mohamad tuyên bố, Trung Quốc cần tôn trọng quyền tự do đi lại trên Biển Đông của tàu bè tất cả các nước và Trung Quốc chớ nên gây căng thẳng không cần thiết ở vùng biển này. (3) Ngoài ra, ông Mahathir Mohamad cũng đang tìm cách giảm sự ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nền kinh tế Malaysia bằng cách tăng cường hợp tác với các nước (ASEAN, Mỹ và Nhật Bản) và xem xét, hủy một dự án do các công ty Trung Quốc tài trợ. Hành động này của Malaysia có thể sẽ góp phần thúc đẩy nước này có thái độ cứng rắn hơn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Trong chuyến thăm Trung Quốc 5 ngày (17-21/8/2019), Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã tuyên bố hủy bỏ dự án đường sắt cao tốc và hai đường ống dẫn năng lượng trị giá 22 tỷ  USD với Trung Quốc. Theo tính toán của các chuyên gia, chỉ riêng việc phá vỡ hợp đồng dự án Đường sắt bờ biển phía Đông (ECRL), phía Malaysia sẽ phải bồi thường cho các công ty Trung Quốc khoảng 5,5 tỷ USD.

Trong gần hai năm trở lại đây, Malaysia đã có những bước điều chỉnh cách tiếp cận trong vấn đề Biển Đông, theo đó nước này thể hiện thái độ cứng rắn, quyết tâm cao trong việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của Malaysia ở Biển Đông; Thúc đẩy phối hợp với các nước liên quan tranh chấp chủ quyền trong khu vực và kêu gọi ASEAN đóng vai trò dẫn dắt và chủ động trong việc xử lý mọi tình huống trên Biển Đông. Bên cạnh đó, Malayia cũng tìm cách thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các nước lớn trong cả lĩnh vực chiến lược và kinh tế. Điều này được thể hiện bằng việc Malaysia cam kết duy trì sự trung lập và kêu gọi sự tham gia của tất cả các tác nhân, đồng thời nhấn mạnh vai trò của việc tham vấn, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN cũng như mở rộng chủ nghĩa đa phương của tổ chức khu vực này trên nhiều tầng nấc. Không những vậy, Malaysia còn tăng cường hợp tác, giao lưu hải quân với các nước trong khu vực và trên thế giới nhằm thúc đẩy sự tin cậy chính trị, nâng cao năng lực hải quân và khả năng ứng phó với những tình huống đột xuất trên biển; Tìm cách ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. 

Thời gian tới, sau khi ông Mahathir Mohamad chuyển giao quyền lực cho Nội các mới, Malaysia sẽ có điều chỉnh chính sách, cách tiếp cận mới trong vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, xét tổng thể, sự điều chính chính sách của Malaysia cũng không ngoài mục đích bảo vệ quyền, lợi ích của nước này ở Biển Đông, đồng thời tìm cách cân bằng quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, cố gắng hạn chế, ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trong EEZ, song cũng tránh đối đầu trực diện với Bắc Kinh trên Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới