Sunday, January 12, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaAustralia “tiến thoái lưỡng nan” khi hợp tác với Mỹ duy trì...

Australia “tiến thoái lưỡng nan” khi hợp tác với Mỹ duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông

Mặc dù không phải là quốc gia nằm cận kề với Biển Đông, không có yêu sách chủ quyền tại Biển Đông, nhưng Australia, quốc gia nằm ở tận Nam Thái Bình Dương lại có những lợi ích vô cùng thiết thực tại vùng biển này. Chính vì vậy, những năm gần đây, Canberra đã gia tăng mạnh mẽ tuyên bố và hành động, cả đơn phương, song phương và đa phương để bảo vệ lợi ích của mình trước những diễn biến phức tạp trên Biển Đông.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, những lợi ích “sát sườn” của Australia đều xoay quanh các vấn đề chủ yếu là: 1/ Vị trí địa chiến lược của Biển Đông đối với Australia khi vùng biển này tiệm cận với Nam Thái Bình Dương; 2/ Tầm quan trọng về địa – chính trị của Australia gắn với tư duy “Hướng về châu Á” ngày càng rõ nét của quốc gia này trong thế kỷ XXI; 3/ Mối quan hệ đan xen về lợi ích và chiến lược của Australia với các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương, trong đó quan hệ giữa Canberra với ASEAN và các cường quốc như Mỹ và Trung Quốc là quan trọng nhất. Chưa nói đến, chỉ riêng lợi ích kinh tế liên quan đến Biển Đông đã khiến Australia phải quan tâm đặc biệt đến tự do thương mại và tự do hàng hải tại khu vực này vì hàng năm, có tới hơn 60% lượng hàng xuất khẩu và 40% lượng hàng nhập khẩu của Australia theo các tuyến hàng hải đi qua Biển Đông.

Bởi vậy, những hành động “bành trướng” trên biển của Trung Quốc trong những năm gần đây, đặc biệt là việc lấn chiếm, tôn tạo các bãi đá và tiến hành “quân sự hóa” các thực thể chiếm đóng ở Biển Đông, đe dọa đến tự do hàng hải của khu vực buộc Australia phải ngày càng thể hiện vai trò tích cực hơn trong vấn đề Biển Đông. Canberra đã thường xuyên lên tiếng công khai yêu cầu các quốc gia, các bên tôn trọng luật pháp quốc tế và tự do hàng hải trên Biển Đông, đồng thời chủ động triển khai các hành động đơn phương nhằm duy trì tự do hàng hải. Theo đó, với lý do các tuyến hàng hải tự do và rộng mở ở Biển Đông là đòi hỏi cấp thiết đối với sự phát triển thịnh vượng của Australia, bất cứ thế lực nào thống trị quân sự đối với Biển Đông đều khiến cho Australia bị tổn thương, ngay từ những năm 1980 đến nay, Australia đã và đang một mình tiến hành các chiến dịch giám sát trên không mang tên Wateway tại Biển Đông. Mặc dù không tiến hành các chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) như Mỹ, song Australia thường xuyên tiến hành các cuộc tuần tra hiện diện hải quân, tập trận và thăm viếng hải quân với các nước trong khu vực. Thậm chí, Australia còn điều hàng chục lần/chiếc máy bay trinh sát đến hoạt động gần khu vực quần đảo Trường Sa, có tuần 1 – 2 lần/chiếc.

Song dường như chỉ có vậy là không đủ vì tình hình Biển Đông vẫn căng thẳng, phức tạp kéo dài. Australia buộc phải tính tới con đường hợp tác với các nước khác, trong đó có Mỹ, nhằm duy trì tự do hàng hải trên Biển Đông. Điều trên đúng theo logic tự nhiên và cũng hoàn toàn phù hợp với lợi ích quốc gia của Australia, phù hợp với vị thế của nước này trong mối quan hệ đồng minh với Mỹ. Bởi lâu nay, Australia chính là đồng minh chính thức quan trọng của Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong quá khứ, Australia luôn sát cánh cùng Mỹ, Anh trong hai cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất, thứ hai và trong các cuộc xung đột ở nhiều nơi trên thế giới. Ngày nay, vai trò của Australia trong hệ thống đồng minh của Mỹ ở khu vực ngày càng được coi trọng, nhất là sau khi Mỹ công bố chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, trong đó một trong những nội dung trọng tâm của chiến lược này là Mỹ kêu gọi các đồng minh cùng đối tác trọng yếu như Nhật Bản, Australia và Ấn Độ tham gia bảo đảm tự do hàng hải, trong đó có khu vực Biển Đông.

Gần đây, Australia đã cùng Mỹ và cộng đồng quốc tế tích cực lên tiếng ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông, lên án hành động gây căng thẳng trong khu vực. Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 22 đến ngày 24/08/2019, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và trao đổi về tình hình Biển Đông. Hai bên đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các diễn biến trên Biển Đông, bao gồm cả việc bồi đắp và “quân sự hóa” các cấu trúc đang tranh chấp. Đồng thời cũng bày tỏ quan ngại trước các hành động cản trở các dự án dầu khí được triển khai lâu nay ở Biển Đông. Đặc biệt, phía Australia đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không, tuân thủ luật pháp quốc tế và duy trì một trật tự dựa trên luật lệ; kêu gọi các bên tự kiềm chế và tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình. Thủ tướng Scott Morrison khẳng định tầm quan trọng của việc các quốc gia tiếp tục giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Ông còn kêu gọi Bộ Quy tắc ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc (COC) cần tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982, không làm tổn hại đến lợi ích của các bên thứ ba hoặc quyền của các quốc gia theo luật pháp quốc tế, và ủng hộ cấu trúc khu vực bao trùm hiện nay.

Sau chuyến thăm và những tuyên bố liên quan đến Biển Đông của Thủ tướng Scott Morrison không lâu, ngày 26/08/2019, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về “sự can thiệp mang tính cưỡng ép” của Trung Quốc đối với hoạt động khai thác dầu khí vốn đã tồn tại từ lâu của Việt Nam ở Biển Đông và những hành động liên tục vi phạm trật tự quốc tế dựa trên các nguyên tắc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper khẳng định: “Thông qua những hành động khiêu khích liên tục để khẳng định yêu sách đường chín khúc, Bắc Kinh đã cản trở các nước thành viên ASEAN trong việc tiếp cận nguồn dự trữ năng lượng có thể tái tạo trị giá hơn 2.500 tỷ USD, đồng thời góp phần gây ra sự bất ổn và gia tăng nguy cơ xung đột. Hành vi này trái ngược hoàn toàn với trật tự dựa trên luật lệ mà tất cả các nước đã cùng nhau xây dựng trong hơn 70 năm qua”. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng nêu rõ, những hoạt động này mâu thuẫn trực tiếp với những cam kết của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phương Hòa tại Đối thoại Shangri-La 2019 rằng, Trung Quốc sẽ đi theo “con đường phát triển hòa bình”. Những hành động của Trung Quốc là đi ngược với tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trong đó các quốc gia lớn, nhỏ được bảo đảm chủ quyền, không bị ép buộc và có thể theo đuổi tăng trưởng kinh tế phù hợp với các quy tắc và chuẩn mực quốc tế đã được công nhận.

Những tuyên bố không hẹn mà gặp của Thủ tướng Scott Morrison và Bộ trưởng Mark Espe cho thấy, hai bên đã có sự “đồng thanh tương ứng” với nhau về vấn đề này. Hợp tác Mỹ – Australia trong duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông sẽ đáp ứng cho lợi ích của cả hai nước.

Trong khi Australia vẫn còn lưỡng lự với hoạt động FONOP đơn phương, song phương hay “án binh bất động” thì truyền thông quốc tế đã loan tin, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố, Mỹ sẽ triển khai tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất tại châu Á, trong đó không loại trừ việc đặt tên lửa tại Australia. Sau cuộc họp Ngoại giao – Quốc phòng (2+2) cấp bộ trưởng giữa Mỹ và Australia ngày 04/08/2019, ông Esper khẳng định, Mỹ là quốc gia Thái Bình Dương nên sẽ không thể làm ngơ trước việc Trung Quốc nỗ lực sử dụng sức mạnh để thay đổi hiện trạng khu vực, đồng thời cho biết, các đồng minh của Mỹ cũng có cùng quan điểm. Ngoại trưởng Australia Marise Payne tiết lộ, Mỹ có kế hoạch chi hơn 200 triệu USD để mở rộng căn cứ hải quân ở Darwin, nơi mà hiện đang có 2.500 lính thủy đánh bộ Mỹ đồn trú. Giới chuyên gia nhận xét, nếu Mỹ triển khai các tên lửa đến miền Bắc Australia, thì các căn cứ quân sự ở miền Nam Trung Quốc sẽ nằm trong tầm bắn của các tên lửa Mỹ với khoảng cách từ Darwin đến Thượng Hải chỉ khoảng 5.000km, còn tới các cơ sở quân sự mà Trung Quốc triển khai trái phép trên Biển Đông chỉ khoảng 3.000km. Động thái trên cho thấy, Mỹ rất coi trọng Australia trong chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” nói chung, trong việc bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông nói riêng.

Tuy nhiên, sự thúc ép và lôi kéo của Mỹ có thể khiến cho Australia rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, thậm chí giới phân tích Australia còn lo ngại Canberra rơi vào trạng thái “mơ hồ chiến lược”. Với vai trò là đồng minh thân cận nhất của Mỹ trong khu vực, Australia sẽ chịu sức ép ngày càng lớn từ Mỹ trong việc tăng cường sự hiện diện thực tế trên Biển Đông, nhưng nước này vẫn chưa tìm ra đối sách phù hợp. Điển hình là vấn đề có nên tham gia FONOP cùng Mỹ ở Biển Đông hay không. Một mặt, Australia lo ngại sẽ bị Mỹ “bỏ rơi” nếu không sát cánh cùng đồng minh, nhưng mặt khác cũng “phấp phỏng” lo ngại về khả năng bị lôi kéo vào một cuộc xung đột gây tổn thất khó lường. Một thành viên thuộc Ủy ban An ninh – Quốc phòng và Đối ngoại của Nghị viện Australia thừa nhận điều này khi cho rằng, Australia tham gia FONOP có thể sẽ khiến “gã khổng lồ” châu Á “nổi giận”. Lo ngại này là có cơ sở bởi Australia có quan hệ rất mật thiết với Trung Quốc về kinh tế. Kim ngạch thương mại hai chiều với Trung Quốc chiếm gần 12% GDP của Australia, tương đương 200 tỷ USD. Chỉ cần một cái “hắt hơi” của nền kinh tế Trung Quốc cũng đủ khiến cho kinh tế Australia lao đao. Các chuyên gia dự báo, những khó khăn của Trung Quốc hiện nay với kịch bản xấu nhất có thể làm giảm một nửa tăng trưởng GDP của Australia, kéo theo đó là hơn nửa triệu người lao động Australia mất việc làm. Nếu căng thẳng giữa hai nước xảy ra, Trung Quốc có thể sử dụng nhiều biện pháp trả đũa gây thiệt hại cho Australia. Trên thực tế, sau khi Australia loại Tập đoàn Huawei của Trung Quốc khỏi dự án phát triển mạng 5G của nước này từ tháng 02/2019, Bắc Kinh đã gây khó khăn đối với mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Australia là than đá. Số than đá của Australia không thể thông quan tại một số cảng của Trung Quốc chiếm tới 13% lượng xuất khẩu than đá của nước này, có thời điểm lên đến 15 triệu tấn. Ngoài ra, Trung Quốc có thể hạn chế nhập khẩu nhiều mặt hàng khác của Australia, cắt giảm đầu tư vào nền kinh tế Australia, hay chỉ đơn giản nhất là cắt giảm số lượng sinh viên Trung Quốc tới Australia du học. Tất cả các biện pháp như vậy đều trực tiếp đánh vào túi tiền của người dân Australia.

Dù vậy, đứng trước nguy cơ Trung Quốc ngày càng có nhiều hoạt động nhằm thực hiện ý đồ “độc quyền” kiểm soát Biển Đông, xâm phạm chủ quyền và lợi ích của các nước không chỉ trong khu vực, mà còn cả các nước ngoài khu vực, trong đó có lợi ích của Australia. Với tư cách là đồng minh quan trọng của Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, luôn kiên định ủng hộ việc Mỹ giữ vai trò lãnh đạo trật tự Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, lại được sự cổ vũ của chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Mỹ, Canberra có thể gia tăng sự ủng hộ và phối hợp với hoạt động của Washington tại Biển Đông. Nhiều chuyên gia dự đoán, việc hai nước triển khai hoạt động chung ở Biển Đông chỉ là vấn đề thời gian. Song, do Australia có mối quan hệ kinh tế, thương mại khá gần gũi với Trung Quốc, nên việc hợp tác với Mỹ trong đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông buộc Australia phải có sự tính toán, tìm giải pháp phù hợp với chính sách “ngoại giao phòng ngừa” mà Canberra đã chọn, để vừa đảm bảo duy trì mối quan hệ đồng minh thân thiết với Mỹ, vừa có thể đối phó hiệu quả hơn với sự “lấn lướt” của Trung Quốc trong các vấn đề liên quan đến lợi ích của Australia.

RELATED ARTICLES

Tin mới