Monday, November 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaĐánh giá từ giới chuyên gia về mục đích, nội dung, kết...

Đánh giá từ giới chuyên gia về mục đích, nội dung, kết quả chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Mỹ Donald Trump

Ngày 24/2, Tổng thống Mỹ D.Trump đã có chuyến thăm lịch sử đến Ấn Độ kéo dài 36 giờ. Mặc dù chỉ mang tính biểu tượng nhiều hơn là các thỏa thuận thực chất, nhưng giới chuyên gia cho rằng mục đích kép của chuyến thăm là khẳng định quan hệ Mỹ-Ấn, mở rộng đối tác để đối phó với Trung Quốc và Nga, đồng thời gia tăng cơ hội tái đắc cử cho bản thân ông D.Trump.

Những gì mà hai nước thể hiện trong chuyến thăm

Lãnh đạo và người dân Ấn Độ đã dành cho Tổng thống D.Trump một cuộc tiếp đón mà gần như ông chưa từng thấy trong nhiều chuyến công du nước ngoài. Tại nhiều nơi, chào đón Tổng thống Mỹ là các cuộc biểu tình lớn và cái bắt tay lạnh nhạt của nhiều lãnh đạo thế giới. Còn tại Ấn Độ, lãnh đạo Mỹ được chào đón nồng nhiệt từ sân bay. Thành phố Ahmedabad náo nhiệt hẳn lên khi Tổng thống D.Trump tới. Đường phố chật cứng người dân chỉ mong nhìn thấy ông D.Trump. Khắp nơi là hàng trăm bảng quảng cáo khổng lồ in hình Tổng thống D.Trump và Phu nhân. Trên 100.000 người đã ngồi chật kín sân vận động cricket lớn nhất thế giới chờ màn xuất hiện của Tổng thống Mỹ. Đây có lẽ là số khán giả lớn nhất từng tập hợp để nghe Tổng thống D.Trump phát biểu.

Gần như tất cả mọi người trong sân vận động đều đội mũ lưỡi trai in tên sự kiện “Namaste, Trump”, có nghĩa là trịnh trọng hoan nghênh Tổng thống Trump. Cả trăm nghìn người đã hoan hô vang dội chào đón Tổng thống Trump và Thủ tướng nước chủ nhà Narendra Modi. Tổng thống D.Trump cùng Đệ nhất Phu nhân Melania cũng tới thăm nhà của vị lãnh tụ độc lập dân tộc Ấn Độ Mohandas Gandhi và ngôi đền Taj Hahal nổi tiếng.

Trong chuyến thăm Ấn Độ, Tổng thống D.Trump đã không tiếc lời ca ngợi cả Thủ tướng Modi và nền dân chủ Ấn Độ, nhất là nỗ lực đưa người dân thoát đói nghèo. Ông D.Trump nói: “Ấn Độ mang hy vọng cho cả nhân loại. Quốc gia của ngài đang làm rất tốt. Chúng tôi rất rất tự hào về Ấn Độ”.

Những mục đích về mặt chính trị

Với Mỹ, chuyến thăm Ấn Độ lần này phản ánh chiến lược vận động tái tranh cử của Tổng thống D.Trump, nhằm thể hiện hình ảnh của ông trong vai trò tổng thống trong một chuyến đi dù ngắn nhưng được chuẩn bị kỹ lưỡng. Truyền thông Mỹ đánh giá đây là chuyến thăm được tính toán để đối trọng với cuộc so kè giữa các ứng cử viên Dân chủ trong bầu cử sơ bộ đang diễn ra. Từ đó, đội ngũ của ông có thể tận dụng các hình ảnh trong chuyến đi cho các quảng cáo sắp tới trong chiến dịch tái tranh cử. Các phụ tá của Tổng thống D.Trump cũng cho rằng chuyến thăm Ấn Độ có thể giúp ông thu hút hàng chục nghìn cử tri Mỹ gốc Ấn trước cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. Với chuyến thăm Ấn Độ, Tổng thống D.Trump có thể tập trung vào nỗ lực tái tranh cử và cải thiện hình ảnh ở đất nước đông dân. Đây là một thay đổi đáng mừng với Tổng thống D.Trump. Cộng đồng Ấn Độ 4,5 triệu người ở Mỹ không phải là thành phần bỏ phiếu chính với Tổng thống D.Trump. Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ (2016), người Mỹ gốc Ấn thường bỏ phiếu cho ứng viên Dân chủ và chỉ 16% cộng đồng này bỏ phiếu cho ông D.Trump. Hơn một nửa cộng đồng là người Hindu và có xu hướng bỏ phiếu cho phe cánh tả ở Mỹ. Tuy nhiên, họ là cộng đồng giàu có và học vấn cao, trong đó có những người ủng hộ trung thành với Tổng thống Mỹ. Trước đó, Tổng thống D.Trump cũng nỗ lực hướng tới cử tri Mỹ gốc Ấn. Hồi tháng 9/2019, ông đã xuất hiện cùng Thủ tướng Modi trong một sự kiện lớn ở Houson mang tên “Howdy Modi” (Hoan nghênh Modi) và tuyên bố: “Ngài không bao giờ có người bạn tổng thống nào tốt hơn là Tổng thống Donald Trump”. Có thể chính vì điều này mà Mỹ không đặt nặng vấn đề có đạt kết quả là các thỏa thuận thương mại với Ấn Độ hay không. Điều tương tư mỗi khi Tổng thống Mỹ công du các nước.

Với Ấn Độ: (1) Thứ nhất, Thủ tướng Ấn Độ Modi cũng coi chuyến thăm của lãnh đạo Mỹ là một thời cơ quan trọng trong bối cảnh ông chưa thể thực hiện cam kết tranh cử là tạo công ăn việc làm. Ông Modi thể hiện bản thân là người bạn tốt nhất của lãnh đạo Mỹ và được Tổng thống Mỹ ủng hộ. Sự ủng hộ của lãnh đạo Mỹ mang lại nhiều lợi ích cho Thủ tướng Modi. Mặc dù chiến thắng vang dội trong tổng tuyển cử Ấn Độ (2019), nhưng Thủ tướng Modi bị phản đối mạnh mẽ vì nhiều sửa đổi gây tranh cãi về quyền công dân mà các nhà phê bình cho là nhằm vào người Hồi giáo. (2) Thứ hai, việc tăng cường quan hệ với Mỹ cũng giúp nước này triển khai hiệu quả chính sách “Hành động hướng Đông” mà mục tiêu là nhằm đến cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc. Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của quan hệ quốc tế khu vực là sự mở rộng ảnh hưởng ngày càng lấn lướt của Trung Quốc, thậm chí còn đe dọa cả khu vực Ấn Độ Dương. Lợi ích của Ấn Độ đã bị đe dọa trong nhiều vụ việc cụ thể như hoạt động khai thác dầu khí ở Biển Đông. (3) Thứ ba, rõ ràng là bài toán kinh tế và nhu cầu khẳng định vị thế. Ấn Độ đã chính thức trở thành nền kinh tế lớn thứ 8 và là quốc gia đông dân số thứ hai của thế giới sau Trung Quốc. Với vị thế như vậy, việc Ấn Độ tìm kiếm mối quan hệ ngang bằng và được Mỹ tôn trọng là điều cần thiết cho Ấn Độ lúc này.

Kết quả đạt được trong chuyến thăm

Dù rất hoành tráng, song chuyến thăm chính thức Ấn Độ đầu tiên của Tổng thống D.Trump tới nay vẫn thiếu thành quả thực chất. Thỏa thuận thương mại Mỹ-Ấn được nhiều người mong chờ dự kiến là trọng tâm của chuyến thăm. Tuy nhiên, đàm phán đã bế tắc quanh vấn đề thuế quan và kiểm soát giá. Quan điểm “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống D.Trump đã xung đột với chủ trương bảo hộ “Sản xuất tại Ấn Độ” của Thủ tướng Modi. Trước chuyến thăm, ông D.Trump cũng không có kỳ vọng về thỏa thuận thương mại với Ấn Độ. Ông nói: “Chúng ta có thể có thỏa thuận thương mại với Ấn Độ, nhưng tôi thực sự sẽ để dành thỏa thuận lớn cho sau này”. Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Ấn (USIBC) cho biết rất thất vọng vì thỏa thuận thương mại là bất khả thi trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống D.Trump. Ông nói: “Chuyến thăm của Tổng thống có thể là xúc tác để hành động về vấn đề thương mại. Chúng tôi đã từng hy vọng chuyến thăm sẽ thúc đẩy hai bên tìm điểm chung và đạt thỏa thuận”. Theo Chủ tịch USIBC Nisha Biswal, thất bại trong đạt thỏa thuận thương mại, kể cả thỏa thuận hạn chế, sẽ gửi tín hiệu xấu tới ngành công nghiệp và nhà đầu tư ở cả hai nước. Do không đạt được thỏa thuận song phương nào đáng kể, chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Trump vẫn bị coi là mang tính hình thức hơn thực chất.

RELATED ARTICLES

Tin mới